Saturday, April 3, 2010

Nhập môn thống kê giáo dục (3): "Việc giảng dạy và học tập thống kê giáo dục học ở đại học"


Tiếp tục loạt bài Nhập môn thống kê giáo dục lần này, tôi xin giới thiệu một phần trích trong bài viết rất dài có tựa đề là "Lý thuyết thống kê với khoa học giáo dục-tâm lý" của GS Dương Thiệu Tống, một nhà giáo, nhà khoa học giáo dục nổi tiếng ở miền Nam, thành danh từ thời Việt Nam Cộng Hòa, người đã trực tiếp tham gia tổ chức kỳ thi "Tú Tài IBM" năm 1974 sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan mà những năm sau này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã áp dụng để cải cách thi cử.

Bài viết này được công bố lần đầu tiên vào năm 1998, 20 năm trước khi GS Dương Thiệu Tống qua đời, trên Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ của ĐHQG-HCM. Hơn 20 năm đã qua, mà đọc lại những gì GS Tống viết vẫn còn rất mới. Nhưng chắc chắn những gì ông viết cũng đã được nung nấu, âm ỉ từ trước đó rất lâu rồi, mà chỉ đến khi VN mở của thì GS Tống mới nói ra được. Đủ biết là giáo dục VN lạc hậu như thế nào so với thế giới!

Ai cũng biết rõ GS Tống là một người rất trăn trở với sự nghiệp giáo dục của đất nước, và cũng đã cố hết sức mình để góp sức vào sự nghiệp đó. Nói đến ông, sẽ có nhiều giảng viên ở ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh còn nhắc đến lớp học Thống kê giáo dục do ông tổ chức tại gia trong một thời gian dài, để tự mình đào tạo ra những người có chút hiểu biết và tư duy thống kê để áp dụng trong giáo dục.

Tôi cũng có một vài kỷ niệm cá nhân với GS Tống. Trước hết là vào giữa năm 1996, khi gần nộp luận án, thầy hướng dẫn của tôi có hỏi tôi xem ở VN có người nào cùng trong ngành giáo dục và có học hàm, học vị để có thể cùng chấm luận án của tôi được không. Để khoa đề cử vào danh sách cho hội đồng xem xét và mời (chưa chắc đã được mời, nhưng danh sách thì cứ đề nghị). Mời như vậy là để công bằng cho nghiên cứu sinh, vì có thể luận án đưa ra những điều có ý nghĩa lớn cho quốc gia của mình, nhưng những giáo sư ở các nước khác sẽ không được thấy cái đóng góp đó.

Người đầu tiên tôi nghĩ đến là GS Dương Thiệu Tống, vì ngành giáo dục của VN lúc ấy cũng chẳng có mấy ai biết về hệ thống giáo dục phương Tây (tư bản) để mà tham gia. Nhưng sau đó thì tôi không thấy thầy tôi hỏi nữa, chắc là do Hội đồng thuộc mấy cái nước tư bản khốn nạn (dù chính nó cho tôi học bổng, một loại viện trợ giáo dục cho VN) nó không muốn cho các nhà khoa học của mình nở mày nở mặt với thiên hạ (!).

Sau khi về, tôi còn được gặp thầy Tống nhiều lần, có một lần ở tại nhà của ông tại đường bây giờ là đường gì tôi quên rồi, nhưng ngày xưa là Trương Minh Giảng (tên này có từ hồi trước 1975 lận! Hình như bây giờ là Lê Văn Sỹ). Nhà trong hẻm sâu lắt léo, bây giờ có đi lại cũng ... bó tay luôn. Lúc ấy ông đang có "seminar tại gia" cho các giảng viên trẻ (so với ông) và ông mời tôi đến để nghe. Vì lần ấy tôi có đang làm đề tài về trắc nghiệm, và muốn mời ông làm phản biện. Ông rất vui, và nói một câu tôi còn nhớ: "Tôi sẵn sàng đọc, và tôi sẽ "phản biện", nhưng mà tôi không "phản" các bạn đâu!".

Lần cuối cùng tôi định gặp ông là khi một GS Mỹ mà tôi quen đã lâu - từ đầu thập niên 1990 - khi trở lại VN năm 2008, muốn đến thăm ông. GS người Mỹ đó lúc đó đang làm việc ở Hà Nội, tôi nhờ hẹn gặp ông để khi xong việc ở Hà Nội thì vào Sài Gòn gặp ông. Khi tôi nhờ người liên lạc thì lúc ấy ông đang rất mệt, phải thở oxy, nhưng lúc ấy vì tuổi đã cao, thỉnh thoảng vẫn mệt như thế, nên không nghĩ ông đã đến lúc nguy kịch. Không ngờ chỉ vài ngày sau là ông mất, và vị GS người Mỹ kia dù đang ở VN, đang chờ bay vào SG để gặp ông, nhưng không còn kịp nữa!

Ai muốn đọc thêm về GS Tống thì có thể đọc bài này trên Tuần Việt Nam, viết khi ông mất. Còn dưới đây là một phần bài viết của ông, có liên quan đến loạt bài về nhập môn thống kê của tôi.

Và trước khi đọc, xin cúi đầu một giây để tưởng nhớ về ông! Một người đúng là đã tận hiến cho giáo dục VN, như tựa bài báo ở trên.

Phần in nghiêng đậm (bold italics) trong bài dưới đây là do tôi thêm vào để nhấn mạnh.
--
Việc giảng dạy và học tập thống kê giáo dục học ở đại học

[...] [B]ản chất của thống kê là toán học, và ngay cả trong số các thầy giáo môn toán học, không phải ai cũng nắm được tất cả những ý nghĩa, ứng dụng và các phân nhánh của lý thuyết thống kê. Nếu các giáo chức thuộc ngành khoa học tự nhiên có thể tìm thấy ở khoa thông kê và phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục những khái niệm quen thuộc và sẵn sàng áp dụng thống kê cho các công trình nghiên cứu giáo dục của mình thì các thầy giáo trong lĩnh vực khoa học xã hội, mặc dù họ có thể ý thức được tầm quan trọng của thống kê, vẫn còn e ngại trước những con số, những công thức rườm rà, tưởng như vượt khỏi khả năng hiểu biết của mình về toán học. Mặc dù vậy, cả hai loại thầy giáo nói trên đều cần phải nghiên cứu, cả hai phải nắm vững một bộ môn mà họ không được chuẩn bị đồng đều như nhau.

Nhưng có lẽ ít có môn học nào chứng tỏ có nhiều mức hiểu biết như khoa thống kê học. Những nhà khoa học trứ danh như Charles Darwin đã từng thú nhận ông đã gặp nhiều khó khăn với khoa thống kê. Một nhà khoa học khác cũng nổi danh không kém và là người anh em họ với Darwin, Sir Francis Galton, một người nổi tiếng thông minh xuất chúng đã có nhiều công lao đem môn thống kê vào việc nghiên cứu tâm lý, cũng phải đưa một số vấn đề toán học cho người khác giải quyết dùm.

Thật ra có nhiều cách hiểu cùng một vấn đề như nhau. Một sinh viên có thể nắm vững các ý tưởng mới mẻ về thống kê ở trình độ của nhà toán học. Sinh viên khác có thể chỉ hiểu các quy tắc tư duy logic và các khái niệm thống kê để hỗ trợ cho việc suy nghĩ, lý luận của mình. Lại có sinh viên khác nữa nắm vững các kỹ thuật tính toán thống kê mà chỉ có ý niệm tối thiểu về ý nghĩa của nó.

Mục đích của việc giảng dạy thống kê giáo dục ở đại học, nói chung, không phải là để đào tạo những chuyên viên với trình độ hiểu biết của nhà toán học, cũng không phải đào luyện những người chỉ biết lý luận thống kê, hay ngược lại, chỉ biết tính toán như cái máy. Ngày nay, khoa Thống kê ứng dụng trong giáo dục và tâm lý đã được phát triển và được giảng dạy có hiệu quả ngang nhau cho Thầy giáo và Sinh viên thộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội.

Mục đích của việc giảng dạy và học tập môn thống kê giáo dục và tâm lý ngày nay nhằm đến những kết quả cụ thể như sau:

1. Nắm vững thuật ngữ Thống kê. Để có thể đọc và hiểu một ngoại ngữ, người học bao giờ cũng phải xây dựng cho mình một số vốn liếng từ ngữ. Đối với người mới học, thống kê có thể xem như một “ngoại ngữ”, nhưng với thời gain học tập, ngoại ngữ nay không còn xa lạ với người học nữa. Từ ngữ của nó bao gồm các khái niệm, được biểu thị bằng các thuật ngữ thống kê, các ký hiệu dùng để thay thế ngôn ngữ. Một phần lớn các thuật ngữ này đều nằm trong toán học, một số khác sẽ dần dần trở thành quen thuộc với người học trong quá trình sử dụng.

2. Tiếp thu và phát triển khả năng tính toán thống kê. Mặc dù mục đích của thống kê không phải là đào tạo những người tính toán như máy, nhất là hiên nay, với sự phát triển các máy điện toán hiện đại, nhưng việc tính toán thống kê cũng rất quan trọng. Đối với nhiều người, sự hiểu biết các khái niệm lại càng thêm chắc chắn, sâu sắc qua việc áp dụng các khái niệm ấy trong tính toán. Do đó, người nghiên cứu càng hiểu thêm ý nghĩa của các khái niệm và ý nghĩa công việc làm của mình. Kỹ năng tính toán thống kê, trong đó bao gồm cả việc áp dụng các công thức và thảo hoạch các bước tính toán cần thiết, càng ngày càng được trau dồi qua việc huấn luyện.

3. Biết giải thích các kết quả thống kê một cách đúng đắn. Các kết quả rút ra được từ các phép tính thống kê chỉ có lợi ích nếu được giải thích đúng đắn. Như vậy, các kết luận rút ra từ các dữ kiện mới mang đầy đủ ý nghĩa của nó. Không biết giải thích các kết quả thống kê người ta sẽ vô cùng bối rối trước những trang dày đặc các kết quả tính toán khi sử dụng các phần mềm thống kê hiện có sẵn trên thị trường, chẳng hạn SPSSPC, SYSTAT, BMDP, SAS, STATISTICA vv. Hiểu sai lầm kết quả các phép tính thống kê cũng dẫn đến những kết luận sai lầm hay vượt qua khỏi phạm vi giải thích mà các kết quả thống kê cho phép. Vì người đọc một bản tường trình nghiên cứu bình thường ít khi có thể giải thích kết quả nghiên cứu đúng như nhà nghiên cứu đã suy nghĩ nên trách nhiệm của người nghiên cứu là phải trình bày thật rõ các kết luận của mình và nêu ra những hạn chế có thể có trong các kết luận. Vì vậy, khả năng giải thích ý nghĩa kết quả của thống kê là điều kiện cần thiết đối với người đọc cũng như người làm các công trình nghiên cứu.

4. Nắm vững Logic của thống kê. Giống như tất cả các địa hạt khác của toán học, thống kê là một hệ thống logic được áp dụng đặc biệt trong việc xử lý các vấn đề khoa học. Nó là một lối tư duy khoa học, một thứ ngôn ngữ chuyên môn. Điều này thật khó giải thích với những người mới bắt đầu học thống kê, nhưng họ có thể nhận thấy đần dần thứ logic ấy khi đề cập đến các vấn đề như: sai số chọn mẫu, thiết lập giả thuyết nghiên cứu(research hypothesis) và giả thuyết bất dị(hay giả thuyết không chệch (null hypothesis), như có nơi thường gọi), các vấn đề tiên đoán (prediction), phân tích các yếu tố ( factor analysis)vv. Người nghiên cứu bắt buộc phái nắm vững các khía cạnh logic của vấn đề nghiên cứu trước khi thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm hay điều tra khảo sát. Vì không hiểu như vậy nên nhiều người nghiên cứu thiếu kinh nghiệm thường chỉ nghĩ đến việc thu thập dữ kiện mà chưa suy nghĩ phân tích kỹ lưỡng vấn đề nghiên cứu. Kết quả là họ không biết những loại dữ kiện nào cần phải thu thập, và khi thu thập được mớ dữ kiện hỗn độn, họ không biết xử lý như thế nào để rút ra kết luận. Công việc thiết kế đồ án nghiên cứu buộc người nghiên cứu phải nắm vững trước hết các khía cạnh logic của vấn đề nghiên cứu, các kỹ thuật thống kê nào thích hợp cần phải sử dụng để giải quyết các vấn đề mình đang muốn tìm hiểu.

5. Biết khi nào nên và không nên áp dụng thống kê. Không phải mọi vấn đề giáo dục hay tâm lý đều có thể giải quyết được bằng thống kê. Tất cả mọi thống kê đều có những giới hạn của chúng.Mọi thống kê (statistic) đều phát xuất từ những ý tưởng thuần túy toán học, như vậy chúng phải dựa trên một số giả định (asumptions). Thì số thống kê ấy mới áp dụng được một cách thích hợp. Chẳng hạn, khi ta dạy cho học viên về các hệ số tương quan, thí dụ: hệ số tương quan Pearson, tương quan phi phết, tương quan nhị phân (biserial), hệ số tương quan tetrachoric v.v., ta cần cho học viên hiểu các giả định đặt ra cho mỗi loại về tính chất của các biến số, hoặc biến số ấy được giả định là phân bố chuẩn(normous), hoặc liên tục(continuous), hoặc phân đôi(dichotomous), hoặc phân ba(trichotomous) vv. Hiểu biết được các giới hạn của việc sử dụng thống kê một cách sai lầm, chỉ có tác dụng thuyết phục những ai chưa biết. Những lỗi thuyết phục như vậy thật là vô cùng tai hại cho việc tìm hiểu khoa học.

[Nói thêm chút: Tôi cho rằng 3 mục tiêu 3, 4, 5 là các mục tiêu quan trọng nhất, đặc biệt đối với những nhà quản lý và lãnh đạo trong ngành giáo dục.

