Monday, December 10, 2012

Nói chuyện tiếng Anh (12): 300 điểm TOEIC có tương đương với trình độ B1 của chuẩn châu Âu?

Tôi viết bài này vì mới đọc được một bài viết trên báo SGGP (online) về trình độ tiếng Anh của khối trường chuyên nghiệp, trong đó tác giả xác định 300 điểm TOEIC là tương đương với trình độ B1 của chuẩn châu Âu. Bài ấy ở đây: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2012/12/306290/, và lời khẳng định đó nằm trong đoạn cuối cùng của bài viết, xin trích lại dưới đây:

Trước thực tế còn ngổn ngang cái khó lẫn thiếu điều kiện đầu tư cho môi trường dạy và học tiếng Anh đạt chuẩn, nhiều trường thừa nhận mục tiêu đặt ra là HS tốt nghiệp ra trường phải đạt chuẩn đầu ra TOEIC 300 điểm hay trình độ bậc 3 (B1) theo chuẩn châu Âu xem ra khó thực hiện.

Điều đó có đúng không? Xin các bạn chịu khó đọc bài viết dài dòng của tôi bên dưới.

Chuẩn châu Âu, hay nói chính xác hơn là Khung quy chiếu chung về trình độ ngoại ngữ Châu Âu, tiếng Anh là Common European Framework of Reference for Languages (viết tắt là CEFR) hiện nay không còn gì xa lạ với VN nữa, vì nó đang được dùng để xác định các mức năng lực ngoại ngữ mà người học cần đạt ở cuối các bậc học và cấp học. Đây là một trong những cải cách nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ (mà chủ yếu là tiếng Anh) của VN, để đến năm 2020 tiếng Anh sẽ thành một thế mạnh của người Việt, giúp chúng ta có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường lao động thế giới (ừ, thì đó là mục tiêu đề ra, còn có đạt được không thì tôi không dám lạm bàn ở đây ạ).

Ai có quan tâm đến chuẩn châu Âu xin đọc thêm bài viết mà tôi đã viết từ thời còn làm tại ĐHQG, năm 2006 (thực ra tôi còn viết một bài khác về CEFR, lúc ấy gọi là CEF, từ năm 2001, hồi còn ở trường ĐHKHXH-NV nữa cơ, nhưng bài ấy không được lưu bản mềm ở đâu cả nên bây giờ đành chịu mất vì không có thì giờ đi lục lại). Link bài viết 2006 của tôi ở đây: http://www.vnulib.edu.vn:8000/dspace/bitstream/123456789/1892/1/sedev1006-03.pdf.

Chuẩn châu Âu thì phải xuất phát từ châu Âu, tất nhiên rồi. Và ở châu Âu thì người khổng lồ hàng đầu trong lãnh vực kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh không ai khác hơn chính là Cambridge ESOL. Các bài kiểm tra của Cambridge ESOL đều có thể quy tương đương sang chuẩn châu Âu một cách dễ dàng, ví dụ KET là A2, PET là B1, FCE là B2, CAE là C1, và CPE là C2. Trong khi đó, các bài kiểm tra của người khổng lồ tương đương bên Mỹ là ETS, nhà sản xuất hai bài thi TOEFL và TOEIC thì không theo chuẩn châu Âu (tất nhiên), và lúc đầu chẳng hề (thèm) quan tâm đến những sáng kiến của các đối thủ phía bên kia đại dương gì cả.

Cho đến khi họ bất ngờ nhận ra sự thành công vượt bậc của đối thủ, vì chuẩn châu Âu không những chỉ được dùng ở châu Âu mà còn lan ra khắp thế giới, thì anh chàng khổng lồ người Mỹ nọ mới giật mình. Và vội lật đật chạy theo, có vẻ hụt hơi một chút: ETS cũng phải thực hiện các nghiên cứu để quy đổi tương đương các điểm số của mình sang chuẩn châu Âu để có thể dễ dàng tồn tại ở những nơi mà chuẩn châu Âu đã trở thành ngôn ngữ và thước đo chung.

Ai không tin điều tôi nói ở trên (cái gì, ETS của Mỹ mà lại phải học tập cách làm của Cambridge ở Anh hay sao) thì xin các bạn vào đọc những bài nghiên cứu này của ETS sẽ rõ:

1. http://www.ealta.eu.org/conference/2007/docs/pres_sunday/Tannenbaum&Wylie.pdf
2. https://www.ets.org/s/toefl/pdf/linking_toefl_ibt_scores_to_ielts_scores.pdf
3. https://www.ets.org/Media/Research/pdf/RR-08-34.pdf

Xin chú ý, những quy đổi nói trên chủ yếu là từ điểm TOEFL sang điểm IELTS (academic), vì 2 cái test này cùng đối tượng và mục đích (đánh giá năng lực tiếng Anh của những người muốn sang học đại học ở các nước nói tiếng Anh như Anh và Mỹ). Trong khi đó, TOEIC là một kỳ thi có mục đích hoàn toàn khác, chủ yếu là dành cho người đi làm, với những ngữ cảnh và nội dung giao tiếp hạn chế hơn rất nhiều (chủ yếu là trao đổi thông thường). Vì vậy, việc quy đổi từ TOEIC sang IELTS hoặc thậm chí TOEFL (là người "anh em" thân thiết của TOEIC vì cùng "cha mẹ") cần phải cân nhắc mọi yếu tố có khả năng tác động đến kết quả, và ngay cả như vậy thì kết quả quy đổi vẫn phải xem xét thận trọng.

Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế - vì người học có thể có các loại chứng chỉ đa dạng khác nhau, và tất cả những chứng chỉ của các tổ chức kiểm tra đánh giá có uy tín như ETS hoặc Cambridge ESOL tuy không hoàn toàn tương đương với nhau nhưng đều có giá trị - nên các trường, các tổ chức giáo dục trên thế giới vẫn tự động làm ra các bảng quy đổi có tính tham khảo để hướng dẫn quá trình ra quyết định của mình (eg, có nên nhận hoặc không nhận một người học nào đó vào học hay không). Những bảng quy đổi như vậy rất nhiều, chỉ cần gõ "TOEIC CEFR equivalent" vào google là ra hết!

Vậy 300 điểm TOEIC thì tương đương trình độ nào của chuẩn châu Âu? Có phải trình độ B1 không?

Xin thưa ngay là không ạ! Trình độ B1 của chuẩn châu Âu có thể xem là khoảng từ 4.5 đến 5.5 điểm IELTS, hoặc khoảng 450-500 TOEFL (paper-based, viết tắt là PB). Mà điểm tối đa của TOEFL (PB) là 677, còn điểm tối đa của TOEIC là 990, nên khi quy điểm TOEIC sang TOEFL nếu ta quy ngang tương đương (tức 450 TOEIC bằng 450 TOEFL), ấy đã là "ăn gian" rồi đó; lẽ ra TOEIC phải cao hơn TOEFL khoảng vài chục điểm thì mới được xem là tương đương với TOEFl. Vậy 300 điểm TOEIC thì có thể xem là  bằng với  khoảng 300 điểm TOEFL. Mà 300 TOEFL là cái gì nhỉ? Chẳng là cái gì cả, vì nó là mức thấp nhất mà người ta có thể đạt khi đi thi TOEFL, nếu người ta không bỏ giấy trắng.

Dưới đây là một vài bảng quy đổi mà ta có thể tìm trên mạng:

1. http://www.kcollege.ac.uk/learner-information/international/2749-english-language-levels.html - Theo bảng này, 300-450 TOEIC chỉ tương đương bằng với mức A2 của chuẩn châu Âu, trong đó 300 là mức thấp nhất. Mức A2 là mức chỉ nói được vài câu tự giới thiệu tên tuổi, chào hello, cám ơn, thêm vài câu nói dạng "bồi", hỏi đường sơ sơ, là hết vốn! Hoàn toàn chưa thể sử dụng độc lập (một cách hạn chế), là mức của trình độ B1. Mức này tối thiểu phải trên 450 (tối đa 650) TOEIC, hoặc 450 TOEFL. Bảng quy đổi này là của Anh.

2. http://www.itest.org.vn/Upload/document/[GlobalEdu]%20-%20Converted%20Scores.pdf - Bản quy đổi này xuất phát từ VN, có lẽ từ một Trung tâm luyện TOEIC nào đó. Vấn đề là ở đây mức quy đổi của TOEIC còn "hạ giá" hơn nhiều: để đạt B1 thì phải có tối thiểu 550 TOEIC! Gần gấp đôi con số 300 điểm TOEIC được nêu trong bài báo.

3. http://www.english-test.net/forum/ftopic28076.html - Đây là diễn đàn trao đổi công cộng, nên tính "chính thức" của nó thấp. Và ở đây điểm TOEIC có vẻ "có giá" nhất vì được quy đổi ở mức tốt nhất, nhưng dù vậy cũng phải 380 điểm TOEIC mới được xem là tương đương B1.

