Saturday, July 10, 2010

Nói chuyện tiếng Anh (2)


Tôi vừa tình cờ tìm thấy thông tin về cái đề án rất tham vọng này, ở đây. Đề án dạy và học ngoại ngữ trong toàn bộ hệ thống giáo dục VN giai đoạn 2008-2020 (phê duyệt lâu rồi nhưng đến nay 2010 mới bắt đầu chuẩn bị triển khai).

Gọi là đề án ngoại ngữ, nhưng chủ yếu là đề án tiếng Anh, và cũng phải thôi. Vì ngày nay tiếng Anh rõ ràng đã đóng vai trò ngôn ngữ quốc tế rồi, dù muốn dù không.

Như nhiều việc khác ở VN, mục tiêu của đề án này không có gì phải bàn cãi. Nó giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ của người Việt, để giúp đất nước hội nhập và phát triển. Rất tốt. Nhưng cũng như nhiều việc khác đang xảy ra ở VN, hình như người ta chỉ biết muốn, chứ không biết làm sao đạt được ước muốn của mình một cách tối ưu nhất.

Lý do ư? Theo tôi, có 2 lý do chính: thiếu sự tham gia của chuyên gia trong khi xây dựng đề án (tại sao thiếu lại là một vấn đề khác); và thiếu giám sát, đánh giá và điều chỉnh kịp thời trong suốt quá trình triển khai.

Nên tôi đưa lên đây để mọi người cùng đọc, quan tâm, và phản biện, góp ý. Để biết đâu có người nghe, và sửa nếu cần. Cũng là cách đóng góp của mỗi người - trách nhiệm xã hội của từng cá nhân. Vì nếu chúng ta không có ý kiến, thì chính chúng ta sẽ trả giá! Nợ quốc gia chia sẻ trên đầu chính chúng ta mà.

Tại sao lại nhắc đến nợ quốc gia? Vì những đề án lớn như thế này đều vay tiền cả. Tôi biết Ngân hàng Thế giới đã cho VN vay khá nhiều trong những dự án về giáo dục đại học. Hiệu quả của chúng đến đâu, chúng ta đã biết chưa? Tôi thì chưa biết!

Nên cái gì chưa xảy ra, còn đóng góp được, thì cứ phải đóng góp thôi. Như dự án tiếng Anh này, đã được phê duyệt (các bạn xem chi tiết trong tài liệu có thể download được từ link trong bài viết mà tôi đã đưa), và theo tôi hiểu thì đang bắt đầu rục rịch triển khai ở bậc tiểu học thì phải.

Mong nhận được những thắc mắc, góp ý, và trao đổi của mọi người. Cả trong và ngoài nước. Hình như người càng ở xa thì càng có thể thấy rõ hơn thì phải?
---
Cập nhật lúc 17:30 ngày 10/7/2010
Để có thêm thông tin về đề án, và cũng là để trả lời các trao đổi của các bạn trong các comment bên dưới, xin đưa lên đây một số đoạn trích từ các mẩu tin tìm được trên mạng:
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án ''Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020'' ở Trung ương.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển là Phó Trưởng ban cùng 10 thành viên là Lãnh đạo một số Bộ, địa phương liên quan.

Đề án ''Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020'' được gọi là Đề án ''Ngoại ngữ Quốc gia 2020'', hướng tới mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực.

Theo đề án, phấn đấu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Một trong những nhiệm vụ trước mắt của Đề án là tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ trong các cấp học, nhất là ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hàng năm và các giai đoạn đến năm 2010, năm 2020, phù hợp với các quy định, tiêu chí hiện hành./.
(Tin đưa ngày 8/8/2009)

Nguồn: http://tintuc.xalo.vn/00596677100/lap_ban_chi_dao_de_an_ngoai_ngu_quoc_gia_2020.html

Quyết định thành lập Ban chỉ đạo do PTT Nguyễn Thiện Nhân ký ngày 5/8/2009, có thể tìm được văn bản ở đây.

8 comments:

  1. Chào cô

    Bao giờ có thời gian đọc kĩ em sẽ trao đổi cặn kẽ hơn. Tạm thời em chỉ có mấy nhận xét sơ lược thế này.

    1. Đề án này nếu chuyển thành "dạy và học ngoại ngữ trong khoa ngoại ngữ ở đại học" có khi đỡ tốn kém và hiệu quả hơn nhiều. Ít nhất chuyện giải quyết vấn đề chất lượng giáo viên ngoại ngữ tương lai.

