Thursday, April 22, 2010

Nhập môn thống kê giáo dục (6): "Thống kê với giáo viên"

Tiếp tục bài viết của cố GS Dương Thiệu Tống.
---
Thống kê với giáo viên

Một trong những chức năng chính yếu của đại học là nghiên cứu, nghiên cứu của thầy giáo và nghiên cứu của sinh viên. Đó là đặc điển nổi bật phân biệt cấp đại học với các cấp học khác. Khi thống kê được xem như là bạn đồng hành của nghiên cứu khoa học thì thống kê học tất nhiên phải là môn học bắt buộc của các ngành khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội. Ở đây tôi không muốn nói đến môn thống kê học hiện được giảng dạy tại một số trường đại học như là một bộ phận của Toán học hay là một bộ môn chuyên nghiệp của từng nghành khoa học kỹ thuật, mà tôi muốn đề cập đến khoa Thống kê giáo dục và tâm lý, một lĩnh vực kiến thức đã được phát triển trong vòng một trăm năm nay và hiện được áp dụng trfong hầu hết mọi công trình nghiên cứu giáo dục tâm lý trên toàn thế giới.

Dù nghiên cứu giáo dục ở cấp học nào, thống kê và nghiên cứu khoa học giáo dục cũng là “ hai mặt của một vấn đề”. Chẳng hạn, trong công việc xây dựng lý luận dạy và học cho bậc đại học Việt Nam, tất nhiên ta phải phát xuất từ việc quan sát thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam, từ đó bằng phương pháp nghiên cứu khoa học ta tìm hiểu các quy luật tác động đến việc dạy và học ở đại học nước ta, phối hợp các quy luật ấy để hình thành lý luận (theory) dạy và học, rồi lý luận ấy phải được kiểm chứng. Thống kê học và các kỹ thuật nghiên cứu khoa học sẽ giúp ta trong tất cả các giai đoạn nghiện cứu ấy. Lý luận khoa học giáo dục, nói chung, không thể xây dựng từ khoảng chân không, hay xuất phát từ trí tưởng tượng xuất chúng của một nhân vật nào, dù trong nước hay nước ngoài, dù xưa hay nay. Các lý luận và công trình nghiên cứu hiện hữu chỉ có thể hướng dẫn cho sự quan sát của chúng ta, cung cấp những mô hình và phương pháp nghiên cứu khả dĩ làm giúp ngắn lại khoảng cách biệt giữa khoa học giáo dục nước ta và thế giới. Nhưng muốn khai thác được hiệu quả của kho tàng kiến thức ấy, thầy giáo và sunh viên chúng ta cần phải đọc và hiểu các tài liệu chuyên môn, đặc biệt là các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố trên các tạp chí.

Điều mà ai cũng rõ là việc học tập trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi phải tham khảo tài liệu rộng rãi. Việc đọc sách chuyên môn chủ yếu là nhằm mở rộng kiến thức, làm phong phú thêm khả năng nắm vững các thuật ngữ chuyên môn. Hiện nay, ta không thể nào đọc các tài liệu chuyên môn trong lĩnh vực khoa học giáo dục và tâm lý mà không gặp những khái niệm, thuật ngữ, ký hiệu thống kê. Điều gần như chắc chắn là không một ai có thể đọc được một bản tường trình nghiên cứu trên các tạp chí nghiên cứu khoa học giáo dục hay tâm lý xuất bản hiện nay trên thế giới nếu không nắm vững các kỹ thuật thống kê và phương pháp nghiên cứu khoa học. Một học sinh trung học hay tiểu học có thể đọc được một tài liệu khó bằng cách bỏ bớt lướt qua những phần gọi là “xương xẩu” ấy lại là phần quan trọng nhất của nội dung. Nếu ta bỏ qua những phần liên quan đến thống kê hay phương pháp nghiên cứu trong khi đọc một công trình nghiên cứu giáo dục hay tâm lý, như vậy ta dễ dàng bị lệ thuộc vào các kết luận của người khác, hay chúng ta chỉ đánh giá được tài liệu căn c ứ trên các kết luận của tác giả mà không quan tâm đến v iệc đánh giá các phương pháp mà họ sử dụng đế đạt được các kết quả ấy. Chính các phương pháp này mới là quan trọng để quyết định giá trị các kết luận.

Tóm lại, theo tôi nghĩ, việc nắm vững lý luận thống kê giáo dục và phương pháp nghiên cứu khoa học là những yêu cầu cấp bách đối với người thầy giáo và sinh viên đại học, không những để thực hiện các công trình nghiên cứu giáo dục ở đại học và các cấp học khác mà còn để đọc, hiểu, đánh giá các công trình nghiên cứu đã được thực hiện trong nước và ngoài nước. Cả hai loại công việc này đều cần thiết cho việc xây dựng lý luận giáo dục và tâm lý Việt Nam trong phong trào cải cách giáo dục hiện nay.
---
Dương Thiệu Tống (2005). Thống kê ứng dụng trong nghiên cứu khoa học giáo dục (trang 139-167). NXB Khoa học xã hội. In tại TP. Hồ Chí Minh.

No comments:

Post a Comment