Sunday, June 20, 2010

"Thủ đô bằng giả, trường ma của thế giới"?

Đố bạn biết cái thủ đô kinh hoàng đó nằm ở đâu? Không biết bao nhiêu bạn đã đoán đúng, nhưng câu trả lời là: nó nằm ngay tại Mỹ!

Thật đáng buồn, và đáng xấu hổ, phải không? Một đất nước với một nền giáo dục đại học mà cả thế giới ngưỡng mộ và học tập, một nơi được mệnh danh là "thiên đường của khoa học", lại cũng đồng thời bị mang tiếng là "thủ đô bằng giả, trường ma của thế giới". Rất đáng tiếc.

Bạn không tin? Có lẽ tôi nặng lời quá chăng, hay tại vì tôi không học đại học tại Mỹ nên tha hồ phê phán? Hay phải chăng là tôi muốn chống chế hoặc trả đũa gì đó cho vị giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ về sự ngây thơ đến tội nghiệp của ông khi hồn nhiên trả lời phỏng vấn về cái bằng tiến sĩ mà ông đã phải bỏ 17 ngàn đô la tiền túi ra để học.

Tôi nghĩ là ông đáng tội nghiệp, vì có thể ông đã chọn học chương trình này vì sự ái mộ nền giáo dục đại học ưu việt của nước Mỹ, ưu việt ở chỗ rất thoáng, rất đa dạng, phục vụ từng đối tượng riêng biệt (điều này cũng không sai lắm!), cũng như tôi và nhiều người khác đã từng và vẫn đang và sẽ còn tiếp tục ái mộ?

Không, không phải thế đâu. Cái tựa của entry này, mà tôi đã cẩn thận đặt trong ngoặc kép, là lời lẽ mà tôi đã lược dịch từ cái tựa bằng tiếng Anh của bài viết đăng trên trang newjerseynewsroom.com mới cách đây vài tháng thôi, vào tháng 1/2010, tại đây. Tựa gốc của bài viết ấy là "The US has become world capital of fake colleges and diplomas".

Phải nói ra ngoài một chút. Tôi không phải là nhà báo, cũng không phải là công an, hay thanh tra giáo dục, và hoàn toàn chẳng có chút quyền lực công nào để điều tra hay thẩm định những gì tôi tìm ra và đưa lên trang blog này.

Tất cả chỉ là nguồn lực cá nhân: thời gian riêng (không phải trong giờ làm việc), hiểu biết cá nhân tích lũy được trong suốt quá trình học tập và làm việc của chính mình, sử dụng thông tin công cộng và miễn phí, chủ yếu qua mạng, và sự phán đoán của cá nhân. Chỉ mong tạo ra những thông tin là có chút gì mới mẻ và hợp thời, hữu ích để đưa đến cộng đồng mà thôi. Như trách nhiệm xã hội của bất kỳ một ai trong thời đại ngày nay.

Vì vậy, thông tin tôi chọn và đưa lên đây, cùng với những nhận định của tôi, có thể là chưa hoàn toàn chính xác, chưa hoàn chỉnh. Nhưng đó chính là lý do tôi đưa ra công khai, để được mọi người đọc, kiểm tra, và trao đổi cho hoàn chỉnh hơn, hữu ích hơn.

Quay trở lại bài viết mà tôi đang giới thiệu. Theo bài viết ấy, hiện nay 2 quốc gia đứng đầu thế giới với danh hiệu "thủ đô thế giới về bằng giả, trường ma" chính là Mỹ và Anh. Thông tin ấy dựa trên một nghiên cứu kéo dài 18 tháng của một công ty mang tên Verifile Limited tại Anh Quốc. Xem trích dẫn dưới đây:
The 'Accredibase Report' is the result of an 18-month international research project by Eyal Ben Cohen and Rachel Winch of Verifile Limited, one of the leading background screening firms in the United Kingdom,

Report co-author Ben Cohen says: "We have so far identified 1,762 fake institutions, and we are still investigating a further 1,545 currently filed as ‘suspicious' before publishing them on the 'Accredibase' database."

Alarmingly, the US was found to be the world's fake college capital, with 810 diploma mills already identified and many more still under investigation as the Report went to press. More than 35 percent of the diploma mills operate in California, Hawaii, Washington and Florida. The world's second biggest concentration of fake colleges was in the UK, the Report exposing 271 bogus institutions, making the UK the centre of Europe's bogus colleges scam.

Đáng lưu ý: Trên 35% các 'xưởng bằng giả" (diploma mills) hoạt động tại các tiểu bang Cali, Hawaii, Washington, và Florida.

Và đây là nhận định rất đáng lưu ý của một trong nhóm tác giả của báo cáo nói trên:
"The problem of unaccredited institutions and bogus colleges is evidently a large and very real one facing employers, universities and government agencies around the world."

Vậy phải làm gì? Dưới đây là một vài lời khuyên làm sao để có thể nhận ra các "xưởng bằng giả":
- Contact details are limited to an email address and the institution is vague about its location.
- Sample certificates, transcripts or verification letters are available to view on the website.
- It makes over-complicated or misleading claims about accreditation or recognition.
- Its name is similar to that of a recognized and respected education institution.

Lời khuyên cuối cùng rất đáng chú ý. Nói thêm, hôm trước tôi có nêu cần cảnh giác với các trường có tên chứa các từ 'international' hoặc 'American', điều đó cũng rất đúng. Nói nôm na, nên cảnh giác với những trường có tên "nổ banh xác" như IAU (trường đại học quốc tế Mỹ!!!!), hoặc các trường "nhái tên", ví dụ như ĐH Standford (nhái tên trường Stanford, vốn không có 'd'), hoặc ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University, nơi vị giám đốc sở ở Phú Thọ đã ... vô tình mua bằng dỏm), nhại tên một trường có thật ở Úc, hình như là University of South Pacific. Thông tin có thể tìm thêm trên mạng.

Một nhận định cuối cùng: tôi thực sự lo ngại về các chương trình "liên kết" tại VN, và rất mong các vị có thẩm quyền sẽ tìm hiểu thêm và hành động để bảo vệ người tiêu dùng trong giáo dục. Vì đó cũng là bảo vệ tương lai của đất nước, thật vậy! Thử hỏi, mọi việc sẽ ra sao khi các quan chức, các nhà khoa học, các trí thức của VN, với bằng cấp đầy người (!), khi xem lý lịch lại toàn là những người lấy bằng từ những trường ma như thế? Mà tôi tin là đã có nhiều đấy, và sẽ còn nhiều nữa nếu chúng ta cứ "nghe qua cho biết rồi bỏ", như thế này.

Ví dụ, vụ "mập mờ chương trình liên kết" do báo Thanh Niên khui ra mới đây, rồi sao nữa? Hàng trăm tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ được cấp ra từ cái Viện gì đó với các trường liên kết IAU và Adam University, tất cả đều là bằng có vấn đề. Vì tôi đã lên tìm hiểu kỹ trên trang web của IAU, và nó có tất cả những dấu hiệu của một "diploma mill" mà các lời cảnh báo trên các trang thông tin chính thức đều có nêu. Vậy người đưa chương trình liên kết đó về để "phân phối" đến người tiêu dùng VN, và cả cơ quan cấp phép nữa, có thể trước đây không biết thông tin thì thôi, nay biết rồi thì phải có hành động gì đi chứ?

Hay là, như đa số những việc khác ở VN, rủi ro đó do người tiêu dùng phải chịu hoàn toàn? Giống như đi khám chữa bệnh, nếu bệnh viện làm sai, rủi ro chết người, thì cũng chỉ là cái số của người bệnh thôi, chứ đâu có ai muốn thế???

Tôi viết vội nên có lẽ lộn xộn, chỉ vì muốn ghi nhanh lại những thông tin và nhận định của mình (kẻo quên, vì không phải lúc nào cũng có thời gian để đọc và viết), và rất mong các cấp có thẩm quyền lưu ý! Để góp tay vào việc cải thiện hình ảnh giáo dục VN trong tương lai, vốn đã xuống rất thấp trong mắt bạn bè quốc tế.
--
Viết tiếp:
Tôi đã đọc qua cái báo cáo của Accredibase mà bài báo này đã giới thiệu. Chỉ có 21 trang (tiếng Anh, tất nhiên), khá dễ đọc, nội dung tổng quát, cung cấp thông tin nhanh và hữu dụng cho những nhà tuyển dụng và lãnh đạo các trường đại học. Ai quan tâm có thể download nó ở đây. Mọi người nên đọc để biết!

Ngoài ra, bài này cũng rất đáng đọc, lời khuyên làm sao nhận ra trường dỏm. Đọc ở đây.

No comments:

Post a Comment