Friday, May 6, 2011

Nhân góp ý dự thảo Luật giáo dục đại học Việt Nam, bàn về “tự chủ đại học”

Bài viết này của tôi vừa được đăng trên Tạp chí Tia Sáng số ngày 5/5/2011, có thể đã được biên tập lại chút ít. Chưa thấy đưa lên trang Tia Sáng online. Dưới đây xin đăng lại bài viết nguyên bản của tôi để chia sẻ đến bạn bè và những người hay đọc blog này.

Cập nhật ngày 9/5/2011
Bài đăng trên Tạp chí Tia Sáng nay đã được đưa lên phiên bản online, tại đây.

--------------
Trong những ngày qua, báo chí Việt Nam đã cho đăng tải ý kiến của các cá nhân, tổ chức góp ý cho bản dự thảo Luật Giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam. Những ý kiến này rất đa dạng và tập trung vào các khía cạnh khác nhau của bản dự thảo, nhưng hầu hết đều thống nhất ở một điểm: dự thảo Luật Giáo dục đại học hiện nay chưa đủ mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học trong thời gian tới. Một vấn đề được xem là quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là quyền tự chủ của các trường đại học, tiếc thay, lại chưa được đề cập đến một cách đầy đủ trong bản dự thảo đang được góp ý.

Tự chủ đại học: từ “nhà nước kiểm soát” đến “nhà nước giám sát”
Trao quyền tự chủ cho các trường đại học là điều không có gì mới ở các nước phương tây, nhưng cũng không phải là một hiện tượng phổ biến ở mọi nơi. Theo báo cáo về quản trị đại học trên thế giới của World Bank năm 2008, hiện vẫn đang tồn tại 4 mô hình quản trị đại học với các mức độ tự chủ khác nhau, từ mức độ hoàn toàn không tự chủ là mô hình nhà nước kiểm soát (state control) ở Malaysia, đến các mô hình tự chủ ngày càng nhiều là bán tự chủ (semi-autonomous) ở Pháp và New Zealand, mô hình bán độc lập (semi-independent) ở Singapore, và mô hình độc lập (independent) ở Anh, Úc [1]. Mặt khác, cũng theo báo cáo này, xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là thay đổi từ mô hình nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn – một sự thay đổi có tên gọi là sự chuyển dịch từ mô hình nhà nước kiểm soát (state control) sang mô hình nhà nước giám sát (state supervision) [2].

Chuyển đổi từ mô hình nhà nước kiểm soát sang các mô hình tự chủ là điều không dễ dàng. Đối với những quốc gia đang phát triển, có hai lý do thường được đưa ra để giải thích cho sự duy trì vai trò tuyệt đối của nhà nước; đó là (1) yêu cầu kiểm soát chất lượng, và (2) mục tiêu công bằng xã hội. Tuy nhiên, trước những thay đổi lớn trong bối cảnh hiện nay như sự gia tăng nhu cầu học tập ở bậc đại học của người học, sự phát triển cả về số lượng lẫn loại hình của các trường đại học-cao đẳng, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nhân lực, cũng như sự phát triển vũ bão của các ngành khoa học-kỹ thuật, thì phương pháp quản lý bằng sự kiểm soát tuyệt đối của nhà nước ngày càng tỏ ra kém hữu hiệu. Cũng vậy, không thể tạo ra sự công bằng thông qua việc áp dụng cùng một phương pháp quản lý cho tất cả mọi trường đại học khi chúng có các sứ mạng, điều kiện, và bối cảnh hoạt động khác xa nhau. Vì vậy, việc tiếp tục duy trì mô hình nhà nước kiểm soát sẽ chỉ có tác dụng cản trở sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học của mỗi quốc gia.

Khi xem xét các dự án cải cách giáo dục được tiến hành trên thế giới trong thời gian vừa qua, trong đó bao gồm cả việc xây dựng mới và ban hành luật giáo dục đại học lần đầu tiên, hoặc điều chỉnh bổ sung các đạo luật mới cho giáo dục đại học, có thể thấy vấn đề tự chủ luôn được xem là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cần giải quyết trước khi có thể quyết định những khía cạnh cụ thể khác [3]. Với việc xây dựng luật giáo dục đại học lần đầu tiên tại Việt Nam hiện nay, chúng ta đang có cơ hội hiếm có để tạo ra một thiết kế tổng quát có tính hội nhập và hướng đến sự phát triển cho nền giáo dục đại học của Việt Nam trong tương lai. Việc bỏ qua không đề cập đến vấn đề tự chủ đại học trong bản dự thảo luật giáo dục đại học hiện nay quả là một thiếu sót không nên có.

“Danh xưng” của các cơ sở giáo dục và các mức độ tự chủ
Nên trao quyền tự chủ cho các trường đại học của Việt Nam như thế nào, khi hiện nay chúng ta đã có hơn 400 trường đại học và cao đẳng với các đặc điểm rất khác nhau? Những trường này thuộc các địa phương, các ngành nghề, các loại hình trường khác nhau, với bề dày lịch sử và điều kiện hoạt động vô cùng đa dạng đến độ có thể không có bất kỳ đặc điểm gì chung, vậy liệu có thể giao quyền tự chủ cho tất cả các trường này hay chăng? Thực ra, việc trao quyền tự chủ cho các trường không nhất thiết phải xảy ra đồng đều trong toàn bộ một hệ thống giáo dục đại học. Trên thế giới hiện nay, có thể thấy trong cùng một quốc gia vẫn tồn tại nhiều hơn một mô hình quản trị được áp dụng. Ngay cả ở những nước phát triển, nơi có nhiều trường được hoàn toàn độc lập (mô hình 4), vẫn có thể có những trường bị kiểm soát hoàn toàn (mô hình 1).

Mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học ở một số nước trên thế giới được biểu hiện rõ ràng thông qua tên gọi của từng cơ sở giáo dục đại học, trong đó không phải bất kỳ một trường nào có đào tạo cấp bằng cử nhân trở lên cũng có thể được gọi là “university” (dịch sang tiếng Việt là “đại học”), mà còn có nhiều danh xưng khác như “college” , “academy” , “institute” – những từ này hiện khó dịch sang tiếng Việt một cách chính xác do chúng ta chưa phân biệt rõ các loại hình cơ sở giáo dục đại học khác nhau. Ở nhiều nước có nền giáo dục đại học phát triển cao, việc cho phép một cơ sở giáo dục được công nhận “danh xưng đại học” (tạm dịch cụm từ “university status” trong tiếng Anh) là một quy định rất chặt chẽ ở mức độ cao nhất là mức độ lập pháp, có nghĩa là được ghi rõ trong luật giáo dục. Và một khi một trường đã được hệ thống giáo dục đại học của một nước công nhận “danh xưng đại học” thì trường đó cũng đồng thời được trao cho mức độ tự chủ cao nhất trong hệ thống đó.

“Danh xưng” của một cơ sở giáo dục đại học vì thế không phải là một việc làm tùy tiện do mỗi cơ sở giáo dục tự quyết định, mà phải được quy định chặt chẽ bằng luật, vì sự khác biệt về danh xưng của trường này so với trường khác có liên quan đến sự khác biệt về mức độ tự chủ và quyền hạn của một trường trong mối quan hệ với nhà nước. Điều này cũng cho phép một hệ thống giáo dục đại học cung cấp thông tin về đẳng cấp và năng lực của trường đó cho các đối tượng bên ngoài. Do hiện nay điều này còn chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam, nên việc xây dựng Luật giáo dục đại học tại Việt Nam vào lúc này chính là cơ hội để xác định rõ ở mức độ cao nhất (mức độ lập pháp), thế nào là một cơ sở giáo dục đáng được công nhận “danh xưng đại học”. Việc xác định các loại danh xưng cho một cơ sở giáo dục đại học chính là một biện pháp quan trọng để giải quyết bài toán liên quan đến “tự chủ đại học” đã được thảo luận trong những phần trên.

Quay trở lại việc áp dụng các mức độ tự chủ khác nhau tại các loại trường khác nhau (với những danh xưng khác nhau), có thể nói đây là biện pháp duy nhất khả thi để có thể giải quyết bài toán lớn của giáo dục đại học ngày nay, đó là: Làm thế nào vừa mở rộng tiếp cận giáo dục đại học cho mọi đối tượng nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng để đạt được mục tiêu phát triển nhân lực và tính cạnh tranh quốc gia. Khi giao quyền tự chủ cho những trường đã có đủ điều kiện về năng lực, nhà nước sẽ có nhiều điều kiện hơn để có thể kiểm soát chặt chẽ và hữu hiệu những trường chưa có đủ điều kiện để tạo ra chất lượng. Trong khi đó, những trường được tự chủ cũng sẽ có điều kiện phát huy tính sáng tạo của mình để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nhân lực, và tồn tại thành công trước thách thức của sự cạnh tranh từ các trường đại học trên thế giới. Nói cách khác, nó giải quyết cả hai vấn đề chất lượng và công bằng đã nêu ở phần trên.

Góp ý cho Dự thảo Luật giáo dục đại học Việt Nam về vấn đề tự chủ
Để Luật giáo dục đại học của Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu như phát biểu của GS Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội trong bài viết trên báo Tuổi trẻ ngày 21/4/2011, là “phải giải quyết được hai vấn đề lớn. Một là chất lượng đào tạo - vấn đề đang gây bức xúc lớn trong xã hội, hai là giải quyết vấn đề công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục ĐH”, rõ ràng vấn đề tự chủ đại học (ở các mức độ khác nhau cho các loại hình trường khác nhau) phải được đưa vào luật. Nhưng đưa như thế nào? Chúng tôi xin đề nghị:

1. Trong Chương 1, “Những quy định chung”, cần có thêm phần giải thích ý nghĩa và các đặc điểm phân biệt của các “danh xưng” hiện đang được sử dụng tại Việt Nam để chỉ các loại hình trường khác nhau như “đại học” (trong các cụm từ “đại học quốc gia”, “đại học vùng”), “trường đại học”, “trường thành viên” (“học viện”, “trường cao đẳng”, “trường cao đẳng nghề”, vv. Đồng thời, cần xác định các từ tương đương của các từ này trong tiếng Anh; đây cũng sẽ là căn cứ để dịch các văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam ra tiếng nước ngoài một cách chính xác và thống nhất.
2. Trong Chương 2, “Nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ sở giáo dục”, cần có thêm những điều liên quan các danh xưng của một cơ sở giáo dục, phân biệt rõ những đặc điểm của một cơ sở giáo dục có thể được công nhận “danh xưng đại học” (university status) với những loại hình trường khác thấp hơn về quy mô, về trình độ đào tạo, hoặc về năng lực triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Đồng thời với việc xác định danh xưng của các trường, cần đưa thêm các điều khoản liên quan đến các mức độ tự chủ của mỗi loại hình trường khác nhau. Đặc biệt, rất cần làm rõ mô hình “đại học quốc gia”, một loại mô hình thí điểm về tính tự chủ cao trong giáo dục đại học của Việt Nam, tồn tại gần hai thập niên nay với những thành tựu và kinh nghiệm có thể chia sẻ cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, nhưng đến nay vẫn hoàn toàn chưa được nhắc đến trong luật giáo dục.

Trước khi kết thúc, xin trích dịch một vài phần trong các điều khoản của Luật giáo dục đại học Ba Lan 2005, có liên quan đến hai góp ý của chúng tôi trên đây để mọi người tham khảo:

Điều 3
1. Danh xưng “đại học” (university) được sử dụng để gọi một cơ sở giáo dục có cơ cấu tổ chức phù hợp và đủ điều kiện để đào tạo cấp bằng tiến sĩ cho ít nhất là 12 chuyên ngành, trong đó có tối thiểu 2 chuyên ngành về các ngành khoa học nhân văn, khoa học xã hội hoặc thần học, toán học, vật lý, khoa học công trình và công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học kinh tế, luật học.
[…]
3. Danh xưng “đại học kỹ thuật” (technical university) để gọi một cơ sở giáo dục có cơ cấu tổ chức phù hợp và đủ điều kiện để đào tạo cấp bằng tiến sĩ cho ít nhất 12 chuyên ngành, trong đó có ít nhất 8 chuyên ngành về khoa học công nghệ (technological sciences) và công trình (engineering).
4. Danh xưng “học viện”(academy) được sử dụng để gọi một cơ sở giáo dục có cơ cấu tổ chức phù hợp và đủ điều kiện đào tạo cấp bằng tiến sĩ cho ít nhất hai ngành học (disciplines).
Điều 4
1. Các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trong mọi mặt hoạt động của mình, nhưng phải tuân thủ những quy định nêu trong đạo luật (act) này.
2. Mọi hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học được hướng dẫn bởi các nguyên tắc tôn trọng tự do trong giảng dạy, tự do trong nghiên cứu khoa học, và tự do trong sáng tạo nghệ thuật.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương chỉ có quyền ra quyết định liên quan đến các cơ sở giáo dục đại học trong những trường hợp được các đạo luật cụ thể của Quốc hội cho phép.
[…]
Điều 6
1. Các trường đại học có các quyền hạn sau:
(i) ra quyết định về các điều kiện tuyển sinh, kể cả số lượng sinh viên sẽ tuyển, trừ trường hợp tuyển sinh cho ngành Y;
(ii) lập các kế hoạch học tập và chương trình giảng dạy, theo các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 9, đoạn 2 và 3 dưới đây;
(iii) kiểm tra kiến thức và kỹ năng của sinh viên;
(iv) cấp phát văn bằng chứng chỉ phù hợp khi sinh viên đã hoàn tất việc học ở các trình độ đào tạo chuyên nghiệp, tiến sĩ, cũng như các chứng chỉ sau đại học và các chứng chỉ đào tạo bồi dưỡng khác.
[…] [4]
--------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo

1. Fielden, J. (2008) Global Trends in University Governance. Education Working Paper Series, number 9. Washington, D. C.: World Bank. Tải xuống ngày 22/4/2011 từ trang thông tin điện tử của World Bank. Địa chỉ truy cập: http://siteresources.worldbank.org/EDUCATION/Resources/278200-1099079877269/547664-1099079956815/Global_Trends_University_Governance_webversion.pdf

2. Act of 27 July 2005. Law on Higher Education Law. Tải xuống ngày 22/4/2011 từ trang thông tin điện tử của Hiệp hội hiệu trưởng các trường đại học Ba Lan (KRASP). Địa chỉ truy cập: http://www.krasp.org.pl/en/documents/documents

Các chú dẫn:
[1] Fielden 2008, trang 13
[2] Fielden 2008, trang 15
[3] Fielden 2008, trang 18
[4] Poland’s Law on Higher Education, trang 3-4

No comments:

Post a Comment