Wednesday, June 23, 2010

Bằng giả, trường ma: Tại sao?

Bài viết này tôi viết theo đặt hàng của Báo SGTT, và đã đăng ngày hôm nay 23/6/2010 dưới cái tựa do báo đặt lại là "Vì sao Tiến sĩ dỏm lọt lưới", ở đây. Còn entry dưới đây, và tựa của entry này, là bản gốc của tôi (hình như ít bị biên tập, chủ yếu cắt bỏ vài chỗ dài dòng thôi).

Thật ra, bài viết này dù đứng tên một mình tôi nhưng đã có sự hỗ trợ tích cực của Khôi (con trai tôi!). Công việc của Khôi đã làm là dựa trên những nhận định mang tính kinh nghiệm (dù là kinh nghiệm của chuyên gia thì vẫn là kinh nghiệm) của tôi, đi tìm các thông tin trên mạng cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt, rồi viết bản thảo đầu tiên của bài viết này. Sau đó, tôi đọc lại và sửa lại theo văn phong của chính mình, và chịu trách nhiệm về những phán đoán đã đưa ra trong bài.

Sở dĩ phải làm như vậy là vì mấy ngày qua tôi bận quá, mà đã lỡ nhận lời với báo vì vấn đề có vẻ đang nóng. Viết đại cho nhanh thì cũng xong, nhưng lại ... lỡ mang tiếng "chuyên gia", lại đang làm về quản lý chất lượng, nên không thể ẩu! Vì vậy, phải nhờ Khôi cho kịp hạn đã hứa (mà cũng vẫn hơi trễ).

Để sòng phẳng, và cũng là để động viên, tôi viết thêm những giòng acknowledgement này cho Khôi. Thanks, Khôi, and keep up the good work!

---
Bằng giả, trường ma: Tại sao?

Trong tình hình các trường đại học dỏm đang hoành hành, cung cấp các chương trình đào tạo kém chất lượng cho người học trên khắp thế giới thì việc làm sao xác định được các “xưởng bằng dỏm” (diploma mills hoặc degree mills) có lẽ là mối quan tâm hàng đầu của những ai có nhu cầu và khả năng theo đuổi các chương trình đào tạo quốc tế. Để nhận diện đâu là một xưởng bằng dỏm, có một số yếu tố cần xem xét, đó là “đặc điểm nhân thân” của các trường này, các yêu cầu đối với học viên, và tình trạng kiểm định hoặc vị trí của chúng trong cộng đồng học thuật.

Trước tiên, về đặc điểm nhân thân của các trường dỏm. Hầu hết các xưởng bằng dỏm đều do các công ty tư nhân thành lập, đa số chỉ mới tồn tại từ thập niên 1990 hoặc thậm chí chỉ mới được vài năm. Tuy có tuổi đời rất non như vậy, nhưng những trường này thường cung cấp các chương trình đào tạo ở mọi trình độ, từ cao đẳng, đại học, đến thạc sĩ và tiến sĩ, chưa kể chúng còn cung cấp cả các chương trình đào tạo ngắn hạn, tức “kinh doanh giáo dục” theo đúng nghĩa xấu của từ này.

Một đặc điểm nổi bật của các trường này là chúng thường có tên gọi rất “nổ” nhằm gây ấn tượng với các khách hàng tiềm năng ngây thơ và ít hiểu biết, đặc biệt là khách hàng từ các nước thế giới thứ ba. Những trường này rất thích sử dụng từ “quốc tế”, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, châu Á, châu Âu, hoặc tên các quốc gia nơi có nền giáo dục đại học danh tiếng như Mỹ, Anh, vv, như trong tên gọi của 2 trường dỏm đang hoạt động tại Việt Nam là International American University (IAU) và Southern Pacific University (SPU). Một khuynh hướng đặt tên khác của các trường này là “nhái” tên các trường đại học danh tiếng, chẳng hạn như ĐH Standford (nhái tên Stanford, không có “d”), hoặc Cambridge International University (trường dỏm, không liên quan gì đến The University of Cambridge là trường “xịn”).
Đính chính lúc 23 giờ tối 24/6/2010: Trong bài viết đầu tiên, tôi có đưa ví dụ Howard và Harvard như một minh họa của khả năng "nhái", nhưng không biết Howard là một trường có tồn tại ở Mỹ và là trường được kiểm định. Nhờ có bạn đọc báo SGTT phản hồi, tôi đã sửa lại, bỏ thí dụ này đi để khỏi vô tình "nhục mạ" trường Howard có thật. Xin lỗi các bạn, và cám ơn bạn Bảo Đoan đã phản hồi.

Một điểm khác rất đáng lưu ý đối với những lò cấp bằng giả này là chúng không có địa chỉ hoặc lại quá nhiều địa chỉ, các hoặc địa chỉ hay thay đổi, thiếu ổn định. Đa số các lò cấp bằng giả này thường có nơi đăng ký hoạt động ở Mỹ (đăc biệt là tiểu bang California, Florida, hoặc Hawaii). Riêng ở Châu Á thì Malaysia đang đươc báo động là một nguồn cung cấp các diploma mills mới nổi, nhắm vào các nước nơi giáo dục đại học đang phát triển nóng như Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam.

Tên thì “nổ”, bằng cấp thì đa dạng, trình độ nào cũng có, nhưng các trường này thường có những yêu cầu rất “mềm” đối với người học: không đòi hỏi tiếng Anh đầu vào, thời gian học ngắn, xét miễn môn học dễ dàng, có thể dựa trên kinh nghiệm làm việc của người học, hoặc các môn học có tên tương tự với những môn học trong chương trình đã học ở trình độ thấp hơn, vv. Học phí của các chương trình này cũng khá mềm so với các trường có tên tuổi. Đáng lưu ý là việc miễn môn học cho người học không liên quan đến học phí cần phải đóng: các trường dỏm này hầu hết đều tính gộp học phí cho toàn bộ chương trình (vd: 8000 USD cho bằng tiến sĩ, 6000 USD cho bằng thạc sĩ, 4000 USD cho bằng đại học) chứ không tính theo từng tín chỉ như các trường chính quy khác.

Về tình trạng kiểm định, các trường đại học dỏm tất nhiên không được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định được công nhận. Theo yêu cầu của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Mỹ, tình trạng kiểm định của các trường đại học Mỹ cần phải được nêu công khai trên trang web của trường. Vì vậy, các xưởng bằng dỏm của Mỹ nếu không/chưa được kiểm định thường nêu rõ tình trạng này trên trang web và hoàn toàn có thể kiểm tra được. Tuy nhiên, để đối phó với tình trạng này, các xưởng bằng dỏm này đã tạo ra những “lò kiểm định dỏm” (accreditation mills) nhằm tung hỏa mù đối với người học. Vì vậy, ngay cả khi một trường đại học có nếu là đã được kiểm định thì vẫn cần phải kiểm tra xem đó có phải là một lò kiểm định dỏm hay không. Có thể kiểm tra danh sách các cơ quan kiểm định chính thức của Mỹ trên trang web của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (http://www.ed.gov/students/prep/college/diplomamills/index.html), và tìm hiểu thêm thông tin về các lò kiểm định dỏm trên trang của Hội đồng Kiểm định Giáo dục đại học Hoa Kỳ (http://www.chea.org/degreemills/default.htm).

Một câu hỏi có liên quan, và thậm chí còn quan trọng hơn việc xác định được các xưởng bằng giả, là tại sao chúng lại có thể tồn tại và dường như ngày càng phát triển trên khắp thế giới như hiện nay, mà đặc biệt là ở Việt Nam? Theo tôi, câu hỏi này có thể được trả lời dưới các góc độ khác nhau liên quan đến ba đối tượng có liên quan là người học, nhà tuyển dụng lao động, và các các cơ chế kiểm soát của nhà nước.

Trước hết, xét về phía người học, có quy luật luôn luôn đúng là hễ đã có cầu thì sẽ có cung. Hiện nay, nhu cầu học tập ở bậc đại học trên toàn thế giới đang tăng lên dữ dôi; vì vậy các trường dỏm này dễ dàng thu hút“một số cá nhân có mục đích học tập chính đáng nhưng thiếu nguồn thông tin đáng tin cậy để nhận biết các trường dỏm; đồng thời cũng có một số đối tượng cố tình tìm cách kiếm bằng dỏm nhằm phục vụ cho động cơ thăng tiến nhanh chóng về nghề nghiệp cũng như học thuật của mình” (‘Diploma Mills’, World Education Services, http://www.wes.org/ewenr/DiplomaMills.htm).

Riêng tại Việt Nam, từ khi thực hiện chính sách mở cửa và đổi mới kinh tế, thị trường giáo dục trong nước đã mở rộng và nhu cầu học tập ở một số lãnh vực đã vượt quá khả năng cung cấp của các cơ sở đào tạo trong nước. Điều này đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các cơ sở đào tạo nước ngoài, cả có thật và không có thật, có chất lượng và kém chất lượng, đổ xô vào Việt Nam nhằm “khai thác” thị trường mới mẻ này, như có thể thấy trong những năm qua. Ngoài ra, tâm lý “sính bằng cấp” và “sính ngoại” rất nặng của người Việt, cùng với sự dễ dãi, xuê xoa và chất lượng thấp của một số cơ sở giáo dục đại học trong nước trong thời gian qua đã khiến cho người học dễ dàng cảm thấy hài lòng với “chất lượng” của những chương trình mình theo học. mặc dù chúng kém xa các chương trình đúng chuẩn mực của các nước tiên tiến mà các trường dỏm cố tình nhập nhằng mạo danh.

Về phía nhà tuyển dụng, kể cả các tổ chức sự nghiệp công, và đáng lo ngại hơn là ngay cả các tổ chức công quyền thì tình trạng cũng tương tự như đối với người học: hoặc không đủ thông tin về các loại bằng cấp dỏm, hoặc có thông tin nhưng cố tình lờ đi vì có đụng chạm đến lợi ích riêng nên không có biện pháp gì. Ngoài ra, ở đây cũng có tâm lý sính bằng cấp và sính ngoại, và đặc biệt trong khu vực công, do việc đánh giá năng lực và hiệu quả của các nhân sự đã tuyển dụng còn rất yếu nên không thể phát hiện và loại trừ những người có bằng cấp “to đùng” nhưng không có năng lực tương ứng.

Về các cơ chế kiểm soát, hiện nay Việt Nam vẫn chưa phát huy được vai trò giám sát thường xuyên của xã hội dân sự (các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp, các cơ quan kiểm định độc lập), nên các cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn sẽ không thể nào kiểm soát hết được. Quan trọng hơn, những trường hợp vi phạm nếu bị phát hiện thường cũng không bị xử phạt thích đáng, vì thế tác dụng răn đe rất yếu.

Cần phải làm gì? Vấn đề này theo phán đoán của tôi là khá nghiêm trọng ở Việt Nam. Nên chăng nhà nước cần nhanh chóng thành lập một cơ quan thông tin giáo dục công nhằm cung cấp thông tin miễn phí đến mọi đối tượng có yêu cầu nhằm bảo vệ người tiêu dùng giáo dục, như khuyến cáo chung của OECD và UNESCO năm 2007. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đẩy mạnh việc thành lập các cơ quan kiểm định độc lập nằm ngoài Bộ Giáo dục , và thực hiện kiểm định thường xuyên cho toàn bộ các chương trình liên kết có cấp bằng tại VN mà hiện nay gần như vẫn hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ Giáo dục, một khi các thủ tục cấp phép ban đầu đã hoàn tất và “lọt lưới.”
----

13 comments:

  1. Sao bửa giờ báo chí xoáy sâu vào vấn đề này nhiều dậy ta? Bộ dự định "quính" ai sao? Tôi nghĩ nó muộn còn hơn không và những thông tin như thế thật bổ ích cho những ai định lấy bằng cho dù thật hay dỏm vì thật sự mà nói ở VN bấy có một sô người nhu cầu cần tấm bằng, còn thực chất không quan trọng.

    Tôi xin bổ sung thêm 1 ý của tác giả là ở chổ nhà tuyển dụng. Ở đậy chỉ cần nói trắng ra là chỉ cần kiểm tra kỷ bằng cấp của CÁN BỘ thôi. Vì CÁN BỘ chỉ có lên chứ không có chuyện xuống, có vào mà không có ra. Và là "đầy tớ" của dân những có quyền lảnh đạo nhân dân. Thế mới chết! Chứ các công ty tư nhân hay nước ngòai cho dù ai đó ôm một đống bằng vào mà làm không được việc thì họ cũng "cho về hưu sớm" chưa kể khâu đầu vào họ cũng sàn lọc rất kỷ.

    ReplyDelete
  2. Hi TTĐ,

    Em có đọc bài trên SGTT online không? Ở dưới bài đó có một số comments chị thấy cũng rất hay. Cái hay nhất là ... bắt được 1 lỗi chính tả của chị, vì viết vội mà!;-)

    Ý kiến của em có lẽ hơi thẳng thừng, nhưng thuốc đắng dã tật Đạt nhỉ?

    PA

    ReplyDelete
  3. Kính gửi cô Phương Anh,
    Trong bài trên SGTT và ở đây, cô có đề cập tới trường DH Howard mà em đoán là cô muốn nói trường Howard University nằm ở Washington DC (http://www.howard.edu/). Thật ra trường này là trường tốt chứ không phải trường dỏm/giả và bắt chước tên của Harvard. Trường này là một trong các trường bên Mỹ trong nhóm Historical Black, dành cho những gia đình Mỹ gốc Phi muốn con họ học trong 1 trường toàn người Mỹ gốc Phi như một cách duy trì văn hóa riêng.
    Ngoài trường này, vùng Washington DC còn có trường Morgan State University, nằm ở Baltimore thuộc bang Maryland.
    Trân trọng,
    Nguyễn Lưu Bảo Đoan (Khoa Anh 1994-1998)

    ReplyDelete
  4. Tôi nghĩ tác giả chỉ đưa ra những chiêu để nhái tên trường chứ không nêu danh cụ thể vì nếu liệt kê chắc không thể nào liệt kê hết. Và trường hợp trên chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cho nên khi muốn học thực sự thì phải tìm hiểu kỷ "đối tác". Còn những ai muốn ôm bằng thì cứ tìm những trường hao hao mấy cái trường nỗi tiếng đó.

    Đạt đọc bài báo đó từ sáng sớm mà chưa xem comment. Vưa xem lại thấy có "Hai Lúa" đặc câu hỏi quá khó. Nhưng tôi nghĩ không có gì quá khó cho việc phán xét nếu lỡ cấp trên "ôm bằng dỏm" nếu chúng ta có 1 cơ chế bầu cử và ứng cử một cách dân chủ. Khi đó chỉ có những người làm việc hiệu quả, có năng suất thực sự mới trụ nỗi. Chứ còn như bầy giờ thì họ lở "bị trời đài xuống" giữ chức thì những ai chưa có đũ bằng cấp hoặc muốn thăng cấp thì sẽ tìm mọi cách để sở hũu thôi.

    ReplyDelete
  5. Hi Bảo Đoan,

    Không ngờ gặp em ở đây, và cám ơn phản hồi của em. Thú thật khi nghe báo SGTT nhắn qua mail tôi hơi giật mình. Dưới đây là câu trả lời tôi đã nhắn lại cho SGTT:

    1. Trong bài tôi viết như một ví dụ minh họa cho nguyên tắc nhái tên. Lẽ ra phải có chú thích cho rõ hơn. Vì không ngờ có trúng phóc một trường ĐH Howard như vậy! Ý tôi chỉ muốn nói, thấy tên trường hao hao như thế thì phải cảnh giác và kiểm tra lại. Đôi khi chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.