------
Viết thêm ngày 11/12/2012

Điểm TOEIC mà ta đang nhắc đến ở đây là TOEIC cũ, chỉ có 2 kỹ năng (đọc và nghe), không có nói và viết, nên dù có điểm tương đương thực sự thì vẫn rất khiếm khuyết so với các chứng chỉ của Cambridge (đều có 4 kỹ năng). Đã thế mà lại chỉ quy có 300 điểm và xem nó là tương đương với B1, thực là ... ăn gian hết cỡ nói!

Nhưng đáng buồn và đáng sợ là ngay cả cái điểm 300 TOEIC rất bèo (hầu như chẳng làm được gì cả) như thế mà vẫn còn bị xem là khó đạt, mà bây giờ đã là cuối năm 2012 rồi. Thì cái mục tiêu 2020 tiếng Anh sẽ là thế mạnh của VN xem ra còn mờ mịt khói mây lắm lắm.

Tôi chợt nhớ có một người bạn - qua mạng, không biết mặt - đồng nghiệp của tôi mới nhắc tới nỗi buồn tiếng Anh, tương tự như nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. The sorrow of English (in Vietnam, of course). Ôi, biết đến bao giờ, và tại sao nhỉ? Khi số người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ đang giảng dạy tiếng Anh tại VN bây giờ đã nhiều lắm lắm lắm lắm rồi? Chả lẽ lại là thạc sĩ, tiến sĩ giấy ư?

Nhân tiện, ai đã đọc bài này của tôi thì cũng xin đọc thêm một bài khác, nói về vấn đề tương tự, với tựa là "TOEFL là TOEFL nào?", link đây: http://ncgdvn.blogspot.com/2010/05/toefl-la-toefl-nao.html. Chỉ xin nói thêm một suy nghĩ (vụn), ấy là: một trong những lý do khiến trình độ tiếng Anh của VN không khá lên được chính là tâm lý học để lấy bằng, đạt chuẩn quy định, chứ không phải là để có năng lực thật và để sử dụng. Thì đó, cứ hạ điểm chuẩn xuống (bằng cách ăn gian như thế này), rồi sau đó thì quảng cáo om xòm lên rằng 100% (hoặc 90, 80% gì đó) sinh viên ra trường đạt chuẩn B1 của châu Âu, còn chuẩn B1 là như thế nào thì cứ quy bừa ra 200, 300 TOEFL, TOEIC gì đó là xong tuốt.

Thì cũng chứng chỉ quốc tế, tên tuổi to đùng đó, còn bên trong là cái gì, TOEFL nào, có thực sự là của ETS cấp không hay lại là tự phong vv  thì lại là chuyện khác, ai biết đấy là đâu nhỉ? Vì tôi biết có một thời gian dài, một TTNN trên địa bàn TP HCM đã dám tự cấp chứng chỉ TOEFL cho học viên, thế có to gan không cơ chứ? Vừa là cấp chứng chỉ giả, lại vừa mạo nhận danh nghĩa, rồi ăn cắp thương hiệu, công nghệ vv đủ cả, mà làm công khai, có chết không? May quá, bây giờ VN mở cửa hội nhập rồi, nên có đỡ đi một chút!

7 comments:

  1. Bên ĐHBK TPHCM chuẩn Tiếng Anh đầu ra Master là TOEFL ITP 450 hay TOEIC 550,... Cách qui đổi như thế có vẽ ổn không cô PA? Dưới đây là link tham khảo điểm qui đổi theo qui chế đào tạo SĐH của ĐHBK TPHCM.
    http://www.grad.hcmut.edu.vn/v1/toeic_av_C.php?id=710

    ReplyDelete
  2. cach quy doi theo linh cua ban http://www.grad.hcmut.edu.vn/v1/toeic_av_C.php?id=710 phai noi la qua bat on nun y..lam gi co nguoi nao thi 9.0 ielts ma thi toeic dk co chua den 700 theo quy doi day..minh ielts 6.0 ma thi toeic con dat 760 ui ban a......test 4 của toeic chỉ ngang vs test 1 của ielts thui...phải nói là toeic rất dễ để đạt trên 700

    ReplyDelete
  3. Ghi lại lời của chị TTNT trong buổi nói chuyện chiều hôm nay tại Golden Alliance: một học trò của chị đạt 750 TOEIC và 450 TOEFL. Như vậy có nghĩa là đạt điểm TOEIC dễ hơn đạt TOEFL rất rất nhiều. Ghi lại để có evidence về việc quy đổi tương đương.

    ReplyDelete
  4. Điểm số có cao nhưng khi ra làm việc bên ngoài, giao tiếp xã hội lại không thực hành được...

    ReplyDelete
  5. Có nguồn so sánh "chính thống" nào không vậy Cô?

    ReplyDelete