Monday, July 22, 2019

Lại nói về chất lượng giáo dục đại học (ramblings only, not an article!) (còn tiếp)

Vâng, chất lượng giáo dục, ở đây là giáo dục đại học, là một đề tài đã rất rất rất cũ.

Nhưng nó vẫn luôn được lặp lại. Ví dụ sáng nay khi đọc báo, tôi lại thấy đưa tin về điểm sàn vào trường nọ, trường kia, và kèm theo đó là những bình luận của cộng đồng, rằng trường này tự xưng là chất lượng cao mà sao điểm tuyển vào thấp thế. Vâng, đó là một nhận định về chất lượng, hoặc nói đúng hơn, một nhận định về DẤU HIỆU của chất lượng, ở đây là chất lượng đầu vào. Và đó là nhận định của người học, hoặc đúng hơn là của toàn xã hội, vì hầu như bất cứ trường nào nhận sv vào dễ dàng quá thì hầu như không được xem là chất lượng cao. Người duy nhất phản đối các nhận diện chất lượng theo kiểu này, có lẽ chỉ là chính các trường muốn nhận tất cả sv vào để đào tạo, còn nhận vì mục đích gì thì chưa cần biết.

Nhưng đó có phải là dấu hiệu duy nhất của chất lượng? Không, rõ ràng là không. Ai cũng biết, cùng một chất lượng đầu vào như nhau (ở đây hiểu là điểm đầu vào để được chấp nhận tham gia một chương trình đại học) nhưng sau thời gian (trung bình là) 4 năm học, sv tốt nghiệp ở trường này có thể tốt hơn hẳn so với một sv tốt nghiệp từ một trường khác. Và điều này được thấy rất rõ khi sv nộp đơn tuyển dụng làm việc. Sẽ có những sv bị từ chối ngay từ vòng đầu tiên vì "chỉ nhận các trường A, B, C" (không phải là trường mà sv vừa tốt nghiệp), hoặc thậm chí còn bị chỉ đích danh: "không nhận sv trường F" (là trường mà người sv xấu số vừa học xong và được nhận tấm bằng đang cầm trên tay). Như vậy, khả năng tìm được việc làm ở đầu ra, và kế đến là mức lương cùng khả năng thăng tiến của cựu sv, cũng là môt dấu hiệu khác của chất lượng, ở đây là chất lượng đầu ra. Dấu hiệu này, rõ ràng cũng được nhiều người đồng ý, có lẽ cũng có thể là toàn xã hội. Và, một lần nữa, người phản đối quan điểm này có lẽ lại là các trường, những nơi cung cấp ra các sv tốt nghiệp mà theo chính các trường thì đã đủ năng lực để làm việc, nhưng không may vì lý do gì đó lại có thể không có được việc làm, hoặc không có công việc phù hợp với năng lực, dự tính và mong muốn của mình.

Vậy còn định nghĩa nào về chất lượng nữa không? À, có đấy. Ví dụ, quan niệm thông thường mà ta hay thấy là "tiền nào của đó". Học phí thu như thế, thì chất lượng chỉ có thể mong đợi tới đó mà thôi, là câu nói đầu môi của nhiều người, cả trong giới đại học lẫn thường dân ở bên ngoài. Dân làm trong ngành đảm bảo chất lượng (mà tôi là kẻ may mắn hoặc không may mắn bị đưa đẩy và dính vào suốt nửa cuộc đời làm việc của tôi) gọi đó là quan niệm "chất lượng là đáng giá đồng tiền" - một quan niệm phổ biến trong xã hội. Vậy là sơ sơ đã có 3 quan niệm về chất lượng rồi.

Vẫn còn. Một quan niệm chất lượng khác, lần này là của những người trong giới, xem chất lượng là sự vượt trội so với những cái khác trong cùng giới. Và dấu hiệu của sự vượt trội là danh tiếng mà nó đã đạt được sau một thời gian hoạt động. Ví dụ, Harvard được xem là một đại học vượt trội, là hình mẫu cho các trường đại học khác trên toàn thế giới học theo, và nếu có thể được, thì vượt qua.

Nhưng làm gì để có danh tiếng như Harvard nhỉ? Well, danh tiếng của Harvard tất nhiên là không có gì phải bàn cãi, nhưng nguyên nhân khiến Harvard có được danh tiếng như nó đang có lại không rõ ràng một chút nào. Rất có thể danh tiếng của nó trước hết là do chất lượng đầu vào của sv - vì ai cũng biết là để vào được Harvard thì hoàn toàn không hề dễ dàng một chút nào. USNWR viết về Harvard như thế này: Harvard is one of the most selective institutions out of all the colleges and universities surveyed for the Best Colleges rankings. (https://www.usnews.com/best-colleges/harvard-university-2155). Cũng trên trang vừa nêu, mức lương trung vị (median) của sv tốt nghiệp Harvard là khoảng hơn 66 ngàn USD một năm, so với mức lương trung vị của sv tốt nghiệp UCO là nơi con gái tôi đang học là hơn 42 ngàn - tức là tăng đến 25%, không hề nhỏ. Một lý do khác là Harvard đang cũng như đã từng có những nhân vật rất nổi tiếng, cả giáo sư lẫn cựu sinh viên (trong đó có cả những người đã từng vào Harvard nhưng rồi bỏ học như Bill Gates!), như Mark Zuckerberg, Barrack Obama, Steven Pinker, Al Gore, Henry Kissinger, Benazir Bhutto,  T S Elliot, và danh sách này có thể kéo dài mãi!

Well, viết đến đây thì mệt quá rồi. Tôi tạm dừng ở đây, sẽ viết tiếp khi có thêm ý tưởng, có chút thời gian và đặc biệt là có thêm chút hứng thú!!


BTW, tôi cần chép link này lại để lưu ở đây, sẽ viết về nó trong posting kế tiếp. https://www.hlrcjournal.com/index.php/HLRC/article/download/244/217/0
(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment