Monday, June 7, 2010

Glass ceiling là thuật ngữ gì - hay, sự thận trọng khoa học

Hôm nay, có một cựu học viên cao học TESOL, trước đây có học với tôi tại trường ĐH KHXH-NV, biết tôi hiện nay đang làm việc trong lãnh vực giáo dục đại học nên gọi điện đến để hỏi câu hỏi mà tôi đã đưa lên làm một phần tựa của entry này.

Nghe câu hỏi này xong, thực sự tôi rất "cáu"! Tính tôi vốn nóng như Trương Phi mà!

Vì câu trả lời, tôi hy vọng mọi người đang đọc blog này đều biết rõ, là: glass ceiling tất nhiên không phải là thuật ngữ gì cả! Nó chỉ là một từ hết sức thông thường, được liệt kê ê hề trong các từ điển dành cho người học (learners' dictionary). Ví dụ như trong cuốn từ điển nổi tiếng khắp thế giới trong nhiều thập niên qua mà bất kỳ ai đã học qua tiếng Anh một cách ... tương đối đàng hoàng đều phải sở hữu, cuốn Oxford Advanced Learners' Dictionary (OALD) của Hornby do Nhà xuất bản ĐH Oxford ấn hành.

Đây, trong cuốn OALD ấn bản lần thứ 6 (2000) mà con gái tôi (học lớp 7) đang sử dụng, ở trang 545 có định nghĩa về glass ceiling như sau:
glass ceiling noun [usually sing.] the imaginary barier that stops women, or other groups, from getting the best jobs in a company, etc although there are no official rules to prevent them from getting these jobs.

Tôi chưa bao giờ tra từ này trong từ điển Anh - Việt, nhưng cụm từ tương đương của 'glass ceiling' trong tiếng Việt lâu nay tôi vẫn dùng là "rào cản vô hình". Vì glass ceiling thực sự là ... rào cản vô hình mà, phải không? Mặc dù nếu ai thích dịch word-for-word thì sẽ dịch là "tầm trần kính", "trần nhà trong suốt" gì gì đó.

Nói thêm: nghĩa của từ này rất rõ ràng, hoàn toàn có thể suy ra từ 2 từ glass và ceiling. Trong tiếng Anh thông thường, cụm từ "reach/hit the ceiling" có nghĩa là "chạm/đụng nóc", tức hết cơ hội phát triển. Điều này trong nghề nghiệp thường xảy ra luôn.

Còn nếu cái "nóc" ấy "trong suốt" nên ta không biết, cứ phấn đấu mãi, thì sẽ chẳng không bao giờ tiến bộ hơn được nữa nếu không/chưa đập bỏ cái nóc ấy đi. Đó là nghĩa của từ glass ceiling, đã có sẵn từ rất rất nhiều năm nay (ít ra, lần đầu tiên tôi nghe được từ này là vào cuối thập niên 1980, và nghe xong thì hiểu ngay lập tức, có cần phải tra từ điển gì đâu? Hình tượng quá rõ rồi còn gì?)

Ừ nhưng biết đâu chỉ có những người có gốc ngoại ngữ như tôi thì mới biết thôi thì sao nhỉ? Để cẩn thận, tôi ... google vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt với những từ "glass ceiling rào cản vô hình". Và kết quả search đã cho tôi "342 kết quả trong 0.33 giây", trong đó item đầu tiên là bài viết năm 2008 trên Tuần Việt Nam với những giòng sau:

Tôi không để tâm đến những tranh luận phổ biến xung quanh vấn đề phụ nữ và công việc. Về vấn đề này, nhiều người đã nói đến hiện tượng “rào cản vô hình phía trên” (“glass ceiling”: khái niệm hàm ý rằng đến một lúc nào đó phụ nữ không phát triển cao hơn được nữa vì rào cản vô hình).

Link: http://www.tuanvietnam.net/co-phai-phu-nu-alpha-manh-me-hon-dan-ong-alpha-phan

Thế là rõ. Vậy thì tại sao người sinh viên của tôi lại hỏi "glass ceiling" là thuật ngữ gì trong nghiên cứu giáo dục?

