Sunday, October 23, 2011

Milton Friedman viết về vai trò của nhà nước trong giáo dục

Entry này nằm trong loạt bài của tôi về vai trò của nhà nước và thị trường trong giáo dục.

Trước hết, cần nói “quan điểm” của tôi. “Quan điểm” ở đây không có nghĩa là cái gì tôi phát kiến ra, mà chỉ một lựa chọn trong số những quan điểm có sẵn, đôi khi trái ngược nhau. Tôi tin rằng phải có sự cân bằng giữa nhà nước và thị trường thì mới có một nền giáo dục tốt. Và đã nói đến thị trường, thì phải nói đến những điều kiện để có thị trường: thông tin chính xác và đầy đủ đến người tiêu dùng, và quyền lựa chọn tự do của họ.

Như vậy, vai trò quan trọng nhất của nhà nước, theo tôi, chính là ở đó: bảo đảm quyền thông tin và quyền lựa chọn của người tiêu dùng giáo dục. Quyền lựa chọn ở đây bao gồm cả quyền được vay tiền và được hỗ trợ tài chính qua những chính sách dành cho các đối tượng thiệt thòi. Và quyền thông tin thì bao gồm việc công khai thông tin (nhà nước đang cố làm), nhưng những thông tin này phải đúng, tức là phải có đội ngũ chuyên nghiệp kiểm chứng thông tin ấy.

Do cần có người chuyên nghiệp kiểm chứng thông tin (vì nhà nước sẽ không có nghề) nên mới cần vai trò của kiểm định, cũng như các tổ chức kiểm tra đánh giá chuyên nghiệp. Cái này ở tây họ cũng đã làm lâu rồi, nhưng ở ta thì chưa có và không biết đến bao giờ mới có. Mà chưa có, thì người tiêu dùng còn thiệt hại dài dài, và tất cả mọi điều kỳ cục đều có thể xảy ra, như điểm sàn thiếu khoa học, như kỳ thị các trường NCL, vân vân và vân vân.

Vâng, đấy là những điều tôi tin, do ảnh hưởng của những gì tôi đọc – những kiến thức rời rạc không hệ thống, thiếu tính hàn lâm, kinh điển của những người được đào tạo bài bản về kinh tế - ở đây là một cái nhìn về khía cạnh kinh tế học của giáo dục (economics of education). Mối quan tâm đến kinh tế học giáo dục của tôi bắt đầu vào khoảng năm 2001, khi tôi bắt đầu cộng tác với Viện Nghiên cứu Giáo dục của ĐHSP theo lời mời của GS Lê Ngọc Trà, lúc ấy mới nhận chức Viện trưởng.

Lúc ấy, GS LNT có nhắc đến nhu cầu cần phải nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến khía cạnh kinh tế của giáo dục. Và ở VN chẳng có ai chuyên về cái đó, nên những câu hỏi về việc học phí nên tính như thế nào, nhà nước nên bao cấp đến đâu, hoặc có nên ủng hộ việc mở trường tư hay không, vv, thường chỉ được trả lời một cách kinh nghiệm hay cảm tính.

Quan tâm vậy, nhưng tôi không có thì giờ để đi sâu vào, vì bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, của chức vụ (những chức vụ nho nhỏ mà thực ra tôi cũng chẳng bao giờ muốn nhận, ấy thế mà không hiểu sao cũng bầm dập, tơi tả lắm). Thành ra những gì tôi đọc vẫn cứ mãi tản mạn, thiếu hệ thống.

Từ ngày ấy đến nay đã cả chục năm rồi đó. Bây giờ mà tôi không đọc một cách bài bản thì có lẽ suốt đời sẽ chẳng còn đọc và viết được nữa. Nên phải cố thôi. Một cách bài bản, tức là bắt đầu với những tác giả kinh điển. Và tôi đã chọn được 4 người, trong đó có 2 người quan trọng nhất, và cũng hợp với “quan điểm” mà tôi đã chọn, là Adam Smith và với Milton Friedman.

Về Adam Smith, tôi đã có viết một chút rồi, và sẽ còn viết tiếp về hệ thống tư tưởng của ông (chỉ liên quan đến giáo dục thôi, tất nhiên). Còn bây giờ thì quay trở lại với chủ đề của bài viết này: Milton Friedman và vai trò của nhà nước. Nội dung bài viết dựa trên tài liệu trên mạng, link: https://webspace.utexas.edu/hcleaver/www/FriedmanRoleOfGovtEducation1955.htm.

-------
Như mọi người đều biết, Friedman là một nhà kinh tế học đứng đầu trường phái Chicago, người ủng hộ tự do thương mại, mặc dù đã từng có thời gian (thập niên 30 và 40 của thế kỷ trước) theo thuyết Keynes về kinh tế.

Trước hết, xin tóm tắt bài viết mà tôi đã đưa link ở trên. Trong bài viết này, Friedman lập luận rằng nhà nước hiện nay can thiệp quá nhiều vào giáo dục, và điều đó không những không tốt mà còn có thể có hại. Ông đưa ra một số nguyên tắc về vai trò của nhà nước – vai trò mà ta có thể tóm gọn trong 2 cụm từ là “tạo ra luật và thổi còi”, và “cấp kinh phí hỗ trợ người học và nhà trường”. Phần còn lại thì để cho nhà trường được tự chủ, và người giám sát nó sẽ là những quy luật của thị trường, nhà nước không cần can thiệp. Sự can thiệp của nhà nước chỉ cần thiết trong một số trường hợp đặc biệt mà thôi – điều này sẽ được nói ở phần sau trong bài này.

Dưới đây là những đoạn trích/ý tưởng quan trọng trong bài viết nói trên. Tác giả đã mở đầu bài viết của mình bằng đoạn văn rất đáng chú ý sau:

Education is today largely paid for and almost entirely administered by governmental bodies or non-profit institutions. This situation has developed gradually and is now taken so much for granted that little explicit attention is any longer directed to the reasons for the special treatment of education even in countries that are predominantly free enterprise in organization and philosophy. The result has been an indiscriminate extension of governmental responsibility.

Dịch thoát:
Giáo dục ngày nay chủ yếu do nhà nước tài trợ, và hoàn toàn chịu sự quản lý của nhà nước hoặc của các tổ chức phi lợi nhuận. Tình trạng này phát triển qua một thời gian dài và ngày nay đã trở thành đương nhiên đến nỗi không ai buồn quan tâm xem xét nguyên do của nó, ngay cả ở trong những nơi mà thương mại tự do là quan điểm thống trị. Kết cục là nhà nước đã chiếm một vai trò khống chế gần như tuyệt đối trong mọi mặt hoạt động.

Nhà nước cần phải đóng vai trò như thế nào? Chúng ta hãy đọc tiếp một đoạn trích khá dài dưới đây:

[…] [G]overnment's primary role is to preserve the rules of the game by enforcing contracts, preventing coercion, and keeping markets free. Beyond this, there are only three major grounds on which government intervention is to be justified. One is "natural monopoly" or similar market imperfection which makes effective competition (and therefore thoroughly voluntary ex change) impossible. A second is the existence of substantial "neighborhood effects," i.e., the action of one individual imposes significant costs on other individuals for which it is not feasible to make him compensate them or yields significant gains to them for which it is not feasible to make them compensate him--circumstances that again make voluntary exchange impossible. The third derives from an ambiguity in the ultimate objective rather than from the difficulty of achieving it by voluntary exchange, namely, paternalistic concern for children and other irresponsible individuals.

Vai trò chính của nhà nước [trong một xã hội tự do] là tạo các luật lệ để mọi người thực hiện các hợp đồng, ngăn cản sự cưỡng bức, và giữ cho thị trường được tự do. Ngoài vai trò chính nói trên, sự can thiệp của nhà nước chỉ có thể được xem là chính đáng trong 3 trường hợp.

Trường hợp đầu tiên là khi có “sự độc quyền tự nhiên” hoặc sự thiếu hoàn thiện của thị trường khiến cho sự cạnh tranh hữu hiệu không thể thực hiện được (và cũng vì vậy mà không thể có sự trao đổi hoàn toàn tự nguyện [giữa người cung cấp và người tiêu dùng của dịch vụ giáo dục]). Trường hợp thứ hai là khi có “những tác động lân cận” một cách đáng kể, tức là hành động của một cá nhân tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến những cá nhân khác trong khi anh ta không thể bồi thường cho họ, hoặc đem lại những lợi ích đáng kể đến những người khác mà họ thì không thể có cách nào bồi thường lại cho anh ta – tức là trong những hoàn cảnh mà sự trao đổi tự nguyện là hoàn toàn bất khả. Trường hợp cuối cùng xuất phát từ sự không rõ ràng của mục tiêu chứ không hẳn là vì mục tiêu này khó có thể đạt được thông qua sự trao đổi tự nguyền – nói cách khác, đây là mối quan tâm mang tính “bảo mẫu” đối với trẻ em và những đối tượng khác chưa/không đủ tư cách để chịu trách nhiệm về chính mình.


Đoạn dịch khá dài và hàn lâm, khó đọc phải không các bạn. Tôi xin tóm tắt đoạn văn trên nhé: Nhà nước chỉ nên can thiệp vào “thị trường giáo dục” trong 3 trường hợp: khi thị trường không hoàn hảo (tức không thể có trao đổi tự do); khi có thể xảy ra những hành động gây ra lợi/hại cho người khác ngoài ý muốn, mà không thể bồi thường hoặc đòi bồi thường; và trong trường hợp trẻ em và những người chưa/không đủ tư cách để chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Tạm thời thế. Tôi sẽ còn trở lại chủ đề này nhiều lần nữa.

No comments:

Post a Comment