    2. Bài giới thiệu của Giáo dục và Thời đại, chưa gì đã phán như đúng rồi:
    "Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” chắc chắn sẽ thổi một luồng gió mới vào đời sống học đường".
    Thôi thì, gió lành hay gió độc gì chưa biết, nhưng quả thực báo này là excellent mouthpiece của Bộ!

    Nói thêm, hôm trước đọc khung chương trình tiếng Anh tiểu học mà cô đưa, em thấy vài lỗi chính tả/ngữ pháp tiếng Anh thì phải. Chắc là lỗi anh đánh máy. :)

    SGK

    ReplyDelete
  2. Có vài điểm em muốn hỏi thêm.

    1. Bộ có cần phản biện từ cộng đồng không, và nếu có thì lấy phản biện qua những kênh nào? Báo chí và edu.net? Làm sao biết quan chức của Bộ có ghé diễn đàn và đọc các ý kiến? Và lấy ý kiến rồi thì phản hồi như thế nào? Mọi người có thể trao đổi về đề án ở đây, nhưng Bộ vẫn tiếp tục phong trào ba không (không biết, không nghe, không thấy) thì hình như mọi chuyện vẫn sẽ kết thúc bằng một tiếng haiz.

    2. Em thấy đề án sử dụng số liệu thống kê rất lung tung, kiểu cần thì đưa vào cho có, chứ cũng không biết con số đó nói lên điều gì. Chẳng hạn: Nói giáo viên ngoại ngữ hiện nay chỉ đạt gần 7% tổng số giáo viên THCN, mà không có cơ sở nào để so sánh xem như thế là ít hay nhiều, có tương xứng không (chẳng hạn ngoại ngữ chiếm bao nhiêu % thời lượng giảng dạy ở trường THCN). So với triết học Marx Lenin chẳng hạn, thì lực lượng giáo viên ngoại ngữ mỏng hay dày, nhiều hay ít? Phần thực trạng chỉ nêu lên những con số như số học sinh học ngoại ngữ, số giáo viên, số lớp chuyên ngữ,...trong khi số liệu quan trọng nhất là trình độ hiện tại của học sinh phổ thông (làm baseline) thì không thấy đâu cả. Chưa kể, em không biết đề án lấy những số liệu này ở đâu, vào năm nào, bảng câu hỏi khảo sát ra sao (có thể em đọc chưa kĩ chăng?). Thông tin về dạy học ngoại ngữ ở nước khác có nhiều, nhưng không thấy đưa nguồn để còn kiểm tra tính chính xác. (Bới lông tìm vết tí, thì thấy là đề án về dạy học ngôn ngữ, mà Thái Lan lại viết thành Thái lan!)

    3. Có thể em bảo thủ, nhưng em cảm thấy những nhận định trong đề án như "sách Streamline English lạc hậu" hình như khá cảm tính. Đó là chưa kể, ngay cả khi bộ giáo trình đó lạc hậu đi nữa, thì nó thể nói nó không hiệu quả hay không? Bản thân em thấy, những bộ như Streamline English hay New Concept, nếu dạy đàng hoàng, vẫn rất có ích cho việc phát triển ngôn ngữ. Nếu nắm vững được bộ Streamline English, thì trình độ người học cũng đáng nể lắm rồi. Dĩ nhiên, đây chỉ là nhận xét rất cảm tính của em.

    SGK

    ReplyDelete
  3. Các bạn ơi,

    Có ai để ý đến cover sheet không?

    Tôi tìm hết 48 trang tiếp theo cũng không biết đề án này của ai viết hay cơ quan nào chủ quản đề xuất cả? HÒAN TÒAN KHÔNG THẤY TÊN AI HAY TÊN CƠ QUAN NÀO ĐỀ XUẤT CẢ.

    Như vậy ai là nguời đã chấp thuận dự án này và triển khai? Chẳng lẽ nguời chấp thuận triển khai dự án này cũng không cần biết cá nhân hay đon vị nào đề nghị mà vẫn cứ thi hành à.

    Nếu không biết chủ đề án thì đóng góp ý kiến cách nào đây?

    Choi

    ReplyDelete
  4. Tôi thấy đề án hơi tham vọng và dàn trải, trong khi đó ban chỉ đạo khá là mù mờ. Như dậy cuối cùng chắc vấn phải đi vào vết xe đỗ cũ thôi. Và rồi sẽ tiền mất tật mang.

    Nếu được xin đề án chỉ tập trung vào một đối tượng cụ thể một như là học sinh phổ thông(HSPT) chằng hạn. Sau một thời gian ổn định đủ giáo viên, cơ sở vật chất rồi hẳn triển khai đến các đối tượng khác. Trong khi đó có đối tượng học nghề có bức thiết là phải triển khai ngai không?

    Về giáo trình, tôi nghĩ trong giai đọan hiện nay chưa cấp thiết phải đầu tư tự biên sọan, mà nên tham khảo những giáo trình có sẵn có thể dạy các em trong suốt mười năm. Đặc biệt chú ý về giá cả và bản quyền.

    Về ban chỉ đạo, phải có một commander làm việc độc lập và có đủ năng lực, chớ đừng có kiêm nhiệm như hiện nay.

    ReplyDelete
  5. Tớ đã có một bài viết với chủ đề: "Tư duy giáo dục phổ thông" và báo sẽ đăng trong tuần sau, khi các sĩ tử xong chuyện thi đại học. Bài viết đó để phản biện lại cái Đề án phát triển trường PTTH chuyên mà chính phủ vừa ký tốn hơn 2300 tỷ đồng. Không biết cái đề án mà chị PA nói trên có là cái tập hợp con của cái đề án chính phủ vừa ký ngày 02/7/2010 khg?

    ReplyDelete
  6. Dear all,
    Cám ơn các góp ý của các bác, các bạn (trẻ hơn các bác). Có phải VN đang rất cần ý kiến của tất cả mọi người để chung tay làm cho mọi việc tốt lên không?

    SGK,
    Các góp ý của em rất sắc sảo, đặc biệt là ý kiến chỉ nên làm (trước) phần đại học. Nhưng đề án đã được duyệt rồi, rất tham vọng, làm hết từ đầu đến cuối, và đạt được những mục tiêu vĩ cuồng theo kiểu 20 ngàn tiến sĩ, 4 trường đẳng cấp quốc tế, và ít nhất có thứ hạng top 200 thế giới, đại khái thế. Em cứ thử đọc kỹ mà xem, hoặc tìm thêm trên mạng.

    Bác Chơi và TTĐ,
    Bác và bạn TTĐ đã đọc phần cập nhật ở trên chưa? Chỉ đạo: Trưởng ban là PTT NTN. Ngoài ra còn khá nhiều các vị quan chức cao cấp khác. Đề án này do Viện Khoa học Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục xây dựng đấy.

    Mà này, tôi cũng đã có hân hạnh được mời họp 1 lần duy nhất vào năm 2007, với tư cách chuyên gia. Cũng đã cố gắng góp vài ý, nhưng sau đó không thấy được mời nữa. Rồi sau đó nữa thì thấy đề án được chính phủ phê duyệt, rồi kế đến là thành lập ban chỉ đạo như trên. Bây giờ thì sắp triển khai. Vậy đó.

    Bác Hải,
    Đề án này là độc lập bác ạ, không liên quan gì đến đề án trường chuyên đâu. Tổng số tiền cho dự án là gần 10 ngàn tỷ, chứ 2300 tỷ của bác đâu có thấm thía gì! Đủ biết, VN mình "ngon" thiệt chớ, chơi toàn tiền lớn thôi! Có gì sau này con cháu thông minh hơn sẽ trả nợ, lo gì bác!

    ReplyDelete
  7. Thế thì còn gì để bàn hở chị? Bây giờ chỉ việc bàn ... cách chia phần trong 10 ngà tỷ đó thôi. Hu hu...

    ReplyDelete
  8. Chào cô

    Đề án đã duyệt rồi, vậy chuyện nên làm bây giờ, theo em, là tìm cách xây dựng một cơ chế nào đó để những người làm ra nó phải giải trình nếu kết quả không đâu vào đâu. Mà em nghĩ phải xây dựng thôi, vì chuyện kết quả không đâu vào đâu gần như chắc chắn rồi! Ít ra như vậy mọi người sẽ có trách nhiệm hơn 1 tí khi thực hiện đề án, hoặc ăn ít hơn.

    SGK

    ReplyDelete