    2. Tuy nhiên, vì em đã nhắc đến trường cụ thể thì tôi cũng phải kiểm tra. Và thật bất ngờ, trường này KHÔNG HỀ có tên trong cơ sở dữ liệu các trường được kiểm định của Bộ Giáo dục Mỹ, Bảo Đoan à! Em kiểm tra lại đi, link đây này: http://ope.ed.gov/accreditation/Search.aspx.

    Em gõ tên Howard University hoặc University of Howard vào mà xem, đều không có!!!! Còn trường đó là trường gì, có đàng hoàng không thì tôi chưa có thông tin nhiều hơn để kết luận. Nhưng bảo chọn trường này để học hay không, thì nếu chưa được/ không được kiểm định thì tốt nhất là không chọn, để an toàn em ạ!

    TTĐ:
    Cám ơn em đã trả lời giúp chị. Rất mừng, chứ nếu không, lỡ sai thì mất uy tín quá. Đã bị bắt một cái lỗi chính tả rồi, hic!!!!

    PA

    ReplyDelete
  6. Kính gửi cô,
    Chắc lúc cô nhập tên trường Howard để kiếm, cơ sở dữ liệu có gì trục trặc chứ em tìm được thưa cô. Em có lưu lại ảnh màn hình để cô tham khảo. Theo cơ sở dữ liệu thì nhiều ngành của trường Howard được kiểm định.

    http://terpconnect.umd.edu/~dbnguyen/

    Trân trọng và chúc cô nhiều sức khỏe,

    Bảo Đoan

    ReplyDelete
  7. Hi Đoan,

    Tôi vừa kiểm tra lại, lại một bất ngờ nữa: quả thật có tên Howard University đã được kiểm định trong database của Bộ Giáo dục Mỹ. Rất khó hiểu?

    Cái khác duy nhất là hồi nãy tôi kiểm tra trên máy của cơ quan, thời gian họ sắp tắt mạng để chuẩn bị in sao đề thi tuyển sinh, còn bây giờ thì kiểm tra ở nhà. Có thể máy trục trặc thật chăng?

    Còn Howard University nếu thế thì em nói đúng rồi. Theo thông tin trên mạng của nó, nó đã có truyền thống rất lâu đời, nên nếu nó đặt tên như thế cũng không thể nói là nó "nhái". Hiện tượng đặt tên "nhái" để lập lờ đánh lận con đen, đặc biệt khu vực châu Á khi mới mở cửa giáo dục đại học, chỉ là hiện tượng gần đây.

    Lẽ ra tôi phải nói trong bài viết: Những trường thành lập gần đây, và có tên hao hao những trường có tiếng, thì nên nghi ngờ là trường dỏm. Cách tốt nhất để biết là kiểm tra trên cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.

    Cám ơn em nhiều; tôi sẽ báo cho báo SGTT rút tên trường này ra khỏi bài báo để khỏi tạo sự hiểu nhầm nhé.

    BTW, em đang ở ĐH Maryland ư?

    ReplyDelete
  8. Hi Đoan, again,

    Tôi mới nghĩ ra một lời giải thích khác, hợp lý hơn. Khi kiểm tra ở cơ quan, có thể do tôi không tắt bộ gõ tiếng Việt nên khi gõ Howard University thì sẽ bị bỏ dấu tiếng Việt ở chỗ ow -> ơ, ar -> ả, đại loại thế.

    Tai nạn, Đoan ạ! Kết luận: 1. làm gì cũng cần kiểm tra lại; và 2. không nên làm lúc vội (là do nể nhà báo quá!!!) :-)

    Cám ơn em một lần nữa nhé!

    ReplyDelete
  9. Kính thưa cô,
    Em cũng hay đọc báo SGTT và cũng thỉnh thoảng gửi bài cho báo về vấn đề quy hoạch nên có dịp đọc các bài của cô viết.

    Em hiện đang làm việc trong trường Kiến trúc, Quy hoạch, và Bảo tồn của DH Maryland. Em sẽ về Việt Nam luôn trong tháng 8.

