Tuesday, October 11, 2011

Đánh giá NLĐR (4): “Năng lực làm việc” (competency) là gì?

Trong bài trước tôi có đề cập đến từ competency mà tôi tạm dịch là "năng lực làm việc". Bài này sẽ làm rõ hơn về thuật ngữ này. Những gì tôi viết dưới đây là phần dịch thoát những ý tưởng lấy trong phần 3 của tài liệu của OECD mà tôi đã giới thiệu hôm trước, kèm thêm một số lời dẫn giải của tôi.
----
Như đã nêu trong bài trước, competency là loại năng lực tổng hợp bao gồm cả hai loại năng lực nhận thức và năng lực phi nhận thức vốn thường được tách riêng ra để đánh giá theo cách tiếp cận truyền thống. Tài liệu của OECD đưa ra nhiều định nghĩa về competence. Ví dụ, theo Rycher (2004, tr. 7), năng lực làm việc là khả năng đáp ứng các các yêu cầu hoặc tiến hành thành công một công việc. Năng lực này bao gồm cả khía cạnh nhận thức và phi nhận thức. Còn theo Winch và Foreman-Peck (2004, tr. 4), năng lực làm việc là một hỗn hợp bao gồm các hành động, kiến thức, giá trị và mục đích thay đổi bối cảnh.

Theo Ewell 2005, trích lại theo tài liệu của OECD, cả hai định nghĩa nêu trên đều dựa trên quan điểm rằng hệ thống phân loại truyền thống chia năng lực ra thành hai loại tách biệt thì chưa phản ánh hết được những năng lực tổng hợp trong đó nhiều kỹ năng khác nhau được kết hợp lại để trở thành một loại năng lực chuyên biệt. Theo quan điểm mới, NLĐR của sinh viên cần phải được định nghĩa và quan sát trong bối cảnh thực hiện các công việc cụ thể.

Từ sự thay đổi quan điểm về năng lực như trên, việc đánh giá năng lực người học cũng cần phải thay đổi. Những công cụ đánh giá năng lực làm việc đòi hỏi phải kiểm tra những phức hợp gồm nhiều đặc điểm về nhận thức, tình cảm và hành vi. Theo Ewell 2005, trích lại trong tài liệu của OECD, các hồ sơ học tập của học viên (student portfolio) là một trong những công cụ cho phép đánh giá tổng hợp như vậy, vì nó chứa những chứng cứ trực tiếp về bài làm của sinh viên, ví dụ bài viết, các cuộc điền dã, phỏng vấn, báo cáo thí nghiệm và thực tập.

Cũng theo Ewell 2005 trong tài liệu đã dẫn, hồ sơ học tập còn có thể có những chứng cứ gián tiếp như các cuộc khảo sát và bút vấn trong đó người học tự đánh giá mức độ phát triển của mình theo từng loại năng lực làm việc. Việc đánh giá nhiều sản phẩm học tập khác nhau sẽ cho phép kết hợp nhiều loại năng lực khác nhau.

Một tác giả khác là Otter (1992), trích lại trong tài liệu đã dẫn, nhấn mạnh sự khác biệt giữa năng lực tổng quát, vốn bao gồm nhiều loại khả năng có thể áp dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau, và năng lực nghề nghiệp (occupational competence), là một tập hợp con gồm các loại khả năng cần thiết cho một nghề nghiệp cụ thể nào đó. Năng lực nghề nghiệp còn được gọi là “khả năng có việc làm” (employability). Theo Bowen (1977), dẫn lại theo tài liệu của OECD, việc chuẩn bị cho sinh viên có được năng lực cần thiết để đáp ứng thị trường lao động là một mục tiêu quan trọng của giáo dục đại học.

(trang 10, tài liệu đã dẫn)

Mặt khác, việc xác định NLĐR dựa trên năng lực nghề nghiệp cũng có thể gây ra nhiều vấn đề tranh cãi. Các khía cạnh quan trọng của giáo dục đại học, chẳng hạn như tạo những cơ hội nghiên cứu sâu về một vấn đề gì đó hoặc giúp phát triển tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân, có thể sẽ bị không được chú trọng nếu các trường đại học chỉ quan tâm đến việc phát triển năng lực nghề nghiệp (Otter, 1992; Melton, 1996).

Cũng không phải lúc nào cũng có thể định nghĩa được các mục tiêu nghề nghiệp cho từng lĩnh vực nội dung, vì sinh viên tốt nghiệp có thể làm nhiều công việc khác nhau (Melton, 1996). Một số môn học thậm chí cũng không phục vụ một mục tiêu nghề nghiệp nào rõ ràng. Hơn nữa, các phát biểu NLĐR có liên quan đến nghề nghiệp chỉ chú trọng vào những nhu cầu nghề nghiệp trước mắt, trong khi sinh viên có thể quan tâm đến việc phát triển những kỹ năng trí tuệ có thể giúp họ tồn tại suốt đời trong những thị trường lao động nhiều biến đổi, hơn là chỉ để đáp ứng một công việc đầu tiên (Melton, 1996; AAC&U, 2004).
(trang 12)
---
(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment