Thursday, November 15, 2012

Tại sao công bố quốc tế của VN không bì được với Thái Lan (để bổ sung cho lập luận của GS NVTuấn)

Công bố khoa học trên tạp chí quốc tế của VN không bằng ai cả, thua tất thảy các nước Đông Nam Á, có lẽ chỉ hơn Campuchia thôi, đó là lập luận của nhiều người nhưng tiêu biểu là GS NVT, hoặc cặp đôi tác giả NVT & PTL trong một bài báo gần đây.

Lý do tại sao VN thua kém thì chắc có nhiều; GS Tuấn cũng đã viết nhiều rồi, và tựu trung tôi thấy các ý chính của GS ấy là: các nhà khoa học của VN kém! Chấm hết. Kém đủ thứ, nào là kém tiếng Anh, nào là kém về đạo đức khoa học (đạo văn chẳng hạn), kém về kinh nghiệm công bố quốc tế, năng lực khoa học, tất tần tật. Ngoài ra, không chỉ có nhà khoa học (thực ra, theo định nghĩa của GS Tuấn thì chưa thể gọi họ là "nhà khoa học" vì họ đâu có làm khoa học, ở đây làm khoa học được hiểu là có công bố quốc tế ấy ạ) của VN kém, mà nói chung là các nhà chính sách, các vị có quyền điều hành, và cả các vị lãnh đạo chuyên môn của các trường, khoa, viện, trung tâm vv của VN cũng kém! Thiếu tâm và thiếu tầm. Nói tóm gọn lại trong một chữ thì là: Xổ toẹt!

GS Tuấn mà đã nói thì chắc là không sai (?), ấy là nhiều người ở VN vẫn nghĩ thế. Tôi cũng thiên về cách nghĩ như thế,  vì ông đang giảng dạy và làm việc tại một Viện nghiên cứu của một nước phát triển, English-speaking (Anglo-Saxon), thì làm sao mà chẳng có điều kiện tốt hơn chúng ta. Nhưng hiểu về tình trạng của các nước ĐNÁ, đặc biệt là các trường đại học ở đấy, để có thể so sánh với VN cho chính xác thì chắc ông Tuấn không biết nhiều hơn tôi đâu ạ (vâng, xin ông Tuấn đừng so sánh VN với Úc hoặc Mỹ, Anh, Nhật, Hàn ạ, vì làm sao mà so sánh được cơ chứ khi thu nhập bình quân đầu người của họ là đến vài chục ngàn đô, còn mình thì chỉ mới đâu đó trên ngàn đô thôi!).

Vậy nên, xin có vài lời để bổ sung thêm cho lập luận của ông GS Tuấn. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi ạ, đó là đồng lương của các vị giáo sư, tiến sĩ ở các trường của Thái Lan, trong tương quan so sánh với VN.

- Ở VN, xin lấy ví dụ ở một trường thuộc loại hàng đầu của TP HCM là ĐHQG-HCM, lương trung bình của một giảng viên có bằng tiến sĩ và giảng dạy trên chục năm trở lên chắc khoảng 500 USD, nhiều khi còn ít hơn. Cứ cho là họ dạy thêm, dạy nếm (!), chạy "sô" chỗ này chỗ khác để được thêm một khoảng tương đương thế, thì lúc ấy họ mới đạt được mức thu nhập 1000USD/tháng. Mà phải làm quần quật, như ta hay nói là làm "thợ dạy". Tất nhiên cũng có những thầy giỏi, được mời tham gia nhiều đề tài, công trình, thì có thu nhập tốt hơn, nhưng đây là thiểu số chứ không phải là đa số.

Riêng ở ĐHQT, nơi được coi là "bờ xôi ruộng mật" của ĐHQG-HCM nói riêng và của hệ thống ĐH VN nói chung (vì được thu học phí cao, trả lương cao, học bằng tiếng Anh) thì lương giảng viên có bằng TS, không phải đi dạy thêm mà chỉ dạy cho trường chắc cũng dao động trong khoảng 1000-1500 USD. Là mong ước của nhiều người, và chen chân vào dạy ở trường này không phải dễ!

Ở trường ấy, người ta còn khuyến khích công bố quốc tế bằng cây gậy và củ cà rốt, tức là bắt buộc phải làm, nhưng làm rồi thì được thưởng bằng tiền, một bài đăng báo thì được đâu 1000 hay 1500 USD gì đó, tôi nghe thế không rõ có chính xác không. Và chỉ thế thôi, thì số bài công bố ở ĐHQT đã cao hơn hẳn nhiều nơi khác rồi.

Tóm lại, nếu giảng viên toàn quốc đều có điều kiện làm việc như ở ĐHQT thì chắc chắn là công bố quốc tế của VN chẳng mấy chốc sẽ tăng lên. Thì, phải có thực (= lương tốt, tức là sống được bằng lương, không phải chạy vạy, bươn chải kiếm sống) thì mới vực được đạo (= làm nghiên cứu, tức là có công bố quốc tế, theo định nghĩa của GS Tuấn) mà, ông bà ta nói đố có sai vào đâu được.

- Thế ở Thái, thì lương của họ ra sao?
+ Giảng viên có bằng Tiến sĩ: đương nhiên hưởng mức lương 1 ngàn đô/tháng, tức 30 ngàn đồng baht của Thái. (tỷ giá: 1 đô bằng cỡ 30 baht). Bằng lương của ĐHQT, tức gấp đôi lần lương của giảng viên ở các trường khác của DHQG-HCM .
+ Giáo sư: lương 2 ngàn đô, thêm 6 trăm đô trợ cấp. Tiền baht là 60 ngàn + 18 ngàn trợ cấp. Gấp hai lần rưỡi lương của giảng viên thường ở ĐHQT, và gấp hơn 5 lần lương của giảng viên ở các trường khác của DHQG-HCM.

Thông tin ở đâu ra thế, bịa ra phải không? Dạ, em đâu dám thế (chính phủ yêu cầu kiểm tra, thì em chết mất), nó đây ạ. Trong báo cáo năm 2010 của ĐH UM của Mã Lai, trong chuyến đi thăm trao đổi và học hỏi đến các trường đại học nghiên cứu của Thái Lan. Ở đây: http://vcoffice.um.edu.my/wp-content/uploads/2010/03/REPORT/Thailand.pdf.

Vâng, chỉ thế thôi, thì đã thấy ngay là tại sao Thái Lan có công bố khoa học nhiều hơn VN nhiều lần rồi. Đấy là chưa kể số lượng giáo sư và tiến sĩ của họ chắc chắn là hơn mình. Tôi dám nói chắc điều này vì trong khi ở VN thì số giảng viên có bằng tiến sĩ chỉ chiếm 20-25% tổng số giảng viên, còn ở Thái hầu như ai cũng phải có bằng tiến sĩ rồi mới được đứng lớp, tức tiến sĩ là xấp xỉ 100%.

Chưa kể tỷ số sinh viên trên giảng viên của mình cao gấp mấy lần họ, cái này tôi cũng đã viết trên blog này vài lần rồi. Nhưng riêng GS Tuấn thì ông cứ phán đại rằng VN có khá nhiều GS, TS so với các nước khác, mà chẳng đưa ra số liệu so sánh với nước nào cả. Cứ xơi xơi phê phán, mạt sát các nhà khoa học VN - xin lỗi, phải nói lại cho chính xác kẻo ông Tuấn bắt bẻ, đó là các tiến sĩ trong nước nhưng không làm khoa học - đến vuốt mặt không kịp, chỉ dựa trên những số liệu mang tính chọn lọc (selective) để chứng minh luận điểm riêng của mình thôi!

Xin thưa ngay với ông Tuấn rằng, số lượng tiến sĩ và giáo sư của VN không nhiều đâu ạ, đặc biệt khi so với Thái Lan. Chẳng thế mà PTT NTN khi còn là Bộ trưởng GD đã đưa ra chỉ tiêu 10 ngàn tiến sĩ, một chỉ tiêu mà mọi người đã giãy nảy lên phê phán ấy. Nhưng thôi, những chi tiết ấy để hôm khác em hầu chuyện với GS Tuấn sau trong một bài viết khác, GS nhé.

