Monday, February 21, 2011

"Tám biện pháp cải thiện nền đại học Mỹ" (1)

Tựa của entry này là phần dịch thoát ý của tôi cho tựa bài viết đăng trên tờ Washington Post mới ngày hôm qua, 20/2/2011. Tựa tiếng Anh của bài gốc là "Eight ways to get higher education into shape", có thể tìm thấy ở đây.

Nhưng ... bài viết gì mà lạ vậy? Chẳng phải giáo dục đại học Mỹ cho đến nay vẫn được cả thế giới thừa nhận là nền đại học tốt nhất thế giới, là điểm đến mơ ước của mọi người muốn theo học ở bậc đại học đó sao? Vậy, nếu đã tốt như thế, sao bây giờ lại bàn đến 8 biện pháp để cải thiện nó, y như là nó đang đứng trước một cơn khủng hoảng hoặc thực sự hoặc tiềm ẩn nào đó vậy? Có nhầm lẫn gì đây chăng?

Không đâu, chẳng có nhầm lẫn gì hết! Chính tác giả của bài viết cũng nhắc lại những điều mà tôi mới viết trong đoạn trên: nền đại học Mỹ là mơ ước của toàn thế giới. Nhưng theo tác giả thì điều đó chỉ đúng với những trường đại học tốt nhất nước Mỹ, những tên tuổi như Harvard, Yale, Stanford, UCLA, Caltech vv gì gì đó thôi. Cứ cho rằng có vài chục trường như thế, thậm chí vài trăm đi chăng nữa, thì con số đó chẳng thấm vào đâu so với con số trên 4000 trường đại học và cao đẳng của Mỹ. Trong khi đó, chất lượng của những trường còn lại trong số 4000 trường nói trên thì không những không thể nào sánh được với những trường hàng đầu, mà đôi khi thậm chí phải nói - theo tác giả của bài viết, tất nhiên - là ... tệ hại nữa! Ai không tin, xin vào link tôi đã đưa để đọc, thì rõ ngay thôi!

Vậy chứ 8 biện pháp cải thiện nền đại học Mỹ là gì? Xin đọc danh sách 8 biện pháp ấy ở dưới đây, bằng tiếng Anh, theo sau là phần giải thích dựa trên ý của tác giả kèm lời "bình loạn" của tôi:

1. Measure student learning | 2. End merit aid | 3. Three-year degrees | 4. Core curriculum | 5. More homework | 6. Encourage completion | 7. Cap athletic subsidies | 8. Rethink remediation

1. Đo lường việc học của sinh viên | 2. Ngưng cấp học bổng "tài năng" | 3. Cấp bằng đại học sau 3 năm (thay vì 4 năm) | 4. Cải cách chương trình cốt lõi | 5. Tăng bài tập về nhà | 6. Khuyến khích hoàn tất khóa học | 7. Cắt giảm hỗ trợ thể dục thể thao | 8. Xem xét lại việc phụ đạo.

Đọc đến đây thì chắc chắn mọi người đều đặt câu hỏi, tại sao lại là 8 giải pháp này mà không là các giải pháp khác? Câu trả lời của tác giả bài viết là như sau: 8 giải pháp vừa nêu thực ra là 8 tồn tại cần giải quyết, và nếu giải quyết xong 8 vấn đề đó thì chất lượng của giáo dục đại học Mỹ ắt sẽ tăng lên đáng kể. Ta hãy xét từng điểm dưới đây:

1. Đo lường việc học của sinh viên: Có một thực tế là sinh viên Mỹ được tin là học hành khá nhàn hạ, chủ động học theo nhu cầu và lựa chọn của mình mà không phải chịu sức ép của thầy cô, sự kiểm soát của nhà trường. Nhưng chính vì vậy mà không ai biết sinh viên Mỹ học xong cái bằng đại học thì thực ra học được cái gì. Cho đến gần đây, dư luận bắt đầu đòi hỏi phải đo lường việc học của sinh viên sau khi ra trường (nói theo kiểu VN thì đó là đánh giá chuẩn đầu ra đấy, tức đo năng lực đạt được của sinh viên sau khi học). Các cơ quan kiểm định cũng bắt đầu quan tâm đến đầu ra, chứ không chỉ là đầu vào và quá trình hoạt động như trước giờ họ vẫn làm nữa.

Và để đáp ứng đòi hỏi này đã có một số nghiên cứu được thực hiện, mà kết quả của chúng cho thấy rằng ... dường như sinh viên học xong đại học đã không học được gì hết!!! Nói cách khác, học đại học chẳng có tác dụng gì hết, ngoài việc được cấp cho một tờ giấy! Nguy quá! Có thể đọc về những nghiên cứu ấy ở nhiều nơi, chẳng hạn như ở đây này. Và còn nhiều nữa, cứ lên google search mấy từ "study finds college students learn nothing" là ra hết.

2. Ngưng cấp học bổng "tài năng": Có vẻ là một điều vô lý, phải không? Vì một trong những điểm "hấp dẫn" của đại học Mỹ chính là chỗ này đây: cấp học bổng cho những người thuộc diện "tài năng". Lập luận của tác giả bài viết: việc trợ cấp này thực ra chỉ giúp con nhà giàu chứ chẳng giúp gì cho con nhà nghèo cả. Vì con nhà nghèo thì thường có điểm học bạ ở phổ thông và điểm thi SAT/ACT thấp hơn (không có đủ điều kiện bằng con nhà giàu). Cái này xem ra hơi giống vụ trường chuyên, lớp chọn ở phổ thông và chương trình tài năng, tiên tiến ở đại học của VN đây.

Nếu vẫn tiếp tục cách làm hiện nay, thì những người không thuộc diện được xét cấp học bổng "tài năng" không những phải đóng học phí để trả chi phí học tập của mình, mà còn phải gánh phần chi phí rất nặng của những người được cấp học bổng nữa. Kết quả là học phí ngày càng cao ngất ngưởng, khiến cho nhiều người cần học để cải thiện thu nhập nhưng không thể nào trả nổi học phí và phải nghỉ học. Khoảng cách giàu nghèo vì thế ngày càng tăng, và công bằng xã hội bị ảnh hưởng ...

3. Cấp bằng đại học sau 3 năm: 3 năm là thời gian đào tạo đại học chuẩn của châu Âu theo Tiến trình Bologna (hệ thống 3-5-8 tức 3 năm xong đại học, thêm 2 năm tức sau 5 năm xong thạc sĩ, thêm 3 năm tức sau 8 năm xong tiến sĩ), nhưng ở Mỹ thì vẫn tiếp tục chương trình đại học chuẩn là 4 năm (tất nhiên không kể người học rút ngắn thời gian).

Theo tác giả bài viết, thực ra trước đây Mỹ cũng đã từng đào tạo đại học trong 3 năm, cho đến khi trường đại học Harvard đưa ra yêu cầu phải kéo dài thành 4 năm (việc này xảy ra năm 1652). Hiện nay, một số đại học của Mỹ đang thử nghiệm áp dụng chương trình đại học trong 3 năm, và kết quả rất khả quan. Vì vậy, chẳng có lý do gì mà không trở lại chương trình 3 năm để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Việc kéo dài thời gian học ra thành 4 năm, theo những người ủng hộ việc làm này, là nhằm có thời gian để sinh viên học những môn học "khai phóng" (liberal arts trong tiếng Anh, tạm dịch "khai phóng" vì chưa tìm được từ nào hay hơn). Nhưng trong khi chi phí học tập ngày càng tăng, mà lợi ích của việc học thì không đo được rõ ràng (xem lại mục 1), thì việc đòi hỏi giảm thời gian để giảm chi phí xem ra cũng rất hợp lý!

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment