Monday, November 1, 2010

Thế nào là đồng tác giả?

Vụ tai tiếng về "đạo văn" mới đây làm nảy sinh ra một câu hỏi mà theo tôi lẽ ra phải được đặt ra từ lâu, ngay từ khi VN bắt đầu thực hiện đào tạo sau đại học trong nước, đó là: thế nào là đồng tác giả?

Câu hỏi này cần được đặt ra là vì trong vụ việc vừa được báo chí đề cập đến gần đây, mặc dù bài báo ghi đến 4 tác giả (đồng nghĩa với việc: cả 4 người cùng hưởng danh tiếng và có thể cả những quyền lợi khác nữa), nhưng đến lúc bài báo bị kết án là có đạo văn thì các tác giả khác lại nói rằng thực ra chỉ có một tác giả chính, còn những người khác không tham gia gì (tức sẽ không chịu trách nhiệm về việc đạo văn!)

Bỏ qua việc xét đoán về động cơ và đạo đức của tất cả các tác giả có tên trên bài báo nói trên, tôi cho rằng nhân dịp này cần làm rõ khái niệm "đồng tác giả" để tránh những việc đáng tiếc về sau. Vì bản thân tôi cũng có dính dáng đến một vụ tranh cãi khá nặng nề dẫn đến việc chấm dứt quan hệ với một đồng nghiệp sau khi đã làm việc với nhau trên một đề tài khoa học. Việc xảy ra chỉ mới gần đây thôi, mới hơn một năm.

Điều đáng tiếc đó xảy ra là do giữa tôi và người đồng nghiệp đó không thống nhất quan điểm về thế nào là đồng tác giả, tôi thì áp dụng hiểu biết và cách ứng xử khá khắt khe mà tôi học được từ nước ngoài, còn người đồng nghiệp của tôi thì học trong nước, rất quen với "văn hóa đạo văn" (tôi dùng từ này để mô tả một sự việc khách quan chứ không có ý mỉa mai hoặc phê phán gì ở đây) thì có quan điểm rất "thoáng" về thế nào là quyền tác giả và đồng tác giả, và cảm thấy một khi ý tưởng của ai đó đã được nói ra thì nó đã trở thành của chung mà ai cũng có thể sử dụng thoải mái không cần xin phép cũng chẳng cần chú dẫn.

(Nếu tôi hiểu đúng thì thậm chí hình như người đồng nghiệp của tôi còn có quan điểm rằng ai tận dụng được cái ý tưởng được xem là của chung ấy mà đem viết ra được thành bài để công bố - mà ngay cả câu chữ cũng có thể cóp nhặt của người khác - thì đấy là điều rất đáng tự hào, vì như thế là tài giỏi, thông minh, và nếu ai đả phá điều này thì chắc là tại ... ganh tỵ với tài năng của người khác mà thôi?)

Tất nhiên, do tôi và đồng nghiệp của tôi chỉ là 2 cá nhân, nếu mỗi người có một quan điểm khác nhau thì chẳng ai có thể áp đặt quan điểm của mình lên người khác nên chỉ có thể chấm dứt quan hệ hợp tác. Nhưng nay, với vụ việc đáng buồn vừa xảy ra, thì rõ ràng là cần có những quy định rõ ràng về khái niệm "đồng tác giả".

Để trả lời câu hỏi mà tôi đặt ra trong cái tựa của entry này, tôi đã tìm trên mạng, và tìm được một bài viết rất đầy đủ, rõ ràng mà mọi người cần đọc. Bài viết có tựa là "What is authorship, and what should it be? A survey of prominent guidelines for determining authorship in scientific publications", đăng trên tạp chí mạng Practical Assessment, Research and Evaluation, ở đây.

Ai làm công tác quản lý khoa học công nghệ nên chịu khó đọc hết cả bài, rất nhiều thông tin, và điều đáng nói là bài báo đã bỏ công tổng hợp hết những hướng dẫn về "đồng tác giả" từ các tạp chí và hiệp hội lớn của các lãnh vực khác nhau. Còn dưới đây tôi chỉ đưa ra một định nghĩa về "co-authorship" mà tôi thấy là khá trùng với những gì tôi biết qua kinh nghiệm thời tôi đi học nước ngoài (cũng hơn 15 năm nay rồi). Định nghĩa này cũng rút từ bài báo trên, ở trang 5, định nghĩa của Hiệp hội xã hội học Anh Quốc. Xin đọc dưới đây:
Everyone who is listed as an author should have made a substantial direct academic contribution to at least two of the four main components of a typical scientific project or paper; a) conception or design, b) data collection and processing, c) analysis and interpretation of the data, and d) writing substantial sections of the paper. Authorship should be reserved for those, and only those, who have made significant intellectual contribution to the research.
Còn đây là phần dịch của tôi:
Những người được liệt kê là tác giả phải có những đóng góp đáng kể và trực tiếp về mặt học thuật trên ít nhất hai trong bốn khía cạnh chính yếu của một đề tài hoặc bài báo khoa học tiêu biểu như sau: a) hình thành ý tưởng hoặc thiết kế; b) thu thập dữ liệu và xử lý; c) phân tích và diễn giải số liệu; và d) chắp bút những phần đáng kể trong bài viết. Quyền tác giả phải được dành riêng cho những người, và chỉ những người đó mà thôi, có đóng góp tri thức đáng kể vào công trình nghiên cứu.

Kèm theo định nghĩa này, có thêm phần diễn giải về quyền được tính công là tác giả (authorship credit), mà theo tôi là rất đáng được các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý chú trọng, vì Việt Nam dường như đang làm rất khác với thế giới:
Participation solely in the acquisition of funding or general supervision of the research group is not sufficient for authorship. Honorary authorship is not acceptable.
Và đây là bản dịch (cũng của tôi):
Sự tham gia vào đề tài chỉ thông qua việc xin tài trợ hoặc giám sát tiến trình công việc của nhóm nghiên cứu thì không đủ để được tính là tác giả. Không chấp nhận tác giả danh dự.

Theo kinh nghiệm của tôi, thì hiện nay có rất nhiều vị làm quản lý nhưng vẫn tham gia các đề tài khoa học theo cách chỉ đứng tên cho có (đề tài dễ được duyệt), hoặc chỉ nhắc nhở, giám sát nhóm nghiên cứu nhưng không thực sự làm bất cứ điều gì. Tóm lại là vi phạm hoàn toàn phần diễn giải mà tôi đã tô đậm ở trên.

Khái niệm "tác giả danh dự" cũng đáng quan tâm suy nghĩ. Ở đây tôi thấy rõ ràng có vấn đề văn hóa, vì chính tôi cũng đã vô tình vi phạm vào điều này - mặc dù đã rất lâu rồi. Hồi ấy, tôi mới đi học ở nước ngoài về, và làm việc ở một khoa trong một trường đại học. Còn trẻ và ... xung, nên tôi rất hăng hái tham gia các hoạt động khoa học, và có viết bài, làm đề tài ... xôm tụ lắm. Có thể nói chính tôi là người khuấy động phong trào khoa học ở khoa lúc ấy.

Nhưng làm một mình tất nhiên là không được, mà cũng buồn, nên tôi rủ rê một số đồng nghiệp khác cùng làm. Có một vài đồng nghiệp lớn tuổi không quen với việc nghiên cứu (trước đó không thấy yêu cầu bắt buộc về nghiên cứu), thấy bọn tôi làm thì ... ngượng ngượng, tránh tránh, buồn buồn. Thế là tôi bèn “hào phóng” cho luôn tên một vài người vào trong nhóm tác giả, cho dù họ có đóng góp được gì hay không. Của đáng tội, những người ấy cũng cố gắng đóng góp theo cách của mình, như đánh máy, tìm tài liệu (hồi đó còn rất khó kiếm, phải nhờ người đi học nước ngoài photo dần và đem về). Chứ không đến nỗi không làm gì. Tóm lại là động cơ hai bên cùng trong sáng, vả lại nó cũng chỉ là những đề tài nho nhỏ cấp khoa mà thôi. Nhưng xét theo định nghĩa ở trên thì rõ ràng là vi phạm, dù có thể liệt vào loại “không cố ý”.

Đấy, nói ra để biết là chúng ta cần phải thay đổi nhiều lắm, để thoát ra khỏi “văn hóa đạo văn” hiện nay, mà hội nhập với thế giới chứ! Không lẽ cứ chấp nhận người ta bảo mình là có văn hóa đạo văn, thậm chí “văn hóa gian lận” (cheating culture), mãi như thế này hay sao? Ai không tin, cứ vào google mà search mấy từ culture of plagiarism hoặc cheating culture và asia, thì sẽ tha hồ mà đọc, các bạn ạ!

No comments:

Post a Comment