Wednesday, September 10, 2014

Vai trò của nhà nước trong giáo dục đại học

Dẫn: Bài viết này tôi viết theo đặt hàng của tờ Thanh Niên nhân cuộc tranh luận liên quan đến ĐH Hoa Sen về "vì lợi nhuận" và "phi lợi nhuận". Bài đã được đăng trên báo hôm nay, có rút ngắn chút ít. Xin đăng lại bản đầy đủ dưới đây. Còn bài trên Thanh Niên ở đây: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140909/nhung-van-de-can-lam-ro-ve-truong-tu.aspx
---------


VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
(Nhân vụ tranh chấp tại ĐH Hoa Sen)

Trước khi cuộc tranh chấp được xem là giữa hai khuynh hướng “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” nổ ra cách đây ít lâu, ĐH Hoa Sen vẫn được biết đến như một mô hình đại học tư thành công, minh họa cho sự đúng đắn của chính sách xã hội hóa giáo dục của Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp tại trường này giờ đây dường như đang lâm vào bế tắc. 

Để giải quyết cuộc tranh chấp tại Hoa Sen, có mấy câu hỏi cần được trả lời dứt khoát. Phải chăng ĐH Hoa Sen lâu nay vẫn là “phi lợi nhuận”, và căn cứ pháp lý nào để khẳng định điều này? Phải chăng ĐH Hoa Sen chỉ có thể có chất lượng nếu nó là “phi lợi nhuận”? Và phải chăng vì ĐH Hoa Sen đã từng nhận ưu đãi từ nhà nước, nên giờ đây các nhà đầu tư bắt buộc phải chọn con đường  “phi lợi nhuận”, nếu không muốn bị thoái vốn  bắt buộc? 

Thực ra, câu trả lời cho những câu hỏi trên đã có sẵn. Nếu áp dụng những luật lệ hiện hành – mà ai cũng biết là chưa hoàn thiện – thì có thể khẳng định ngay ĐH Hoa Sen là một trường “vì lợi nhuận”, dù không ai muốn tin như thế. Trong tâm lý của người Việt hiện nay, “giáo dục” và “lợi nhuận” không thể song hành, và một trường đại học tốt phải là một trường “phi lợi nhuận”. Vì vậy, có lẽ rất nhiều người đang mong rằng phần thắng phải thuộc về những người lựa chọn “phi lợi nhuận”, bởi như thế mới là … hợp đạo lý! Mặt khác, không ai có thể bác bỏ lập luận rằng lâu nay ĐH Hoa Sen vẫn hoạt động như một doanh nghiệp, tức đồng nghĩa với “vì lợi nhuận”.

Đó là lý do tại sao cuộc tranh chấp tại ĐH Hoa Sen dường như không thể giải quyết. 

Thực ra, vụ tranh chấp ở ĐH Hoa Sen hiện nay chủ yếu là một cuộc chiến ngôn từ.  Trước khi có Luật giáo dục đại học với sự phân biệt giữa “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”, ĐH Hoa Sen đang rất ổn. Nhà trường phát triển tốt cả về tài chính lẫn học thuật, sinh viên chấp nhận mức học phí cao được bảo đảm có đầu ra tốt làm hài lòng nhà tuyển dụng, và có sự điều hòa lợi ích giữa tất cả các bên. Chẳng một ai thắc mắc ĐH Hoa Sen là “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”, mà chỉ biết đó là một trường đại học có chất lượng, cung cấp được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.
Và đó mới là điều chúng ta cần ở các trường đại học của Việt Nam.

Phân tích sự thành công của ĐH Hoa Sen, có thể thấy nổi bật ba yếu tố:

  1. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước (đất đai, mức thuế hợp lý, các ưu đãi khác) 
  2. Nguồn tài chính ổn định và được quản lý tốt, tạo được sự tích lũy để phát triển và đem lại lãi cho nhà đầu tư
  3. Năng lực của đội ngũ sư phạm (năng lực quản lý chuyên  môn, hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng)

Việc phải chọn giữa “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” theo Luật giáo dục đại học đã tước đi của các trường đại học tư cơ hội tạo ra thế “kiềng ba chân” bền vững nêu trên. Nếu chọn “vì lợi nhuận” thì các trường tư vốn đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh do không được hưởng ưu đãi của nhà nước, phải trích 25% vào quỹ phát triển bắt buộc mà vẫn phải đóng thuế như một doanh nghiệp bình thường. Điều này khiến đa số các trường buộc phải chọn “phi lợi nhuận” để mong tiếp tục nhận ưu đãi của nhà nước, trong khi về bản chất họ vẫn là các nhà đầu tư nhằm mục đích lợi nhuận như trước đây, và sẽ buộc phải lách luật để bù vào phần lợi nhuận  bị giảm xuống theo quy định dành cho trường “phi lợi nhuận”. Cả hai đều làm hỏng những trường đại học tư “tử tế” như ĐH Hoa Sen trước khi có tranh chấp.

Vụ tranh chấp ở ĐH Hoa Sen tuy vậy cũng có một cái lợi. Nó giúp ta thấy rõ vấn đề hiện nay không phải là tạo ra những trường “phi lợi nhuận” chỉ trên danh nghĩa, mà là có được các trường đại học có chất lượng. Muốn vậy, nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ cho giáo dục như ưu đãi đất đai, thuế, vay vốn kích cầu ... cho mọi trường chứ không chỉ cho mô hình phi lợi nhuận. Ngoài ra, việc quyết định phát triển theo hướng vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận phải do tập thể sáng lập hoặc các cổ đông góp vốn quyết định chứ không phải chỉ những người đang nắm quyền, càng không thể là kết quả của sự áp đặt từ nhà nước.

No comments:

Post a Comment