    Trân trọng và chúc cô nhiều sức khỏe,

    Bảo Đoan

    ReplyDelete
  10. Cái vụ bằng giả của các ông quan chức là đúng phải nêu lên và chỉ trích những ông đó cũng như phòng tổ chức của các cơ quan có mắt cũng như mù. Chỉ cần yêu cầu truờng gửi trực tiếp cái transcrip có dán niên si cẩn thận về phòng tổ chức là xong. Nhìn cái bằng mà bảo là bằng thật như cái ông ban tổ chức tỉnh ủy phú thọ tuyên bố (CHúng tôi dẵ kiểm tra và đúng là bằng thật). Xin ông từ chức đi về cho dân nhờ.

    Chuyện truờng tốt và truờng ....???

    Có tốt tức là có xấu.

    Ai giải thích hộ cho tôi với. Nếu accredited theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ thì tất cả các truờng đại học ở VN là truờng "Xấu" à?????

    Mà tại saota cứ so sánh với Hoa Kỳ vậy?

    Một nuớc hơn 4,000 năm văn hiến mà đi so với một nuớc chỉ có hơn 200 năm thế có phải là khập khiễng không?

    ReplyDelete
  11. Chào Nặc danh ở comment thứ 10 trên đây,

    Tôi xin thử trả lời mấy câu hỏi của bạn nhé:
    "Nếu accredited theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ thì tất cả các truờng đại học ở VN là truờng "Xấu" à?????"

    Vì ta đang xét bằng do một trường ĐH của HK cấp (IAU), nên rõ ràng phải dùng cách đánh giá của HK. Còn khi đánh giá trường ĐH VN thì sẽ theo tiêu chuẩn VN chứ!

    Nếu muốn so sánh giáo dục ĐH Hoa Kỳ với VN thì thật ra các tổ chức xếp hạng trường đại học đã làm giúp ta rồi còn gì nữa?

    "Một nuớc hơn 4,000 năm văn hiến mà đi so với một nuớc chỉ có hơn 200 năm thế có phải là khập khiễng không?"
    Không chỉ VN hay nhìn và học tập theo HK, có lẽ cả thế giới cũng làm thế bạn ạ. Có phải cứ già hơn là tốt hơn đâu? Tôi vẫn thường phải hỏi con tôi nhiều thứ lắm, vì mình già rồi, lạc hậu rồi.

    Tôi lại nghĩ, giá mà VN biết cách học tập nhiều cái hay của HK hơn. Tất nhiên phải biết chọn lọc cái nào phù hợp cho mình.

    Cám ơn bạn đã vào và chia sẻ ý kiến.

    ReplyDelete
  12. Chị PA,

    Howard University khá nổi tiếng bên Washington DC. Năm 1965, Tổng Thống Johnson dến dọc diển văn về nhân quyền tại dây trong một buổi lể tốt nghiệp. Trường có 9000 sinh viên nhưng có cả các phân khoa Y, Nha, Dược và Luật. Da số sinh viên là dân da den nên rất ít sinh viên gốc Việt. Ông GS Nguyễn Tiến Hưng, nguyên cố vấn Kinh tế cho ông Nguyễn văn Thiệu, dạy Kinh Tế tại Howard University dến hơn 30 năm, trong 43 năm làm GS Dại Học Hoa Kỳ.. Ngày tôi còn sinh viên, tôi có một text book, do GS trường Howard University là tác giả, nay vẫn còn nhớ. Nhiều lần sang thăm bà con tại Washington DC, tôi cũng biết trường này.


    http://en.wikipedia.org/wiki/Howard_University

    Trong dây có nói GS Nguyen Tiến Hưng dạy tại Howard University.

    http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Ti%E1%BA%BFn_H%C6%B0ng

    ReplyDelete
  13. Cám ơn Van rất nhiều. Mình đã báo cho báo SGTT sửa lại chi tiết này rồi. Ngồi một chỗ mà viết, lại viết vội, nên không biết hết mọi thứ, nhưng may là lúc này có mạng Internet nên nhận được nhiều góp ý như thế này, thật may Van nhỉ?

    PA

    ReplyDelete