Wednesday, January 5, 2011

"Chất lượng đào tạo SĐH" (3): Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng

Tác giả: W. G. Tierney, University of Southern California
Người dịch: Nguyễn Quang Tiến
Biên tập ngôn ngữ và hiệu đính: Vũ Thị Phương Anh

Chú thích: để cho dễ theo dõi, những chú dẫn trong bản dịch đã bị lược bỏ hết. Ngoài ra, để lời văn tự nhiên và không bị trúc trắc, cấu trúc của câu gốc tiếng Anh đã bị thay đổi cho phù hợp với cấu trúc tiếng Việt.
----
Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng

Để tìm hiểu về chất lượng đào tạo sau đại học thì sẽ có nhiều điều có ảnh hưởng gián tiếp đến chất lượng cần phải tìm hiểu, chẳng hạn như kinh phí. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ xem xét ba thành phần quan trọng nhất, vì nếu không phân tích những yếu tố này thì hoàn toàn không thể xác định được một chương trình đào tạo sau đại học nào đó là có chất lượng hay không.

Năng suất của giảng viên
Những người có tác động chính về chất lượng của một chương trình sau đại học chính là các giảng viên. Họ dạy sinh viên, hướng dẫn nghiên cứu, và giám sát chương trình học. Vậy làm sao có thể đánh giá chất lượng của đội ngũ giảng viên? Tất nhiên, có những cách đo danh tiếng của giảng viên như các giải thưởng hoặc những huy chương mà một giảng viên đã đạt được. Nói chung, danh tiếng của giảng viên tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu của người đó, tùy thuộc vào kinh phí được cấp từ bên ngoài, và chất lượng hay uy tín của tạp chí chuyên ngành nơi họ đăng bài nghiên cứu. Số lần công trình nghiên cứu của họ được trích dẫn và ảnh hưởng của công trình đó trong lĩnh vực nghiên cứu cũng đóng vai trò quan trọng.

Những số liệu cộng gộp các đặc điểm nêu trên có thể giải thích được một phần chất lượng của chương trình. Một khoa đào tạo có được một vị giáo sư có thâm niên, được mọi người kính trọng, và có các nghiên cứu có chỉ số trích dẫn sẽ không được xem là có tác động nhiều cho bằng một khoa có nhiều giảng viên trong đó mỗi người không có chỉ số trích dẫn cao nhưng khi tính tỉ lệ trích dẫn chung của cả khoa thì lại cao hơn. Trong khi xây dựng các chương trình đào tạo, chúng tôi thường xuyen nhận thấy rằng có nhiều giảng viên có bằng tiến sỹ nhưng không nghiên cứu và bằng cấp của họ là từ các trường đại học hạng hai. Số lượng giảng viên tốt nghiệp tiến sỹ từ các trường đại học tốp đầu có thể được xem là một yếu tố khác nữa để cho biết chất lượng của một chương trình. Thực ra, cần xem xét số lượng giảng viên toàn thời gian trong một chương trình và phần trăm giảng viên sau đại học có tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn. Mặc dù đối với một số ngành, kinh phí từ bên ngoài không đóng vài trò quan trọng, nhưng trong nhiều ngành khác, đây chính là chỉ số về uy tín. Hơn nữa, nhìn chung, một cá nhân hay một khoa đào tạo càng được thế giới biết đến thì càng chứng tỏ đó là chương trình có chất lượng.

