Tuesday, July 20, 2010

"Nhiều lỗi trong đề thi đại học môn tiếng Anh"

Đó là cái tựa bài viết vừa đăng trên báo Thanh Niên online sáng nay ngày 20/7/2010. Ở đây.

Bài viết này chủ yếu dựa trên những bài đã đăng của GS Nguyễn Văn Tuấn trên blog cá nhân của ông, nhận định đề thi tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua. Trong bài cũng có sử dụng một số ý kiến của tôi, trong box ở cuối bài. Nói chung, đó là những ý chính của tôi về đề thi, và về những nhận định của GS Tuấn.

Còn dưới đây là nguyên văn phần tôi đã gửi. Xin đăng lại ở đây và mong nhận những trao đổi từ các bạn.

---
Về đề thi tuyển sinh tiếng Anh năm 2010

Đề thi tuyển sinh đại học môn tiếng Anh năm 2010 vẫn giữ nguyên cấu trúc và nội dung kiểm tra tổng quát như đề thi các năm trước đây. Nhìn chung, tôi đánh giá đề thi năm nay là tương đương về độ khó so với đề thi các năm trước, và không quá khó đối với trình độ chung thí sinh thi vào khối D.

Tôi có đọc lại các nhận định đã đăng trên báo của các thí sinh, giáo viên trung học, và một vài giảng viên đại học về thi môn tiếng Anh năm nay, thì thấy đa số ý kiến cũng trùng với nhận định của tôi, tức đề thi vừa sức. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng có một số câu hơi lắt léo nên khó chọn được đáp án chính xác, và vì thế đề thi có thể sẽ có tính phân hóa cao.

Tôi cho rằng các nhận định về sự lắt léo của đề thi có liên quan đến phần Reading Comprehension (đọc hiểu). Trong đề thi năm nay, phần kiểm tra đọc hiểu bao gồm 2 bài đọc về 2 chủ đề khác nhau với 20 câu hỏi trên tổng số 80 câu của bài thi. Khi đọc kỹ vào 2 đoạn trích của phần kiểm tra đọc hiểu, quả thật tôi thấy có một số vấn đề cần bàn thêm. Chính các bài đọc hiểu này là nguyên nhân của các bài nhận định (có tính phê phán) về đề thi tuyển sinh tiếng Anh năm nay của GS Nguyễn Văn Tuấn (Việt kiều Úc).

Tôi nghĩ, mặc dù lời lẽ trong những bài nhận định của GS Tuấn hơi nặng nề, có lẽ hơi khó nghe với một số người, nhưng các ý kiến của ông nhìn chung là chính xác và có căn cứ. Những điểm đáng phê phán trong đề thi (chỉ liên quan đến 2 bài đọc hiểu) mà GS Tuấn đã nêu ra gồm có:

1. Về việc đề thi có “đạo văn”: Những điều mà GS Tuấn nêu ra trong các bài viết của ông là chính xác. Ông đã bỏ công ra tìm và chỉ ra nguồn gốc các bài văn được sử dụng trong đề thi, và thậm chí các câu hỏi kèm theo. Tôi nghĩ, đây thực sự là một vấn đề lớn trong việc ra đề thi tiếng Anh ở VN, tương tự như vụ đạo giáo trình trước đây.

Chúng ta có thể giải thích lý do tại sao điều này lại xảy ra được ở Việt Nam, thậm chí có thể thông cảm vì việc này bắt nguồn từ hoàn cảnh Việt Nam trước đây chưa hội nhập sâu rộng với thế giới, trình độ tiếng Anh của giáo viên nói chung còn hạn chế vv. Nhưng những lý do và sự thông cảm đó không làm cho một việc sai trở thành đúng. Giờ đây, khi đất nước đã hội nhập sâu rộng, và khả năng “bị phát hiện” bởi cộng đồng khoa học thế giới cũng rất cao, chúng ta nên thừa nhận cái sai để sửa và rút kinh nghiệm.

2. Về chất lượng của đề thi: Ngay cả nếu chúng ta vẫn tiếp tục xem việc sử dụng những tài liệu “miễn phí” trên mạng không phải là đạo văn (thật ra, điều này là đi ngược với đạo đức học thuật của cộng đồng khoa học thế giới), thì nội dung và ngôn ngữ của hai bài đọc nói trên vẫn có nhiều điểm đáng bàn. Những vấn đề này đã được GS Tuấn nêu kỹ trong các bài viết của ông, và nhìn chung là chính xác.

Tôi đã đọc kỹ cả hai bài đọc và xin nêu ở đây một số nhận định của tôi:

a. Về ngôn ngữ: Tiếng Anh chưa chuẩn, khó có thể xem là “mẫu mực” để đưa vào các tài liệu chính thức và quan trọng như trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Cả hai bài viết đều có những lỗi sai về cách dùng mạo từ (sử dụng “the” một cách khá tùy tiện), phong cách không hoàn toàn phù hợp với một đề thi vì khá “thông tục” (bài đọc về adult learning), và đặc biệt có nhiều lỗi về “quy chiếu” (reference) và “kết nối” (link) mà GS Tuấn gọi là lỗi logic khiến cho bài đọc thiếu mạch lạc.

Ví dụ: từ “instead” trong câu 2, đoạn 1 của bài đọc về adult learning là chỉ cái gì, instead of what? Hoặc từ “better” trong câu 3, đoạn 3 của cùng bài: better than what? Hoặc trong bài đọc về cartoons, câu 3 đoạn 1 bắt đầu bằng “Even though”, nhưng ý của 2 vế trong câu này không hề trái ngược và vì thế không thể dùng “even though” để nối. Cũng vậy với từ “Unlike” trong câu đầu của đoạn 3 trong cùng bài đọc về cartoons: đã dùng “unlike” để chỉ những điều trái ngược, nhưng trong câu lại dùng “also” để chỉ những điều giống nhau?

b. Về nội dung: Cả hai bài đều không hoàn toàn phù hợp với đối tượng thí sinh của kỳ thi. Bài thứ nhất nói về adult learning, không phù hợp với thí sinh chính quy, tuyệt đại đa số chỉ mới 18 tuổi, vừa học xong THPT. Bài thứ hai càng nhạy cảm hơn vì có hàm ý phê phán phương Tây và ca ngợi văn hóa phương đông, đặc biệt là Trung Quốc. Một đoạn văn như vậy có thể xuất hiện trong đề thi của Trung Quốc nhưng không nên xuất hiện trong đề thi của một kỳ thi quốc gia của Việt Nam.

Mặc dù có những sơ sót như vậy, nhưng tôi nghĩ đề thi cũng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kỳ thi. Điều đáng quan tâm ở đây là nó bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý giáo dục của Việt Nam ở mức độ hệ thống.

Chúng ta nên cùng nghiêm túc nhìn nhận những sơ sót này, chứ không nên phản ứng. Tôi tin rằng Bộ Giáo dục sẽ trân trọng lắng nghe những góp ý của mọi người để có những cải cách quan trọng đối với nền giáo dục nước nhà.

11 comments:

  1. Hoan hô chị PA và báo Thanh Niên!

    Tôi thấy có câu tuyệt vời là "lỗi hệ thống". Hy vọng là bài đó không phải bị gở xuống.

    ReplyDelete
  2. Em nghĩ bây giờ điều nên bàn là làm sao để khắc phục tình trạng này.
    Hy vọng Bộ quyết tâm mời đúng chuyên gia, kể cả chuyên gia nước ngoài, để làm đề thi tiếng Anh (có thể outsource cho trung tâm của cô hay thậm chí là Cambridge ESOL?). Ngoài ra, nhìn qua đề thi ĐH thì thấy hình như ngay cả các GV có kinh nghiệm, được tham gia ra đề, cũng không hiểu lắm về cách ra đề thi đúng chuẩn? Về điểm này, em nghĩ Trung tâm của cô, nếu được phép, cũng có thể góp sức giải quyết. Cô thử đề xuất xem?
    Em không ở trong "hệ thống", nên không biết những giải pháp này có khả thi lắm không.
    SGK

    ReplyDelete
  3. Hi TTĐ,
    Cám ơn lời động viên của em. Đôi khi người ta rất cần được động viên như vậy để ... giữ vững tinh thần em ạ. Như chị lúc này, hic!

    Hi SGK,
    Cô cũng nghĩ thế, và đang làm điều đó. Mặc dù chẳng biết có ai nghe không. Thực ra thì cô cũng đã có tiếng nói trong hệ thống (nhỏ) nhiều lần rồi, và đã nhụt chí, rút vào vỏ ốc rồi, chứ không phải là chưa bao giờ thử. Nhưng rồi lâu lâu lại "thấy sự bất bình chẳng tha", lại nói, rồi ... lại ... nản!

    PA

    ReplyDelete
  4. Em có một số suy nghĩ khác nên xin trao đổi:

    1. Em nghĩ là dùng "instead" và "better" như thế không có vấn đề gì. Không cần người viết phải viết rõ ra thì người đọc, căn cứ vào ngữ cảnh, vẫn ngầm hiểu được là "thay vì học tập ở trường lớp" và "hơn hồi còn trẻ". Em nghĩ là ngữ cảnh đủ hiểu được reference.

    2. Về nội dung bài đọc về "adult learning" thì em không cho rằng lứa tuổi nào thì phải đọc các vấn đề trực tiếp của lứa tuổi đó. Em nghĩ bài đọc đó làm các em học sinh phải suy ngẫm, nó khá là "thought-provoking". Cá nhân em mừng vì có một bài đọc như thế.

    ReplyDelete
  5. Hà Thanh này,
    Cô nghĩ là chúng ta sẽ bắt đầu cãi nhau ... linh tinh không có hồi kết, nếu như chúng ta chỉ dựa trên preferences! I think, I prefer vv thì ai cũng đúng em ạ! (Em đang dạy lớp critical thinking mà phải không, vậy thì em sẽ hiểu rõ điều này hơn cô nhiều lắm!)

    Điều đáng nói ở đây, và cô sẽ gửi góp ý đến Cục KT (nếu có ai muốn nghe), đó là chúng ta không có một chút thông tin nào về kỳ thi này ngoài một số thông tin khá sơ sài (bao nhiêu câu, bao nhiêu phần, nội dung gì), rồi cứ thế yêu cầu các giáo viên tự dựa trên preferences của mình để chọn texts, đặt câu hỏi, rồi ... đè học trò ra để kiểm tra. Nên đúng là đưa học sinh vào tình trạng học tài thi phận, thật vậy em ạ. Và điểm số của bài thi thì cũng chẳng rõ là tại vì cái gì: may rủi, hay ... quen đọc văn phong ... Chinese (ví dụ thế, I don't have any implication here), hay ... tình cờ đã gặp bài đọc đó ở đâu rồi, vv. Sao có thể gọi là đề thi chuyên nghiệp, và hết trách nhiệm với thí sinh được?

    Trong khi đó, để viết được những câu hỏi tốt cho một bài kiểm tra ngôn ngữ, thì ... ôi thôi là quy định! Nào là text dài bao nhiêu, văn phong gì, độ khó ra sao, những loại câu hỏi gì vv. Cái này thì cô rành lắm vì đúng chuyên môn của cô mà Thanh!

    Mà thôi, cô không tranh cãi với em ở đây nữa, vì nếu không sẽ sa vào những điều mà chính cô lên án: lấy chính mình ra làm thước đo thiên hạ! Nhưng cô sẽ dần dà establish các căn cứ để bắt đầu tranh luận (trước hết là với chính mình) xem cái gì là đúng, cái gì là sai. Rồi sẽ đưa dần lên blog này.

    Em thử theo dõi xem sao, Hà Thanh nhé! Dù sao thì đây cũng là một dịp để trao đổi về tiếng Anh, đúng mong muốn của cô với series bài này: Nói chuyện tiếng Anh!

    ReplyDelete
  6. Chào cô PA và chị Thanh

    Nói về preferences, em prefer dùng từ "tranh luận" hơn "tranh cãi" (có lẽ vì từ "cãi" nghe có chút aggressive chăng?).

    Nếu cô PA có thời gian viết về chủ đề kiểm tra đánh giá ngôn ngữ thì tốt quá, vì em cũng muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực này (chủ yếu là cho vui thôi :D). Em có đọc paper của cô về đánh giá độ khó văn bản (hình như trên tập san khoa học của Nhân văn thì phải), cũng thấy thú vị, nhưng những paper như vậy hình như khá ít (còn MA thesis của TESOL, cũng ít nhiều có liên quan, thì không thấy upload lên mạng).

    Riêng về bài đọc với chủ đề adult learning, thì em nghĩ thế này. Chuyện dùng instead với better có thích hợp hay không đã vượt qua ngoài giới hạn của một câu hỏi ngữ pháp đơn thuần. Nó liên quan đến chuyện thế nào là good writing. Thường thì để đánh giá một bài viết (ở góc độ tổng quát, chứ chưa bàn đến sự thích hợp của nó cho việc kiểm tra đánh giá ngôn ngữ) mình phải xác định genre của nó, rồi mới dựa vào những đặc điểm của genre đó để xem xét. Tuy nhiên, theo như em thấy, bài viết này không thể xếp vào journalistic writing hay academic writing, và cũng không giống literary writing cho lắm. Nó giống với một blog entry hơn. Mà đã là blog entry, thì gần như chẳng có chuẩn mực gì cả, tác giả có muốn dùng cuz, ain't I hay gì nữa thì cũng khó thể phàn nàn.

    Đến đây phải nói thêm một chuyện: nếu xét trên góc độ academic hay journalistic writing (mà em có chút kinh nghiệm), thì chữ instead và better có thể bị phàn nàn, vì hai loại writing này đòi hỏi người viết phải càng rõ ràng càng tốt, có bao nhiêu cứ nói huỵch toẹt ra, đừng để độc giả phải suy đoán gì cả. Nói cách khác là hạn chế ambiguity. Chẳng hạn, nếu em là sub-editor/copy-editor của một tờ báo, phóng viên viết "University students frequently do the minimum [amount] of work because they're crazy about a good social life instead", em sẽ hỏi "instead of what"? Lí do là, ngoài "learning at school", người đọc còn có thể nghĩ ra những câu trả lời sau đây cho câu hỏi trên:
    - an intellectual advantage over their peers
    - praise from teachers and parents
    - a thorough/in-depth understanding of the materials covered in lectures
    - a sense of academic prowess
    blah blah blah

    Vì là văn báo chí, học thuật, nên chuyện leave some room for ambiguity để người đọc có nhiều interpretation khác nhau thực chất không được khuyến khích.

    Tuy nhiên, như đã nói, phần phân tích này chỉ đúng trong trường hợp văn bản này được xếp vào journalistic hay academic writing. Còn bài đọc về adult learning giống blog entry hơn, nên thực chất cũng khó thể áp dụng các yêu cầu về tính chặt chẽ trong tư duy khi đánh giá văn bản này được. Dĩ nhiên, chuyện có thể đưa blog entry làm reading passage không, thì em không đủ trình độ để bàn - cá nhân em nghĩ là không, nhưng các chuyên gia language testing nói sao thì em không biết thật.

    SGK

    ReplyDelete
  7. Vâng, khi em viết theo kiểu "em nghĩ" thì chủ ý của em là chưa dám nói gì đến đúng sai hết cả. Em chỉ góp vào một ý mà em thấy có liên quan thôi. Mà ý này em cũng hiểu là nó không quan trọng đến các vấn đề chính yếu của việc ra đề thi đại học. Em không bàn về chuyện ra đề thi đại học hay chất lượng đề thi đại học thế nào. Còn nếu cô cho rằng chỉ nên bàn những cái chính yếu thì em sẽ không viết thêm gì về những cái phụ nữa.

    ReplyDelete
  8. Link này em đã post ở entry về tranh luận của cô PA ở blog kia, giờ xin được post lại ở đây vì nó phù hợp với chủ đề này. Đây là một phản biện cho những ý kiến phê bình đề thi, mọi người có thể xem qua. Hy vọng post 2 lần như thế không bị gọi là spam. :)

    http://www.baomoi.com/Home/DaoTao/www.tamnhin.net/Chuyen-gia-phan-bac-vu-dao-van-de-tuyen-sinh-Tieng-Anh/4591379.epi

    Trích:

    Ông Lê Quốc Hạnh, một trong những người từng tham gia ra đề thi môn Tiếng Anh phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CD của Bộ GD & ĐT trong những năm trước đây. Trước khi giữ chức vụ trưởng phòng Đào tạo, ông là trưởng khoa Tiếng Anh của Đại học Hà Nội.

    Ông Hạnh nói: "Với tư cánh cá nhân, tôi khẳng định không có chuyện “đạo văn” trong đề thi tuyển sinh môn Tiếng Anh, sau khi nghe và đọc thông tin trên tôi đã xem lại đề thi rất kỹ, không thấy đề thi có sai sót gì. Đề thi Tiếng Anh đã được nhiều người đánh giá là một đề thi rất phù hợp với các thí sinh".

    Đề thi tuyển sinh của Bộ GD & ĐT, được soạn thảo đúng quy trình, dưới sự giám sát chặt chẽ, không có chuyện cắt, gián như nhận định của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ông Hạnh nói tiếp: Không có chuyện đạo đề, đạo văn, không có chuyện sai về chuyên môn, đề tiếng Anh là một đề thì được quan tâm hàng đầu. Các đồng nghiệp của tôi đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình.

    "Cả 3 đợt thi tuyển sinh ĐH,CD, kết thúc đã hơn 1 tuần nhưng dư luận xã hội vẫn chưa có một đánh giá nào về đề thi tuyển sinh năm nay. Hàng ngàn giáo viên bộ môn Tiếng Anh của các trường PTTH, giảng viên các trường Đại học, các Học viện, các trường Cao đẳng, các chuyên gia trong lĩnh vực Tiếng Anh và hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh năm 2010, họ sẽ lên tiếng nếu như đề thi ra không đúng, không phù hợp", ông Hạnh cho biết.

    SGK

    ReplyDelete
  9. Hi Hùng,
    Cô đọc rồi, cám ơn em. Nhờ em đưa link cô mới biết là có cuộc tranh luận này.

    Cô nghĩ đây đúng là một case cần study về tranh luận ở VN thật, nhưng tạm thời chưa có ý kiến gì thêm. Sẽ thu thập thêm số liệu và lý lẽ và cố gắng tham gia cuộc tranh luận một cách đúng đắn. Còn hiệu quả thì, quả thật như em nói, khó đoán trước được, vì cần 2 phía phải không em?

    PA

    ReplyDelete
  10. Chào cô

    Em cũng chờ bài của cô. :) Hôm nay đã thấy bác Tuấn phản ứng rồi, ở đây: http://nguyenvantuan.net/english/1017-khong-co-dao-van-de-tuyen-sinh-tieng-anh.

    Phần đầu của bài viết (về đạo văn) thì ổn, nhưng đến phần thứ hai (phân tích lỗi) thì em lại thấy có vấn đề ở nhiều chỗ (bài phân tích lỗi ban đầu của bác Tuấn xác đáng hơn).


    SGK

    ReplyDelete
  11. Hi Hùng,

    Cô bận quá, vì cũng đang bị involved trong việc thi cử của năm nay, nên chẳng có thì giờ mà hoàn tất bài viết như đã hứa.

    Và trong khi cô đang chờ đợi có thời gian một chút để viết bài, thì mọi người lại tiếp tục tranh luận, với những lập luận (đúng và sai) mới, khiến cho, giống như trong một vụ kiện, công tác phân xử trở nên phức tạp khó khăn hơn vì có thêm các tình tiết mới.

    Nhưng cô đồng ý là hình như đến bài sau thì bác Tuấn bắt đầu ... "cãi chày cãi cối", cố chứng minh là mình đúng bằng mọi giá rồi? Thật đáng tiếc, vì những cảm nhận ban đầu của bác ấy tương đối chính xác (bác ấy không phải là giáo viên Anh, không có căn cứ sách vở về đúng sai, chỉ là cảm nhận của người thường xuyên dùng tiếng Anh thôi, nhưng theo cô là khá chính xác - cô nói theo cô, nhưng cũng đã kiểm tra sách vở một phần rồi).

    Nếu bác ấy chịu dừng ở đó, hoặc nhân nhượng một chút, chịu nghe người khác một chút, chịu thừa nhận cái đúng của người khác và nhìn nhận những chỗ chưa hoàn toàn chính xác của mình, thì mọi việc đã tốt. Đằng này bác ấy lại cố gắng chứng minh mình với một God's voice như thế, nên ... bắt đầu sai rồi. Sai về thái độ, dẫn đến sai về lập luận.

    Rõ ràng là VN cần phải học hỏi phương Tây nhiều hơn về tinh thần tranh luận phải không SGK?

    PA

    ReplyDelete