Sunday, October 9, 2011

Ừ nhỉ, các trường đại học VN công bố “chuẩn đầu ra” để làm gì?

Tôi đã viết trên blog này vài entry về Learning Outcomes rồi, nhưng hôm nay lại phải viết thêm sau một cuộc trao đổi với một người bạn nhỏ cũng là một phóng viên của một trong hai tờ báo có lượng phát hành lớn nhất thành phố này.

Lý do khiến tôi thấy cần phải viết là vì một nhận xét, đúng hơn là một câu hỏi dưới dạng một nhận xét, của người bạn ấy, đó là “công bố chuẩn đầu ra để làm gì, nếu đó chỉ là những phát biểu do chính nhà trường đưa ra, và không ai biết chắc là những cái chuẩn đó có đạt được hay không. Dường như tất cả chỉ là hình thức và không đúng với thực tế.”

Theo tôi, đó là một nhận xét hết sức trung thực, phản ánh toàn bộ những cái lúng túng của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay với cái gọi là “chuẩn đầu ra” mà các trường đại học buộc phải công bố công khai cho toàn xã hội biết, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sự lúng túng ấy, theo tôi, bắt nguồn ngay từ việc sử dụng thuật ngữ, nó cho thấy dường như mọi người chưa hiểu rõ cụm từ ấy là gì, mà đã bị buộc phải thực hiện nó rồi. Xin được nhắc lại một ý mà tôi đã nêu trong vài entry trước đây, đó là cụm từ “learning outcomes” từ lâu nay được dịch là chuẩn đầu ra (CĐR), và mặc dù cách dịch đó là không chính xác, nhưng hiện nay nó đã được dùng rất quen đến nỗi có lẽ không có cách nào thay đổi được điều này.

Nói là dịch không đúng, là bởi vì “chuẩn” tức standard trong tiếng Anh có hàm ý là một cái gì đó mẫu mực mà mọi người phải tuân theo, nếu vi phạm/ không tuân thủ thì sẽ có những hậu quả hoặc sự chế tài nào đó.

Vì vậy, chuẩn đầu ra nếu hiểu đúng nghĩa ngôn ngữ của những từ này (= chuẩn, tức mẫu mực, và đầu ra, tức năng lực của người học khi ra trường) thì nó phải dịch là “outcome standard” trong tiếng Anh. Cụm từ “outcome standard” này được dùng rất nhiều trong ngôn ngữ của kiểm định nghề nghiệp như ABET hoặc AACSB; ai quan tâm có thể tìm kiếm cụm từ “outcome standard” trên google thì sẽ tiếp cận được ngày với rất nhiều tài liệu nói về vấn đề này.

Trong khi đó, learning outcomes như cách hiểu và cách làm của chúng ta lâu nay chỉ là những phát biểu về những năng lực dự kiến mà người học (hy vọng) sẽ đạt được sau khóa học, tức rất giống (có thể nói là gần như trùng khớp) với cái mà ngày xưa chúng ta gọi là “mục tiêu học tập”, tiếng Anh là “learning objectives” (cũng viết tắt là LO).

Trong tiếng Anh, hai khái niệm learning objectives và learning outcomes đôi khi cũng được dùng lẫn lộn với nhau (thì cũng là LO cả thôi mà!). Bởi vì, bản chất của chúng vốn là một.

Nếu chúng ta chú trọng vào những hoạt động mà nhà trường/ giáo viên đang/sẽ làm hoặc yêu cầu sinh viên làm để tạo ra những kết quả mà ta mong muốn sau khi kết thúc những hoạt động đó thì chúng ta dùng từ objectives (mục tiêu của những hoạt động đang/sẽ thực hiện). Còn nếu chúng ta chú trọng vào kết quả mà người học sẽ đạt được sau khi học, thì chúng ta sẽ gọi đó là outcomes, tức là “kết quả đầu ra”, hoặc “năng lực đầu ra” (của việc học, tất nhiên).

Đó là lý do tại sao trong một entry trước đây tôi đã đề nghị dịch LO là “kết quả đầu ra” hoặc “năng lực đầu ra”, chứ không dịch là “chuẩn đầu ra” như vẫn dịch lâu nay.

Cũng cần phải nhắc lại một ý đã cũ là khi các LO do chính các trường đưa ra thì nó chỉ là những gì dự kiến, hoặc mong ước mà thôi, chứ chưa hề được kiểm chứng. Đó là lý do tại sao trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN thì nó được gọi rõ ràng là expected learning outcomes – năng lực đầu ra dự kiến.

Vì là dự kiến, nên muốn chứng minh là những LO (năng lực đầu ra) mà nhà trường cam kếtlà thực sự đạt được thì cần phải có chứng cứ từ bên ngoài. Những chứng cứ đó có thể là kết quả đánh giá của nhà tuyển dụng, của chính cựu sinh viên, hoặc của những hiệp hội nghề nghiệp dựa trên những “chuẩn năng lực nghề nghiệp” đã tuyên bố. Chú ý nhé, đây mới đúng là “chuẩn”: nó là những yêu cầu bắt buộc, là mẫu mực phải tuân theo, vì nếu không thì sẽ không được chấp nhận để hành nghề.

Thông thường, ở các nước tiên tiến, các nghề nghiệp quan trọng như các ngành Y, Luật, Sư phạm, hoặc Kỹ sư vv thì người hành nghề sau khi tốt nghiệp đại học vẫn còn phải thi một chứng chỉ hành nghề nữa mới có thể hành nghề (hoặc được xếp đúng ngạch của người đã đạt chuẩn). Và hầu hết những người này đều phải học thêm một/ vài khóa học để chuẩn bị cho kỳ thi này.

Ở Mỹ, những trường đại học có đào tạo những ngành có tính chuyên nghiệp (professional) như trên thì vừa phải kiểm định cấp trường (tổng quát) vừa phải kiểm định cấp chương trình. Khi đoàn kiểm định đến đánh giá thì bao giờ các thành viên của đoàn cũng sẽ đòi hỏi trường chứng minh rằng những learning outcomes (năng lực đầu ra) mà trường đã tuyên bố thực sự đã đạt được. Khi ấy, tỷ lệ phần trăm sinh viên tốt nghiệp ra trường đạt chứng chỉ nghề nghiệp trong vòng một thời gian nhất định (ví dụ: 6 tháng) sẽ là một loại minh chứng để cho thấy rằng “năng lực đầu ra” của chương trình đã thực sự được bảo đảm.

Cần nhấn mạnh thêm điều này: các tổ chức kiểm định chuyên nghiệp đều có các outcome standards dành cho các ngành nghề riêng biệt. Xin nhấn mạnh, đây mới đúng là “chuẩn đầu ra”, đúng theo nghĩa của các từ tiếng Anh tạo thành cụm từ này – “chuẩn” đúng nghĩa, các bạn ạ, vì nó có chế tài, và có sự phán đoán từ bên ngoài – nếu anh không đạt chuẩn theo kết luận của đoàn đánh giá, thì anh sẽ “rớt” kiểm định, vậy thôi).

Một ví dụ mà ở VN có khá nhiều người biết là chuẩn của ABET. Các trường của VN khi công bố “CĐR” theo yêu cầu của Bộ thì thường chỉ lấy những bộ chuẩn có sẵn này của ABET rồi đưa lên trang web của mình (hoặc sổ tay sinh viên, đề cương môn học), và xem như thế là xong hoàn toàn rồi. Bộ đến kiểm tra, thấy có, cũng cảm thấy hài lòng, tốt, đạt chỉ tiêu!

Ôi, nếu thế thì hóa ra … xây dựng “chuẩn đầu ra” dễ thế sao? Sao ở nước ngoài, ví dụ ở Châu Âu với Tiến trình Bologna, họ phải mất cả chục năm loay hoay với việc xác định “chuẩn đầu ra” (thực ra là LO, tức “năng lực đầu ra (dự kiến)”) ấy nhỉ?

Xin thưa ngay: Các chuẩn đầu ra (đây là chuẩn thật nhé) của các tổ chức kiểm định, với tư cách là chuẩn, vẫn chỉ là những yêu cầu tổng quát, chứ chưa thể đo đạc ngay được. Muốn đo ư, phải có những tổ chức đánh giá chuyên nghiệp, giống như trong tiếng Anh muốn đánh giá xem thực sự người học có sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong môi trường học thuật được không, thì phải để cho TOEFL hoặc IELTS đánh giá, xem có thực sự đạt được khoảng trên 90 điểm TOEFL iBT (tức khoảng 577 TOEFL PBT), hoặc trên 6 điểm IELTS… hay không, thì mới kết luận được.

Do những tổ chức này đều là những tay chuyên nghiệp về đo đạc năng lực người học, nên họ có những mô tả rất rõ ràng rằng 6 điểm IELTS thì làm được gì, 61 điểm TOEFL có thể nhận vào đâu, vv, và những phát biểu này là chính xác cho tất cả những người đạt được trình độ mà họ chứng nhận. Đấy, chỉ khi nào có đầy đủ chứng cứ như vậy, thì mới có thể nói là một chương trình nào đó đã đạt được chuẩn đầu ra (của một tổ chức nào đó).

Tóm lại: ở một nước như Mỹ thì xác định chuẩn năng lực nghề nghiệp là công việc của các hội nghề nghiệp; xác định chuẩn năng lực đầu ra của các chương trình đào tạo là việc của các các tổ chức kiểm định nghề (có thành viên thuộc các hội nghề nghiệp), xác định năng lực đầu ra (không phải là chuẩn, nhớ nhé!!!) dự kiến là việc của các trường/ các chương trình đào tạo, dựa trên các cái chuẩn bên ngoài mà người ta đã xây dựng (đã nêu ở trên), và đánh giá năng lực nghề nghiệp của người tốt nghiệp (ở VN hay gọi là “đánh giá chuẩn đầu ra”, lại là một cách dùng sai thuật ngữ khác) là việc của các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp.

Cứ thế, người nào việc nấy, chuyên nghiệp hóa, đâu ra đó, mỗi bên có việc của mình, có chuẩn mực riêng của mình, không đá lộn sân. Còn Bộ Giáo dục của Mỹ ư, so với VN thì sao họ … sướng thế, chẳng phải làm gì hết, chủ yếu là xét cấp tiền cho các trường hoặc cho người học và tạo điều kiện cho các trường hoạt động thuận lợi, đồng thời điều phối và bảo vệ lợi ích của các bên có liên quan. Và mọi việc cứ thế chạy ro ro.

Còn ở VN, Bộ Giáo dục đến là khổ. Nào là yêu cầu các trường công khai chuẩn đầu ra, rồi phải bắt báo cáo xem họ có đã công bố chưa, bao nhiêu phần trăm số trường đã công bố rồi, sau đó khi thấy còn nhiều trường không công bố (vì chưa hiểu mà) thì lại phải tập huấn cho tất cả các trường, tập huấn xong hình như họ vẫn ỳ ra không làm (hình như vẫn không hiểu) thì lại phải đi kiểm tra, thanh tra, phạt … ui chu choa ơi, mệt ơi là mệt.

Bộ đang bận thế, thì làm sao mà có thể quan tâm đến câu hỏi quan trọng hơn, cốt lõi của việc công bố “chuẩn đầu ra” (thực ra là “năng lực đầu ra”), đó là “các trường có thực sự đạt được những gì mình đã công bố hay không?” Cho nên công bố một lần là xong, xong rồi thì để đó, chứ đâu có biết phải làm gì hơn thế nữa, mà có làm hơn thì cũng … đâu có ai khen đâu?

Thế thì … ừ nhỉ, các trường VN công bố chuẩn đầu ra để làm gì cơ chứ? Câu hỏi chí lý thật! Cám ơn người bạn nhỏ của tôi, một câu hỏi/ một nhận xét rất giống với câu nói của cậu bé trong truyện “Bộ quần áo của Đức Vua”: Ơ, Đức Vua cởi truồng kìa!

1 comment:

  1. Cám ơn cô Phương Anh đã viết bài này. Sáng CN có gọi ĐT cho cô, nhưng có lẽ cô bận nên đã không bắt máy.

    ReplyDelete