Và cuối cùng, rất mong ai đó ở trên cao đọc những dòng này và suy nghĩ một chút trước khi ép buộc các nhà giáo của VN phải ... rặn ra các công trình và công bố quốc tế, rồi lại xếp hạng đại học, có đẳng cấp quốc tế nữa chứ. Nếu có muốn thế, thì ít nhất hãy tạo cho mọi người điều kiện làm việc tương đương với ĐHQT của ĐHQG-HCM đi đã.

Nói thêm, cơ sở vật chất của trường này cũng rất tốt, máy móc thiết bị hiện đại nhập mới toanh cho họ xài - chả biết hiệu quả có cao lắm không. Mà tiền thì do ngân sách nhà nước cấp, hoặc vốn vay có trả lãi của Ngân hàng thế giới, tức cuối cùng là từ tiền thuế của chúng ta đấy ạ, trong đó có các gv đại học dạy gần 30 năm và có bằng tiến sĩ đến 15 năm rồi và được nhà nước trả lương khoảng 500 USD, như tôi, trước khi nghỉ khỏi nhà nước.

Vâng, xin đừng bắt các giảng viên của VN làm thợ dạy để kiếm tiền sinh sống, chẳng ai muốn thế! Lại còn mạt sát họ nữa chứ, tội lắm. Họ mà tìm cách đi hết sang các nước phát triển (để tránh bị mạt sát, và còn có cơ hội mạt sát người khác chứ), thì chúng ta sẽ bị chảy máu chất xám trầm trọng đấy. Thì đã và đang chảy máu từ khu vực công sang khu vực tư nhân rồi đó.

Xin hãy nhớ câu mà cha ông ta vẫn nói từ xưa, đó là

CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO

GS Tuấn nhỉ!
---
Đính chính:

Hồi nãy tôi tính nhẩm sai nên ghi lương của giảng viên Thái là gấp 10 lần con số thực. Thành thật xin lỗi các bạn, và cám ơn bạn LuatLe đã góp ý qua comment!
-------------------
Cập nhật sáng 15/2012

Có một bạn trẻ đang học ở nước ngoài có nick là Bach Le đã gửi những ý kiến trao đổi khá thú vị về bài viết của tôi (tựu trung là không đồng ý với tôi) trên facebook, và tôi cũng đã có những phản hồi. Xin chép về đây cho mọi người cùng đọc.

Về vấn đề tiền lương và trách nhiệm của giảng viên nước ngoài. Trước hết, để có được một vị trí cố định trong một trường đại học (tenure track), một ứng cử viên phải hội đủ các điều kiện hết sức gắt gao: bằng tiến sĩ, kinh nghiệm nghiên cứu trong và ngoài nước (vâng ạ, ví dụ như ở Hà Lan, dù là nước có nghiên cứu rất phát triển, giảng viên vẫn được yêu cầu phải có kinh nghiệm làm nghiên cứu ở nước ngoài), số lượng và chất lượng các bài báo khoa học.

Một trường hàng năm chỉ tuyển thêm vài vị trí cố định như vậy, còn phần lớn các nhà nghiên cứu khác làm việc trong trường được hưởng lương theo hợp đồng (2 năm hoặc 4 năm). Trách nhiệm của một người được hưởng lương cố định rất nặng nề. Ngoài việc giảng dạy sinh viên, hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ, làm nghiên cứu khoa học, viết bài báo khoa học, thì trách nhiệm quan trọng thiết yếu nhất của họ chính là: kiếm tiền về cho trường.

Điều này được thực hiện qua việc viết các đề xuất nghiên cứu (proposal) để xin kinh phí qua rất nhiều quỹ khác nhau trong nước cũng như trên thế giới. Có những quỹ rất nổi tiếng thế giới như Ford, Bill & Melinda Gates, vv. cũng như những quỹ nhỏ không tên tuổi, chẳng hạn một công ty tư nhân nào đó. Tiền để làm nghiên cứu, việc sắm thêm các máy móc thiết bị cho nghiên cứu cũng từ nguồn kinh phí xin thêm này mà ra, chứ không dựa 100% vào điều kiện hiện có của trường đại học. Chứ không phải cứ muốn làm nghiên cứu là trường đại học sẽ cấp tiền cho mà làm đâu ạ!

