Tuesday, April 27, 2010

Tuyển sinh đại học và chất lượng giáo dục phổ thông

Một "mùa tuyển sinh" lại đang đến, với tất cả những căng thẳng, lo âu của học sinh và phụ huynh. Và sự vào cuộc của toàn xã hội: báo chí truyền thông ("ngày hội" (?) tư vấn tuyển sinh rầm rộ trên cả nước), y tế-dược phẩm (ăn uống ra sao để giữ sức khỏe, uống thuốc gì để giúp bổ não, tăng trí nhớ?), giao thông vận tải, in ấn xuất bản (tài liệu ôn tập, hướng dẫn về tuyển sinh, rồi "Những điều cần biết..."), và đặc biệt là công nghệ luyện thi (đoán đề, giải đề thi, luyện thi bảo đảm...).

Thật mệt mỏi, và quả là một sự lãng phí thời gian, công sức, và tiền bạc của toàn xã hội. Vì mặc dù thi cử cạnh tranh như thế, nhưng số thí sinh ít ỏi vượt qua được kỳ thi để vào đại học lại phải đương đầu với hàng loạt vấn đề khác, và cuối cùng vẫn có thể phải đương đầu với nạn thất nghiệp.

Rõ ràng là cần phải thay đổi cách thi cử hiện nay. Điều này công luận cũng như các trí thức trong nước đã lên tiếng nhiều lần, nhưng cho đến nay mọi việc hình như vẫn đâu lại hoàn đó, mèo lại hoàn mèo. Tại sao thế nhỉ? Phải chăng các lãnh đạo ngành giáo dục của ta tin rằng cách làm hiện nay vẫn là cách tốt nhất?

Nếu vậy, xin hãy nhìn sang một nước láng giềng có rất nhiều điểm chung với Việt Nam, xem họ đang nghĩ gì, nói gì nhé. Trích dẫn dưới đây được lấy từ trang ChinaDaily (Trung Hoa Nhật báo) ngày 9/4/2020 vừa qua, ở đây:

[...] [T]o ensure fairness in selecting the best students, university administrators are forced to rely on examinations. [...]As a result of the reliance on exams, secondary education in China is entirely focused on exam preparations.

[...] [S]ince Chinese secondary teachers focus on exam preparations, they do not have the time to encourage students to be creative, to develop their individual interests or to work on analytical skills that are not directly relevant to the exams. [...] The exam-centered nature of Chinese secondary education lets down the most elite as well as the most mediocre of Chinese students.

Để đảm bảo công bằng trong việc chọn những học sinh tốt nhất, các trường đại học buộc phải dựa vào các kỳ thi. Hậu quả của việc này là việc học ở bậc trung học chỉ chăm chăm vào việc chuẩn bị cho các kỳ thi.

Vì giáo viên trung học chỉ chú trọng việc chuẩn bị cho các kỳ thi, họ không còn thời gian để khuyến khích học sinh sáng tạo, phát triển những mối quan tâm riêng hoặc chú trọng những kỹ năng phân tích mà không có liên quan trực tiếp đến các kỳ thi. Đặc điểm này của giáo dục phổ thông của Trung Quốc đã loại bỏ không chỉ những học sinh yếu nhất mà còn loại cả những học sinh tốt nhất.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, với một nền giáo dục phổ thông như vậy, liệu các trường đại học có được chất liệu đầu vào đủ tốt (tức các sinh viên được tuyển vào để học) để đào tạo ra thành người tài cho sự phát triển của đất nước hay không?

Lời kết luận dường như đã nằm sẵn trong tựa của bài viết vừa được trích dẫn bên trên là "True education reform still elusive", Cải cách giáo dục thực sự vẫn rất xa vời.

Quay lại Việt Nam, với một mùa thi mới, nhưng cách làm thì vẫn cũ. Chúng ta có cần suy nghĩ gì không?

9 comments:

  1. Đây là do cung khg đủ cầu thôi.

    ReplyDelete
  2. Bác Hải này,

    Đằng nào cũng cung không đủ cầu, thì có cần thi cử chung toàn quốc rầm rộ vậy không? Hay chỉ thi tuyển một số ngành/trường quan trọng (cái này sẽ còn phải bàn sau), còn các trường khác vd tư thục hoặc cao đẳng cộng đồng thì cho ghi danh, rồi sẽ do thị trường lao động quyết định về chất lượng?

    Sau một thời gian thì ai tốt ai xấu sẽ lộ ra thôi mà? Nói cách khác, sử dụng "cơ chế thị trường" song song với sự giám sát, chỉ đạo của nhà nước, giống như các nước khác, thì mới mong giải quyết được vấn đề?

