Saturday, November 3, 2012

Ghi chép về đại học tư ở Malaysia (1)

Entry này nhằm lưu lại những ghi chép của tôi về đại học tư ở Malaysia để làm tư liệu viết báo cáo cho một hội thảo do hai hiệp hội, gồm HH Khoa học kỹ thuật và HH các trường ĐH, CĐ NCL tổ chức trong tháng 11 này. Vì nó chỉ là những ghi chép nên sẽ tản mạn chứ không phải là một bài viết hoàn chỉnh.

Nhưng tại sao tôi lại quan tâm đến giáo dục đại học tư nhân của Mã Lai nhỉ? À, tôi quan tâm đến giáo dục đại học tư nhân của Mã Lai là vì tôi quan sát thấy rằng lịch sử phát triển của đại học tư của Mã Lai và VN ban đầu khá giống nhau. Cả hai đều bắt đầu vào thập niên 1990, với quá trình toàn cầu hóa và sự xác lập vững vàng của nền kinh tế tri thức. Cả hai cho mãi đến cuối thập niên 1980 vẫn chỉ có đại học công, và đại học tư là một khái niệm xa lạ với toàn xã hội. Cả hai được nhà nước cho phép ra đời để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của người học mà nguồn lực hạn chế của nhà nước không đáp ứng được. Cả hai khi mới ra đời đều được xem là loại trường "hạng hai" so với các trường đại học công lập vốn đã truyền thống lâu đời, và chỉ là lựa chọn cho những người học không thể vào được trường công lập.

Giống nhau như vậy ở điểm xuất phát, nhưng đoạn đường phát triển của đại học tư ở hai quốc gia lại hoàn toàn khác nhau. Trong hơn hai thập niên qua, giáo dục đại học tư nhân của Mã Lai phát triển khá thuận lợi cả về số lượng lẫn chất lượng. Có thể kể một vài con số ấn tượng như sau: Hiện nay tỷ lệ người học ở khối trường đại học tư của Mã Lai đã chiếm đến gần 50%, tức ngang ngửa với đại học công; ĐH tư từ chỗ chỉ được đào tạo ở trình độ thấp như các chứng chỉ nghề ngắn hạn, các khóa học trung cấp hoặc cao đẳng, hoặc phải liên kết với các trường nước ngoài để có thể đào tạo ở trình độ đại học, đến nay đã có nhiều trường tư được đào tạo không chỉ ở trình cử nhân mà còn ở các trình độ sau đại học như thạc sĩ và tiến sĩ. Không những thế, các trường đại học tư của Mã Lai còn thu hút được khá nhiều sinh viên quốc tế đến học, và thậm chí đã có một số tên tuổi lớn, là niềm tự hào của nền giáo dục Mã Lai, chứ không chỉ là những trường đại học xoàng xoàng, "loại hai" như thời gian đầu mới thành lập nữa. Một vài ví dụ mà ngay ở VN ta cũng có nghe tên có thể kể là Multmedia University và Petronas University chẳng hạn.

Trong khi đó, tại VN sự phát triển của ĐH tư là một con đường gập ghềnh với nhiều khúc quanh và những đoạn đường vòng. Cho đến nay đại học NCL của VN chỉ mới thu hút được 15% tổng số sinh viên theo học, và khả năng chỉ tiêu đạt 40% tổng số sinh viên học tại các trường NCL vào năm 2020 của VN vẫn còn là một câu hỏi lớn, đặc biệt là khi xét đến những khó khăn mà các trường NCL của VN đã và đang gặp phải trong mấy năm gần đây trong việc thu hút sinh viên.

Vậy đâu là nguyên nhân của sự khác biệt này? Vì muốn tìm câu trả lời cho vừa nêu nên tôi phải bỏ công ra và miệt mài đọc cả gần một tuần nay để tìm câu trả lời, và tin rằng mình đã tìm thấy - well, ít nhất là tôi đã có được một "giả thuyết" ban đầu. Tất nhiên, giả thuyết đó có thể không đúng, nhưng không ai cấm tôi không được có giả thuyết cả, điều quan trọng là đi tìm thông tin để kiểm chứng nó thôi.

Và kết quả của việc đi tìm thông tin ấy là ... entry này, và có thể còn nhiều entry nữa, cho đến khi tôi viết xong cái báo cáo đó. Vậy các bạn đọc nhé, và nếu co thắc mắc, góp ý hoặc tranh luận gì thì cứ gửi comment vào blog nhé.

Enjoy!
--------------------

1. So sánh đại học công và tư ở Mã Lai
Bài viết của các tác giả Wilkinson và Yusssov, đăng trên Tạp chí Giáo dục đại học (Higher Education) của NXB Springer, 2005, vo 50: 361–386. Truy cập ở đây: http://www.mohe.gov.my/portal/images/utama/doc/artikel/2011/11-22/Public%20&%20private%20provision%20of%20higher%20education%20in%20Malaysia.pdf

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment