Tuesday, January 20, 2015

Đăng lại một mẩu tin cũ đã hơn 10 năm, nay vẫn rất hợp thời

Tôi đang cần tìm kiếm thông tin cá nhân để bổ sung hồ sơ cho một việc đang thực hiện. Vì việc quản lý hồ sơ, giấy tờ của VN nói chung và của bản thân tôi nói riêng là quá kém, lại thêm phải chuyển công tác nhiều lần, nên giờ đây có nhiều điều tôi đã làm mà không thể tìm được giấy tờ gì cả, đành phải nhờ vào ... mạng internet để tìm.

Và quả thật, may nhờ có internet! Tôi tìm thấy mẩu tin sau đây, thấy quá thú vị, nên đăng lại để lưu và cũng để chia sẻ với mọi người. Vì hơn 10 năm nay, bao nhiêu nỗ lực từ gia đình, cá nhân, và tất nhiên là của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng tình hình vẫn không khá hơn được là mấy!

Xin mời các bạn đọc dưới đây:
-------------------

Tiếng Anh của sinh viên Việt Nam ở trình độ rất thấp so với thế giới!


Tieng Anh cua sinh vien Viet Nam o trinh do rat thap so voi the gioi
Có trên 50% sinh viên phải đi học thêm tiếng Anh ở các trung tâm. (ảnh: Đ.N.T)
Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh giao cho nhóm nghiên cứu Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP Hồ Chí Minh đề tài nghiên cứu "Đánh giá hiệu quả đào tạo tiếng Anh như một ngoại ngữ tại các trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh". Một phần kết quả từ đề tài nghiên cứu này đã được TS Vũ Thị Phương Anh - Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và thạc sĩ Nguyễn Bích Hạnh - Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP Hồ Chí Minh công bố nhân tuần lễ Khoa học công nghệ và giáo dục đại học năm 2004.
Chính sách ngôn ngữ: Số 1 thế giới!
Theo đánh giá, nếu xét dưới góc độ chính sách ngôn ngữ, Việt Nam là một trong những nước đặt nặng vai trò của năng lực ngoại ngữ trong đào tạo và sử dụng nhân lực. Trong tuyển dụng, trình độ ngoại ngữ là một trong những yêu cầu quan trọng để bổ nhiệm và lựa chọn nhân sự. Trong đào tạo, đa số các nước việc dạy ngoại ngữ chỉ được thực hiện trong nhà trường phổ thông, thì ở Việt Nam đây vẫn xem là môn học bắt buộc ở bậc đại học. Đó là chưa kể Bộ Giáo dục - Đào tạo còn có những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về năng lực ngoại ngữ của sinh viên; trong đó có những quy định như là điều kiện bắt buộc để được công nhận tốt nghiệp đại học, là một trong những yêu cầu thi tuyển hoặc tốt nghiệp của các chương trình đào tạo sau đại học, là điều kiện bắt buộc để được tham gia chương trình đào tạo sau đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Chính sách thì được xem là hàng đầu thế giới nhưng vì sao các đơn vị tuyển dụng nói riêng và xã hội nói chung lại đánh giá không cao về trình độ ngoại ngữ của sinh viên?
Cử nhân: Tiếng Anh chưa đủ dự bị đại học!
- Có trên 50% sinh viên cho biết có đi học thêm tiếng Anh. Đây là một con số đáng báo động vì điều này cho thấy chương trình đào tạo hiện nay không đáp ứng được nhu cầu học tập của một nửa số sinh viên trong chương trình mặc dù họ vẫn tham gia mọi giờ lên lớp, mọi bài kiểm tra và đa số đều đạt !
- Chỉ có 3% sinh viên cho biết có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Nếu quy đổi theo chuẩn quốc tế thì hệ thống chứng chỉ trình độ tiếng Anh (A, B, C) của Việt Nam vẫn còn hạn chế rất lớn: còn khá thấp so với thế giới.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là sinh viên đầu năm 3 của các trường đại học lớn tại TP Hồ Chí Minh. Kết quả điều tra (chưa kiểm tra kỹ năng nghe, nói là những kỹ năng mà người Việt Nam thường rất yếu) cho thấy trình độ tiếng Anh của các sinh viên chỉ mới đạt trong khoảng 360-370 điểm TOEFL hoặc 3.5 điểm IELTS. Đây là mức rất thấp so với thế giới. Theo Hiệp hội Các nhà trắc nghiệm ngôn ngữ châu Âu, ở trình độ này, sinh viên chưa thể tham gia vào các cuộc trao đổi ý kiến dù ở mức thấp nhất mà chỉ mới tiếp nhận những thông tin đơn giản trong những bối cảnh quen thuộc. Với hướng đi này, dự kiến khi ra trường, các sinh viên cũng chỉ đạt trình độ khoảng 400 điểm TOEFL hoặc 4.0 điểm IELTS. Ở mức này, sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn chưa đủ trình độ để tham gia các chương trình tiếng Anh dự bị đại học ở các nước nói tiếng Anh. Vì sao lại có sự mâu thuẫn rất lớn giữa nhà trường và xã hội ? Đó là trình độ đầu vào rất chênh lệch nhưng lại chưa có cách quản lý phù hợp với hoàn cảnh thực tế, mọi sinh viên trình độ khác nhau đều phải trải qua một thời lượng như nhau, cùng áp dụng một chương trình học có mục tiêu và cấu trúc tương tự như nhau. Chính sự thiếu phù hợp giữa chương trình đào tạo, trình độ và nhu cầu đa dạng của người học đã vô hiệu hóa phần lớn các nỗ lực của nhà trường, giảng viên và sinh viên.
Thuỳ Ngân
Việt Báo (Theo_Thanh Niên)


No comments:

Post a Comment