    Mong nhận được ý kiến của bác.

    PA

    ReplyDelete
  3. Cái này chắc chắn lo do xuất phát từ tư duy tập trung quan liêu của "phe xhcn". Tôi không thể tưởng tựơng được Bộ GD cũng làm kinh tế được từ việc này thông qua bán hồ sơ tuyển sinh và hồ sơ trúng tuyển. Chưa kể bộ còn để ra con số chỉ tiểu cứng nhắc cho mỗi trường để làm gì?

    Tôi xem qua nhiều diễn đàn và nhìn chung xu thế ủng ghộ thi tuyển vẫn còn nhiều với lí do sợ tiêu cực và chất lượng thấp. Nhứng rõ ràng là ta vẫn làm như hiện này mà chất lượng có tăng đâu và tiêu cực cũng có giảm đâu?

    Tại sao phải buộc đăng ký đầu năm trong khi tới giữa năm mới thi? Và thông thường thì không phải tất cả các hồ sơ đã nộp điều được dự thì vì thí sinh(TS) có thể không đậu tốt nghiệp. Và mỗi bộ hồ sơ như thế cũng tốn gần 100ngàn chớ đâu có ít. Trong khi nếu các trường đó chỉ cần lập 1 trang web để TS đăng ký chỉ cần vài phút là xong. Nếu viết tay thì chỉ cân 1 mẫu giấy bằng bàn tay là quá đủ cho việc đăng ký rồi, việc gì phải ghi tới 2,3 trang A4? Đằng nào khi trúng tuyển rồi cũng làm 1 bộ HS mới y chang.

    ReplyDelete
  4. Chào cô

    Em hiểu thế này, có gì sai cô và mọi người cứ góp ý. Nhiều người muốn học đại học, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh có hạn, nên cần một tiêu chí (khách quan?) nào đó để sàng lọc thí sinh. Ở góc độ kinh tế, thì khách hàng là thí sinh, nhà sản xuất là trường đại học, và "price" là tiêu chí để xét tuyển. Ở VN thì price = cut-off point. Cut-off point càng cao thì trường càng muốn tuyển nhiều (upward-sloping supply curve), nhưng số lượng thí sinh "willing and able to pay for the good at that price" [= "willing to enroll in the university and capable of achieving a score at least equal to the cut-off point"] càng thấp (downward-sloping demand curve). Mỗi trường sẽ có một equilibrium riêng. Để tránh tình trạng equilibrium price (= equilibrium cut-off point quá thấp), Bộ mới đưa ra điểm sàn (1 kiểu "minimum price"). Tuy nhiên, theo đúng analysis framework vừa nêu, thì không có tình trạng cầu vượt cung. Có chăng chỉ là, những trường ít tiếng tăm, khi gặp phải điểm sàn cao, sẽ gặp tình trạng surplus of university places!

    Như vậy vấn đề không nằm ở chỗ cung cầu, mà là ở hiệu quả của việc sử dụng điểm thi đại học như một tiêu chí để tuyển lựa thí sinh. Ở đây cần dùng cost-benefit analysis. Lợi ích có thể kể ra (trong bài báo có nói) là điểm số khá khách quan, rõ ràng, có thể hạn chế tiêu cực. Còn "cost" ở đây là kinh phí tổ chức thi cử,...(mà mọi người chắc cũng đồng ý là rất lớn). Như vậy có hai câu hỏi đặt ra:
    - Cái lợi của thi đại học có lớn hơn cái hại không?
    - Có một tiêu chí nào khác có thể dùng làm "price" không?
    Đến đây ta có thể nhắc đến kì thi "nhị chung" (cũng làm tốn nhiều giấy mực báo chí như phong trào "tam vô" của Thiện Nhân cư sĩ). Câu hỏi đặt ra là, vì sao không dùng điểm thi Tú tài để xét tuyển?

    SGK
    (to be continued)

