Saturday, December 27, 2014

Liên kết điểm, quy đổi tương đương, và chuyển thang điểm: Đâu là sự khác biệt?


Loạt bài dịch này của tôi là nhằm phục vụ cho Đề án 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (liên quan đến việc nâng cao trình độ tiếng Anh của người VN). Nội dung bài dịch mà các bạn đang đọc đây đụng chạm đến một vấn đề mang tính kỹ thuật khá cao và rất ít người hiểu, nhưng lại khá quan trọng đối với sự thành công của đề án này. 

Nói vắn tắt, hiện nay tại VN đang tồn tại nhiều chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác nhau, và những chứng chỉ đa dạng này đang được sử dụng với những mục đích tương tự. Từ đó, xuất hiện nhu cầu so sánh điểm số của các bài thi khác nhau, với nhiều bảng quy đổi rất khác nhau. Một ví dụ nhỏ: Để tốt nghiệp đại học, sinh viên phải đạt trình độ B1 theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu, nhưng có nơi quy B1 thành 450 điểm TOEIC, nơi khác lại quy thành 500 TOEFL (phiên bản cũ trên giấy), nơi khác lại là 500 TOEIC, hoặc 4.5 IELTS, có khi lại là 4 và cũng có chỗ là 5. Tóm lại, loạn hết cả lên. 

Vậy thì sao? À, muốn có kết quả nhanh, chúng ta phải làm chậm, đó là một câu tôi đã đọc ở đâu đó. Ở đây, làm chậm nghĩa là đi lại từ những khái niệm đầu tiên. Xin giới thiệu những khái niệm đó.
--------------
 Nguồn:

Liên kết điểm, quy đổi tương đương, chuyển thang điểm: Đâu là sự khác biệt?

Khi
nói về điểm thi của học sinh, ta thường nghe nhắc đến những thuật ngữ như liên kết điểm (linking), quy đổi tương đương (equating), và chuyển thang điểm (scaling). Mặc dù những thuật ngữ này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định điểm số của học sinh, nhưng ý nghĩa của những thuật ngữ này không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Liên kết điểm
Liên kết
điểm chỉ mối quan hệ giữa điểm số trên hai bài thi khác nhau nhưng không nhất thiết được xây dựng theo cùng một nội dung hoặc cùng một độ khó. Trong trường hợp này, cần thực hiện liên kết điểm để có thể thiết lập mối quan hệ giữa các điểm thi.

Một
ví dụ phổ biến của việc liên kết điểm khi ta so sánh điểm tổng hợp của bài thi ACT với điểm Đọc hiểu (trước đây gọi là bài thi Ngôn ngữ) và điểm Toán của bài thi SAT. Mặc dù đều được dùng với mục đích xét tuyển vào đại học, hai bài thi này được thiết kế khác nhau một cách có chủ đích. Không kể phần Viết luận, bài thi SATgồm 2 phần thi tổng hợp là Đọc hiểu và Toán, còn bài thi ACT gồm 4 phần thi tổng hợp là Tiếng Anh, Toán, Đọc hiểu, và Khoa học thường thức. Mặc  dù hai bài thi này cũng có những điểm tương đồng, nhưng rõ ràng là chúng khác nhau.



Vì sao chúng ta cần xác lập mối quan hệ giữa các bài thi khác nhau? Tiếp tục với ví dụ về ACT và SAT, một lý do là khi xét tuyển vào đại học các trường luôn phải đưa ra một mức điểm nào đó để có thể chọn lọc sinh viên. Nếu một trường đòi hỏi thí sinh phải đạt 22 điểm ACT để có thể được chọn, thì trường ấy cũng cần biết điểm SAT tương đương là bao nhiêu để xác định mức điểm yêu cầu tối thiểu cho các thí sinh chỉ có điểm SAT. Trong ví dụ này, mối quan hệ giữa hai bài thi được thiết lập bởi các thí sinh đã có điểm trên cả hai bài thi. Ở đây có một điểm cần lưu ý, đó là: Khi các bài thi có nội dung quá khác nhau thì việc liên kết điểm sẽ không thể phù hợp với mọi mục đích.



Quy đổi tương đương

Quy đổi tương đương có thể được xem là một dạng liên kết đặc biệt, hoặc đúng hơn là mối quan hệ liên kết chặt chẽ nhất. Đó là quy trình làm cho điểm số trên các đề thi tương đương của cùng một bài thi có thể sử dụng thay thế cho nhau. Khi các đề thi được tạo ra theo cùng một nội dung và cùng một phạm vi độ khó, việc quy đổi tương đương sẽ giúp điều chỉnh những khác biệt nhỏ về độ khó của các đề thi khác nhau.



