Wednesday, May 12, 2010

Đạo văn là gì, và kẻ đạo văn phạm những tội gì?

Cập nhật lúc 10:30 ngày 12/5:
ĐÍNH CHÍNH: Trong bài viết tôi có bị nhầm một chỗ là VN tham gia công ước Berne vào năm 2004 chứ không phải 1994 như tôi đã ghi. Xin cám ơn bạn Anonymous 2 đã chỉ ra, và xin lỗi tất cả các bạn. Tôi đã sửa lại trong bài, và sẽ liên hệ báo để sửa lại!
---
Bài viết dưới đây của tôi đã được viết theo đặt hàng để góp phần vào cuộc tranh luận hiện nay về đạo văn, và được đăng trên báo Người Lao động online sáng nay ở đây. Do bài gốc của tôi hơi dài nên có những phần đã bị cắt bớt cho gọn lại, và cái tựa của tôi có lẽ cũng hơi ... nặng nên đã được sửa. Tôi đăng lại đây toàn bộ bài gốc để chia sẻ với mọi người, và mong nhận được những trao đổi và tranh luận.

----
Vụ đạo giáo trình Tài chính quốc tế do ông TNT đứng tên biên soạn đã có một khúc quanh mới khi báo chí nêu lên tình tiết chính ông cũng đã sử dụng phần lớn một giáo trình nước ngoài nhưng không “không dẫn nguồn tài liệu” . Câu hỏi đang được đặt ra là nếu đúng như vậy, chính ông TNT có phạm tội đạo văn hay không? Cần lưu ý là giáo trình đang được đề cập đến đã bị một người khác chép, và người ấy đã bị xử lý vì tội đạo văn. Cái khác của ông TNT so với người kia là trong khi người đó chỉ sao chép, thì ông TNT (và nhóm cùng đứng tên tác giả) đã mất thêm thời gian và công sức để dịch tài liệu, một việc mà GS Nguyễn Văn Tuấn gọi là “đạo dịch” trong bài viết gần đây trên blog cá nhân của ông.

Tôi nghĩ, sẽ có những người nghĩ việc quy kết trách nhiệm cố ý đạo văn cho nhóm biên soạn vào ngay thời điểm năm 1996 là hơi khắt khe. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, đặc biệt đã tham gia Công ước Berne từ năm 2004 và là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2006. Vì vậy, việc của ông TNT không chỉ là vấn đề nội bộ của Việt Nam mà rất có thể gây ra một vụ tranh tụng ầm ĩ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước. Do những trường hợp tương tự như của ông TNT có lẽ không ít tại Việt Nam, chúng ta cần bàn bạc để thống nhất một số nguyên tắc và căn cứ chung làm cơ sở để giải quyết những vụ việc tương tự.

Để góp phần vào cuộc đối thoại trên, trong bài viết này tôi xin đưa ra một số định nghĩa về đạo văn và những “trách nhiệm” về đạo đức cũng như luật pháp của một người đạo văn theo quan điểm của phương Tây. Hai tài liệu chính mà tôi sử dụng để viết bài này là:
1. “Plagiarism in Colleges in USA” (Đạo văn trong trường đại học ở Mỹ) của Ronald B. Standler, công bố năm 2000;
2. “Academic misconduct, definitions, legal issues, and management” (Vi phạm trong học thuật, định nghĩa, những vấn đề luật pháp, và việc quản lý) của P. A. Addison, công bố năm 2001 .

ĐẠO VĂN LÀ GÌ?
Cho đến nay, rất nhiều định nghĩa về đạo văn (plagiarism) đã được đưa ra. Những định nghĩa này có khác nhau ít nhiều về mặt kỹ thuật, chẳng hạn như phân biệt các mức độ chép từ bản gốc:
- chép nguyên văn (đạo văn - plagiarism),
- chép một phần và “chế” một phần mà O’Neill gọi là paraplage (có thể do ghép hai từ paraphrase và plagiarise, tạm dịch là “độn văn”) ,
- đạo văn cố ý và đạo văn không cố ý (intentional and unintentional plagiarism).
Tuy nhiên, cho dù có những khác biệt, thì tất cả mọi định nghĩa về đạo văn đều xem đạo đức là một hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhận của một người trong giới trí thức.

Đạo văn: chép không dẫn nguồn
Đơn giản và rõ ràng nhất, đạo văn là chép của người khác mà không dẫn nguồn. Đạo văn tồn tại ở những mức độ khác nhau, tùy theo chép nhiều hay ít. Dưới đây là định nghĩa của Standler (2000):
In minor cases, it can be the quotation of a sentence or two, without quotation marks and without a citation (e.g., footnote) to the true author. In the most serious cases, a significant fraction of the entire work was written by someone else: the plagiarist removed the true author(s) names(s) and substituted the plagiarist's name, perhaps did some re-formatting of the text […].
Trong trường hợp nhẹ, đạo văn là trích dẫn một vài câu, không đặt trong ngoặc kép và không chú dẫn tác giả thật. Trong trường hợp rất nặng nhất, phần lớn của bài viết/tác phẩm là của người khác: kẻ đạo văn đã bỏ tên tác giả thật ra và thay vào đó bằng tên mình, có thể thay đổi chút ít về hình thức văn bản […].


Diễn đạt lại hoặc dịch lại ý tưởng của người khác, có phải đạo văn?
Nếu diễn đạt lại ý tưởng của người khác bằng lời của mình chứ không chép nguyên xi thì có bị xem là đạo văn không? Theo Sandler, ngay cả khi câu chữ đã bị thay đổi hết nhưng ý tưởng gốc không đổi, thì vẫn bị xem là đạo văn như thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần chứng minh nghi can đạo văn có biết đến tác phẩm gốc, hoặc thậm chí có sẵn tác phẩm đó trong tay khi sửa lại câu chữ. Hiện tượng này có thể tạm gọi là “nhái văn”, một dạng của đạo văn, nó giống như làm hàng nhái, cũng là một loại ăn cắp ý tưởng.

Trong tiếng Anh, để tránh bị buộc tội “nhái văn”, việc dẫn nguồn cần được thực hiện như trong ví dụ sau, lấy từ bài viết của Sandler.

Câu gốc (vd của tác giả tên Smith):
If the solution turns pink, it is worthless, and should be discarded. (Nếu dung dịch chuyển sang màu hồng, lúc ấy nó đã trở nên vô dụng, và cần loại bỏ.)

Câu “nhái văn”:
When the liquid becomes light red, it is spoiled, and should be poured down the sink. (Khi chất lỏng đổi thành màu đỏ, lúc ấy nó đã bị hỏng và phải đổ xuống cống.)

Câu có chú dẫn đầy đủ (không bị xem là nhái văn):
Smith [citation/footnote number] has reported that when the liquid becomes light red, it is spoiled, and should be poured down the sink. (Tác giả Smith [nguồn trích dẫn/chú thích số] đã báo cáo rằng khi chất lỏng đổi thành màu đỏ, lúc ấy nó đã bị hỏng và phải đổ xuống cống.)


Việc dịch từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác (“đạo dịch” theo cách gọi của GS Nguyễn Văn Tuấn) về bản chất cũng giống như việc diễn đạt lại bằng lời lẽ của mình và vì thế cũng là đạo văn. Trong trường hợp của ông TNT nếu đúng là ông đã dịch gần như toàn bộ giáo trình nước ngoài thì đó là một vi phạm ở mức độ nghiêm trọng vì gần như toàn bộ tác phẩm của tác giả thật đã bị hô biến thành tác phẩm của người khác.

Không cố ý, phải chăng là đạo văn?
Chú ý là theo Standler, đạo văn là đạo văn, dù vô tình hay cố ý:
[…] [T]he intent of a plagiarist is irrelevant. The act of quoting material without including the indicia of a quotation is sufficient to convict someone of plagiarism. It is no defense for the plagiarist to say "I forgot." or "It is only a rough draft." or "I did not know it was plagiarism."
Việc vô tình hay cố ý không có can hệ gì ở đây. Hành vi sử dụng tài liệu mà không chú dẫn tự nó đã đủ để buộc tội một người nào đó là đạo văn rồi. Không thể bào chữa bằng cách nói rằng “Tôi quên” hay “Đây mới chỉ là bản nháp đầu tiên” hay “Tôi không biết đó là đạo văn”.


Addison (2001) cũng khẳng định: “Plagiarism, even if it is unintentional, is still morally unacceptable.” (Đạo văn, dù không cố ý, vẫn không thể chấp nhận được về mặt đạo đức). Tuy nhiên, theo tác giả này, nếu chứng minh được sự không cố ý, thì “tội” của kẻ đạo văn cũng được giảm nhẹ đi một chút. Nếu vô tình đạo văn thì điều đó nói lên sự yếu kém về mặt khoa học của nhà nghiên cứu, còn nếu cố tình đạo văn thì điều này cho thấy sự thấp kém về nhân cách của một người mang danh là nhà khoa học.

Cố ý đạo văn là để nhắm đến những cái lợi mà kẻ đạo văn sẽ có khi ăn cắp được tác phẩm của người khác. Nếu đạo văn không cố ý thì những cái lợi đạt được do đạo văn chỉ là tình cờ. Nhiều tác giả cho rằng những cái lợi mà việc đạo văn trót lọt có thể đem lại thật hiển nhiên, ví dụ được đánh giá cao về năng lực, hay được tưởng thưởng dưới một hình thức nào đó, nên khó mà tin được nếu có ai đó nói mình đạo văn chỉ là do vô tình không biết mà thôi.

KẺ ĐẠO VĂN (PLAGIARIST) PHẠM TỘI GÌ?
Đạo văn không chỉ là một vấn đề đạo đức của giới học thuật và cần để cho giới học thuật tự xử lý với nhau, mà còn là một vấn đề của luật pháp. Về mặt đạo đức học thuật, thông thường mỗi trường đại học của Mỹ đều có những quy định rất rõ ràng về đạo đức của giảng viên và sinh viên và các biện pháp xử lý vi phạm. Về pháp luật, theo Sandler trong luật Mỹ kẻ đạo văn bị xem là đã mắc phải nhiều tội cùng một lúc, trong đó có ít nhất hai tội là vi phạm luật bản quyền và mạo danh/lừa bịp.

Vi phạm luật bản quyền (copyright infringement)
Trong luật Mỹ, người sở hữu tác phẩm có bản quyền (trong đa số trường hợp thì người này cũng là tác giả thật) có thể kiện kẻ đạo văn ra tòa án liên bang vì vi phạm luật bản quyền. Trong bài viết của mình , Sandler nêu rõ mọi tác phẩm được tạo ra ở Mỹ sau ngày 1/3/1989 đương nhiên được bảo vệ bởi luật bản quyền, ngay cả khi trên tác phẩm không có ghi chú gì về quyền tác giả.

Lưu ý của Sandler là khi kẻ đạo văn có đưa thêm những phần sáng tạo của riêng mình vào trong tác phẩm thì điều đó cũng không bào chữa được cho tội đạo văn, vì ở đây đang xem xét những gì mà kẻ đạo văn đã làm sai, chứ không phải cái gì mà kẻ ấy đã làm đúng.

Mạo danh/lừa đảo (fraud)
Ngoài tội vi phạm luật bản quyền, Sandler cho rằng kẻ đạo văn còn phạm tội mạo danh. Bởi vì người ấy biết rõ mình không phải là tác giả thật của tác phẩm, nhưng lại sẵn sàng và cố tình để tên mình lên trên tác phẩm và che khuất tác giả thật. Hơn thế nữa, người này đã nộp tác phẩm này đi để có thể nhận được một sự tưởng thưởng nào đó, ví dụ như đạt điểm tốt cho một bài tiểu luận, hay luận án để được cấp bằng sau đại học, nhận học bổng, hoặc đoạt được giải thưởng trong hội chợ khoa học, vv.

Sự mạo danh, bản chất là một sự lừa bịp, thường đem lại cho kẻ đạo văn nhiều quyền lợi không chính đáng. Chính vì vậy, Sandler đã kết thúc phần viết về tội mạo danh của kẻ đạo văn với những lời lẽ rất nặng nề sau:

Using phrases like "academic misconduct" to describe plagiarism is too sterile, too kind. Plagiarism is fraud.
Dùng những từ như “vi phạm trong học thuật” để mô tả việc đạo văn là quá đơn giản, và quá nhẹ nhàng. Đạo văn chính là một sự lừa bịp.


Addison cũng có ý kiến tương tự về tội mạo danh hay lừa bịp của kẻ đạo văn mà ông gọi là “copyright fraud” (mạo nhận quyền tác giả) với những lời lẽ không kém nặng nề như sau:
Deception is a critical aspect of fraud. It is an artifice, a sham, a cheat, omething that is intended to deceive.
Lừa dối là một khía cạnh quan trọng của tội mạo danh. Nó là sự giả mạo, dối trá, lừa đảo, một cái gì đó nhằm lừa bịp người khác.

---
Phần trình bày nêu trên cho thấy văn hóa học thuật của phương Tây xem đạo văn như một sự vi phạm nặng nề xét trên cả hai khía cạnh đạo đức và luật pháp. Bỏ qua khía cạnh đạo đức, vốn gắn liền với các giá trị cốt lõi và các niềm tin đặc thù của từng nền văn hóa, khía cạnh luật pháp của đạo văn là điều rất đáng quan tâm trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào cộng đồng thế giới như hiện nay.

Quay trở lại trường hợp ông TNT. Cho dù có thể có những lý do và hoàn cảnh khiến việc “đạo dịch” của ông có thể hiểu được vào thời điểm ông bắt đầu “biên soạn” cuốn giáo trình kia, nhưng nếu xét theo quan điểm của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thì việc làm đó là một vi phạm nghiêm trọng về mặt luật pháp. Nó có thể dẫn đến một vụ kiện um xùm rất không tốt cho bản thân ông TNT, và tác hại đến hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới bên ngoài. Thiết nghĩ, nhà nước cũng như các trường đại học Việt Nam cần sớm có các quy định cùng các quy trình và thủ tục xử lý việc đạo văn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vũ Thị Phương Anh
Viết xong ngày 10/5/2010

17 comments:

  1. Cảm ơn bài của bác. Em có post lại trên trang "dỏm":

    http://www.flickr.com/photos/47624590@N04/

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn tác giả Phương Anh đã cho mọi người một cái nhìn xuyên suốt về đạo văn.

    Minh Chu

    ReplyDelete
  3. Hi Nặc danh và bạn Minh Chu,

    Cám ơn các bạn đã đọc, và động viên!

    Người viết như tôi thì cần nhất là độc giả đọc và thấy hữu ích.

    Nhân tiện, tên Minh Chu đối với tôi nghe quen quen, có phải là anh NQ ở Nha Trang không ạ?

    PA

    ReplyDelete
  4. TS nhầm rồi: VN chính thức tham gia Công ước Berne vào năm 2004 chứ không phải 1994 như TS viết đâu. Hơn nữa Công ước Berne bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật, đâu có liên quan gì đến giáo trình nói chung-trừ phi giáo trình chôm các tác phẩm VHNT. Thực ra quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ bằng Hiệp định TRIPs của WTO và một số các công ước và hiệp định khác. Xin đừng quên VN gia nhập WTO vào tháng 11 năm 2006.
    Cuối cùng xin hỏi TS nếu nhân dịp này ta phát động phong trào "tìm và diệt" nạn plagiarism hiện đang ẩn núp trong hệ thống giáo trình ĐH VN, TS ủng hộ không??? Và nếu có người nào đó làm ngược lại "tìm và diệt" bọn plagiarist của Tây thì TS cũng ủng hộ không???

    ReplyDelete
  5. Dear Anonymous 2,

    1. Rất cám ơn đã chỉ ra chỗ nhầm 2004 thành ra 1994. Và cũng cám ơn nêu việc bảo hộ khác nhau, nhưng bạn đọc lại xem, tôi nêu cả 2 tổ chức Berne và WTO mà?

    Thực sự khi viết bài này tôi đã cẩn thận kiểm tra thời gian gia nhập 2 tổ chức này trên trang web của Đại sứ quán VN tại Mỹ, ở đây (http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=20041027102949), và ở đây (http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=20061107131019).

    Tôi cũng có ghi footnote 2 thời gian trên trong bản word gửi cho báo, nhưng không hiểu sao lại khi viết lại tôi viết ra 1 cái là 1994 và một cái là 2006 như vậy?????

    Cái này là tôi sai, tôi sẽ phải liên hệ với báo để đính chính lại! Rất cám ơn.

    2. Về chuyện "tìm và diệt": Tôi không hiểu ý của bạn? Tôi chỉ có thể nói: muốn cho xã hội tốt lên thì mỗi người cần làm đúng chức trách của mình, và xã hội cần có những chuẩn mực kèm theo những thưởng phạt tương xứng với cái nó mong muốn.

    Luật pháp nếu có thì phải được thực thi, và ai có trách nhiệm cũng như quyền hạn thi hành luật pháp thì mới có thể thi hành, và cần phải thi hành để xã hội tốt lên.

    Cũng vậy, nếu một trường đại học muốn có giảng viên tốt, sinh viên tốt, thì những người có trách nhiệm phải đặt ra những luật lệ, quy định để tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng chức cho những người có tài và có đạo đức như họ mong muốn.

    Ở phương diện quốc gia, nhà nước muốn có quan hệ tốt trong cộng đồng thế giới thì cũng phải tuân thủ các cam kết mà mình đã ký, nếu không muốn bị cộng đồng tẩy chay.

    Còn với tư cách cá nhân, tôi chỉ cố không vi phạm những giá trị đạo đức mà tôi đã tin, và cố gắng chia sẻ những gì tôi hiểu biết với cộng đồng. Và trong quyền hạn của mình, chẳng hạn với tư cách giảng viên, thì tôi cố gắng yêu cầu sinh viên không đạo văn. Nếu phát hiện đạo văn sẽ chấm rớt, chẳng hạn.

    Nhưng một cá nhân sẽ làm được gì nếu cả hệ thống làm ngược lại, hả bạn? Cho nên muốn có thay đổi tất cả mọi người đều phải cố, chứ không thể là một mình tôi, chỉ vì tôi đã viết bài này, phải không bạn?

    PA

    ReplyDelete
  6. Dear Anonymous 2, again,

    Tôi vừa đọc lại bản word bài viết mà tôi đã gửi cho báo, vì quả thật là tôi quá bối rối khi thấy sai lầm nghiêm trọng như vậy về thời gian.

    Đọc xong thì thấy có lẽ lý do của nhầm lẫn là tôi kiểm tra chi tiết năm xuất bản của ông TNT (1996), sau đó kiểm tra 2 thời điểm gia nhập Berne và WTO (2004 và 2006), nên nhầm lẫn 1994 và 2004 chăng?