    ReplyDelete
  5. Một số người nói rằng, bản chất của kì thi Tú tài và kì thi Đại học khác nhau. Kì thi Tú tài chỉ nhằm kiểm tra xem thí sinh đã đạt chuẩn kiến thức tối thiểu chưa, còn kì thi Đại học nhằm kiểm tra năng lực tư duy. Tuy nhiên lập luận này hình như không thuyết phục - một đề thi có tính phân loại cao, thì vừa có thể chọn HSG vừa có thể đảm bảo là HS trung bình cũng được khoảng 5 điểm.
    Một lập luận có lý hơn là: chẳng lẽ bắt thí sinh thi tốt nghiệp cả 12 môn? Thi 6 môn học đã muốn ná thở, thì thi 12 môn thì các em sẽ thành lũ điên thời đại mất.
    Nói đi cũng phải nói lại, chuyện thi 6 môn hiện nay khá hài, vì không ai giải thích nổi tại sao có năm thi Hóa, có năm không. Bộ bắt thi Tú tài chứ nhất quyết không chịu để công nhận tốt nghiệp qua điểm số trên lớp (như ở cấp 1 cấp 2) vì sợ tiêu cực (vốn xã hội ở VN có vẻ rất thấp, nên người ta không thể tin nhau trong nhiều chuyện). Nhưng chuyện mỗi năm bốc đại 6 môn (Văn Toán bắt buộc, Ngoại ngữ thì có nguy cơ không bắt buộc) rõ ràng không ổn (đặt trường hợp một em học kém Sinh, nhưng nhờ năm đó không thi Sinh nên được tốt nghiệp chẳng hạn).
    Học gì thi nấy thì căng, nhưng học 10 thi 5 xem ra cũng không ổn. Vậy phải làm sao?
    Có một hướng, em thấy nhiều nước đã làm, nhưng mình thì chưa. Đó là tổ chức phân luồng sau cấp 2. Các em nào sức học hơi yếu có thể đi học nghề, thay vì đâm đầu ngồi tụng những lý thuyết cao xa. Các em học tiếp cấp 3 có thể chọn để học sâu một số môn mình yêu thích, thay vì học mười mấy môn mà chẳng môn nào ra môn nào cả (dĩ nhiên những môn cơ bản như Văn, Toán, Ngoại ngữ nên bắt buộc). Có lẽ cũng không quá đáng khi đòi hỏi một học sinh lớp 10 biết mình thích và có khả năng học môn nào. Định hướng nghề nghiệp từ lớp 10, hình như đâu phải quá sớm?
    Nếu thế có sợ các em học lệch? Em nghĩ là không. Những kiến thức tổng quát và cần thiết, em nghĩ chỉ cần 9 năm đầu ở bậc phổ thông là có thể dạy đủ. Chương trình hiện nay bị xem là quá tải, chẳng qua là vì có quá nhiều kiến thức thừa, vụn vặt. Thay vì bắt học sinh cấp 2 ở TPHCM ngồi học về các loại vịt, cách nuôi heo, sao không tập trung giúp các em có một nền tảng kiến thức cơ bản thật chắc và sở hữu các kỹ năng mềm? Những kiến thức chuyên sâu, các em có thể theo học ở cấp 3 và ĐH (nếu có hứng thú).
    Nếu có thể làm được như vậy, thì ở cấp 3 HS hoàn toàn có thể "học gì thi nấy", và dùng kết quả Tú tài để xét tuyển ĐH, mà không chịu quá nhiều áp lực. Những trường như Kiến trúc có thể tổ chức aptitude test riêng, cái đó cũng hợp lẽ.
    Để hạn chế việc các em có thể chọn sai môn học khi vào cấp 3, nhà trường, bố mẹ nên tư vấn kỹ càng. (Thật ra nên tin vào các em, hơn là nghi ngại này nọ. Teenagers can make informed decisions if they receive proper guidance).
    Dĩ nhiên, một chuyện quan trọng nữa phải làm là bỏ ngay kiểu đề thi bắt thí sinh phải học vẹt (chính những đề thi như thế đã khiến chuyện thi cử trở nên nặng nề). Đừng bắt các em đi nhớ ngày tháng năm sinh tên thật của mấy chục tác giả, hoặc những số liệu thống kê (không biết độ chính xác và cập nhật đến cỡ nào) mà chỉ cần dùng Google là thấy ngay. Làm được như vậy, thì chuyện thi cử tự khắc sẽ nhẹ nhàng đi, và việc học của các em cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

    Is this scenario just pie in the sky?

    SGK

    ReplyDelete
  6. Thank you, TTD and SGK.

    SGK ơi, những điều em nói đều đúng, và không phải là chưa ai nói. Tại sao Bộ không làm ư? Cái này có lẽ có nhiều lý do. Và lý do mà TTĐ đưa ra không phải là không có lý. Cả một ngành công nghiệp luyện thi ĐH đang tồn tại ở VN mà em!

    Nhưng mình vẫn cứ phải kiên trì có ý kiến em nhỉ? Rồi thì mọi việc sẽ tốt lên thôi, cô nghĩ thế (tin thế)!