Chuyển thang điểm

Chuyển thang điểm là quá trình biến đổi từ điểm thô (tức số câu đúng) sang một thang điểm khác. Điểm số trên bài thi SAT, có giá trị từ 400 đến 1600 điểm, là điểm đã được chuyển thang chứ không phải là điểm thô. Vậy tại sao người ta lại cần chuyển thang điểm? Mục đích chính của việc chuyển thang điểm là để giúp mọi người diễn giải được và hiểu rõ ý nghĩa của điểm số. Diễn giải ý nghĩa điểm thô thường rất khó khăn nếu không có thêm thông tin. Một thí sinh khi nhận được một điểm thô là 45 điểm sẽ không thể biết được là số điểm ấy có tốt không nếu không biết được điểm số tối đa và kết quả làm bài của các thí sinh khác. Điểm chuyển thang được thiết lập để cung cấp một cách thức đơn giản để diễn giải điểm số. Một khi đã xây dựng được thang điểm chuyển đổi và thí sinh đã quen với thang này, thì họ hoàn toàn có thể hiểu được điểm số của mình mà không cần thêm thông tin nào khác.



Một ví dụ khác của việc chuyển thang điểm được sử dụng trong khung Lý thuyết ứng đáp câu hỏi (IRT). Điểm thô của thí sinh được chuyển đổi sang một thang điểm đặc biệt gọi là điểm theta. Trên thang điểm này, điểm số của mỗi nhóm thí sinh được chuyển đổi sang một thang điểm có mức trung bình là 0 và độ lệch chuẩn là 1. Tuy nhiên, thường thì các nhóm thí sinh có năng lực thay đổi qua nhiều năm. Nếu thí sinh Năm 2 làm bài thi tốt hơn Năm 1, sự khác biệt này sẽ không được bộc lộ qua thang điểm theta. Điều này làm phát sinh nhu cầu chuyển đổi thang theta mới sang thang điểm của năm trước. Có thể sử dụng phương trình tuyến tính để chuyển đổi tham số ước lượng IRT từ thang Năm 2 sang thang Năm 1. Khi thực hiện quy tương đương theo mô hình IRT thì quy trình chuyển đổi điểm vừa mô tả ở trên là một bước không thể thiếu trong toàn bộ quy trình quy tương đương ấy.



Chuyển thang điểm dọc hay Quy đổi tương đương theo chiều dọc

 Mục đích của việc chuyển thang điểm dọc hay quy đổi tương đương theo chiều dọc là đặt điểm số từ các trình độ khác nhau của cùng một bài thi trên cùng một thang điểm chung. Các chương trình thi thường có một bộ đề thi được tổ chức cho các thí sinh ở các lớp trình độ khác nhau. Thông thường, những đề thi này đo lường cùng một loại năng lực (ví dụ: hình học, đại số, tính toán), mặc dù ở các trình độ khác nhau thì những bài thi này cũng có những khác biệt về nội dung và độ khó. Ví dụ, nội dung và độ khó của bài thi toán lớp 3 hẳn phải khác với bài thi toán lớp 4, mặc dù cả hai bài thi đều đo lường năng lực có liên quan đến toán học. Khi các bài thi có nhiều trình độ qua các năm học khác nhau, người ta thường muốn so sánh sự tiến bộ của thí sinh qua từng năm. Một cách để làm điều này là tạo ra một thang điểm duy nhất cho tất cả mọi trình độ của bài thi. Việc kết nối kết quả từng trình độ của bài thi vào trong một thang điểm duy nhất được gọi là “chuyển thang điểm dọc”.



Vậy đâu là sự khác biệt?
Các quy trình thực tế trong liên kết điểm và quy tương đương là rất giống nhau. Sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này chủ yếu là về mặt khái niệm. Nếu các bài thi được cố tình thiết kế khác nhau thì ta sử dụng liên kết điểm để tạo ra một mối quan hệ giữa các bài thi ấy. Còn khi các phiên bản khác nhau của cùng một bài thi được xây dựng trên cùng một nội dung và độ khó để càng giống nhau càng tốt thì lúc ấy ta sử dụng quy đổi tương đương. Trong khi đó, chuyển thang điểm không xác định mối quan hệ giữa điểm số của hai bài thi khác nhau, mà chỉ chuyển điểm số của một bài thi sang thang điểm khác để dễ diễn giải ý nghĩa mà thôi.

No comments:

Post a Comment