Sunday, April 18, 2010

Đẳng cấp quốc tế hay là sự hoang tưởng?

Tôi vừa đi dự Hội thảo về xếp hạng đại học tại Huế về, với nhiều suy nghĩ. Cũng định viết một ít về hội thảo này, nhưng vì đang bận quá nhiều việc tại cơ quan nên chưa thể viết.

Ngoài ra, do đã hứa với báo Tia Sáng, tôi đang dành thời gian để viết về sự khủng hoảng giáo dục đại học của Trung Quốc. Tôi cho rằng bài viết này thực sự cần thiết, vì VN cần học rất nhiều từ những thành công cũng như thất bại của người láng giềng khổng lồ này. Đặc biệt là vì có nhiều chính sách quốc gia dường như chúng ta đang học theo Trung Quốc, một đất nước có thể chế chính trị giống VN.

Tại sao tôi lại chọn viết về khủng hoảng giáo dục đại học của TQ? Có nhiều lý do, nhưng lý do gần nhất là lúc này trên báo chí chính thống của TQ đang có nhiều tin cho thấy giáo dục đại học của họ đang khủng hoảng, rất giống với VN mặc dù ở quy mô và mức độ khác ta.

Sự khủng hoảng này không làm tôi ngạc nhiên, vì tôi vẫn tin, như các nhà nghiên cứu giáo dục khác trên thế giới đã chỉ ra nhiều lần ở những nơi khác nhau, mô hình đại học mà chúng ta cần học tập là mô hình Anh-Mỹ, vì nó đã chứng tỏ được sự thành công của nó. Nhưng sự phát triển của giáo dục đại học Trung Quốc cũng làm cho nhiều người, trong đó có tôi, quan tâm theo dõi. Vì sự phát triển của nó dường như trái quy luật, nhưng vẫn có những thành tựu đáng kể?

Nay thì với những tư liệu tôi đã tìm được, đặc biệt là tư liệu lấy từ các nguồn chính thống của TQ, tôi tin là cách phát triển như vừa qua tại TQ hoàn toàn không bền vững. Ước mơ đẳng cấp quốc tế của Trung Quốc hiện nay có vẻ như vẫn còn hết sức xa vời, gần như không tưởng. Cho đến nay, sau hơn 10 năm nỗ lực với những khoản đầu tư khổng lồ của chính phủ, TQ vẫn chưa có được một trường đại học lọt trong top 200! Mà TQ là một cường quốc kinh tế đang nổi lên dẫn đầu thế giới.

Vậy mà hôm nay, trên báo CAND, người ta lại tiếp tục đưa câu hỏi "Bao giờ VN có trường đại học trong tốp 200?", ở đây. Tất nhiên, bài báo không nói rằng việc lọt vào tốp 200 là dễ dàng. Nhưng đặt câu hỏi như vậy tức thừa nhận câu hỏi đó là đáng hỏi. Trong khi theo tôi, hiện nay một câu hỏi như vậy cho VN có lẽ là ... hơi ngây thơ. Vì lọt vào top 200 thế giới đối với một nước như VN sẽ là một hoang tưởng, và những thành tựu về chất chỉ có thể có sớm nhất là khoảng 25 năm nữa - tức cần thêm một thế hệ.

Tôi nghĩ, giáo dục là việc của trăm năm, thì không bao giờ có thể nóng vội. Tất nhiên không phải vì thế mà ta không nỗ lực. Nhưng không phải nỗ lực theo kiểu ra mặt trận, đánh nhanh rút gọn, và có thể chiến thắng lẫy lừng. Mà phải kiên trì từng ngày từng giờ, và rất lâu dài, không ngừng nghỉ và không mệt mỏi. Thì mới hy vọng có được một nền giáo dục ra hồn. Và nền giáo dục đó trước hết phải biết nhìn vào bên trong, vào nhu cầu của chính mình trong điều kiện của chính mình. Chứ không phải cứ chăm chăm nhìn ra bên ngoài để bắt chước (một cách láu cá!), hòng nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ (cho xong tội!), để rồi nghỉ khỏe!

Nên đành đăng lên đây một phần của bài viết dành cho Tia Sáng, dù đã định để dành riêng cho Tia Sáng và chỉ đăng lên blog sau khi Tia Sáng đăng. Để chia sẻ ý tưởng với mọi người. Vì thực sự tôi bức xúc quá khi vẫn tiếp tục nghe nói về xếp hạng đại học và giấc mơ top 200!

Mọi người đọc dưới đây, và góp ý, bình luận nhé. Enjoy!

---
"Trung Quốc không có nổi một trường đại học đẳng cấp quốc tế!"
(Vũ Thị Phương Anh, trích trong bài viết mang tên "Khủng hoảng giáo dục đại học tại TQ", viết cho báo Tia Sáng. Sử dụng xin hỏi ý kiến tác giả, vtpanh@gmail.com)


Cái tựa nói trên là câu phát biểu vừa được đăng ngày 18/4/2010 trên trang chinadaily của Trung Quốc trong mục “trích dẫn trong tuần” (weekly quote) . Tác giả của nó là của nguyên hiệu trưởng Trường đại học Bắc Kinh, ngôi trường luôn luôn dẫn đầu danh sách xếp hạng các trường đại học của Trung Quốc. “Đẳng cấp quốc tế” ở đây cần được hiểu là 200 vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng đại học thế giới (ARWU) của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU).

Việc không có tên trong 200 vị trí đầu của ARWU là việc rất bình thường đối với tuyệt đại đa số các trường đại học trên khắp thế giới. Có lẽ ngoài Trung Quốc (và một vài quốc gia đua đòi theo giấc mơ “đại học đẳng cấp quốc tế” của Trung Quốc) thì bảng danh sách này không có ý nghĩa gì lắm đối với các vị nguyên thủ quốc gia. Tổng số trường đại học trên thế giới hiện nay theo ước tính thận trọng nhất cũng đã lên đến cả chục ngàn trường (chỉ riêng Mỹ đã có hơn 4000 trường đại học và cao đẳng). Con số 200 so với trên 10 ngàn trường là tỷ lệ chưa đến 2/100, một tỷ lệ đủ nhỏ để người ta có thể xem nó như một ngoại lệ hơn là một quy luật.

Nhưng đối với Trung Quốc thì hoàn toàn khác. Bảng xếp hạng nổi tiếng toàn cầu kia, thật tự hào mà cũng thật hổ thẹn, là sản phẩm do các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra cho chính giáo dục đại học Trung Quốc. Theo Nian Cai Liu , tác giả của ARWU, mục đích của bảng xếp hạng này là giúp các trường đại học của Trung Quốc hiện thực hóa ước mơ và cũng là chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc: Phải xây dựng cho được một số trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Trung Quốc.

Từ lúc ra đời vào năm 2004 đến nay, việc có được một vị trí cao trong bảng xếp hạng ARWU đã trở mục tiêu phấn đấu của giáo dục đại học Trung Quốc, và là cơ sở để quyết định mức độ đầu tư của nhà nước cho các trường đại học trọng điểm. Hàng núi tiền đã được nhà nước Trung Quốc liên tục đổ xuống cho các trường đại học được chọn tại Trung Quốc để dành một vị trí cao trong trong hơn một thập niên vừa qua. Nhưng dù cố gắng đến mức nào thì vị trí xếp hạng của các trường đại học của Trung Quốc vẫn cứ quanh quẩn mức khởi đầu khi bảng xếp hạng này mới ra đời, ở vị trí 300-400 của thế giới. Trong khi đó, nhiều trường đại học của Nhật từ lâu đã có mặt ở danh sách 100 trường đầu tiên. Và, mỉa mai thay, chính Đài Loan cũng có được một trường đứng ở vị trí khá cao trong danh sách các trường đại học đẳng cấp quốc tế do TQ tạo ra để đo mức độ thành công của những nỗ lực của chính mình.

Đó là lý do tại sao việc không có tên trong các vị trí đầu tiên của một bảng xếp hạng ARWU đã được các nhà lãnh đạo chính trị của Trung Quốc xem là biểu hiện của sự không thành công, thậm chí là dấu hiệu ban đầu của khủng hoảng. Nhưng nếu bỏ qua danh sách này như một ước mơ đẹp nhưng không hiện thực, thì vẫn còn rất nhiều dấu hiệu khủng hoảng khác giờ đây đang bộc lộ ra dồn dập trên nhiều khía cạnh. Chúng đang tạo ra một hình ảnh khác về giáo dục đại học Trung Quốc, không giống với ảo tưởng về thành tựu đáng tự hào như mọi người vẫn tin tưởng lâu nay.
(còn tiếp)

8 comments:

  1. Tôi không nghĩ Trung Quốc có nền giáo dục tệ như chị viết. Đó là những gì tôi có chứng cứ rõ ràng về giáo dục TQ thực sự tốt.

    ReplyDelete
  2. Bác ơi,
    Phản biện là điều mọi trí thức đều cần để có thể tư duy sáng suốt hơn.

    Nhưng mà tôi vẫn tin là tôi nói đúng (vì tin thế nên mới nói chứ, phải không bác?) Tất nhiên là nó tốt hơn mình rất nhiều, cái này miễn bàn. Nhưng tôi có nhiều chứng cứ về sự khủng hoảng của GD ĐH TQ, do các nguồn tin chính thống của TQ nêu ra.

    Hy vọng tôi viết xong bài thì sẽ thuyết phục được bác?

    Bác chưa ngủ sao? Còn trăn trở đọc sách psycho-analysis chắc? :-)

    PA

    ReplyDelete
  3. Psycho-analysis thì đọc thời sinh viên rồi chị ạ. Bây giờ mà đọc thì làm sao làm nghề y. À mà tôi không hiểu sao các bác sĩ VN thời nay không được học cái này làm sao thành BS giỏi được nhỉ?

    ReplyDelete
  4. Bác ơi,
    Thời nay người ta được lãnh đạo quy hoạch và phân công để làm bác sĩ giỏi bác ạ. Là cấp dưới thì chỉ cần có tính chấp hành cao thôi. Mọi việc đã có cấp trên, có tập thể, và có cơ chế lo cho. :-)

    PA

    ReplyDelete
  5. Thật ra, chiếu theo QS World University Ranking của Times Higher Education (cũng là một bảng xếp hạng có uy tín) (http://www.topuniversities.com/university-rankings/world-university-rankings/2009/results), thì Trung Quốc (không kể Hong Kong) vẫn có 2 đại diện góp mặt - ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh. Hong Kong và Đài Loan cũng có một số đại diện.
    Khi xem bảng xếp hạng Newsweek (tổng hợp các tiêu chí của ARWU và QS World University Ranking) thì không thấy ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh nữa (có lẽ vì vị trí trên ARWU quá thấp). Tuy nhiên, các trường của Châu Á như NUS và NTU (Singapore) và 3 trường của Hong Kong (vốn cũng mất hút trong ARWU) vẫn có mặt.
    Từ đó ta có thể đặt ra một số câu hỏi:
    1/ Yếu tố nào đã khiến ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh bị đánh bật khỏi ARWU và bảng xếp hạng của Newsweek? Nhờ đâu NUS, NTU và các trường của Hong Kong trụ lại được trên bảng xếp hạng của Newsweek? (Trước đó có lẽ cũng nên hỏi vì sao các đại học này cũng vắng bóng trên ARWU?)
    2/ ARWU có vẻ khá ưu ái các đại học Nhật Bản. Tương quan giữa các nước trong khu vực châu Á như Hàn, Nhật, TQ, Singapore có vẻ khá cân bằng ở bảng xếp hạng Newsweek và Times Higher Education, nhưng đến ARWU cán cân lại nghiêng hẳn về phía Nhật. Đâu là nguyên nhân của việc này?
    Nếu được, mong cô phân tích sâu thêm.

    SGK

    ReplyDelete
  6. Chào Anonymous,

    Những câu hỏi hay lắm, quan sát rất sắc sảo!

    Nhưng trước hết tôi sẽ phải viết xong bài này cho Tia Sáng đã, vì đã được Ban Biên tập gọi điện để nhắc nhở đừng đưa lên blog trước khi đăng trên Tia Sáng (đúng rồi, vì như thế thì làm mất bản quyền của TS!)

    Như vậy, bạn chịu khó chờ thêm chút nữa cho tôi viết xong, gửi cho TS và chờ họ đăng, rồi sẽ đưa lên blog này, và chúng ta sẽ cùng thảo luận nhé.

    Thực ra, tôi đang làm một đề tài về vấn đề xếp hạng và đối sánh (benchmarking). Bạn có quan tâm về vấn đề này có thể email cho tôi để mình trao đổi thêm được không? vtpanh@gmail.com.

    PA

    ReplyDelete
  7. Tôi nghĩ mỗi bảng xếp hạng có những tiêu chí riêng để đánh giá, có bảng xếp hạng đánh giá rất cao những giải Nobel, nhưng cũng có bảng xếp hạng thì dựa vào Mutual evaluation giữa thành viên của các trường DH (Newsweek?). Có những bảng xếp hạng dựa vào điều kiện & môi trường học tập (Asia Week), nhưng cũng có những bảng xếp hạng dựa vào số lượng tạp chí chuyên ngành ... Tôi thấy những tiêu chí đó giữa các bảng xếp hạng khá khác nhau & phải chăng đó là lý do làm cho những trường DH mới nổi của TQ chưa có một chỗ đứng vững vàng.

    DVN

    ReplyDelete
  8. Hi Samurai Spirit,

    Những điều bạn nói đều đúng. Vấn đề là Trung Quốc đặt ra hệ thống xếp hạng quốc tế ARWU của SJTU là để định hướng phát triển giáo dục đại học của TQ, vậy mà cuối cùng sau hơn 10 năm đầu tư vẫn không đạt được!

    Câu hỏi:

    Điều này là do mục tiêu sai (không cần phát triển ĐH đẳng cấp quốc tế theo cách hiểu của SJTU), hoặc thước đo sai (các tiêu chí của ARWU là không đúng), hoặc số liệu sai (có sự sai lệch ở đâu đó khiến các trường của TQ vốn tốt tương đương với các trường trong top 200 hiện nay nhưng lại không lọt được vào danh sách)?

    Hay điều này là tại các trường của TQ kém thật?

    Lập luận của tôi: mục tiêu sai, từ đó dẫn đến việc giáo dục của TQ không phát triển đúng hướng, dẫn đến việc các trường của TQ thực sự chưa tốt và không thể lọt vào top 200.

    Nếu bạn chưa đồng ý, xin mời tranh luận tiếp nhé. Tôi rất mong có nhiều ý kiến phản biện để làm sáng tỏ vấn đề.

    PA

    ReplyDelete