Năng suất của sinh viên
Chất lượng sinh viên về bản chất cũng khá giống với năng suất của giảng viên. Nơi sinh viên đã học trước khi theo học SĐH sẽ có ảnh hưởng đến việc họ sẽ chọn nơi nào để học. Rõ ràng là một sinh viên đã học ở một trường đại học hạng hai hay hạng ba và sau đó làm công việc thu ngân ở một cửa hàng tạp hóa thì không gây được ấn tượng bằng sinh viên đã học ở một trường đại học tốt nhất trong nước và có được một công việc danh giá ngay sau khi tốt nghiệp. Nếu sinh viên đã tích lũy được những giải thưởng cho công việc hay luận án của họ, thì điều này cũng sẽ được xem xét như một chỉ báo về chất lượng của sinh viên, Ngoài ra, ngày càng có xu hướng là sinh viên cũng phải có những công trình nghiên cứu được ấn bản trong lĩnh vực nào đó, và trong những tạp chí có liên quan. Họ cũng cần bằng chứng cho việc công bố công trình nghiên cứu của mình tại các hội nghị và bằng chứng cho thấy khả năng giảng dạy và tự nghiên cứu mà không cần sự hỗ trợ của người hướng dẫn.

Điểm quan trọng nhất có liên quan đến việc sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở đâu. Chương trình đào tạo sau đại học nhắm đến việc cải tiến chất lượng sẽ thấy những sinh viên của mình thường xuyên được nhận vào những vị trí nghiên cứu ở các trường đại học hàng đầu và/ hoặc ở những công ty và ngành công nghiệp tốt nhất. Bởi, làm sao một chương trình đào tạo lại có thể tự cho là có chất lượng khi những sinh viên họ đào tạo ra lại không nắm được những vị trí nghề nghiệp danh giá? Suy cho cùng, mục đích của đào tạo sau đại học chính là đào tạo được các học viên sau đại học. Một nền giáo dục có chất lượng hẳn phải tạo ra những học viên tự học hỏi được nhiều hơn là những gì mà giáo sư của họ đã trình bày. Một học viên sau đại học thành công là một người có thể chứng tỏ được điều mình đã học thông qua vị trí mà mình phụ trách sau khi hoàn thành học vị Tiến sỹ của mình. Một câu hỏi dài hạn hơn cần được xem xét là trong vòng 5, 7 năm sau khi nhận được học vị tiến sỹ thì một học viên tốt nghiệp một chương trình cụ thể nào đó sẽ làm được những gì. Có thể giả định rằng những người tốt nghiệp thành công từ những chương trình đào tạo thành công hẳn sẽ phải bắt đầu tạo ra danh tiếng cho chương trình mình đã theo học thông qua các chỉ số liên quan đến chất lượng giảng viên mà tôi đã thảo luận ở trên.

Đặc điểm của quá trình đào tạo
Một cách nhìn tương đối mới về một chất lượng của một chương trình đào tạo là không chỉ nhìn vào những số đo kết quả cuối cùng – chẳng hạn như có bao nhiêu học viên tốt nghiệp được nhận vào những vị trí danh giá, có bao nhiêu giảng viên là thành viên của những tổ chức quốc tế quan trọng, đại loại như thế – mà còn phải xem xét đánh giá những yếu tố mang tính phát triển của quá trình đào tạo nữa. Cụ thể, người ta sẽ xem xét những tương tác giữa học viên với nhau cũng như giữa học viên và giáo sư. Học viên sẽ ít có khả năng thành công nếu họ không có những liên hệ với sinh viên khác và/ hoặc nếu họ ít nhận được lời hướng dẫn từ các giảng viên. Những hỗ trợ mang tính hệ thống mà chương trình đào tạo cung cấp cũng là vấn đề cần xem xét. Học viên nào được nhận vào vị trí trợ lý nghiên cứu học được nhiều hơn những học viên không nhận được hỗ trợ hoặc phải làm trợ giảng. Chương trình nào cho phép học viên thực hiện các nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, truy cập vào những thư viện có chất lượng với những trang thiết bị Internet hiện đại sẽ được xem là một chương trình có giá hơn những chương trình không có được những điều kiện như vậy. Và cuối cùng, học viên nào được học trong những chương trình mới, có tính tương tác và hợp tác trong nhóm cao hơn những chương trình chỉ đơn thuần sử dụng những phương pháp giảng dạy cách đây một thế hệ sẽ có khả năng thành công trong chương trình được xem là đạt chất lượng cao.
(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment