Monday, January 25, 2010

"Những thách thức đang đối mặt với nền giáo dục đại học Malaysia"


Những hình minh họa trong entry này là do tôi chụp trong một chuyến tham gia đánh giá ngoài tại 1 trường đại học trong khu vực Đông Nam Á vào tháng 10 năm 2009.

Bài viết được giới thiệu hôm nay đã được đăng trên bản tin của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế của Trường ĐH Boston vào năm 2008. Tôi đã dịch nó cách đây ít lâu, để làm tư liệu cho chính mình. Nay đưa vào đây để chia sẻ với mọi người, đặc biệt các sinh viên cao học đo lường đánh giá tại TT nơi tôi đang làm việc.

Tác giả đầu tiên của bài viết này là một nhà nghiên cứu lừng lẫy về giáo dục đại học của Hoa Kỳ, với rất nhiều bài viết phân tích rất sâu sắc và lập luận chặt chẽ. Nói thêm, ĐH Nam California nơi ông làm việc là một trường tư rất nổi tiếng và có nhiều quan hệ với VN, thông qua các chương trình hợp tác, và trước đây là cấp học bổng cho nhiều người VN sang học ở trình độ sau đại học, trong đó có những người ngày nay đang nắm giữ vị trí quan trọng trong các trường đại học, viện nghiên cứu vv.

Nói như thế, để tin rằng nếu chúng ta cứ kiên trì đi theo những cải cách đúng hướng, không nóng vội chạy theo thành tích, cũng không sốt ruột vì chưa thấy kết quả và liên tục thay đổi chủ trương, đường lối, phương pháp vv, thì giáo dục đại học VN cũng sẽ có ngày khởi sắc, so với bạn bè trong khu vực, và (hopefully, someday) trên thế giới, tại sao không nhỉ?

Và một câu giải thích cuối cùng: loạt bài này là nhằm giới thiệu kinh nghiệm quốc tế để chúng ta có thể học hỏi từ những cái hay lẫn những cái dở của người khác, để mong rút ngắn một chút, đoạn đường vạn dặm mà giáo dục VN sẽ phải đi ...

Cũng như mọi lần, những chỗ in nghiêng, đậm vv trong bài là của tôi, không phải của các tác giả
.

---
Những thách thức đang đối mặt với nền giáo dục đại học Malaysia
Bản gốc tiếng Anh có thể đọc tại đây.

Nguồn: http://www.bc.edu/bc_org/avp/soe/cihe/newsletter/Number53/p23_Tierney_Sirat.htm

Tác giả: William G. Tierney và Morshidi Sirat
William G. Tierney là Giám đốc Trung tâm Phân tích chính sách giáo dục đại học, Đại học Nam California, Waite Phillips Hall, Phòng 701, Los Angeles, CA 90.089-4.037, Hoa Kỳ. E-mail: wgtiern@usc.edu. Morshidi Sirat là Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc gia về giáo dục đại học, Universiti Sains Malaysia, Level 1, Suite 109, EUREKA Complex, 11.800 Penang, Malaysia. E-mail: morshidi@usm.my.

---
Giáo dục đại học của Malaysia là một mô hình thu nhỏ của những xu hướng và thách thức đang đối mặt với tất cả các nền giáo dục sau trung học trên toàn thế giới. Quá trình tư nhân hoá đang gia tăng trong khu vực công. Các nhà cung cấp mới đã bước vào thị trường đại học của Malaysia. Xếp hạng quốc tế là một mối quan tâm lớn của chính phủ và các đại học nghiên cứu. Chi phí giáo dục đại học đang làm mọi người quan ngại, từ phụ huynh, học sinh, đến chính phủ. Liệu Bộ Giáo dục đại học có nên tiếp tục "chỉ đạo từ xa" các cơ sở giáo dục sau trung học công lập của quốc gia, hay nên phát triển một kế hoạch phân cấp – vấn đề này hiện đang được tranh cãi. Làm thế nào để ngưng quá trình chảy máu chất xám các giảng viên tài năng của Malaysia, tận dụng sự tăng cường chất xám, phục vụ được số lượng ngày càng tăng các học sinh mong muốn được hưởng một nền giáo dục sau trung học, và cung cấp việc làm cho những công dân ngày càng được giáo dục cao hơn – tất cả đang là những vấn đề được thảo luận tích cực cả trên mặt báo lẫn trên đường phố.

Sự tăng trưởng
Các trường đại học công lập ở Malaysia nhìn chung bao gồm các sinh viên ở lứa tuổi đi học truyền thống, với tỷ lệ theo học sau trung học vào khoảng 10% số thanh niên từ 18 đến 24 tuổi. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục đại học tư nhân và thu lợi có số sinh viên ở độ tuổi cao hơn một chút. Sự tham gia của sinh viên trong giáo dục sau trung học đã tăng lên hơn 20 năm qua. Ví dụ, năm 1990 có khoảng 100.000 sinh viên đã theo học tại các cơ sở giáo dục công, và năm vừa rồi, con số này đã tăng lên hơn gấp ba. Tổng số học sinh tham gia học sau trung học là hơn 700.000 người, trong đó có khoảng 47% theo học tại các trường công, 46% theo học các trường ngoài công lập; số còn lại ra nước ngoài du học.

Năm 1985, Malaysia chỉ có sáu (06) cơ sở giáo dục công lập, nay đã có 20 trường đại học. Bộ Giáo dục đại học đã chỉ định bốn (04) trong số các trường này là trường đại học nghiên cứu. Dư luận vẫn tiếp tục bày tỏ mối quan tâm về việc vẫn không có bất kỳ một trường đại học nào của Malaysia có trong bảng xếp hạng 100 trường tốt nhất, vì bảng xếp hạng vẫn được xem là một đại diện chính thức của chất lượng. Bộ cũng mong muốn một (01) hoặc hai (02) trong số các trường đại học nghiên cứu trở thành đại học "đỉnh cao" (apex university), được xếp hạng trong số các trường đại học nghiên cứu lớn của thế giới. Mục tiêu của chính phủ là phải có ít nhất một trong số các trường này được xếp hạng trong top 100 vào năm 2010.

Ngoài các trường đại học công lập, khu vực giáo dục công lập sau trung học còn bao gồm các trường bách khoa (polytecnics) và cao đẳng cộng đồng. Malaysia hiện có 24 trường bách khoa công lập và 37 trường cao đẳng cộng đồng công cộng nằm trong toàn bộ 13 tiểu bang, chỉ trừ vùng Lãnh thổ Liên bang. Các trường cao đẳng cung cấp các khóa đào tạo cấp chứng chỉ và bằng nghề (diploma), và năm vừa qua đã có hơn 85.000 học sinh tốt nghiệp. Cộng đồng sinh viên đại học cũng đang gia tăng. Năm 2001 chỉ có 1000 sinh viên tốt nghiệp nhưng đến năm 2006 con số này đã tăng lên đến 11.000. Mục đích cuối cùng của chính phủ là thành lập trường cao đẳng cộng đồng ở tất cả 222 khu vực bầu cử nghị viện. Gần đây, chính phủ đã uỷ thác cho tất các trường cao đẳng nhiệm vụ chuẩn bị việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn còn bị thất nghiệp.

Giáo dục Đại học tư nhân
Mặc dù các trường đại học công lập đã tăng cả về kích thước lẫn số lượng, nhưng sự tăng trưởng đáng kể nhất chính là ở khu vực đại học tư nhân, bao gồm cả những đại học được thành lập tại Malaysia hoặc “được nhập khẩu” từ nước ngoài. Năm 1985 chỉ mới có 15.000 sinh viên trong các trường đại học tư, thì ngày nay đã có hơn 250.000 sinh viên tham dự các trường đại học ngoài công lập. Vào đầu những năm 1990 Malaysia có khoảng 150 cơ sở giáo dục đại học tư nhân, nhưng đến năm ngoái đã có hơn 500 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. Việc sử dụng từ "ngoài công lập" là có mục đích, vì sự phân định phạm vi ý nghĩa của các từ ngữ "tư nhân" và / hoặc "vì lợi nhuận" vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Một ví dụ là trường Đại học Monash, một cơ sở giáo dục công lập tại Australia nhưng có một cơ sở tại Malaysia. Một số đảng phái chính trị ở Malaysia cũng đã hỗ trợ thành lập các trường đại học. Ngoài ra còn nhiều nhà cung cấp khác có thể cung cấp các khóa đào tạo và được quyền cấp bằng, vì vậy ý nghĩa của cụm từ cơ sở giáo dục đại học “tư nhân” thực sự là rất rối rắm. Tuy nhiên, tính chung các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập cũng phục vụ được khoảng gần 50 phần trăm tổng số học sinh. Và kết quả chung là có gần 750.000 sinh viên đang tham gia một hình thức học tập sau trung học nào đó.


Chủng tộc, Dân tộc, và Chính sách Ưu tiên
Hơn 52% dân số Malaysia là người dân tộc Mã Lai; theo hiến pháp nhà nước tất cả người Mã Lai là người Hồi giáo. Trong số còn lại có 26% là người Hoa (phần lớn là Phật giáo), 11% là người bản địa, và 8% là người Ấn theo đạo Hindu. Bộ luật 1971 đã tìm cách đảo ngược vị trí thống trị về kinh tế xã hội của người Hoa và thúc đẩy việc áp dụng chính sách hành động tích cực cho phần lớn dân số của nước này – những người gốc Mã Lai và các nhóm dân tộc bản địa khác. Kết quả là sự gia tăng đáng kể tỷ lệ người Mã Lai tham dự các trường đại học công lập, với sự sụt giảm số người thuộc các dân tộc Hoa và Ấn. Chẳng hạn, trước khi luật này được áp dụng, sinh viên Mã Lai chỉ chiếm chưa đến một phần ba số sinh viên, nhưng đến năm 1985 họ đã chiếm đến gần hai phần ba tổng số sinh viên đại học. Ngược lại, người Hoa chiếm khoảng 56% tổng số sinh viên vào năm 1966, nhưng 20 năm sau đó con số này đã giảm đi chỉ còn 29%. Một trong những “sản phẩm phụ” của bộ luật 1971 là những công dân Mã Lai không thuộc chủng tộc Malay (tức người Hoa và người Ấn) đã thành lập các trường đại học tư nhân của riêng họ, và những trường này thu hút được phần lớn số lượng sinh viên của khối các trường đại học tư. Tuy nhiên, kể từ cuối thập niên 1990, một hệ thống tuyển sinh dựa trên năng lực cũng đã được triển khai.

Kinh phí
Chính phủ ngày càng mong muốn các trường đại học công tìm kiếm thu nhập từ các nguồn khác hơn là chỉ đơn thuần nhận kinh phí từ Bộ. Việc cổ phần hóa các trường đại học thuộc nhà nước quản lý từ năm 1987 đã cho phép các trường đại học công tìm kiếm các nguồn thu khác. Mặc dù Bộ vẫn phải cấp hơn 80% ngân quỹ thường xuyên, nhưng các đại học công lập đã bắt đầu hoạt động theo những phương cách giống như các cơ sở giáo dục đại học khác trên toàn thế giới. Các trường đại học đang cố gắng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và năng lực nghiên cứu của mình. Chẳng hạn như tại Úc, một trong những “mỏ vàng” về nguồn thu chính là sinh viên sau đại học quốc tế. Những sinh viên này phải đóng đầy đủ mọi chi phí cho việc học (không được hưởng bất kỳ sự hỗ trợ nào). Kết quả là tại Malaysia hiện đang có số lượng sinh viên đến từ hơn 150 quốc gia và họ vẫn còn đang cố gắng làm tăng thêm số sinh viên đến từ các quốc gia khác nữa. Điều này dựa trên giả định là một quốc gia Hồi giáo tương đối ổn định và an toàn sẽ có tiềm năng thu hút nhiều sinh viên Hồi giáo đến từ các nước Trung Đông và các nơi khác. Hơn nữa, ngôn ngữ giảng dạy trong các lớp học phần nhiều là tiếng Anh, điều này làm cho các cơ sở đào tạo sau trung học của quốc gia này trở nên hấp dẫn đối với người nói tiếng Anh. Trung Quốc cũng được xem như là một đất nước có thể cung cấp với một số lượng lớn những sinh viên bị thu hút đến quốc gia hàng xóm ở khu vực Đông Nam Á này.

Tập trung và phi tập trung
Việc kiểm soát các cơ sở giáo dục công đã nằm trong tay của Bộ trong suốt lịch sử của đất nước. Trong thập kỷ vừa qua lời kêu gọi tăng quyền tự chủ cho các trường đã trở nên khẩn thiết hơn, và vị đương kim thủ tướng đã đồng ý rằng các trường đại học cần phải có quyền lực hơn một chút. Tuy nhiên việc các hiệu trưởng và giảng viên sẽ có quyền hạn và sự tự do đến đâu trong việc định hướng hoạt động nhà trường thì vẫn còn phải chờ xem đã. Chính phủ hiện đang khá hỗn loạn, vì lần đầu tiên trong lịch sử chính phủ đã vuột mất tỷ lệ đa số 7/3. Kết quả là việc cải cách giáo dục sau trung học hiện chưa phải là một ưu tiên hàng đầu cho chính phủ.

Các trường đại học công lập cũng tiếp tục tăng số lượng giảng viên với học vị tiến sĩ; không có cơ sở giáo dục nào có dưới 50% giảng viên có bằng tiến sĩ. Hầu hết các giảng viên này lấy bằng tiến sĩ Vương quốc Anh, Úc, hoặc Hoa Kỳ. Các trường đang có mong muốn được tăng quyền tự do học thuật và tự chủ cá nhân, quyền đóng góp vào công việc quản trị tại các cơ sở giáo dục, và tăng cường vai trò của nghiên cứu.

Kết luận
Cũng như tất cả các nơi khác trên thế giới, giáo dục được xem như một phương tiện quan trọng để gia tăng sự giàu có của từng cá nhân, cũng như tăng cường sự phát triển kinh tế và phúc lợi của xã hội. Mặc dù việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học thường rất khó, nhưng giả định hiện nay là chỉ có một chứng chỉ học trung học sẽ không còn đủ để kiếm được việc làm. Kết quả là hiện nay đang có rất nhiều thay đổi xảy ra ở quốc gia này liên quan đến bản chất, tiêu điểm, sự kiểm soát, và kích thước của nền giáo dục đại học của Malaysia. Theo cách nhìn này, thì Malaysia quả là một ví dụ năng động để có thể hiểu được những thay đổi đang diễn ra trên toàn thế giới trong từng phân đoạn cũng như trên toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.
--
Ý kiến của tôi sau khi đọc bài này:

1. Một lần nữa, GDĐH của Malaysia lại cho thấy tư nhân hóa là một xu thế toàn cầu của GDĐH ngày nay. Nhưng có những nước chủ động thúc đẩy nó, có những nước không ngăn được đành phải để cho tư nhân hóa. Tôi nghĩ, nếu xu thế nó đã thế thì nên chủ động theo, không nên bỏ công sức ra ngăn nhưng biết trước là sẽ ngăn không được, rồi cũng phải theo?

2. Tuyển chọn người học theo năng lực là nguyên tắc cơ bản, và là điều kiện để giáo dục đại học thành công. Chính sách ưu tiên, nếu có, giống như ở Malaysia hay ở VN, cũng không được đi ngược lại nguyên tắc này. Không thể vì ưu tiên nên không cần có năng lực! Và không thể để tình trạng có năng lực nhưng vì không ưu tiên nên phải hy sinh! Vì đó là một sự phí phạm tài năng, phí phạm "nguyên khí quốc gia"!

3.Mâu thuẫn giữa chất lượng và số lượng. Làm sao giải quyết bài toán này? Rõ ràng đây là vấn đề của toàn thế giới, và có những nước giải quyết tốt hơn nước khác. VN nên học hỏi nhiều hơn từ những thành công - cũng như thất bại - của các nước để khỏi phải "phát minh lại cái bánh xe". Và đó cũng là lý do của loạt bài này!

2 comments:

  1. http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Giao-Duc/Buc_tam_thu_gui_nganh_giao_duc/

    ReplyDelete
  2. Cám ơn bác đã gửi link.
    Tôi sẽ đọc, và gửi lên trên này những suy nghĩ của tôi, để chia sẻ với mọi người, và mong được góp ý.

    PA

    ReplyDelete