    PA

    ReplyDelete
  7. Em có một thắc mắc: Ngay cả nếu tổ chức thi đại học như bây giờ, thì tại sao lại phải ghi nguyện vọng trước? Nếu ghi nguyện vọng sau khi đã biết điểm thì thí sinh sẽ ra những quyết định có đủ thông tin hơn.
    @SGK: Bạn comment hay quá. Cho mình liên lạc với được không? (Email: passionatethanh@yahoo.com)

    ReplyDelete
  8. Hi Hà Thanh,

    Đúng như em nói, có điểm thi rồi, và biết điểm tuyển của các trường rồi, thì thí sinh mới có đủ thông tin để lựa chọn tốt nhất cho mình.

    Nhưng nếu vậy thì điểm thi phải có từ sớm, và điểm tuyển cũng phải công bố khá sớm. Rồi sau đó thí sinh mới nộp nguyện vọng, và các trường chỉ xét nguyện vọng thôi (thực ra, đó chính là nộp đơn vào các trường khác nhau, rồi sau đó chọn lại 1 trường mà mình thích nhất).

    Các nước, well, nước Mỹ nó làm thế đấy. Tất nhiên các trường sẽ khổ hơn. Vì nhiều hồ sơ "ảo". Nhưng nó cũng giống như bán hàng, người vào shop xem, hỏi giá thì nhiều, nhưng số người mua thực sự thì ít thôi. Phải chấp nhận, và phải tính toán sao cho bù cả chi phí chỗ này nữa.

    Nhưng đấy là ở các nước tư bản (giãy chết:-)), nơi giáo dục được giám sát không bởi chỉ nhà nước mà còn bởi một thị trường cạnh tranh lành mạnh nữa em ạ. Hệ thống đó, chúng ta chưa có ngay được, mà phải sửa từ từ.

    Nhưng mọi cuộc hành trình dù đường thiên lý cũng bắt đầu từ những bước chân đầu tiên. Khi nào chúng ta bước những bước đó em nhỉ?

    PA

    ReplyDelete
  9. "với một nền giáo dục phổ thông như vậy, liệu các trường đại học có được chất liệu đầu vào đủ tốt (tức các sinh viên được tuyển vào để học) để đào tạo ra thành người tài cho sự phát triển của đất nước hay không?"

    Em đã có lần trao đổi với Cô về vấn đề này, tuy nhiên khi ấy vẫn còn chưa thống nhất một số ý.

    Nói về triết lí giáo dục, về các giải pháp cải tổ hay chấn hưng giáo dục thì các chuyên gia nói nhiều rồi. Em chỉ xin nói nôm na ra thế này: trong giáo dục, GDPT là chân đế của kim tự tháp; GDĐH là thân của kim tự tháp; và đào tạo SĐH + nghiên cứu KH là đỉnh của kim tự tháp.

    Nếu chân đế càng rộng và ít lỗ hổng, thân và đỉnh tháp càng cao.

    Ta lâu nay đánh giá sai về vai trò của GDPT, bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn và yêu cầu chuyên môn xuống (tức độ khó của đề thi giảm đi) để đáp ứng một kiểu lí luận là phải có bao nhiêu % HS đậu tốt nghiệp để giảm gánh nặng cho xã hội. Và cả xã hội cũng góp phần vào sự sai lệch ấy bằng cách cứ muốn có cho bằng được tấm bằng (thi đậu) mà không cần biết năng lực thực sự của con em mình có ngang bằng với giá trị (THỰC) của tấm giấy ấy hay không.

    Bản chất việc giảm yêu cầu tốt nghiệp THPT xuống không hề tương đương với việc mở rộng chân đế của tháp (qua số lượng HS đậu tốt nghiệp và có bằng Tú tài). Nó chỉ như là giảm tiêu chuẩn chất lượng xây dựng xuống (như dùng xi măng có mác thấp hơn, dùng vật liệu rẻ tiền hơn, quy trình thi công dễ dãi hơn, v.v.) để mong mau chóng kết thúc công đoạn của mình.

    Kết quả: cái chân đế bè ra (do số lượng đông lên), nhưng sức tải giảm xuống (vì có quá nhiều lỗ hổng về chất lượng), toà tháp không thể vươn cao hơn. Ngay cả có muốn vươn cao hơn trên chính cái nền tháp xây kiểu ấy cũng là không nên, bởi nó sẽ mau chóng đổ sụm.

    Thay đổi cách tuyển sinh hay không chỉ là một phần của vấn đề. Sự nghiệp chính trị của một bộ trưởng giáo dục quá ngắn để có thể có ai đó có đủ dũng khí chạm tay vào tận gốc rễ (nói nôm na là "đập ra xây lại"). Mà có khi, ngồi ghế bộ trưởng ấy cũng chưa chắc giải được bài toán này...

    ReplyDelete