Sunday, June 19, 2011

Về vụ scandal "hướng dẫn chấm thi môn Văn" ở các tỉnh ĐBSCL: Ai đúng ai sai?

Tôi không trực tiếp tham dự vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nên những gì tôi viết ở đây hoàn toàn chỉ là suy đoán trên cơ sở thông tin mà báo chí cung cấp mà thôi.

Vì biết mình không đủ thông tin, nên ban đầu tôi chỉ có ý định theo dõi để xem kết quả ra sao mà thôi. Nhưng khi dọc được mẩu tin ngày hôm nay thì tôi nghĩ mình cần lên tiếng, vì theo những gì đã được đưa lên báo chí thì tôi nghĩ mọi người đang có những phán đoán không hoàn toàn chính xác.

Không chính xác ở chỗ nào? Chúng ta hãy cùng nhau đọc mẩu tin hôm nay đã nhé. Đây này: Sẽ xác minh tin đồn nới lỏng chấm thi môn Văn.

Theo bài viết, các tỉnh ĐBSCL đang bị nghi ngờ vi phạm quy chế của Bộ, cần phải xác minh để xem có thực sự vi phạm không, và có thì sẽ bị xử lý.

Họ đã làm gì? Ừ, thì họ ra biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi môn Văn vào ngày 5/6. Hãy xem phần trích dẫn dưới đây, lấy từ bài viết nêu trên.
Thời gian vừa qua, dư luận đã nêu hiện tượng các chuyên viên bộ môn Ngữ văn của các sở giáo dục đào tạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có cuộc họp vào ngày 5/6 tại Cần Thơ và ra “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011 môn Ngữ văn.”

Trước thông tin này, Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết Bộ đã có công văn yêu cầu các sở giáo dục đào tạo trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long báo cáo về sự việc trên. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý theo Quy chế.

Khi đọc xong mẩu thông tin này, tôi đã trộm nghĩ rằng nếu tôi có quyền thì tôi sẽ ra quyết định khen thưởng chứ không phải là xử lý việc thống nhất hướng dẫn chấm thi. Bởi vì điều này hoàn toàn đúng với lý thuyết kiểm tra-đánh giá.

Ai cũng biết việc chấm thi môn Văn là một việc làm rất chủ quan, nên rất dễ xảy ra tình trạng một người chấm 5 điểm và một người chấm 6 điểm (đều là điểm ở mức trung bình, nhưng có người nới tay nên cho 6 điểm, người kia chặt chẽ hơn nên cho 5 điểm). Vì vậy, việc các Sở, các thầy cô chấm thi cùng ngồi lại bàn bạc, thống nhất những phán đoán, rồi đưa ra biên bản thống nhất như trên chính là để cho điểm thi chính xác và công bằng với thí sinh hơn.

Thế thì tại sao lại có tin đồn rằng các tỉnh ĐBSCL đã vi phạm? Là vì, cũng theo bài viết trên,
Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành và chỉ đạo thống nhất đáp án và biểu điểm trong toàn quốc, không cho phép các Hội đồng chấm thi tự xây dựng và sử dụng các Hướng dẫn chấm thi khác với Hướng dẫn chấm thi của Bộ.
Hừm ... Công việc rất chuyên môn này phải chăng là công việc của Bộ Giáo dục? Ừ thì có lẽ là Bộ không làm, mà yêu cầu một bộ phận chuyên môn nào đó làm. Nhưng lỡ bộ phận chuyên môn đó làm chưa tốt (ví dụ: không rõ ràng, hoặc thậm chí có sai sót), thì Bộ đâu có chuyên môn để mà phán đoán nhỉ?

Nếu hướng dẫn từ Bộ đưa xuống mà chưa rõ, thì người thực hiện ở dưới chỉ có thể có 2 cách: một là ai muốn hiểu sao thì hiểu, mạnh ai nấy làm, miễn là làm ở cấp cá nhân, tự làm tự chịu, chứ không có ai đứng ra tổ chức bàn bạc và thống nhất quan điểm gì hết. Cách này thì rất dở cho thí sinh, nhưng lại an toàn cho những người có trách nhiệm (ví dụ: Giám đốc Sở, chủ tịch Hội đồng thi, vv) vì không bị ai khiển trách, xử lý gì cả.

Còn cách thứ hai là cách mà các Sở GD ở ĐBSCL đã làm. Cách này, theo tôi là có trách nhiệm hơn rất nhiều, và hoàn toàn hợp lý. Vì nếu Bộ có nhờ bộ phận chuyên môn nào đó làm đáp án và hướng dẫn chấm thi, thì những người đó cũng phải là những thầy cô giáo nắm vững chương trình môn học và trình độ chung của thí sinh. Những người như vậy, các Sở đâu có thiếu? Nếu họ đủ tư cách và trình độ để thực hiện chương trình của Bộ, thì rõ ràng họ cũng đủ tư cách và trình độ để tự đưa ra những ý kiến thảo luận để làm rõ hơn một đáp án hoặc văn bản hướng dẫn chưa đủ rõ ràng, dựa trên những yêu cầu của đề thi và môn học chứ nhỉ?

Những suy luận trên đây của tôi chỉ có ý nghĩa nếu giả định của tôi rằng đáp án của Bộ chưa rõ ràng là một giả định đúng. Điều này tôi cần phải tìm hiểu thêm, và sẽ viết tiếp khi có thêm thông tin.

Còn ở đây thì tôi chỉ xin có một nhận xét thôi: Tôi vẫn thấy cách vận hành của nền giáo dục Việt Nam nặng tính hành chính và trung ương tập quyền quá sức, mà thiếu sự tôn trọng đối với lực lượng chuyên môn - tức các thầy cô giáo - và thiếu dân chủ. Trong khi ở phương Tây, quá trình dân chủ hóa trong giáo dục đã được thực hiện từ rất lâu rồi. Ngay cả người học cũng được trao quyền, vd lựa chọn môn học (theo học chế tín chỉ), đánh giá, góp ý cho thầy cô giáo và các nhà quản lý của mình....

Có phải vì cách làm thiếu dân chủ nên ngành giáo dục của ta lúc nào cũng bù đầu vì công việc mà chất lượng vẫn kém hay không?

Các bạn đón xem bài tiếp theo của tôi về vấn đề này nhé! Hy vọng sớm có thời gian để viết.

No comments:

Post a Comment