Tôi cũng hỏi người sinh viên ấy đúng như thế. Cậu ấy bảo, vừa đọc được trên một trang web của một "nhà nghiên cứu giáo dục đại học" có tên tuổi trong nước (!) một bài viết, trong đó có nhắc đến từ "glass ceiling" mà Altbach, một tác giả viết về giáo dục đại học nổi tiếng lừng lẫy khắp thế giới, đã dùng trong bài viết của ông, và bảo đó là một "thuật ngữ" (!).

Cậu ấy bảo, em vẫn biết từ glass ceiling, nhưng do tác giả của bài viết mà em đọc được đã nhắc đến nó như một thuật ngữ mà Altbach dùng, nên em sợ nó có nghĩa gì riêng, phải gọi hỏi lại cô cho chắc. Và cậu ấy cho tôi biết tác giả của bài viết và trang web mà cậu ấy đã đọc được bài ấy.

Tôi vào trang web ấy, và quả thật tác giả của nó đã viết như sau:
glass ceiling, một thuật ngữ rất hay của GS Altbach - không thể có từ nào hay hơn

Để làm minh chứng cho lời nói, tôi đưa lên đây tấm hình chụp màn hình tôi đọc nó lúc 6:36 phút chiều ngày hôm nay 7/6/2010. Đây này: Đúng là không biết nói gì hơn ngoài 2 từ: "bó tay"!

Thử nghĩ mà xem, thật là tội nghiệp cho GS Altbach khi ông bị gán cho một điều mà ông không hề nói! Vì trong bài của ông, glass ceiling là glass ceiling, có chỗ nào ông bảo nó là thuật ngữ đâu cơ chứ!

Xin gửi kèm bài viết một lời nhắn nhủ cho tất cả mọi người trong giới khoa học: hơn bất cứ nghề nghiệp nào, trong khoa học, một đức tính không bao giờ được xem nhẹ, và phải rèn luyện hàng ngày, hàng giờ, là sự thận trọng trong từng lời, từng câu, từng chữ! Đặc biệt là về thuật ngữ (tức biết rõ cái gì là thuật ngữ, cái gì không).

Nhưng hình như sự thận trọng khoa học đó hiện nay ở VN là ... xa xỉ phẩm thì phải? Mà cũng chẳng có ai băn khoăn, thắc mắc gì, trừ những người gàn gàn dở dở như tôi?

Thế thì chẳng trách sao chất lượng giáo dục lại kém, thật vậy!

Hay tôi lại là Khuất Nguyên? Ai muốn biết Khuất Nguyên là gì, tại sao tôi lại nhắc đến ông, thì xin vào đây.

Buồn thật!
---
Viết thêm:
Nhân có cái comment của SGK (xem trong phần comment), tôi đã quay trở lại bài viết lúc 10:43 phút tối cùng ngày và bắt được những cái lỗi sơ đẳng mà SGK đã nêu, bèn đưa lên đây để ... lưu và ngắm!
Đúng là "Cái học ngày nay đã hỏng rồi", Tú Xương ơi!

6 comments:

  1. Bài viết cô đề cập tới còn nhiều lỗi sơ đẳng hơn nữa cô ạ.
    Chẳng hạn tựa bài viết của GS Altbach (không phải Albach) được ghi là Is the Asian higher education century (rất tối nghĩa). Em thấy khó hiểu nên Google thử, thì thấy tựa bài chính xác là "The Asian higher education century?" (không có chữ is). Quyển "Can Asians think?" bị ghi nhầm thành "Can Asian think?". Và tên tác giả Kishore Mahbubani (hiệu trưởng trường chính sách công Lý Quang Diệu) trở thành Mahubabani!


    SGK

    ReplyDelete
  2. Hi SGK,

    1. Cám ơn em về cái vụ Altbach và Albach! Thực ra là cô đã biết về Altbach rất lâu rồi, thế mà khi đánh máy thì, trời ơi, khi cô nhìn lại bài viết nó consistently là Albach từ trên xuống dưới. Cô đã sửa lại, hy vọng là hết rồi!

    Thật đúng là tổ trác, vừa viết xong là ... cần thận trọng, hic hic! Và đó là lý do tại sao cần có người proof-read cho mình, cũng như cần phải có peer review!

    2. Cô không đọc kỹ bài viết kia nên không biết nó còn lỗi gì nữa không ngoài những lỗi em đã chỉ ra. Nhưng về tác giả của nó, thì cô có nhiều lý do để tin rằng đó là một người không thực sự có tinh thần khoa học đúng nghĩa. Vì nếu là nhà khoa học, thì kiến thức nền tảng phải chắc chắn hơn, và phát biểu thận trọng và có căn cứ hơn. Chứ không có kiểu viết đầy sạn như vậy.

    Nhưng hình như ở VN bây giờ những "nhà khoa học" kiểu như vậy là norm rồi thì phải em ạ?

    Em nghĩ, có đáng buồn không?

    PA

    ReplyDelete
  3. Thật ra em cũng không đọc kĩ cô ạ, những lỗi em chỉ ra nằm ở phần cước chú! Còn tên GS thì ngay trong bài đó cũng có 2 cách viết, cả cách đúng lẫn cách sai. Nói chung bài viết đó có thể đem ra làm ví dụ phân tích khi bàn về chuyện trích dẫn tài liệu (chưa bàn tới những luận điểm trong đó). Ngoài những lỗi viết sai tên tác giả và nguồn tài liệu đã nói ở trên, còn có thêm lỗi quên dẫn nguồn (nhắc đến Malcolm McPherson, nhưng không thấy dẫn nguồn cho kết quả nghiên cứu của ông).
    SGK

    ReplyDelete
  4. Thưa cô, đọc bài viết của cô, em thấy rất tò mò nên mới tìm đọc bài viết gốc đó. Thực ra chính xác là GS Altbach đã sử dụng thuật ngữ glass ceiling khi nói về giáo dục. Em thiết nghĩ dùng glass ceiling trong giáo dục chỉ đơn giản là sự chuyển dịch hình ảnh mà thôi, và cụ thể trong trường hợp này là những rào cản vô hình đối với nền giáo dục ở các nước châu Á: http://www.timeshighereducation.co.uk/story.asp?storycode=412038 (em tìm được nguồn này cũng nhờ một động tác đơn giản là tìm trên google với keywords là "glass ceiling altbach" thôi ạ). Còn bài viết tiếng Việt có sử dụng từ glass ceiling, nếu cô bỏ chút thời gian ra mà đọc thêm vài từ phía sau nữa, thì có lẽ cô cũng sẽ thấy từ "rào cản vô hình" xuất hiện thôi ạ. Trong bài viết ấy, tác giả đúng là dùng từ "trần thủy tinh" nhưng lại để trong ngoặc kép, em nghĩ làm vậy chỉ để dịch sát nghĩa đen, giúp người đọc dễ hình dung thôi ạ. Cho nên em thiết nghĩ chỉ đọc một câu mà hùng hồn phán xét hay cứ chăm chăm vạch lá tìm sâu trong những phần phụ chú mà bỏ qua cả tổng thể thì không phải là tinh thần khoa học thực sự đâu ạ, cô có nghĩ như vậy không, thưa cô?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hình như em không đọc kỹ bài tôi viết, hoặc đã đọc nhưng không hiểu ý của tôi nhỉ? Tôi muốn nói, "glass ceiling" chẳng phải là thuật ngữ gì cả, mà chỉ là ngôn ngữ thông thường thôi. Là nhà khoa học thì không phải muốn "phong tặng" cho từ nào là "thuật ngữ" thì ngay lập tức nó là thuật ngữ đâu em ạ! (Thuật ngữ: terminology - ĐN Tiếng Việt là như thế này:

      Từ ngữ biểu thị một khái niệm xác định thuộc hệ thống những khái niệm của một ngành khoa học nhất định. Vd: Thuật ngữ toán học. Thuật ngữ văn học.

      Nguồn: http://vi.wiktionary.org/wiki/thu%E1%BA%ADt_ng%E1%BB%AF)

      Và một câu hỏi nho nhỏ: Câu hỏi cuối comment hình như em đang nói về chính em, phải không?

      Delete
  5. Em đọc blog này là vào cuối năm 2017, khi đang học môn English for Business ở USSH, trong giáo trình có một từ mà em không thể translate wordforword được, đó là glass ceiling

    ReplyDelete