    Well, dù sao thì cũng là lỗi tại tôi, đúng là ... tai nạn thật! Nhưng cũng cố giải thích một chút, ít nhất là giải thích với chính mình (thông thường tôi cũng cẩn thận mấy vụ này lắm mà!), còn bạn có tin hay không thì tôi cũng phải chịu thôi!

    Cám ơn bạn một lần nữa, và ... đúng là thêm một bài học, hic hic!!!!

    PA

    ReplyDelete
  7. Em nghĩ trước khi ban hành các quy định, quy trình hay thủ tục xử lí đạo văn trong khoa học, nhất thiết cần phải thiết lập hệ thống các chuẩn mực học thuật trong việc sử dụng thông tin khoa học của người khác trong tài liệu của mình, cụ thể hơn, đó chính là các quy tắc trích dẫn và trình bày danh mục tài liệu tham khảo khoa học.

    Ở các nước phương Tây, họ xem mọi mức độ vi phạm các quy tắc trích dẫn đều là đạo văn khoa học, chỉ đơn giản bởi vì trích dẫn tài liệu của người khác là điều mọi sinh viên khi bắt đầu nghiên cứu đã phải được học, được chỉ bảo cặn kẽ đến từng trường hợp một. Khi trích dẫn cho đúng được biến thành chuẩn mực tối thiểu mà bất cứ ai tham gia nghiên cứu khoa học đều đương nhiên phải biết rồi, thì khi ấy hành vi gọi là "quên trích dẫn" hay "trích dẫn sai" mới khó có thể biện minh, do đó bị xem là đạo văn.

    Cũng giống như là, ở ta ai ra đường cũng đường đương nhiên đi bên phải, anh nào "lỡ" đi bên trái gặp công an thổi lại thì chắc chắn bị phạt vì vi phạm luật giao thông, chứ chẳng thể nại lí do lí trấu gì cả. Còn ba cái vụ dán quảng cáo nhan nhản cột điện, vách tường, hay thói quen "đứng đường" của khối ông (lắm khi cả các bà nữa?!), mặc dù cũng có quy định xử phạt đấy, nhưng do ý thức thẩm mĩ và vệ sinh công cộng chưa trở thành chuẩn mực tối thiểu trong xã hội, thì có bác công an nào đi truy lùng để thổi phạt đâu!

    Cái tình trạng thiếu chuẩn mực tối thiểu ấy là vì, chính ngay Bộ GD&ĐT mà cũng chỉ có vài ba trang quy định rất chung chung về việc trích dẫn và trình bày danh mục tham khảo tài liệu trong luận văn khoa học, điểm khởi đầu mà mọi nhà nghiên cứu đều phải đi qua, với nội dung hết sức sơ sài, quy định không thông nhất và thiếu hợp lí, ví dụ nêu ra mâu thuẫn với chính các quy tắc của mình lập ra,... và tất cả vài ba trang đó đặt trong một... phụ lục (?!), trong một tài liệu hướng dẫn... lưu hành nội bộ (?!). Giáo sư bị đồng nghiệp "chôm trắng trợn" của mình thì đau; nhưng rồi chính mình bị phản pháo mới gỡ gạc rằng bây giờ mới hiểu ra tầm quan trọng của việc trích dẫn tài liệu mà mình sử dụng, hoá ra xưa giờ giáo sư chưa rõ các quy tắc này à?


    Nhưng cũng khó trách một mình giáo sư, bởi vì trong một ngôi nhà chung thiếu chuẩn mực, thì cũng còn lắm lắm người chưa nắm rõ những cái chuẩn mực ấy để mà tuân theo. Em nhớ đã cười đến bể ruột khi đọc một bản lí lịch khoa học của một người được coi là chuyên gia trong lĩnh vực họ đang hoạt động, trong đó phần công trình khoa học đã công bố liệt kê đến cả mấy chục bài báo... dịch từ tiếng Anh (của các tác giả khác) sang tiếng Việt rồi gửi đăng trên các báo Sài Gòn Tiếp thị, Thanh niên, Tuổi Trẻ, VietNamNet hay VNExpress gì gì đó (mà chắc chắn là đa số các bài ấy chả hề xin phép tác giả nguyên bản)... Ôi thôi công trình khoa học của chuyên gia chúng ta chỉ ngang tầm mấy tờ báo đại chúng; thảo nào mà các sếp lớn một mặt tuyên ngôn "giáo dục là quốc sách hàng đầu", một mặt thì gửi con em của mình ra nước ngoài để học. Chắc thâm tâm họ đã biết rõ cho con em mình thụ giáo các "chiên da" cỡ ấy thì tương lai của chúng sẽ đi về đâu...

    ReplyDelete
  8. Mà nói đi phải nói lại: các nhà báo đại chúng nhăm nhăm truy lùng các giáo sư vụ này, chứ còn bài vở của chính báo mình dịch thông tin khoa học thường thức từ báo chí nước ngoài một cách ẩu tả, sai be sai bét, cũng chả xin phép gì ai, cũng chả dẫn nguồn cho chính xác, rồi sao chép nhau với tốc độ siêu nhanh của thời đại Internet,... thì sao chưa thấy các bác tự kiểm lại nhỉ?!

    Phải lập lại cái nền tảng chuẩn mực, trang bị cho hết thảy những ai cần làm công việc liên quan đến khoa học, đến việc sử dụng nguồn thông tin của người khác,... có cơ sở để đối chiếu vào xem mình đúng sai tới mức độ nào, khi ấy bàn đến chuyện xử tội về đạo đức học thuật vẫn còn chưa muộn. Không phải bênh vực GS T., nhưng, một mặt sách của ông có những chương giống một phần hay hoàn toàn so với sách người khác ở nước ngoài thì hẳn khó tránh lỗi "đạo dịch", nhưng có những phần chắc là ông tự viết, kết hợp bổ sung thêm bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, thì ấy đúng là điều đáng ghi nhận. Dù sao ông cũng đã dùng đó là một điểm tựa để xây nên một ngôi nhà theo mẫu của người khác, rồi góp thêm tri thức của mình vào ngôi nhà ấy... Chứ xét nét, trước tiên phải "xử" luôn bộ SGK phổ thông, vì chính trong ấy tất cả các hình ảnh, số liệu,... "chôm" của người khác mà đâu có dẫn nguồn hay xin phép gì đâu; thứ đến là chắc không dưới phân nửa số giáo trình đại học đã xuất bản cũng "đi" theo luôn, vì cũng "nương" theo giáo trình nước ngoài trước khi bổ sung thêm tri thức và kinh nghiệm thực tiễn của mình. Em không tin rằng xử lí triệt để theo cách ấy sẽ có thể giúp lập lại nền tảng đạo đức học thuật cho nước ta.

    Nếu muốn so với thế giới, ta phải so rằng, ngay như nước Mĩ có đến hơn 4.000 học viện và đại học, nhưng mỗi chuyên ngành thường chỉ có vài chục đầu sách được xem là kinh điển, do các giáo sư hàng đầu rút tỉa tinh tuý tri thức và kinh nghiệm trong cả đời nghiên cứu khoa học của mình để viết ra, và đa số các giáo sư khác dùng sách ấy để dạy cho sinh viên. Không hiếm Giáo sư (viết in hoa) cho đến khi về hưu vẫn không viết sách gì cả, vì thấy không viết hay hơn người khác. Còn ở ta, không hiếm giáo viên trẻ mới chân ướt chân ráo ra trường, dạy học bõm bẽm vài năm, "ngâm cú" dở dở ương ương, mà cũng gọi là tham gia viết sách. Kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh đâu mà viết cho ra hồn? Không đi dịch, sao chép, "xào nấu" của người khác để làm thành của mình mới là lạ! Ấy là, chưa kể đến trình độ của các nhà xuất bản khoa học của ta, càng nói càng lắm chuyện bế tắc...

    Nếu hiện trạng vi phạm là 90%, không thể có bước tiến thần kì giảm xuống ngay còn 10%. Theo em, giải pháp khả dĩ là: 1. chặn các vi phạm trong tương lai bằng các chuẩn mực nền tảng và áp dụng nghiêm ngặt; 2. sửa các lỗi đã có dần dần theo các chuẩn mực nền tảng đã thống nhất. Dạy trẻ phải dạy khi còn thơ; chuẩn mực đạo đức học thuật phải áp dụng nghiêm ngặt ngay từ khi người ta mới học làm nghiên cứu. Có thế sau này họ mới bớt sai đi. Khi cái đúng dần nhiều hơn, cái sai dần ít đi, giá trị chuẩn mực đạo đức học thuật mới có cơ hội để quay trở lại đúng với vị trí của nó.

    Với nhiệt tâm khoa học của Cô, em nghĩ một đề xuất chính thức về hệ thống các quy tắc này sẽ rất có ích cho nền khoa học nước nhà đấy ạ! Em có thể phụ trợ với Cô về việc này.

    ReplyDelete
  9. Đọc bài viết rất hay của Vũ Thị Phương Anh, chợt nhớ một trường hợp đạo văn. Một người lấy tác phẩm của nhiều người khác, vẫn ghi tên tác giả bên trong, nhưng ở trang đầu ghi mình biên soạn rồi xin giải thưởng cho mình. Đó là ông Vũ Ngọc Liễn ở Bình Định. Quyển THƠ VÀ TỪ ĐÀO TẤN, NXB VĂN HỌC, HÀ NỘI 1987
    Trang đầu ghi:NHÓM BIÊN SOẠN: Vũ Ngọc Liễn (chủ biên)-Nguyễn Thanh Hiện- Tống Phước Phổ- Mạc Như Tòng- Đỗ Văn hỷ hiệu đính- Xuân Diệu giới thiệu- Hoàng Trung Thông bạt. Quyển ĐÀO TẤN THƠ VÀ TỪ, NXB Sân khấu- HÀ NỘI 2003, trang đầu chỉ ghi 1 tên: Vũ Ngọc Liễn biên khảo.Đây là tác phẩm thơ và từ thuộc văn học cận đại của tác giả ĐÀO TẤN (nếu về mặt văn bản học là đúng), còn 7 người trong nhóm làm các công việc sắp xếp, hiệu đính, viết tựa,bạt,dịch...Đáng lẽ trong phần nhóm biên soạn phải ghi thêm Tịnh Ba, Nguyễn Tòng phụng sao, rồi công của bà Trúc Tiên, Chi Tiên ký lục).Nhưng việc để tên 1 mình Vũ Ngọc Liễn biên khảo cũng như 1 mình Vũ
    Ngọc Liễn làm đơn khai xin Giải thưởng Nhà nước (và đã lọt vào chung khảo) là cuộc lập lờ đạo văn, giành "sở hưũ chủ" về danh tiếng cũng như tiền bạc cho 1 mình Vũ Ngọc Liễn. Việc làm nhơ nhớp của Vũ Ngọc Liễn quả là có ảnh hưởng học giới nghiêm trọng.

    ReplyDelete
  10. XÉT GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC: CỤM TÁC PHẨM CỦA ÔNG VŨ NGỌC LIỄNwww.tainguyenmoitruong.com.vn/van-hoa-th...-can-111uoc-can-nhac
    (TN&MT) - Tôi đọc website của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thấy có các quyển: Đào Tấn, thơ và từ; Đào Tấn, tuồng hát bội; Đào Tấn qua thư tịch là cụm công trình của ông Vũ Ngọc Liễn đã được Hội đồng cấp Bộ đề nghị Giải thưởng Nhà nước.

    Về quyển Đào Tấn thơ và từ, NXB Sân khấu 2003 ghi "Vũ Ngọc Liễn biên khảo" là phiên bản của cuốn Thơ và từ Đào Tấn, NXB Văn học 1987, của nhóm biên soạn gồm 7 người: Vũ Ngọc Liễn (chủ biên) Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng, Đỗ Văn Hỷ (hiệu đính), Xuân Diệu (giới thiệu), Hoàng Trung Thông (bạt). Về nội dung, quyển xuất bản 2003 ngoài lời bạt của Hoàng Trung Thông có thêm lời bạt của Thanh Thảo. Nhưng về tác giả bỏ bớt 6 người, chỉ ghi trang đầu Vũ Ngọc Liễn.

    Vậy về mặt bản quyền, 2 quyển có vấn đề không minh bạch. Những người trong nhóm biên soạn là GS. Đỗ Văn Hỷ, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Hoàng Trung Thông, tác gia Tống Phước Phổ, ông Mạc Như Tòng đều đã mất từ trước 2003 nên không ai biết quyển NXB Sân khấu 2003 in tên một mình Vũ Ngọc Liễn.

