Wednesday, November 7, 2012

Ghi chép về đại học tư ở Mã Lai (2): Bối cảnh ra đời

Những số liệu ghi chép dưới đây được rút ra từ bài chương 18 của tập sách Teaching: Professionalization, Development and Leadership do D. Johnson và R. Mclean làm chủ biên, nhà xuất bản Springer Science + Business Media B. V. ấn hành năm 2008. Tựa của chương này là "The Role of the Private Sector in Higher Education in Malaysia", dịch ra tiếng Việt là Vai trò của khu vực tư nhân trong giáo dục đại học tại Malaysia.

Trước hết, xin có vài dòng giới thiệu bài viết. Theo tôi, đây là một bài viết rất quan trọng, cung cấp nhiều thông tin cốt lõi giúp ta hiểu được quá trình phát triển của đại học tư của Mã Lai,  và các yếu tố thiết kế có tác động tích cực đến sự phát triển này. Đây chính là  những điều mà các nhà chính sách giáo dục của VN cần tìm hiểu và suy ngẫm để giúp giáo dục đại học tư nhân tại VN phát triển hết tiềm lực vốn có của nó, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nhân lực cho Việt Nam, đồng thời là yếu tố kích thích sự cải tiến của cả hệ thống giáo dục đại học của VN nói chung.

Dưới đây là một số thông tin và số liệu đáng ghi nhớ trích từ chương sách nói trên, kèm những nhận định của tôi. Để cho các bạn dễ theo dõi, phần nào do tôi trích từ bài viết sẽ được in nghiêng, còn phần ý kiến riêng của tôi thì viết chữ thường như thế này.
------------

1. Bối cảnh ra đời của khối đại học tư Mã Lai

- Vào đầu thập niên 1990, quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng do kết quả của cuộc cách mạng công nghệ thông tin - truyền thông và sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức đã đặt ra cho tất cả các quốc gia những yêu cầu mới về nhân lực trình độ cao.

- Năm 1991, Thủ tướng Mahathir (có bằng tiến sĩ, thường được nhắc đến dưới danh xưng Dr Mahathir) của Mã Lai đã đưa ra một tầm nhìn 30 năm theo đó Mã Lai sẽ đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2020. (Nói thêm: Hiện nay, vào cuối năm 2012, ta đã có thể thấy được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2020 đối với Mã Lai là hoàn toàn khả thi. Quả là một tầm nhìn sáng suốt!)

- Cùng với việc đưa ra tầm nhìn 2020, chính phủ Mã Lai đã xây dựng 2 chính sách đi kèm, đó là Chính sách phát triển quốc gia (National Development Policy, NDP) 1991-2000 và Chính sách tầm nhìn quốc gia (National Vision Policy, NVP) 2001-2010. Trước đó, Chính sách kinh tế mới (New Economic Policy) 1971-1990 đã được áp dụng và được xem là tạo được nền tảng cho việc xây dựng tầm nhìn 2020.

- Sau khi đưa ra tầm nhìn 2020 và chính sách phát triển kinh tế 1991-2000, vào năm 1996 chính phủ Mã Lai xây dựng Siêu hành lang đa truyền thông (Multimedia Super Corridor) với mục đích biến Mã Lai thành một trong những trung tâm công nghệ đa truyền thông của khu vực. Quan điểm của các nhà lãnh đạo Mã Lai thời ấy là công nghệ thông tin và truyền thông sẽ là cỗ máy chính của nền kinh tế tri thức. Chỉ riêng dự án này thôi đã tạo ra việc làm cho 30 ngàn "công nhân tri thức" trong và ngoài nước.

- Cũng trong năm 1991, chính phủ Mã Lai đưa ra chính sách phổ cập giáo dục đến hết trung học phổ thông. Trước đó, phổ cập giáo dục chỉ đến hết lớp 9, sau đó học sinh phải thi chứng chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở, và tỷ lệ học sinh có thể tiếp tục học lên trung học phổ thông chỉ chiếm 50%. Với chính sách phổ cập giáo dục mới, tất cả học sinh đều có quyền học tiếp đến lớp 11 rồi sau đó mới thi chứng chỉ tốt nghiệp trung học.

- Việc phổ cập giáo dục phổ thông khiến cho nhu cầu học đại học tăng vọt, và ngân sách công không thể có đủ để trang trải cho sự thiếu hụt này. Trong khi đó, cũng trong giai đoạn này thì các nước Anh, Úc vốn trước đó là địa điểm du học quen thuộc của những người dân Mã Lai không có chỗ học trong nước cũng có chính sách giảm số học bổng và tăng học phí một cách đáng kể đối với sinh viên quốc tế, khiến nhiều sinh viên Mã Lai không thể trang trải nổi. Vì thế, chính phủ Mã Lai đã kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân vào giáo dục đại học để cung cấp thêm chỗ học cho nhu cầu học tập của dân Mã Lai, đồng thời giúp giữ lại trong nước những đồng ngoại tệ cần thiết cho công cuộc phát triển đất nước.

Nói tóm lại, ra đời của giáo dục đại học tư của Mã Lai phản ánh một quan điểm mới mẻ, phải nói là có tính cách mạng, của chính phủ Mã Lai trong việc tìm kiếm các nguồn lực bổ sung và các giải pháp để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng nhân lực của Mã Lai trước những áp lực cạnh tranh  của một nền kinh tế tri thức toàn cầu và những đòi hỏi về sự phát triển của đất nước Mã Lai - một quan điểm ngay từ đầu đã rất tích cực về vai trò của đại học tư (chứ không giống như VN, cho phép ra đời đại học tư một cách miễn cưỡng, đến nỗi trong thời gian đầu ngay cả tên gọi "đại học tư" chúng ta cũng không dám sử dụng, mà phải tránh né để gọi chúng là "đại học dân lập", với những hệ lụy mà đến giờ các trường ra đời trong thời gian ấy vẫn còn đang phải giải quyết một cách không mấy dễ dàng).

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment