Thursday, June 17, 2010

Số liệu về giáo dục VN, dành cho những người đang học thống kê

Riêng gửi các bạn học viên trong lớp Cao học Đo lường Đánh giá Khóa 2
---
Tôi vừa tìm thấy bài này trên trang của vietnamnet, ở đây. Với cái tựa thật ấn tượng: Những con số giáo dục dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

Một bài viết với nhiều số liệu, và rất rất nhiều ấn tượng, phải nói là "không thể nào quên", thật vậy!

Vấn đề đặt ra với những người đang tập tành đọc số liệu thống kê giáo dục (giống như các bạn học viên của tôi) là: có thể rút ra những kết luận giống như trong bài viết từ những số liệu này không?

Câu hỏi tôi mới đặt ra là một câu hỏi "Yes-No Question", cho nên trên nguyên tắc chỉ có thể có 2 câu trả lời: có hoặc không.

Chọn câu trả lời nào, có lẽ tùy thuộc vào trình độ và quan điểm của các bạn. Câu hỏi này theo tôi là một câu rất hay đấy; nó sẽ giúp tôi hiểu được các bạn nhiều hơn rất nhiều.

Chúng ta sẽ thảo luận "đáp án" của câu hỏi này trong lớp vào tuần sau nhé!

Còn các bạn hay đọc blog của tôi, nếu các bạn trả lời hoặc trao đổi gì ở đây, thì tôi rất biết ơn. Vì đọc bài đó với những số liệu và kết luận đã đưa, tôi không thể không quan tâm, thật vậy!
---
Cập nhật sáng ngày 18/6/2010:

Đã đọc entry này, thì các bạn cũng nên bỏ chút thời gian đọc thêm mấy bài này nữa:
1. Trên báo Thanh Niên hôm nay, tại đây.
2. Và trên blog cá nhân của tôi, viết tối qua, tại đây.
Có ai có comment gì không? Hay là ai cũng ..."no comments", nhỉ?

4 comments:

  1. Chào cô

    Mấy điểm nêu dưới đây có lẽ nhiều người thấy được, nhưng em cũng xin nêu ra thử (coi như start the ball rolling).
    - Bước đầu tiên khi nhìn vào các số liệu và phần phân tích được đưa ra là xem xét nguồn (provenance). Thứ trưởng viết về sếp của mình, thì có dẫn đến xung đột lợi ích không? Dù câu trả lời là có hay không, thì đây cũng là vấn đề cần xem xét. Ngay cả khi không có hiện tượng ngụy tạo số liệu (cũng như bên kinh tế có hiện tượng "creative accounting"), có lẽ cũng phải xem có phải người viết đã đưa ra hai mặt của vấn đề không, hay là tốt khoe xấu che, hoặc tệ hơn là đưa ra những số liệu gây nhiễu, đánh lạc hướng người đọc. Dễ thấy bài viết vẽ ra một bức tranh toàn màu hồng về giáo dục VN dưới thời bộ trưởng Nhân.
    - Về các số liệu đưa ra:
    + Số học sinh bị tai nạn giao thông khi đi thi thì liên quan gì đến chất lượng giáo dục???
    + "Số thí sinh bị đình chỉ thi năm 2007 là 2.612, thì năm 2008 chỉ còn 833, năm 2009 là 299 và năm 2010 chỉ còn 90, giảm gần 97% so với năm 2007" (Trần Quang Quý, 2010). Lẽ ra nên dẫn tỉ lệ thi sinh bị đình chỉ thi so với số thí sinh mỗi năm thì thích hợp hơn. Vì số thí sinh bị đình chỉ thi có thể giảm, nhưng nếu số thí sinh đi thi lại giảm nhiều hơn, thì tỉ lệ bị đình chỉ thi vẫn tăng lên! Vả lại, có thể dựa vào đây để kết luận "Qua 4 năm triển khai, trật tự kỷ cương trong thi cử đã tiến bộ rõ rệt"? Số thí sinh bị đình chỉ thi giảm có thể vì giám thị nương tay hơn thì sao?
    Tương tự, "tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng trong bối cảnh các cuộc thi được triển khai ngày càng nghiêm túc hơn". Cứ cho là đoạn "trong bối cảnh..." chính xác, thì người ta còn phải tính đến độ khó của đề. Chẳng hạn, năm nay, người ta nhận định tỉ lệ tốt nghiệp tăng là do đề dễ bất ngờ, như vậy nó hoàn toàn không thể hiện sự cải thiện trong chất lượng dạy và học trong phổ thông.
    + "Các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm rõ rệt: năm 2007 có 200 vụ, năm 2008 còn 122 vụ, năm 2009 còn 24 vụ, chỉ bằng 12% của năm 2007. Các vụ xâm phạm thân thể học sinh cũng giảm: năm 2008 có 28 vụ, năm 2009 còn 8 vụ, bằng 29% năm trước". Theo em, ở đây có hiện tượng lập lờ khái niệm. "Các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo" ở đây thật ra là "Các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo bị phát hiện và xử lí". Xử lí ít nhà giáo hơn, không có nghĩa là tình hình tốt lên. Thêm nữa, không thể gom tất cả các vụ vi phạm vào cùng một rọ, vì mức độ tính chất của mỗi vụ khác nhau. Cứ cho việc thầy giáo bắt học sinh thụt dầu 100 cái là "vi phạm đạo đức nhà giáo", thì không thể xếp nó vào cùng nhóm với vụ thầy hiệu trưởng ở Hà Giang.
    + "Việc cải tiến và tự làm đồ dùng dạy học được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố, đổi mới phương pháp dạy học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được triển khai tập trung, thiết thực". Cái này không có số liệu nên không thể phân tích ở khía cạnh thống kê. Có điều việc xem "đổi mới phương pháp dạy học" và "ứng dụng CNTT trong dạy học" là biểu hiện của chất lượng giáo dục hình như khá đáng ngờ. Còn chuyện "sau 3 năm, tỷ lệ các trường phổ thông, mầm non được kết nối internet đã tăng từ khoảng 40% lên gần 100% vào đầu tháng 6 năm 2010" chỉ thật sự đáng mừng nếu các trường có thể sử dụng Internet hiệu quả. Nếu kết nối chỉ để các sếp có thể hoan hỉ khẳng định "gần 100% trường học có kết nối Internet", và hiệu trưởng chỉ xài Net để đọc tin hoa hậu, chân dài,..., thì việc kết nối thật ra lại là một sự lãng phí (nhất là trong bối cảnh ngành GD vẫn kêu gọi phải tăng học phí!).

    (còn tiếp)
    SGK

    ReplyDelete
  2. + "Năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo các trường phổ thông được nâng lên đáng kể, trong 2 năm học 2008-2009 và 2009-2010 đã có 25.000 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông (chiếm tỷ lệ 89%) được bồi dưỡng theo chương trình mới, hiện đại (hợp tác với Bộ Giáo dục Singapore)". Dự án này lãng phí thế nào nhiều người đã nói, em chỉ nêu lên để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn tiêu chí khảo sát. Chỉ dựa vào việc 89% số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông được bồi dưỡng theo chương trình mới mà kết luận "năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo các trường phổ thông được tăng lên đáng kể" thì hoàn toàn không ổn.

    Những dấu hỏi đối với bài viết không dừng lại ở đây. Chỉ có chút băn khoăn: phải chăng thứ trưởng Quý cũng là một trong những bộ óc đằng sau dự án 20.000 tiến sĩ?

    Đọc bài này nhớ Shakespeare: "A tale told by an idiot, full of sound and fury, signifying nothing".

    Bao giờ thì Bộ GD không còn "âm thanh và cuồng nộ"?

    P.S.: Nhân nói về chuyện thống kê, cô có thể đọc thêm bài '"Lung linh" những con số' trên blog nhà báo Nguyễn Vạn Phú: http://nguyenvanphu.blogspot.com/2010/06/lung-linh-nhung-con-so_13.html.

    SGK

    ReplyDelete
  3. Hi SGK,

    Em trả lời dài thế, chỗ đâu cho học viên tôi trả lời nữa, hở Hùng? ;-)

    Tôi có một lo lắng: các môn học như critical thinking và statistics, hoặc quantitative analysis, hoặc research methodolgy vv ở VN hoàn toàn không được chú trọng.

    Có phải vì thế mà chúng ta mới có nhiều vấn đề về thống kê như đã thấy trong kỳ họp quốc hội gần đây không? Tất nhiên là còn nhiều lý do khác nữa!

    Chờ thêm ý kiến của những người khác vậy.

    PA

    ReplyDelete
  4. TRẦN THỊ THU HIỀNJune 26, 2010 at 2:40 AM

    Thưa Cô!
    Trước tiên là bài trên vietnamnet. Đọc và cảm xúc thế nào em xin chia sẻ với Cô và những ai quan tâm đến Giáo dục Việt nam một cách thẳng và thật nhất.
    Đoạn giới thiệu trước khi bước vào trình bày những con số- nhìn chung về tiến bộ: Đọc vài chữ có thể đoán cả nội dung- hơi nản(vì được nghe nhiều quá cách nói như thế!)
    Các con số:
    Trật tự kỷ cương được đánh giá qua số lượng thí sinh bị đình chỉ thi: Giảm dần và giảm gần hết thì em thấy giật mình!!!Đọc bài Thầy Cương thì em mỉm cười vì thấy mình bình thường!hihi...
    Trả lời câu hỏi Yes/No của Cô thì em xin khẳng định rằng theo em không thể đánh giá trật tự kỷ cương qua số lượng thí sinh bị đình chỉ. Vì:
    Có học sinh bị đình chỉ thi thì có thể kết luận hội đồng đó nghiêm túc giữ gìn trật tự kỷ cương thi cử(có lợi gì ở đây đâu mà còn kết luận gì khác)ngược lại thì không thể kết luận gì với một việc vốn bình thường phải thế.
    Có thể xảy ra xu hướng giảm nhưng giảm gần hết(97%) thì không thể là bình thường khi mà xã hội đang nói nhiều rằng đạo đức đang xuống cấp, học sinh với lối sống thực dụng.
    Phải chăng cuộc sống của mọi người đang trở nên tinh vi,tinh tế và thực dụng hơn?
    Còn những con số còn lại em xin nhận xét chung như sau: Đó là những việc có thể làm và phải làm trong sự phát triển về kinh tế và xu hướng hội nhập toàn cầu. Nhưng quan trọng hơn em nhận thấy những con số và những vấn đề được đề cập ở đây không nằm trong mục tiêu của công tác giáo dục, hay có chăng chỉ là bề nổi bên ngoài. Giáo dục nói một cách ngắn gọn là đào tạo và phát triển con người về đạo đức và tài năng. Vậy những vấn đề được nêu ra ở đây theo em là những việc đã làm cho giáo dục nước nhà còn hiệu quả về chất lượng giáo dục con người thì hoàn toàn chưa đề cập tới. Chẳng hạn khả năng đáp ứng nghề nghiệp của sinh viên khi ra trường như thế nào? Vốn hiểu biết xã hội của học sinh, sinh viên đến đâu so với các nước khác,...
    Mong rằng có những kết quả như thế thì theo em mới đúng là phản ánh kết quả của giáo dục.
    Sợ mình làm công tác giáo dục khắc khe đa nghi nên nhờ chồng đọc và cho cảm giác. Chồng chỉ cười lắc đầu!Một người dân thường không liên quan về giáo dục cũng không cho rằng có thể kết luận như vậy.
    Mong rằng chúng ta có thể cảm nhận và chấp nhận được những kết quả giáo dục một cách đúng như nó hiện có để có thể thay đổi thích hợp.
    "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay" Mẹ em thường bảo rằng nhìn mọi người để học hỏi và quay về làm tốt công việc của mình là điều cần thiết. Vì thế em cũng đang đau đầu về cách đánh giá với học sinh của mình thế nào là cần thiết để kích thích và phát huy được những khả năng vốn có của chúng. Và đó cũng là một lý do em hứng thú với lớp học Đo lường và Đánh giá trong Giáo dục.
    Cuối cùng, em chúc Cô luôn khỏe, vui vẻ, và thật hiệu quả với những việc mà Cô đã chọn. Mong Cô truyền dạy cho chúng em nhiều điều cần thiết để góp một phần cho hoạt động giáo dục mà vô tình hay cố ý chúng em đã phải có trách nhiệm.
    Học viên của Cô - Trần Thị Thu Hiền.

    ReplyDelete