    Hơn nữa, đây là tuyển tập các tác phẩm của Đào Tấn, ông Vũ Ngọc Liễn chỉ có công sắp xếp lại. Nếu nói phần nghiên cứu thì là của Xuân Diệu, Đỗ Văn Hỷ, Hoàng Trung Thông - những người hiệu đính và viết tựa, bạt. Nếu nói dịch thuật thì của các nhà thơ Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Yến Lan, Mịch Quang, Hoàng Châu Ký...

    Phạm Văn Ánh trong bài "Sự thực về Mộng mai từ lục của Đào Tấn" viết: "Cũng như sáng tác của hàng loạt tác gia Trung đại khác, sáng tác từ của Đào Tấn hiện không còn bản thảo gốc do đích thân tác giả chấp bút, các tác phẩm được chép rải rác trong nhiều sách khác nhau, bản đầy đủ hơn cả và được coi là "đáng tin cậy hơn hết" do hai con gái của tác giả là Trúc Tiên và Chi Tiên kí lục, Tịnh Ba (hay Tĩnh Ba) phụng sao vào thượng tuần tháng Chạp năm Giáp thìn (1964)(1). Nhờ sự nỗ lực của một số dịch giả, nhà nghiên cứu, 24 bài từ của Đào Tấn đã được dịch, giới thiệu lần đầu vào năm 1987, qua sách Thơ và từ Đào Tấn (Nhà xuất bản Văn học, H, 1987), và được giới thiệu toàn bộ (60 bài) vào năm 2003, qua sách Đào Tấn thơ và từ (Nhà xuất bản Sân khấu, H, 2003)".

    Như vậy sự việc này, các nhà học thuật đã phân tích rõ. Con gái cụ Đào Tấn đã gửi bản chép tay của Nguyễn Tòng và Tịnh Ba cho các nhà nghiên cứu làm tài liệu nghiên cứu chứ không hề gửi cho ông Vũ Ngọc Liễn ! Một vấn đề khác là một số bài từ trong cuốn này cũng chưa ai khẳng định chắc chắn là của Đào Tấn.

    Tương tự như thế là quyển Đào Tấn, tuồng hát bội, ông Vũ Ngọc Liễn sưu tầm lại từ con cháu Đào Tấn chứ đâu phải quyển nghiên cứu tuồng của Vũ Ngọc Liễn. Rồi quyển Đào Tấn qua thư tịch là tập hợp những bài nghiên cứu và tham luận Hội thảo về Đào Tấn của khoảng 30 tác giả khác gồm Cường Để, Phan Bội Châu, Tự Đức, Quách Tấn, Sơn Tùng, Mịch Quang, Mạc Như Tòng, Nguyễn Khắc Phê, Trần Văn Thận, Hồ Đắc Bích, Huỳnh Lý, Nguyễn Thanh Mừng, Hoàng Châu Ký, Lê Xuân Lít, Từ Lương, Phan Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Nhung, Tất Thắng, Nguyễn Đức Lộc, Tống Phước Phổ, Lê Ngọc Cầu, Nguyễn Lai, Hoàng Chương, Nguyễn Văn Chương, Lưu Trọng Lư, Hồ Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Hà Xuân Trường... ông Vũ Ngọc Liễn sưu tầm, sắp xếp in thành sách và khai báo nhận thưởng.
    Như vậy, các tác phẩm ông Vũ Ngọc Liễn đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước là các tác phẩm của Đào Tấn và nhiều tác giả nghiên cứu, dịch thuật, hiệu đính tác phẩm Đào Tấn. Ông Vũ Ngọc Liễn chỉ có công sưu tầm, ông có vài ba bài phân tích với số lượng trang rất khiêm tốn. Quy chế Giải thưởng Nhà nước không dành cho người sưu tầm. Có chăng là ở lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian, chứ không phải sưu tầm tác phẩm của đồng nghiệp.
    Về mặt bản quyền, sự cóp nhặt của nhiều tác giả thành của mình rồi khai báo xin giải thưởng là không trung thực, lấy quyển đã in nhiều tác giả thành sách của mình là vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức người cầm bút.
    Hoàng Minh

    ReplyDelete
  11. Vũ Thị Phương Anh nói: “Đạo văn không chỉ là một vấn đề đạo đức của giới học thuật và cần để cho giới học thuật tự xử lý với nhau, mà còn là một vấn đề của luật pháp. Về mặt đạo đức học thuật, thông thường mỗi trường đại học của Mỹ đều có những quy định rất rõ ràng về đạo đức của giảng viên và sinh viên và các biện pháp xử lý vi phạm. Về pháp luật, theo Sandler trong luật Mỹ kẻ đạo văn bị xem là đã mắc phải nhiều tội cùng một lúc, trong đó có ít nhất hai tội là vi phạm luật bản quyền và mạo danh/lừa bịp.Vi phạm luật bản quyền (copyright ringement. Ngoài tội vi phạm luật bản quyền, Sandler cho rằng kẻ đạo văn còn phạm tội mạo danh. Bởi vì người ấy biết rõ mình không phải là tác giả thật của tác phẩm, nhưng lại sẵn sàng và cố tình để tên mình lên trên tác phẩm và che khuất tác giả thật. Hơn thế nữa, người này đã nộp tác phẩm này đi để có thể nhận được một sự tưởng thưởng nào đó, ví dụ như đạt điểm tốt cho một bài tiểu luận, hay luận án để được cấp bằng sau đại học, nhận học bổng, hoặc đoạt được giải thưởng trong hội chợ khoa học, vv. Sự mạo danh, bản chất là một sự lừa bịp, thường đem lại cho kẻ đạo văn nhiều quyền lợi không chính đáng. Chính vì vậy, Sandler đã kết thúc phần viết về tội mạo danh của kẻ đạo văn với những lời lẽ rất nặng nề sau: Using phrases like “academic misconduct” to describe plagiarism is too sterile, too kind. Plagiarism is fraud. Dùng những từ như “vi phạm trong học thuật” để mô tả việc đạo văn là quá đơn giản, và quá nhẹ nhàng. Đạo văn chính là một sự lừa bịp”. VỀ VỤ VŨ NGỌC LIỄN ĐẠO VĂN, đạo một lúc 3 cuốn sách: Đào Tấn thơ và từ; Đào Tấn tuồng hát bội; Đào Tấn qua thư tịch; đạo xong đệ đơn xin Chủ tịch Nước cho Giải thưởng Nhà nước! Đáng lẽ, người phạm tội còn chút liêm sỉ sẽ có thái độ khác. Đằng này, ông VŨ NGỌC LIỄN ĐẠO VĂN CỐ Ý,có phương pháp, có tính toán kỹ. Nên khi sự việc vỡ lỡ, ông cho con trai phản ứng thiếu văn hóa với người phát hiện. Kiểu “được ăn cả, ngã về không”. Điều đó chỉ có giá trị trong chốn hàng tôm hàng cá, chợ búa chụp giật. Đằng này, chốn văn hóa học thuật có cái trầm tĩnh theo quy luật riêng của nó. Đúng là, tội nghiệp Vũ Ngọc Liễn. Xét đến cùng,với kiểu trí tuệ diễn trò và tầm ứng xử văn hóa quần xà lỏn, ông là kẻ đáng thương hại!

    ReplyDelete
  12. Âm mưu giật giải nhờ… đạo văn người đã khuất
    > Bộ GD&ĐT đề nghị dừng cấp bằng cho tiến sỹ bị tố đạo văn
    TP - Độ nửa năm trở lại đây, bỗng dư luận rộ lên vấn đề “nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn” đạo văn của các nhà thơ Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, và các nhà nghiên cứu Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng…
    Thật khó tin. Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, nổi tiếng lừng lững như thế, ai nỡ và dám ăn cắp!? Nhưng tìm hiểu mới thấy là có cơ sở.
    Đến Thư viện quốc gia Hà Nội lùng cuốn Đào Tấn Thơ và Từ (bị cho là đạo văn từ cuốn Thơ và Từ Đào Tấn) nhưng không có. Tra mục lục, chỉ tìm ra cuốn Thơ và Từ Đào Tấn.
    Đây là cuốn sách được Nhà Xuất bản Văn học ấn hành năm 1987 với một nhóm các nhà biên soạn gồm 7 tác giả: Vũ Ngọc Liễn (chủ biên), Xuân Diệu (giới thiệu), Hoàng Trung Thông (lời bạt), Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng, Đỗ Văn Hỉ (hiệu đính).
    Sau tôi cũng tìm được cuốn Đào Tấn-Thơ và Từ (Nhà Xuất bản Sân khấu, năm 2003) do một người bạn làm ở Nhà Xuất bản này gửi tặng. Đối sánh cuốn Thơ và Từ Đào Tấn của Nhà Xuất bản Văn học 1987 với cuốn này, tôi tá hỏa: Hầu như toàn bộ nội dung cuốn Thơ và Từ Đào Tấn đã được “kính chuyển” sang cuốn Đào Tấn Thơ và Từ sau khi Thơ và Từ Đào Tấn đã ra mắt bạn đọc được 16 năm.
    Giữa hai cuốn chỉ có mấy điều khác biệt. Một là, cuốn Thơ và Từ Đào Tấn (1987) in 24 bài Từ của Đào Tấn, còn cuốn Đào Tấn Thơ và Từ (2003) in 60 bài. Hai là, ngoài những nội dung bê gần như nguyên bản, cuốn Đào Tấn Thơ và Từ còn có thêm lời bạt của Thanh Thảo.
    Và quan trọng khác biệt thứ 3, là cuốn Thơ và Từ Đào Tấn (1987) bao gồm 7 tác giả, thì khi sang cuốn Đào Tấn Thơ và Từ (2003) chỉ còn lại duy nhất một cái tên - đó là Vũ Ngọc Liễn.
    Và ông cũng là người còn sống duy nhất tính từ thời điểm ấy. Người còn sống này đã xóa tên 6 người đã khuất, biến công trình tập thể thành công trình cá nhân.
    Và hiện công trình bị nhiều người gán cho cái tên là “cướp công người chết” này không hiểu bằng cách nào đã lọt vào tới vòng chung khảo của Giải thưởng Nhà nước năm 2011. Nếu họa may mà nó nhận được giải, thì sự kiện cáo tiếp theo và những phiền lụy ắt là điều khó tránh.
    Một vấn đề đáng chú ý, là quy chế Giải thưởng Nhà nước không có điều khoản nào dành cho người sưu tầm. Chỉ có giải dành cho người và tác phẩm ở lĩnh vực sưu tầm và nghiên cứu văn nghệ dân gian.
    Song, cuốn Đào Tấn Thơ và Từ (2003) lại không thuộc lĩnh vực văn nghệ dân gian mà ở lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu văn bản học.
    Chúng tôi liên lạc với nhà nghiên cứu phê bình Ngô Thảo, cựu Giám đốc - Tổng biên tập Nhà Xuất bản Sân khấu, làm việc trong thời kỳ xuất bản cuốn Đào Tấn Thơ và Từ (năm 2003). Ông Ngô Thảo cho biết, đây là lần đầu tiên ông nghe nói Vũ Ngọc Liễn đạo văn.
    Cuốn Đào Tấn Thơ và Từ do Nhà Xuất bản Sân khấu ấn hành 2003 theo đơn đặt hàng của Nhà nước, sách dày 635 trang in, khổ 14,4 X 20,5cm, không có giá bìa.
    Minh Tâm

    ReplyDelete
  13. Âm mưu giật giải nhờ… đạo văn người đã khuất

    TP - Độ nửa năm trở lại đây, bỗng dư luận rộ lên vấn đề “nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn” đạo văn của các nhà thơ Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, và các nhà nghiên cứu Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng…
    Thật khó tin. Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, nổi tiếng lừng lững như thế, ai nỡ và dám ăn cắp!? Nhưng tìm hiểu mới thấy là có cơ sở.
    Đến Thư viện quốc gia Hà Nội lùng cuốn Đào Tấn Thơ và Từ (bị cho là đạo văn từ cuốn Thơ và Từ Đào Tấn) nhưng không có. Tra mục lục, chỉ tìm ra cuốn Thơ và Từ Đào Tấn.
    Đây là cuốn sách được Nhà Xuất bản Văn học ấn hành năm 1987 với một nhóm các nhà biên soạn gồm 7 tác giả: Vũ Ngọc Liễn (chủ biên), Xuân Diệu (giới thiệu), Hoàng Trung Thông (lời bạt), Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng, Đỗ Văn Hỉ (hiệu đính).
    Sau tôi cũng tìm được cuốn Đào Tấn-Thơ và Từ (Nhà Xuất bản Sân khấu, năm 2003) do một người bạn làm ở Nhà Xuất bản này gửi tặng. Đối sánh cuốn Thơ và Từ Đào Tấn của Nhà Xuất bản Văn học 1987 với cuốn này, tôi tá hỏa: Hầu như toàn bộ nội dung cuốn Thơ và Từ Đào Tấn đã được “kính chuyển” sang cuốn Đào Tấn Thơ và Từ sau khi Thơ và Từ Đào Tấn đã ra mắt bạn đọc được 16 năm.
    Giữa hai cuốn chỉ có mấy điều khác biệt. Một là, cuốn Thơ và Từ Đào Tấn (1987) in 24 bài Từ của Đào Tấn, còn cuốn Đào Tấn Thơ và Từ (2003) in 60 bài. Hai là, ngoài những nội dung bê gần như nguyên bản, cuốn Đào Tấn Thơ và Từ còn có thêm lời bạt của Thanh Thảo.
    Và quan trọng khác biệt thứ 3, là cuốn Thơ và Từ Đào Tấn (1987) bao gồm 7 tác giả, thì khi sang cuốn Đào Tấn Thơ và Từ (2003) chỉ còn lại duy nhất một cái tên - đó là Vũ Ngọc Liễn.
    Và ông cũng là người còn sống duy nhất tính từ thời điểm ấy. Người còn sống này đã xóa tên 6 người đã khuất, biến công trình tập thể thành công trình cá nhân.
    Và hiện công trình bị nhiều người gán cho cái tên là “cướp công người chết” này không hiểu bằng cách nào đã lọt vào tới vòng chung khảo của Giải thưởng Nhà nước năm 2011. Nếu họa may mà nó nhận được giải, thì sự kiện cáo tiếp theo và những phiền lụy ắt là điều khó tránh.
    Một vấn đề đáng chú ý, là quy chế Giải thưởng Nhà nước không có điều khoản nào dành cho người sưu tầm. Chỉ có giải dành cho người và tác phẩm ở lĩnh vực sưu tầm và nghiên cứu văn nghệ dân gian.
    Song, cuốn Đào Tấn Thơ và Từ (2003) lại không thuộc lĩnh vực văn nghệ dân gian mà ở lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu văn bản học.
    Chúng tôi liên lạc với nhà nghiên cứu phê bình Ngô Thảo, cựu Giám đốc - Tổng biên tập Nhà Xuất bản Sân khấu, làm việc trong thời kỳ xuất bản cuốn Đào Tấn Thơ và Từ (năm 2003). Ông Ngô Thảo cho biết, đây là lần đầu tiên ông nghe nói Vũ Ngọc Liễn đạo văn.
    Cuốn Đào Tấn Thơ và Từ do Nhà Xuất bản Sân khấu ấn hành 2003 theo đơn đặt hàng của Nhà nước, sách dày 635 trang in, khổ 14,4 X 20,5cm, không có giá bìa.
    Minh Tâm

    ReplyDelete
  14. Em chào chị, cảm ơn chị vì bài viết phía trên.
    Em có vài điều muốn nhờ chị tư vấn dùm cho em.
    Chuyện là vầy, chị cũng biết, bây giờ trên mạng có những trang blog do các bạn trẻ lập ra để chia sẽ những liên kết về sở thích cộng đồng... Mà em là biên tập viên của một trang web nhỏ, có thể nói vô danh, công việc của bọn em khá đơn giản là đi tìm truyện mới, giới thiệu cho mọi người, hoặc là viết vài truyện.
    Mà hôm trước, em có vi vu sang một trang web nước ngoài, thấy có một truyện kia được đăng trên blog của tác giả đó, khá hay, và trong đó có một tình tiết xuyên việt mà em rất thích. Nên em muốn dùng cũng dạng tình tiết đó để viết một truyện mới do mình mới nghỉ ra, nhưng mà có nhiều điểm khác biệt và đơn giản hơn, chỉ là về phần ý tưởng thì khá giống nhau, nhưng em dám đảm bảo nội dung của em viết hoàn toàn khác, như vậy có bị tính là đạo văn không ạ?
    Thật ra trước đó, em định xin phép tác giả, nhưng mà gửi thư rất lâu cũng không có phản hồi, rồi em xem lại thì thấy chủ trang web đã hơn hai năm không có online lại, blog cũng đã đóng bụi rất nhiều.
    Thì bây giờ xin phép chị cho em hỏi, có có được tiếp tục viết truyện hay không, và nếu như trước khi viết, em có dẫn link rõ ràng và giới thiệu đầy đủ ý tưởng của em từ đâu mà có thì em có được phéo không ạ? Mong chị cho em câu trả lời sớm.
    Và nếu nảy giờ có chỗ nào khiến chị không vừa lòng, hy vọng chị đừng giận. Em cảm ơn!

    ReplyDelete
  15. Câu hỏi của em:

    "Thì bây giờ xin phép chị cho em hỏi, có có được tiếp tục viết truyện hay không, và nếu như trước khi viết, em có dẫn link rõ ràng và giới thiệu đầy đủ ý tưởng của em từ đâu mà có thì em có được phéo không ạ? "

    Chị nghĩ, nếu em giới thiệu rõ ràng ý tưởng của em từ đâu tới, em sử dụng chỗ nào và thay đổi chỗ nào, thì như thế là hoàn toàn ổn. Còn nếu em vô tình lỡ sử dụng mà không được phép thì vẫn bị xem là "đạo văn" dù vô tình (do không biết).

    Vậy em nên có thêm lời chú dẫn về bài đã viết, và cố gắng liên hệ lại với tác giả. Nếu không thể thì ghi như vậy. Còn từ nay về sau thì nên có ghi đầy đủ, sẽ không bị xem là đạo văn em ạ.

    ReplyDelete
  16. Chị ơi, em muốn hỏi, em có viết 1 bài báo, nhưng do sơ suất, em trích dẫn nguyên văn nhưng lại k để trong ngoặc kép, nhưng có ghi tên tác giả và năm xuất bản ở đầu dòng thì có sao không ạ?

    ReplyDelete
  17. chị ơi... em tình cờ đọc được truyện edit ( do fan của 1 nhóm nhạc edit truyện của 1 tác giả khác lấy nguyên văn chỉ đổi tên nhân vật của tác giả) bạn có ghi nguồn là của tác giả ... và có nói chỉ edit chứ chưa gặp được tác giả để xin phép vậy có gọi là đạo văn không ạ

    ReplyDelete