Thursday, July 15, 2010

TQ: "Chiến lược quốc gia về giáo dục đại học cần điều chỉnh" - và những suy nghĩ vụn

Đó là tựa của một mẩu tin đã đăng trên Trung Hoa Nhật báo (tiếng Anh - China Daily) cách đây hơn một tháng rồi. Nó ở đây.

Phải nói thêm cho rõ: nguồn tin, và nội dung tin, thì là của China Daily, nhưng cái tựa mà tôi dịch ở đây là lấy từ People Forum (Diễn đàn nhân dân), ở đây. Từ mẩu tin đó, tôi mới lần ra cái tin từ China Daily, mà tôi đã đưa link ở trên. Còn tựa của China Daily là "Tweak strategy". Tạm dịch là "Chỉnh tinh chiến lược" (chỉnh tinh, hay tinh chỉnh, là dịch từ fine-tune của tiếng Anh, có nghĩa là thay đổi nhỏ cho phù hợp. Tweak là một từ khó dịch vì nó là một slang, phong cách hơi 'bất kính', không trang trọng).

Tin này thật ra cũng bình thường, không có gì "nóng" hoặc "thời sự" cả. Chỉ là do nó có liên quan ít nhiều đến việc tuyển sinh và cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, nên tôi đã cho dịch ra để làm tư liệu mà thôi.

Vì công việc của tôi hiện nay - đánh giá chất lượng giáo dục đại học (nghe to tát quá, đúng không, thật ra là một việc rất khó, và tôi cũng chỉ là người tổ chức công việc, còn sự đánh giá đó là do các chuyên gia ở khắp nơi trong và ngoài nước cùng tham gia thực hiện) - đòi hỏi tôi phải đọc và ngẫm nghĩ, học hỏi từ các nền giáo dục khác, để may ra tìm ra được ít nhiều kinh nghiệm có thể áp dụng cho mình.

Và điều tôi quan tâm trong mẩu tin mà tôi đang giới thiệu là ở đây: TQ đang bắt đầu đặt câu hỏi cho mình về bước kế tiếp của việc mở rộng giáo dục đại học, tăng tỷ lệ người đi học đại học trên dân số - tức phát triển về số lượng. Học xong rồi, tốt nghiệp rồi, thì các sinh viên này có tìm được việc làm hay không? Ừ nhỉ!

Một câu hỏi rất ... hay! Nó cho thấy sự nguy hiểm của việc phát triển xã hội theo lối tư duy áp đặt từ trên xuống. Kế hoạch năm năm, mười năm, chi tiết đến từng con số. Thôi, thì làm kế hoạch phải cụ thể, chi tiết. Thế cũng được. Sợ nhất là sau khi kế hoạch được ban hành rồi thì lại dùng ý chí chính trị để ép cho thực tế phải chạy theo ý mình. Duy ý chí.

Đã lấy ý chí chính trị, và lôi cả hệ thống chính trị vào để buộc thực hiện các chỉ tiêu đó, thì các chỉ tiêu đó sẽ đạt được. Nhưng như thế thì các mục tiêu trở thành những mục đích tự thân, làm để mà làm, để thể hiện quyết tâm cao, để chứng minh kế hoạch là đúng, lãnh đạo là sáng suốt.

Rồi sau một thời gian, thì bỗng ớ ra: Đạt được các chỉ tiêu đó, rồi sao nữa???

Tôi bỗng nhớ câu ca dao "tân thời" của VN (không nhớ chính xác, chỉ mài mại một đoạn)

Đi nhanh ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu rồi sẽ đi đâu?
Đi đâu không biết hàng đầu cứ lên!


PS: Tôi sẽ đăng bản dịch mẩu tin đó lên blog này trong entry sau. Vì đã dịch, nên muốn chia sẻ vậy thôi. Nhằm phục vụ thông tin đến các bạn có quan tâm ủng hộ blog này mà! ;-)

3 comments:

  1. Dịch tweak là tinh chỉnh là ổn rồi cô ạ. Oxford cũng không explicitly dán nhãn "informal" cho từ này. Báo chí hay dùng tweak vì từ này dễ gây ấn tượng với độc giả hơn là "fine-tune", lại đỡ tốn chỗ hơn nhiều. :D
    Nói thêm, Tweak Me! cũng là tên một phần mềm dùng để tinh chỉnh hệ điều hành Windows. Nghe Tweak me! rõ ràng hấp dẫn hơn Fine-tune Me! rồi.

    SGK

    ReplyDelete
  2. Cám ơn SGK. Em nói đúng, nhưng cô vẫn cảm thấy dùng tweak với strategy, đặc biệt là national strategy on education là ... có gì đó hơi 'bất kính'.

    Có thể chỉ là cảm giác của cô. After all, language is a matter of preference, not just right or wrong, phải không em?

    PA

    ReplyDelete
  3. Chào cô

    Em nghĩ cảm giác chữ tweak có gì đó hơi "bất kính" đến từ việc từ này nghe có vẻ "playful", "light-hearted" trong khi "national strategy on education" thì lại "dead serious". :D Nãy giờ em xem thử có cách nào dịch cho ra cái connotation này không, thì nghĩ tới "lẩy nhẹ", "vọc sơ", "vọc nhẹ". Có điều không rõ "lẩy nhẹ chiến thuật" nghe ổn không? :)

    SGK

    ReplyDelete