Thursday, April 22, 2010

"Chúng ta nên dạy lịch sử của ai?"

"Whose history should we teach?" Đó là tựa của một entry mới trên trang blog của tờ Journal of Educational Controversy, ở đây. Viết về một tranh luận trong lãnh vực giáo dục ở một nơi rất xa mà cũng rất gần gũi với VN, tiểu bang Texas của Mỹ.

Chẳng là mới đây chính quyền có xu hướng bảo thủ của tiểu bang Texas có phê duyệt những thay đổi trong chương trình giảng dạy các môn xã hội (social studies curriculum) của tiểu bang này. Những sửa đổi này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận, theo đó những gì được giảng dạy trong chương trình quá nhấn mạnh các giá trị truyền thống và có hơi hướng bảo thủ của Mỹ, còn các giá trị mang tính mở, cấp tiến và khoan dung hơn đã bị thu hẹp. Chẳng hạn, theo tác giả bài viết:

Judging from the updated social studies curriculum, conservatives want students to come away from a Texas education with a favorable impression of: women who adhere to traditional gender roles, [...], capitalism, the military and religion. They do not think students should learn about women who demanded greater equality; [...]; slavery, [...]and the unequal treatment of nonwhites generally; environmentalists; labor unions; federal economic regulation; or foreigners.

Theo cái cách mà người ta thay đổi chương trình các môn xã hội, có thể thấy rằng những người theo khuynh hướng bảo thủ muốn tạo ra những sản phẩm giáo dục mang dấu ấn Texas, tức ủng hộ phụ nữ giữ vững vai trò truyền thống, [...] ủng hộ chủ nghĩa tư bản, ủng hộ quân đội và tôn giáo. Họ nghĩ rằng học sinh không cần biết về những người phụ nữ biết đòi quyền bình đẳng với nam giới, [...], không cần biết về chế độ nô lệ tại Mỹ, [...] và về sự đối xử bất công đối với những người không phải là da trắng, cũng không cần biết về những người đấu tranh bảo vệ môi trường, về công đoàn, các quy định về kinh tế của liên bang, và cũng chẳng cần biết gì đến những người ngoại quốc.

Xin mở ngoặc ở đây một chút: những chỗ chấm chấm trong ngoặc vuông (như thế này: [...]) là những chỗ tôi cắt bớt đi do không hiểu về văn hóa và lịch sử Mỹ nên không dịch được, vì tôi không phải là chuyên gia về Hoa Kỳ học hay quan hệ quốc tế hay lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng không có cái gan giống như bà/bạn Đỗ Ngọc Bích mà hiện nay không hiểu vô tình hay cố ý đã trở thành tâm điểm của sự chú ý của đa số người Việt trong và ngoài nước.

Ai không biết Đỗ Ngọc Bích là ai và đã làm gì để nổi tiếng đến vậy xin đọc tạm bài này và từ đó lần ngược ra những vấn đề phía trước đó.

Tại sao tôi lại nhắc đến Đỗ Ngọc Bích nhỉ? Mà tại sao hôm nay tôi lại quan tâm đến vấn đề lịch sử như thế này? Nó có phải là chuyên ngành, là thế mạnh, là mối quan tâm thường xuyên của tôi đâu?

Ừ, vậy mà vụ lùm xùm quanh Đỗ Ngọc Bích đã làm cho tôi quan tâm đấy! Chứng tỏ bà ấy (bạn ấy?) giỏi thật. Rất biết gây tranh cãi, với cách chọn vấn đề nhạy cảm, cách đặt vấn đề rất khiêu khích, và cách nói rất dễ làm cho người khác nổi sùng. Nếu ĐNB làm tất cả những điều trên một cách cố tình để ... ví dụ, thử tìm hiểu phản ứng của người Việt xung quanh vấn đề này, thì bà/bạn ấy đã thành công rất mỹ mãn rồi đó.

Nhưng tôi không quan tâm đến điều bà/bạn ấy nói, vì thực ra tôi cũng chẳng biết gì để mà tranh cãi một cách khoa học (dù chắc chắn là tôi không ủng hộ cách nói xúc phạm tự ái dân tộc của người VN mà bà ấy/bạn ấy đã dùng). Theo tôi, vấn đề đáng đặt ra nằm ở chỗ khác kia: chúng ta đã và đang được học sử như thế nào?

Hay nói theo cách nói của bài viết tiếng Anh mà tôi đã mượn cái tựa để đặt tựa cho entry này: Chúng ta nên dạy lịch sử của ai?????