Bởi vậy ở Việt Nam cứ muôn thủa câu hỏi: tiền làm nghiên cứu ở đâu ra? Thì phải lăn lộn tìm nguồn tài trợ, dựa vào tính khả thi của bản đề xuất nghiên cứu của mình, để xin tài trợ từ các công ty, hay các tổ chức. Vậy xin hỏi, nếu hàng năm các giảng viên của trường kiếm về hàng trăm triệu USD qua việc viết các đề xuất nghiên cứu, đóng góp mua sắm máy móc thiết bị, cơ sở vật chất cho trường, thì lương của họ cao như vậy có đúng không? Và cũng xin hỏi, nếu trường đại học của Việt Nam cũng trả lương cao cho giảng viên như vậy, thì trong 10 giảng viên, bao nhiêu người có khả năng đem lại tiền về cho trường theo cách như vậy?

Lập luận như vậy để thấy một thực tế của khoa học ở Việt Nam: sự ỳ trệ. Những người đam mê làm nghiên cứu khoa học, họ sẽ tìm mọi cách để xin được kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau, chứ không dựa dẫm vào tiền lương của họ, tiền tài trợ của trường. Bởi vậy, nếu cái khả năng đó không có, thì không phải vì sự thiếu năng động, sự yếu kém của những người làm nghiên cứu, thì là vì cái gì? Còn nếu chỉ thích làm thợ giảng, không năng động, đến mức phải dùng ‘cần câu và củ carot’ thì mới chịu nghiên cứu, thì tiền lương như vậy có đúng không?

Nếu không làm nghiên cứu được ở Việt Nam, thì đi ra nước ngoài làm (như rất nhiều nhà khoa học của Việt Nam trên khắp thế giới). Bởi vậy cũng không thể nói người Việt Nam không có nhiều bài báo quốc tế, bởi số lượng tác giả Việt Nam trên các bài báo quốc tế là đáng kể.

Và đây là phản hồi của tôi:

Tôi cũng có mấy ý kiến trao đổi lại:

(1) Lương, trách nhiệm và quyền lợi của giảng viên "cơ hữu" (= permanent) ở nước ngoài, chẳng phải đó cũng là một loại chính sách "cây gậy và củ cà rốt" hay sao? Phải có công bố quốc tế mới có thể là gv cơ hữu, phải xin được tiền tài trợ từ nghiên cứu, nếu không thì ... mất việc (= cây gậy), nhưng nếu xin được tài trợ thì toàn quyền sử dụng nó, và được những tưởng thưởng về status, về bonus, vv (=củ cà rốt). Ý tôi muốn nói là có chính sách và sự kích thích phù hợp.

Đó chỉ là một cách nói của tôi, em đừng lấy đó để cho rằng gv VN là ù lì, trì trệ.

(2) Lương chỉ là một ý rất nhỏ; còn các điều kiện khác về cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, máy móc vv) và thư viện, tài liệu, và quan trọng hơn là cộng đồng khoa học nữa. Tôi rất không đồng ý với các phê phán khơi khơi của ông Tuấn hay của những người sống/làm việc ở các nước tư bản phát triển, thấy VN ít có công bố quốc tế thì kết luận là các nhà khoa học VN kém. Cái mà các "nhà khoa hoc" (tạm gọi thế) của VN cần không phải là sự mạt sát, mà là các giải pháp. Mà giải pháp nào đi nữa thì cũng chẳng thể tách rời trình độ phát triển của quốc gia ấy.

Cho nên hãy nhìn vào các nước có điều kiện tương tự VN để so sánh, chứ đừng lấy tiêu chuẩn các nước Âu, Mỹ rồi áp vào cho VN.

(3) Như em nói, các nhà khoa học của VN không kém, vì khi ra nước ngoài họ làm được khá nhiều việc, vì điều kiện tốt hơn. Và ai đi được thì đã đi (và sẽ còn đi nữa) dẫn đến chảy máu chất xám sang các nước phát triển. Sự phát triển của các nước Âu, Mỹ cũng có một phần đóng góp của chất xám thế giới thứ ba đấy. Ngô Bảo Châu mà ở VN thì chắc khó mà làm toán được như hiện nay em ạ.

