Saturday, January 15, 2011

Quản lý chất lượng trong giáo dục đại học (2): Các phương thức triển khai

Trong bài viết hôm trước (bài số 1) tôi có đưa định nghĩa về QM lấy từ trang web của ISO 9001 như sau:

Quality management. All activities of the overall management function that determine quality policy objectives and responsibilities; and implement them by means such as quality planning, quality processes, quality control, quality assessment, and quality improvement within the quality system.
QLCL là tất cả mọi hoạt động trong chức năng quản lý tổng quát nhằm xác định các mục tiêu của chính sách và trách nhiệm liên quan đến chất lượng; đồng thời triển khai những chính sách và trách nhiệm này bằng các phương tiện như kế hoạch chất lượng, các quy trình chất lượng, kiểm soát chất lượng, đánh giá chất lượng, và cải thiện chất lượng, tất cả nằm trong một hệ thống chất lượng.

Như có thể thấy, định nghĩa này khá tổng quát nên có thể áp dụng cho cả các ngành công nghiệp/kinh doanh lẫn giáo dục đại học. Tuy nhiên, khi triển khai các hoạt động cụ thể liên quan đến chất lượng trong hai khu vực công nghiệp/kinh doanh và giáo dục đại học thì sẽ có thể có những khác biệt, dẫn đến việc mỗi khu vực có thể sẽ phù hợp với một phương thức triển khai khác nhau, do bản chất của các khu vực hoạt động này khá khác nhau.

Kenny (2006) trong bài viết có tựa là "The quality movement discourse in the higher education sector - A general review" đã đưa ra 3 phương thức (mode) triển khai các hoạt động liên quan đến chất lượng mà tác giả gọi là phương thức đánh giá chất lượng (QAmnt mode), phương thức đảm bảo chất lượng (QAnce mode), và phương thức cải tiến chất lượng (QE mode). Theo tác giả, 3 phương thức này cũng tương ứng với 3 phương thức đang được áp dụng trong công nghiệp/kinh doanh, dù đôi khi tên gọi có khác nhau. Những khác biệt trong tên gọi giữa 2 bên được nêu dưới đây:

Trong công nghiệp/kinh doanh ta có các thuật ngữ: QC kiểm soát chất lượng, QAnce đảm bảo chất lượng, và QI cải thiện chất lượng; trong giáo dục đại học ta có 3 thuật ngữ tương ứng là QAmnt đánh giá chất lượng, QAnce đảm bảo chất lượng (giống nhau), và QE cải tiến chất lượng.

So sánh 3 phương thức nêu trên về mục đích và trọng tâm:

1. Về mục đích:
- QC hay QAmnt tức kiểm soát CL hoặc ĐGCL nhằm kiểm tra/thanh tra các hoạt động với mục đích sửa sai.
- QAnce tức ĐBCL nhằm dự đoán và ngăn ngừa các lỗi lầm
- QI hoặc QE tức cải thiện hoặc cải tiến CL nhằm cải thiện hoặc tạo ra những thay đổi căn bản

2. Về trọng tâm:
- QC hay QAmnt có cái nhìn hướng nội và tập trung vào quá khứ (những gì đã làm theo mục tiêu nội bộ)
- QAnce tập trung vào hiện tại và có cái nhìn cả hướng nội lẫn hướng ngoại (những gì đã làm theo mục tiêu nội bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng)
- QI hoặc QE tập trung vào tương lại và nhắm đến nhiều đối tượng/môi trường đa dạng, phức tạp (những gì sẽ làm nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiều bên liên quan trong môi trường cạnh tranh và có nhiều thay đổi bất ngờ)

(Theo Yorke 1997:145, dẫn lại theo Kenny 2006:7; địa chỉ web: http://ssrn.com/abstract=944768)

Một điểm khác biệt lớn giữa 2 khu vực là giáo dục đại học luôn đòi hỏi sự tự chủ của cơ sở đào tạo và tự do học thuật của các giảng viên/ nhà khoa học, trong khi công nghiệp/kinh doanh thường đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ các nhà quản lý. Vì vậy, việc áp dụng nguyên xi các nguyên tắc, phương pháp và công cụ của QM trong công nghiệp/kinh doanh vào trong GDĐH sẽ không thể suôn sẻ, thuận lợi.

Dựa trên thực trạng quản lý chất lượng tại Anh Quốc, tác giả Kenny trong bài viết đã đãn nêu trên đặt ra những vấn đề còn đang trong vòng tranh cãi và cần được giải quyết như sau:

1. Phải chăng việc rà soát chất lượng (quality review) đã tước đi quyền tự chủ của trường đại học và chuyển cho bộ phận rà soát chất lượng ở bên ngoài nhà trường?
2. Mục đich chính của rà soát chất lượng là nhằm giám sát hoạt động và trách nhiệm giải trình hay là nhằm hỗ trợ và thúc đẩy cải tiến?
3. Quá trình rà soát sẽ tạo ra tác động tích cực hay tiêu cực lên quan hệ giữa sinh viên và giảng viên và/hoặc lên quá trình phát triển nội dung chương trình?
4. Rà soát chất lượng sẽ thúc đẩy việc xiết chặt quản lý hay thúc đẩy sự hợp tác đồng nghiệp giữa các giảng viên/nhà khoa học? (dịch thoát ý: foster managerialism or collegiality)

Đây cũng là những câu hỏi cho bất cứ một quốc gia nào đang cố gắng đổi mới quản lý giáo dục theo hướng nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo, trong đó có VN. Theo Kenny, phương thức cuối cùng (QE) sẽ là phương thức tốt nhất để áp dụng trong giáo dục đại học. Nhưng làm sao để áp đụng được phương thức này, đó lại là một vấn đề khác cần được các nhà lãnh đạo và quản lý đại học trả lời.
---
References

1. Kenny, Aidan. "The quality movement discourse in the higher education sector - A general review". Level 3, No. 4, August 2006. Available at SSRN: http://ssrn.com/abstract=944768

Yorke, M. (1997) ‘The Elusive Quarry, Total Quality in Higher Education’, Tertiary
Education and Management, 3 (2): 145–156. Available at Jessica Kingsley
publications, UK.

No comments:

Post a Comment