Tuesday, November 20, 2012

Tin giáo dục TP HCM trên báo Nhân dân

Tôi ít đọc báo Nhân dân, nói đúng hơn là chẳng bao giờ đọc, nếu không có ai nói rằng nên đọc bài này, bài nọ vv trên tờ báo ấy.

Và hôm nay là một ví dụ. Có một người bạn nhỏ là nhà báo gọi điện để báo cho tôi biết những ý kiến của tôi đã được đưa trên một bài viết trên báo Nhân dân!

Ui chao ơi, thật là ... chuyện "động trời"! Vì những ý kiến của tôi thường là ... rất khác thường, không bao giờ chịu sự chỉ đạo của ai cả ngoài những gì tôi tin là đúng, và vì sự bướng bỉnh chỉ nói những gì mình tin là đúng nên tôi thường xuyên bị bạn bè, đồng nghiệp, người quen trách móc khi phát biểu điều này hay điều khác mà có đụng chạm đến ai đó.

Mọi người không hề nghĩ rằng tôi chỉ nói những điều khách quan với mong muốn cải thiện tình hình, và việc có ai đó vào lúc nào đó làm điều gì đó chưa hoàn toàn đúng, đó là một điều hết sức bình thường chứ chẳng có gì phải xấu hổ, phải "lên gân" cãi lại cho bằng được làm gì. Điều quan trọng là nghe và nếu thấy nó đúng thì sửa, còn không đúng thì bỏ qua, vậy thôi. Tôi luôn nghĩ thế, và chẳng bao giờ nghĩ rằng mình có đụng chạm ai, cho đến khi nghe qua người này, người khác rằng ai đó đã giận tôi vì nói thế này, thế khác.

Vậy mà hôm nay báo Nhân dân có đăng bài có ý kiến của tôi! Vậy là sao ta? Là ý kiến của tôi cũng đáng cho Đảng chú ý? Chà chà chà ...

Thôi thì, cứ chép lại bài viết đưa lên đây để lưu cái đã, rồi sẽ từ từ đọc lại sau. Các bạn cũng đọc thử nhé! Và nếu có gì không ổn thì góp ý cho tôi.

Toàn văn bài viết tôi chép lại ở dưới đây. Hai đoạn có ý kiến của tôi đã được in nghiêng như các bạn thấy. Còn link của bài viết thì ở đây: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/trang-tphcm/tin-chung/nhi-u-ho-t-ng-y-m-nh-phong-trao-i-m-i-giao-d-c-1.377989
--------------------

Nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phong trào đổi mới giáo dục do Bộ Giáo dục và Ðào tạo phát động. Bên cạnh những thành quả thu được, ngành giáo dục thành phố còn nhiều khó khăn cần giải quyết kịp thời để phong trào đạt kết quả trọn vẹn.

Chú trọng phát triển năng lực học sinh

Ðể đẩy mạnh phong trào đổi mới giáo dục, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy như tổ chức các cuộc thi Dạy học theo dự án, thiết kế đồ dùng dạy học, hội thi Tổ chức dạy học tích cực môn vật lý bậc Trung học cơ sở... Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý ngành giáo dục, quá trình đổi mới giáo dục đã thay đổi nhận thức cho toàn xã hội nói chung và người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng về việc nhất thiết phải đổi mới giáo dục mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Hơn nữa, hàng nghìn giáo viên và nhà trường đã tìm tòi, sáng tạo để đổi mới một cách mạnh mẽ theo hướng hội nhập quốc tế, góp phần đào tạo thế hệ trẻ có đầy đủ sự tự tin, năng động, năng lực chuyên môn và các kỹ năng để làm chủ khoa học kỹ thuật của thời đại.

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết: "Những năm qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh đã đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng dạy học tích hợp, tăng tính tích cực, chủ động của người học, hướng các em tới việc vận dụng sáng tạo kiến thức môn học để giải quyết những vấn đề thực tiễn, chú trọng giáo dục các giá trị dân tộc, hình thành nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ngoài ra, ngành đã tập trung chăm lo, đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục các cấp, nâng cao cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học...".

Ðồng tình với ý kiến này, PGS,TS Ngô Minh Oanh chia sẻ: "Các nội dung kiến thức trang bị cho học sinh đang được tinh giản, trình bày theo hướng tích hợp, hướng tới chú trọng phát triển năng lực cho học sinh chứ không phải là ghi nhớ kiến thức như ngày trước. Ðồng thời, phương pháp dạy đang thay đổi, đặc biệt các trường phổ thông tại TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh đổi mới theo hướng chú trọng phát triển năng lực tư duy, năng lực phương pháp cho các em, trang bị cho các em năng lực phương pháp để tự tìm kiếm kiến thức, tức là khả năng tự học, tự đào tạo".

Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa giáo dục cũng được nhiều ý kiến cho rằng đó là thành quả lớn nhất. TS Vũ Thị Phương Anh (nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Thành quả lớn nhất của đổi mới giáo dục là chủ trương xã hội hóa giáo dục."

"Chủ trương này cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục để cung cấp dịch vụ giáo dục cho các đối tượng có nhu cầu, tăng khả năng tiếp cận giáo dục của người dân và làm cho hệ thống giáo dục của thành phố nói riêng và cả nước nói chung được đa dạng hóa, cung cấp nhiều lựa chọn cho người học, phá thế độc quyền của khối công lập và tạo được sự cạnh tranh cần thiết để thúc đẩy người cung cấp dịch vụ phải liên tục cải tiến. Ðó là một sự đổi mới tư duy rõ nét nhất, không tốn kém gì mà lại huy động được tiềm lực trong dân để thực hiện các mục tiêu chung của giáo dục nước nhà."

Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa giáo dục cũng tạo ra không ít sự bát nháo trong hệ thống giáo dục. Nhiều nơi chú trọng kinh doanh giáo dục hơn đào tạo con người. Người thầy giáo chưa thật sự, chưa xứng là người kỹ sư tâm hồn.
 

Còn nhiều khó khăn cần giải quyết

Qua nhiều năm thực hiện phong trào đổi mới, ngành Giáo dục và Ðào tạo thành phố đã thu được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập cần đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời.

Một trong những vấn đề cấp bách mà các giáo viên, ban lãnh đạo trường phổ thông cũng như các GS, TS đưa ra là cải thiện chính sách đối với người dạy. Hiệu trưởng Trường THCS Ðống Ða, quận Bình Thạnh Nguyễn Hữu Hạnh, chia sẻ: "Lương giáo viên hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho nên sau giờ làm việc ở trường, một số giáo viên vẫn gồng mình với việc làm thêm. Vì thế, họ gặp khó khăn trong vấn đề đầu tư cho bài giảng, tìm các hình thức dạy học để tiết học thu hút học sinh hơn".

Ðồng tình với ý kiến này, PGS,TS Ngô Minh Oanh khẳng định: "Ðời sống giáo viên còn nhiều khó khăn cho nên họ chưa toàn tâm toàn ý phục vụ cho việc đổi mới. Vì thế, cải thiện chính sách cho giáo viên cần phải được quan tâm".

Bên cạnh đó, nội dung chương trình, cách kiểm tra đánh giá vẫn còn nhiều điểm hạn chế khiến người dạy chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Theo ý kiến của nhiều giáo viên tại TP Hồ Chí Minh, việc đổi mới ở một số nơi vẫn theo phong trào, tức là chỉ những giờ thanh tra, kiểm tra giáo viên mới chú trọng đầu tư, ngay cả áp dụng phương pháp dạy học bằng giáo án điện tử nếu không cẩn thận sẽ biến đọc - chép thành xem - chép.

Bên cạnh đó, chương trình mặc dù đã giảm tải nhưng vẫn còn khá nặng, giáo viên vẫn phải chạy theo chương trình để đáp ứng yêu cầu thi cử, điều này làm giảm tính chủ động, sáng tạo của học sinh... "Sự bao cấp về tư duy vẫn thể hiện rõ qua việc chỉ có một chương trình giáo dục phổ thông được quy định đến tận chi tiết, và tệ hơn là chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất.

Và đi kèm với đó là hệ thống thi cử nặng nề, khiến cho thầy và trò chỉ biết chạy đua với chương trình và với các cuộc thi, phải làm mọi cách để nhồi nhét chương trình bắt buộc vào đầu người học để đến lúc thi thì lấy ra mà "trả", chứ không thật sự quan tâm đến việc phát triển sẵn khả năng có của người học. Việc bao cấp tư duy nêu trên đương nhiên sẽ dẫn đến sự lạc hậu về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy" (TS Vũ Thị Phương Anh cho hay).

HUYỀN BÌNH



(PS: Bài viết có thiếu hai từ "khả năng", không hiểu tại sao; tôi đã bổ sung vào, chữ màu đỏ ở trên).

No comments:

Post a Comment