Nói ngắn gọn lại: Không thể nâng cao năng lực KH của VN bằng cách mạt sát lực lượng khoa học của VN, như ông Tuấn vẫn hay làm.

3 comments:

  1. Chị xem lại lương giảng viên Thái. Chỉ tầm 1000 usd/ tháng thôi. 1000 usd * 30 b/usd là 30 ngàn B.

    ReplyDelete
  2. Tâm đắc với những phân tích của cô. Đúng là mọi sự so sánh đều là khập khiễng nếu không đặt trong hoàn cảnh!

    ReplyDelete
  3. Chào cô, em cũng hay đọc các bài bình luận về tiếng anh và giáo dục của cô. Hôm nay được đọc bài này nên cũng xin đóng góp một vài ý về việc làm nghiên cứu khoa học ở VN.
    Nếu nhận xét về các nhà khoa học ở VN có làm khoa học hay không? và đồng thời làm thế nào để cải thiện tình trạng không nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu và trường đại học của VN thì có lẽ là một câu chuyện dài, đòi hỏi cần phải có nghiên cứu cụ thể về nó. Em được đào tạo tại nước tiên tiến (Japan) và có bằng TS tại đây, giờ làm Nghiên cứu sau TS. Em có một cảm nhận rất khác giữa môi trường làm khoa học ở VN và JP là môi trường khoa học "scientific environment".
    Theo em muốn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học thì có nhiều giải pháp như: tiền lương (yên tâm làm việc), tiền nghiên cứu (đầu tư làm thí nghiệm, hội thảo),... Nhưng như thế chưa đủ. Chúng ta cần phải có một "scientific environment", các hoạt động của các đồng nghiệp xung quanh mình phải gắn kết với các hoạt động nghiên cứu khoa học nữa. Như thế mới tạo được các động lực thúc đẩy, trao đổi thông tin khoa học, củng cố được phương pháp nghiên cứu,... kể ra thì rất nhiều. Rồi các thầy cô giáo trong các trường đại học thì nên bắt buộc phải có các công trình nghiên cứu (công bố quốc tế)thì mới được giảng dạy (tất nhiên là ngoại trừ các ngành đặc biệt như XHCN,..). Bởi vì nếu các giảng viên không nghiên cứu thì thế hệ sinh viên ra trường cũng sẽ không có tư tưởng nghiên cứu, cũng không được cung cấp thông tin đầy đủ về ngành và lĩnh vực mình đang học. Hiện nay phần lớn các công trình khoa học là phải mang tình giải quyết toàn cầu "Global Thinhking", chứ không phải là "Local Thinking" nên nếu các giảng viên không nghiên cứu thì rất khó mà biết được đâu là vấn đề cần giải quyết hiện nay.
    Chỉ nhìn về góc độ như thế thôi thì cũng biết là để nâng cao được trình độ nghiên cứu khoa học ở VN không thể làm ngay tức thì, cần phải lộ trình 10-20 năm. Chúng ta cũng khó mà kỳ vọng khi tăng lương thì có ngay sản phẩm khoa học. Cô cũng nêu dẫn chứng là DHQT thì có công trình nghiên cứu nhiều hơn, tuy nhiên cần phải xem lại xem là các công trình đầy có tỉ lệ hợp tác bao nhiêu % với các nhà khoa học nước ngoài, hay chỉ đơn thuần là các nhà KH của trường xây dựng.
    Còn số liệu mà GS Tuấn đưa ra thì cũng không hẳn là sai, bởi vì nếu một nước có vài trăm TS, GS thì không thể tính nhưng chúng ta có hẳn >1000 thì không thể coi là ít. Vì thế giải pháp đặt ra cần thiết phải xây dựng được "scientific environment" từ hệ thống sách giáo khoa, chuyên khảo, thư viện, môi trường nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm, seminar,... Nói về phòng thí nghiệm thì ở VN có nhiều phòng thí nghiệm của các viện nghiên cứu và trường đại học có các thiết bị cũng ngang bằng với các nước tiên tiến. Tuy nhiên hiệu quả thì ai cũng biết như thế nào rồi.

    ReplyDelete