Đây là một vấn đề cần quan tâm đối với các nhà lãnh đạo giáo dục của mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng theo tôi, nó đặc biệt đáng quan tâm cho Việt Nam vào lúc này, trong giai đoạn phát triển này của dân tộc Việt.

Vì chúng ta đang đứng trước một thế giới rất nhiều thay đổi, với sự xóa nhòa đi nhiều đường biên giới trên mọi lãnh vực bằng nhiều phương pháp khác nhau. Toàn cầu hóa. Thế giới phẳng. Nguy cơ xung đột tiềm ẩn với người láng giềng khổng lồ phương Bắc. Các cuộc chiến và các biến cố gần đây nhất trong lịch sử của dân tộc Việt. Nhu cầu hòa giải dân tộc để phát triển đất nước.

Tôi biết, việc dạy môn lịch sử trên khắp thế giới đều ít nhiều phản ánh quan điểm chính thống của nhà cầm quyền nơi đó. Không môn học nào lại gắn nhiều với các vấn đề tư tưởng và chính trị cho bằng môn học lịch sử, tôi nghĩ vậy. Và chính vì vậy nên chính phủ nhiều nước muốn kiểm soát nội dung giảng dạy của môn học này. Nên mới có chuyện để tranh cãi ở bang Texas, Hoa Kỳ.

Vậy phải làm gì? Phải dạy lịch sử của ai? Câu trả lời dường như hiển nhiên: Dạy theo quan điểm của người cầm quyền. Phải vậy không? Tất nhiên, nhà cầm quyền ở nơi đâu cũng muốn cho dân của mình giỏi lên, mạnh lên để đất nước hùng mạnh, thì ... cai trị mới sướng chứ?

Có ai lại cố tình muốn cai trị một đất nước nghèo đói, khốn khổ bao giờ? Nếu có ai đó cai trị mà làm cho dân nghèo đi, ví dụ như Bắc Hàn chẳng hạn, hay Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, thì điều đó chẳng qua là do họ kém, không biết cách làm, và chọn sai con đường, sai phương pháp đó thôi! Mới thấy chính phủ Việt Nam thật khôn ngoan, sáng suốt (đôi khi thậm chí hơi ... láu cá, giống tính người VN), biết thay đổi đúng lúc (toàn là những thời điểm rất kịch tính!), thì VN hiện nay mới có được ít nhiều thành tựu như thế này.

Thế thì, muốn cho dân chúng giỏi giang, cần phải dạy sử như thế nào? Đây, câu trả lời của tác giả bài viết mà tôi trích dẫn ở trên:
Clearly, the Texas Board of Education seeks to inculcate children with a history that celebrates the achievements of our past while ignoring its shortcomings, and that largely ignores those who have struggled to make this a fairer, more equal society. I [..]have found [Texas teachers] as competent, dedicated and open-minded as the best teachers anywhere. But if they are required to adhere to the revised curriculum, the students of our second most populous state will emerge ill prepared for life in Texas, America and the world in the twenty-first century.

Rõ ràng là Hội đồng Giáo dục của bang Texas muốn học sinh nắm hiểu về lịch sử nước Mỹ trong đó chỉ có các thành tựu mà lờ đi các thất bại, và bỏ qua vai trò của những con người đã chiến đấu để đem lại cho dân tộc này một xã hội công bằng hơn, tốt đẹp hơn. Tôi [...] đã từng biết đến các giáo viên của bang Texas và thấy rằng họ rất có năng lực, tâm huyết và có nhãn quan cởi mở cũng như giáo viên ở bất cứ nơi đâu trên nước Mỹ. Nhưng nếu chúng ta buộc họ phải tuân thủ theo đúng chương trình cải cách [vốn bị bó hẹp về nội dung và quan điểm - chú thích của tôi, VTPA] thì học sinh của một tiểu bang đông dân đứng thứ hai của nước Mỹ sẽ trở thành những người được chuẩn bị rất kém cho cuộc sống tương lai ngay tại Texas, trên nước Mỹ, và cả trên thế giới của thế kỷ 21 này.

