Thursday, November 20, 2014

Tư liệu về Ngày nhà giáo VN (1): Sự thật về các tổ chức mặt trận của Quốc tế Cộng sản

Nguồn: https://archive.org/details/frontorgs
Bản pdf ở đây: https://ia600700.us.archive.org/17/items/frontorgs/frontorgs_text.pdf

----------

Tư liệu này được tôi tìm được khi đi tìm thông tin về lịch sử Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo (tiền thân của Ngày nhà giáo VN) 20/11. Theo thông tin ít ỏi từ bài viết gần như là duy nhất ở VN về ngày 20/11, hiến chương này do FISE tức Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục soạn thảo năm 1949 và thông qua vào năm 1954. VN gia nhập FISE vào năm 1953, và sau đó có tham dự Hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 vào năm 1957 tại Vác-xa-va. Tại Hội nghị này, các đại biểu đã nhất trí lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày Hiến chương các nhà giáo. (Có thể đọc thêm về lịch sử ngày này tại đây: http://ncgdvn.blogspot.com/2014/11/tu-lieu-lich-su-ngay-nha-giao-viet-nam.html).

Thông tin nói trên khiến tôi tò mò muốn biết FISE là gì, tôn chỉ hoạt động ra sao, có còn tồn tại hay không, nếu còn thì trụ sở ở đâu, các thành viên là ai, VN có còn nằm trong tổ chức này không? Và điều quan trọng hơn là trên thế giới có ai khác ngoài VN mừng Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo 20/11 hay không, hay chỉ có VN, và tại sao lại đổi từ Ngày quốc tế hiến chương thành ngày Nhà giáo VN?

Dùng từ khóa là FISE và International Teachers' Charter, tôi tìm được tài liệu khá thú vị này, được  nên đưa lên đây lưu để dành để lúc nào có thời gian thì tìm hiểu thêm. Các bạn có thể vào link (đã đưa ở trên) để download toàn bộ tài liệu xuống. Thông tin về FISE nằm ở các trang 55, 56, 57, 58 và 59. Dưới đây là một vài chi tiết đáng lưu ý:

- Tên của tài liệu "Facts about International Communist front organizations" dịch sang tiếng Việt là: "Sự thật về các tổ chức mặt trận của Quốc tế Cộng sản". Tài liệu này được xuất bản năm 1957, không thấy ghi tác giả và nhà xuất bản, nhưng được lưu trong Internet Archive, một tổ chức phi chính phủ (NGO) và phi lợi nhuận thành lập năm 1996 tại Mỹ với tôn chỉ là mang lại sư tiếp cận kiến thức cho tất cả mọi người (http://en.wikipedia.org/wiki/Internet_Archive). Đây là tổ chức khá có uy tín trên thế giới. Tài liệu dài khoảng 90 trang, có nêu tên 13 tổ chức mang tính mặt trận (tức tổ chức tay chân của quốc tế cộng sản nhưng hoạt động giấu mặt, nhằm mục đích thu hút những người không theo cộng sản vào chung một "mặt trận" để đấu tranh cho những đường lối chung của quốc tế cộng sản). Trong các tổ chức này có FISE (xem hình).



- Theo tài liệu nói trên, trụ sở ban đầu của FISE là ở Paris (Pháp), nhưng sau đó FISE bị chính phủ Pháp trục xuất vì hoạt động "fifth column". Theo định nghĩa của Merriam-Webster Dictionary (online) thì "fifth column" là một từ xuất hiện từ năm 1936 để chỉ hoạt động của nhóm phản loạn chống lại chính phủ Tây Ban Nha hoạt động ngay trong lòng của chế độ, sau đó được dùng với nghĩa rộng hơn để chỉ những kẻ phản loạn bắt tay với kẻ thù và hoạt động ngay trong lòng chế độ với mục đích lật đổ (xem ở đây: http://www.merriam-webster.com/dictionary/fifth%20column).

- Sau khi bị Pháp trục xuất, FISE chuyển trụ sở sang Vienna (Áo) và ở đó đến năm 1956 thì tiếp tục bị chính phủ Áo trục xuất vì là mối đe dọa an ninh của đất nước này. Từ đó trở đi (tài liệu này được xuất bản năm 57, có nghĩa là ta không có thông tin sau đó về trụ sở của FISE) FISE được tin là hoạt động trong cùng tòa soạn của tờ báo Teachers of the World (Giáo chức toàn thế giới), là cơ quan ngôn luận của FISE (xem hình).


- Những thông tin về trụ sở của FISE trong tài liệu này cũng trùng khớp hoàn toàn với thông tin của bài viết về Lịch sử ngày nhà giáo VN (http://ncgdvn.blogspot.com/2014/11/tu-lieu-lich-su-ngay-nha-giao-viet-nam.html), xin trích lại ở đây:

Tháng 7-1946 Liên hiệp quốc tế các công đòan giáo dục được thành lập. Trụ sở đặt tại Paris- Pháp, sau chuyển sang  Áo rồi sang Tiệp khắc và từ năm 1977 trụ sở đặt tại Berlin- Đức.  

- Tôn chỉ hoạt động của FISE: tôn chỉ nêu ra thì có vẻ tiến bộ, dễ được chấp nhận bởi những người không phải là đảng viên cộng sản, nhưng trên thực tế thì FISE áp dụng một "tiêu chuẩn kép" (double standard): luôn ca ngợi nền giáo dục của Liên Xô đến tận mây xanh, và chê bai nền giáo dục của các nước phương Tây đến mức mạt sát. Không những thế, các vấn đề giáo dục không bao giờ được xem xét dưới khía cạnh chuyên môn mà luôn được xem xét dưới cái nhìn của "đấu tranh giai cấp". Và cuối cùng, FISE không bao giờ bỏ qua cơ hội để theo dõi sát sao những chính sách của Liên Xô và ủng hộ mọi chính sách này bằng những bài viết tuyên truyền cho chúng (xem hình).


Những thông tin trên đây là khá mới mẻ, có lẽ chưa nhiều người biết, và riêng tôi thì mới đọc được lần đầu. Vẫn còn nhiều thông tin khác cần tìm hiểu để trả lời những thắc mắc của tôi; tôi sẽ tìm thêm và tìm được gì thì sẽ tiếp tục đưa lên cho các bạn cùng biết. 

3 comments:

  1. "Tháng 7-1946 Liên hiệp quốc tế các công đòan giáo dục được thành lập. Trụ sở đặt tại Paris- Pháp, sau chuyển sang Áo rồi sang Tiệp khắc và từ năm 1977 trụ sở đặt tại Berlin- Đức."- xin tác giả xem lại con số "năm 1977" ? đúng không?

    ReplyDelete
  2. Đã gọi là ngày NGVN thi đương nhiên không có nước nào khác thực hiện. đó là tên gọi chính thức từ 1958... KHổ nỗi ngày nay giáo giới cứ quen miệng gọi là ngày Hiến chương NGVN...

    ReplyDelete
  3. xin hỏi : "từ năm 1977 trụ sở đặt tại Berlin- Đức" - thuộc Đông Đức hay tây Đức ? (chắc là bên phía Đông)

    ReplyDelete