Monday, November 30, 2009

GD VN trên báo VN: "Trường ĐH đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam: Xây dựng mô hình như thế nào cho phù hợp?"

Xây dựng một trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế là ước mơ của mọi dân tộc. Nhưng ở VN thì nên làm điều đó như thế nào? Đây là một câu hỏi không dễ có câu trả lời được mọi người VN đồng tình, nhưng lại là một câu hỏi rất dễ trả lời với sự nhất trí cao đối với những nơi đã trải qua con đường này một cách thành công.

Cách làm của Bộ Giáo dục như bài viết dưới này đã nêu (lâu rồi) cho thấy hình như chúng ta vẫn cố gắng làm sao để xây dựng một ĐH đẳng cấp quốc tế theo cách VN. Tức lại là một cuộc thí nghiệm. Thí nghiệm trên con người, và con người của cả một dân tộc?

Xin lưu bài viết lại đây để khi có dịp sẽ trở lại vấn đề này, nhằm góp ý cho Bộ có được một giải pháp tốt nhất.

--

Trường ĐH đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam: Xây dựng mô hình như thế nào cho phù hợp? (16/09/2009)
Nguồn: http://www.baovanhoa.vn/giaoduc/20216.vho


Các trường ĐH đẳng cấp quốc tế thường xuyên thu hút sự quan tâm của bạn trẻ
(VH)- Hội thảo giữa kỳ “Xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam - cơ hội và thách thức” do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cần phải có những giải pháp cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) để có thể tập trung cho sự phát triển của nền kinh tế tri thức. Tính đến hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có trường ĐH nào được xếp hạng trong top 500 trường hàng đầu châu Á. Trong khi đó về tổng thể, các trường ĐH của Việt Nam có 5 điểm yếu: Lạc hậu về chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo; lạc hậu và thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thí nghiệm; lạc hậu về phương pháp quản lý; yếu kém về trình độ và năng lực của đội ngũ giảng viên; thiếu gắn kết với thực tế khi đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nguyên nhân sâu xa của các yếu kém này là sự thiếu đầu tư ở mức cần thiết của Nhà nước; thiếu cơ chế quản lý các trường ĐH, cơ chế quản trị, quản lý trường một cách phù hợp; chưa có kế hoạch dài hạn để cung cấp dài hạn nguồn lực; chưa có kế hoạch quốc gia đối với vấn đề mở rộng đất đai dành cho các trường ĐH...

Mặc dù, thời gian qua, VN đã chọn ra 15 trường ĐH/150 trường ĐH của hệ thống GDĐH để xây dựng thành trường ĐH trọng điểm. Song đến nay, vẫn chưa có trường ĐH nào được xếp hạng trong tốp 500 trường hàng đầu ở châu Á. Trong khi đó, mục tiêu phấn đấu của VN trong 15 năm tới là cố gắng có trường ĐH đứng trong 200 trường ĐH nổi tiếng thế giới...

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tính tự chủ của trường ĐH đẳng cấp quốc tế chính là lý do giải thích tại sao đây là trường ĐH mô hình mới. Theo đó, trường có quyền tự chủ cao về các hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Cùng với quyền tự quyết là tính tự chịu trách nhiệm, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xã hội và tính minh bạch trong hoạt động của trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Với việc xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế, VN kỳ vọng sẽ hình thành một môi trường nghiên cứu và học thuật tốt để trong thời gian khoảng 5-10 năm đến, có thể thu hút số SV, nghiên cứu sinh VN đang ở nước ngoài có thể quay trở về làm việc trong nước...

Trong khi đó, bình quân mỗi năm, Chính phủ VN gửi khoảng 1.200 SV ra nước ngoài học tập và số SV du học tự túc từ nguồn chi trả của gia đình khoảng 10.000. Nếu VN xây dựng thành công trường ĐH đẳng cấp quốc tế sẽ thu hút được số SV này vào học. Chi phí này sẽ dùng chi trả cho các trường ĐH đẳng cấp quốc tế tại VN, thay vì chuyển ra nước ngoài. Đây cũng là một trong những cơ sở để VN xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế chi phí thấp.

Phó Thủ tướng khẳng định, sẽ không có sự mâu thuẫn nào giữa cải cách giáo dục ĐH với sự thiết lập trường ĐH mô hình mới. Khi hệ thống thí điểm này có hiệu quả, Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng những thành công cho toàn bộ hệ thống giáo dục. Rõ ràng là không thể mong đợi các trường ĐH ở Việt Nam có cùng chất lượng đào tạo như nhau, nhưng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế phải là trường ĐH hàng đầu, có chức năng hỗ trợ cho các trường ĐH khác.

Tại hội thảo, vấn đề được các đại biểu tham dự tập trung thảo luận là cần xây dựng mô hình trường ĐH đẳng cấp quốc tế như thế nào để phù hợp với điều kiện của VN, và làm sao phấn đấu để đến năm 2025, VN có được trường ĐH đứng trong tốp 200 trường ĐH dẫn đầu trên thế giới. Các đại biểu cũng phân tích, khẳng định sự ra đời của bốn trường ĐH trình độ quốc tế ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ là cần thiết, sẽ góp phần tạo vị thế cho nền giáo dục ĐH Việt Nam trên thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Dự kiến lộ trình cho hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam

Từ 2009-2020 cả nước sẽ có 5 trường ĐH quốc tế (với sự tham gia của 5 quốc gia) và 100 trường đại học thành viên cùng 20 trường đại học mạnh; sau năm 2025: Việt Nam có 5 trường ĐH đẳng cấp quốc tế (thứ hạng từ 200-400, trong đó có ít nhất một trường lọt vào top 200 trường đại học hàng đầu thế giới) cùng 20 trường đại học mạnh và khá so với quốc tế. Mục tiêu hàng đầu trong việc xây dựng các trường đại học trình độ quốc tế là nhằm cung cấp nhân lực phục vụ việc phát triển đất nước trong nửa đầu thế kỷ XXI, đồng thời tạo cơ sở thực tiễn để đổi mới quản lý hệ thống đại học Việt Nam...



Linh Thy

No comments:

Post a Comment