Tác giả của những giòng trên là ai? Là Eric Foner, một giáo sư lịch sử tại Trường ĐH Columbia, thành viên Ban tu thư quốc gia, và là tác giả cuốn sách giáo khoa lịch sử của Mỹ, cuốn Give Me Liberty, Hãy cho tôi tự do. Là chuyên gia đích thực về lịch sử, và là chuyên gia "xịn", không có sự nhầm lẫn như trường hợp bà/bạn Đỗ Ngọc Bích. ;-)

Quan điểm ấy có làm cho chúng ta suy nghĩ gì về cách dạy lịch sử tại VN hiện nay hay chăng?
--
Nhân đây xin có vài lời với bà/bạn ĐNB: Tôi thấy bạn còn khá trẻ (well, so với tôi), gốc gác chuyên môn cũng có đôi chút giống tôi (xuất thân từ người dạy tiếng Anh với bằng cử nhân Anh), mà lại đang có rất nhiều điều kiện học hành, nghiên cứu hơn rất nhiều người khác ở VN, nên chắc là bạn còn tiến xa hơn nữa nếu bạn muốn. Tôi không hiểu động cơ của bạn trong bài viết gây tranh cãi vừa rồi, và tự biết mình không có hiểu biết về lịch sử VN hơn bạn, nên không dám lạm bàn về nội dung của nó.

Chỉ xin góp ý nhỏ ở đây: nếu bạn có thể có thái độ và lời lẽ phù hợp hơn, thể hiện sự tôn trọng độc giả là người VN hơn, thì có lẽ bạn đã không bị "đánh hội đồng" như lời BS Hồ Hải trên blog của ông ấy. Tất nhiên trừ phi bạn có mục đích gì đó để sử dụng lời lẽ mang tính khiêu khích như vậy. Trong trường hợp đó, tôi xin hết ý kiến.
--
Chà, thật không ngờ tôi đã viết một mạch mà dài đến vậy. Mà đó là đã tự biên tập, cắt bớt một ít rồi đó! Chứng tỏ tôi cũng đã bị lôi kéo vào cái "đám đông vô thức" vừa bị ĐNB khiêu khích rồi! Thì cũng phải thôi, nếu norm của người VN là vô thức, thì mình là người VN, cũng phải vô thức thôi! Ẩn mình trong đám đông cũng có sự an toàn của nó mà. :-)

4 comments:

  1. Chào cô PA.

    Đọc tới đoạn cô ĐNB nói về chuyện không có câu hỏi ngu ngốc, và lập luận rằng cô ấy chỉ hỏi chứ không đưa ra chính kiến gì (thật ra trong bài của cô ĐNB có rất nhiều khẳng định đấy chứ), tự dưng em nhớ đến một câu (hình như là của Nicolai Lenin): One fool can ask more questions in a minute than twelve wise men can answer in an hour.
    Dĩ nhiên biết cách đặt câu hỏi cũng là một kỹ năng cần thiết. Nhưng có lẽ cô ĐNB quên rằng nhiệm vụ của nghiên cứu sinh (và cả những người viết bình luận cho phần Opinions trên báo) là giải quyết vấn đề, hoặc ít nhất cũng phải phân tích hoặc đưa ra được một số nhận định có cơ sở về vấn đề đó, chứ không phải chỉ đưa ra vấn đề rồi thôi (nếu không thì ai cũng viết báo và làm tiến sĩ được rồi, cần gì đến "chuyên gia" như cô ĐNB). Đó là chưa kể, mọi người phê phán quan điểm của cô ĐNB, chứ không phải các câu hỏi mà cô ấy đặt ra.
    Lan man nhiều rồi, em xin quay lại câu hỏi cô PA đặt ra ở đầu bài.
    Thật ra nghĩ kĩ lại thì có tới mấy câu hỏi:
    Whose history should we teach?
    Whose history must we teach?
    Whose history do we need to teach?
    Whose history may we teach?
    Nói như cô ĐNB thì câu nào cũng có thể trở thành một đề tài tranh luận thú vị.
    Ở đây có một vấn đề có liên quan, đó là "instructional objectives" (hay desired learning outcomes) của giờ Lịch sử trong trường phổ thông (as opposed to History as a major). Đâu là vai trò CHÍNH của môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông? Phải chăng đây là môn học cung cấp cho học sinh những sự thật lịch sử (và nếu vậy thì, có hay không cái gọi là sự thật lịch sử khách quan)? Nếu vậy thì chuyện dạy lịch sử của ai thật sự là điều nên suy nghĩ thấu đáo. Còn nếu chúng ta chấp nhận chuyện khó có một sự thật lịch sử khách quan, phải chăng nên thực dụng hơn và xem lịch sử như một công cụ giúp học sinh rèn luyện khả năng tư duy? Nói cách khác, qua môn này, các em sẽ học cách phân tích, đối chiếu, đánh giá độ tin cậy của nhiều sử liệu khác nhau (đôi khi đối lập nhau), và tự hình thành góc nhìn riêng (có thể hợp lý, có thể không, nhưng ít ra học sinh ra trường sẽ vẫn "còn chút gì để nhớ" về môn lịch sử)? Lúc đó cô ĐNB cũng có thể yên tâm là nếu thanh niên VN có xuống đường biểu tình chống TQ, thì đó là vì các bạn đã xem xét đánh giá nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chứ không phải vì các bạn bị chương trình dạy Sử một chiều của những người "bài trung" nhồi sọ.

    SGK

    ReplyDelete
  2. Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền của Hitler có một câu nói rất chân lý và khoa học: "Chân lý là hằng nghìn lần nói láo". Sau này Stalin và Mao đã áp dụng câu nói này dạy cho các hậu duệ cánh tả thành công trong việc chiếm 1/2 nhân loại chị biết khg?

    Khà khà,

    ReplyDelete
  3. Hi SGK và Bác Hải,

    Mấy cái còm hay quá! Lâu lâu blog của tôi mới có những cái còm đáng giá như thế này. Chứng tỏ đề tài này thực sự hot. Chẳng biết tại mình viết hay (?!), hay tại ĐNB làm cho vấn đề này trở nên hot? Nếu thế, bà/bạn ấy giỏi thật, đáng được phong Tiến sĩ danh dự ngành Sử học, chuyên ngành Sử VN, vì làm cho mọi người quan tâm đến sử Việt. Nhất là vào thời điểm nhạy cảm như thế này!

    SGK,
    Các ý kiến của bạn thật sắc sảo. Tôi chưa thể trả lời ngay, mà muốn hỏi một câu này: Bạn có thể lộ diện ra thêm một chút nữa được không? Có thể gửi cho tôi qua mail? Vì trao đổi online thì tốt rồi, nhưng để cho nó có thêm ... hương vị, màu sắc, thì có lẽ hiểu rõ và biết mặt người đối diện sẽ tốt hơn nhiều nữa!

    Bác Hải ơi,
    Cái đó giống như nguyên tắc của quảng cáo phải không bác? Hay là Tăng Sâm giết người? Hoặc giống như người thầy cũ của tôi năm thứ nhất đại học Tổng hợp (Văn khoa cũ) vẫn hay nói: "Dạy sinh viên năm thứ nhất viết tiếng Anh, đọc văn viết sai ngữ pháp của các em nhiều quá, nhìn cái sai thành quen mắt nên thỉnh thoảng không còn nhận ra được đâu là đúng đâu là sai nữa - mất sự nhạy cảm về ngôn ngữ!"

    Tôi e rằng giáo dục của ta hiện nay đang rơi vào tình trạng giống thầy tôi đã nói, bác ạ. Vàng thau lẫn lộn, mà đa số chỉ thấy thau chứ không thấy vàng, nên sau đó thấy vàng thật thì không chịu, đòi phải là thau mới chịu là vàng thật!

    Buồn, phải không bác?

    ReplyDelete
  4. Em đã gửi mail cho cô, nếu cô nhận được thì báo lại cho em (vì em sợ có thể mail gửi bị đưa vào phần junk). Hôm trước em cũng có gửi 2 email nói thêm về chuyện college ranking, bao giờ có thời gian cô và em có thể trao đổi thêm.


    Đọc câu nhận xét của thầy giáo cô PA, tự dưng em nghĩ tới "phong trào" ứng dụng communicative approach (phương pháp giao tiếp?) trong giảng dạy tiếng Anh. Việc chú trọng fluency thay vì accuracy phải chăng có thể dẫn đến hệ quả tương tự? Bản thân em cảm thấy khá phân vân. Hồi học phổ thông em thấy rất nhiều người ca ngợi phương pháp giao tiếp, và xem đó như một hướng tiếp cận ưu việt - chắc cũng giống như giáo án điện tử bây giờ - cho dù không biết có bao nhiêu người trong số đó thật sự hiểu rõ communicative approach là gì. Sau này học đại học ở Singapore, em lại thấy một giáo sư khá có uy tín về ngành giảng dạy ngôn ngữ gọi phương pháp này là "a teaching fad", và xem sự phổ biến của nó ở đảo quốc này vào những năm 80 như một trong những nguyên nhân khiến cho khả năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên tại đây yếu dần đi.

    Em lại lạc đề rồi. :D

    SGK

    ReplyDelete