Và liên hệ phần 5 này với những phần tôi đã viết: logic thống kê là một phần của tư duy thống kê, tiếng Anh gọi là statistical reasoning - lập luận thống kê. Tôi sẽ viết về cái này sau, cũng trong loạt bài này.]


6. Hiểu biết các căn bản toán học của thống kê. Mục tiêu thứ năm vừa nói trên đây có thể đạt được tương đối dễ dàng đối với các học viên có căn bản toán học khá vững. Nhưng điều kiện này không nhất thiết đòi hỏi ở mọi học viên, nhất là học viên thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Các sách thống kê ứng dụng trong giáo dục và tâm lý, được xuất bản và sử dụng làm sách giáo khoa trong vòng một thế kỷ nay, đã được soạn thảo để làm sao cho mọi học viên đều có thể học mà chỉ cần đòi hỏi ở họ một số kiến thức cơ bản về đại số học. Đó không phải là những cuốn sách dạy học viên về kỹ năng tính toán thống kê hay áp dụng các công thức một cách máy móc, mà trái lại, kinh nghiệm trong việc sử dụng các sách ấy, kèm theo với phương pháp giảng dạy thích hợp, cho thấy rằng các học viên, kể cả học viên ngành khoa học xã hội, đều có thể sử dụng thống kê một cách có ý thức, nắm vững được các tương quan toán học làm cơ sở cho thống kê mà không cần có trình độ cao cấp về các phép tính ma trận, hình học giải tích hay tích phân.

Tuy nhiên, đối với các học viên có căn bản toán hay những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về căn bản toán học của thống kê thì việc chứng minh các công thức cũng có thể giúp họ hiểu thấu đáo ý nghĩa của các phép tính, lý do vì sao chúng được sử dụng, và có lẽ nhờ đó mà dễ nhớ hơn công thức thích hợp để áp dụng khi cần.

Vì vậy, một số sách thống kê giáo dục, nhưng không phải tất cả, thường có riêng phần phụ đính đề cập đến các cơ sở toán học của thống kê, dành riêng cho loại độc giả này.

[Lại nói thêm: GS Tống nói đoạn số 6 này thật trúng ý tôi! Đó, các bạn (dốt toán giống tôi, suỵt, nói nho nhỏ thôi) thấy không, đâu có cần giỏi toán mới dùng được thống kê giáo dục? Mà, cái này nói lén à nhen, có nhiều người giỏi toán nhưng chỉ như cái máy giải toán thôi, chứ chắc gì đã có tư duy thống kê, phải hôn các bạn?]
-----
Dương Thiệu Tống (2005). Thống kê ứng dụng trong nghiên cứu khoa học giáo dục (trang 139-167). NXB Khoa học xã hội. In tại TP. Hồ Chí Minh.

3 comments:

  1. Cứ thế, cứ thế là sẽ tốt. Đừng vọng ngoại, cứ lấy sách nước nhà mà học là sẽ tốt. :P

    Nhìn cụ Tống như nhìn một bậc Thánh chị nhỉ?

    VN mình không biết dùng người, nên không tập hợp được trí tuệ của xã hội. Đó là hậu quả của lịch sử dân tộc và tư duy nô dịch làm nên.

    Bây giờ thế hệ có học biết dùng người đúng chỗ thì khg đến nỗi thua tụi Tây đâu.

    Khà khà.

    ReplyDelete
  2. Bác Hải à,

    Bác nói "đừng vọng ngoại" làm cho tôi ... giật mình thon thót (y như là bác giật mình lúc tôi nói về đạo văn vậy, hì hì).

    Tôi phải được quyền tuyên bố trước nhe: tôi rất rất rất không vọng ngoại nghe bác! Chỉ có điều, tài liệu tìm được trên mạng thì tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt; tài liệu của các trường, phù hợp cho giảng dạy thì VN lại càng ít hơn; và nếu muốn tìm ra cái gì mới mới, cái gì lạ lạ, cái gì ... duy lý, vv thì gần như chỉ có thể tìm bằng tiếng Anh!

    Chưa kể, do tôi học mấy cái này bằng tiếng Anh nên đọc bằng tiếng Anh dễ hơn. Rồi tìm lại bằng tiếng Việt sau, để dùng đúng thuật ngữ.

    Nhưng bao giờ tôi cũng tôn trọng các trí thức VN chân chính, bác Hải ạ. Như cụ Tống chẳng hạn. Và mọi cái tôi học được từ nước ngoài đều cố gắng áp dụng cho VN.

    Và hoàn toàn đồng ý với bác ở 2 câu cuối trong còm của bác. Đặc biệt là câu này:

    VN mình không biết dùng người, nên không tập hợp được trí tuệ của xã hội.

    ReplyDelete
  3. Rất cám ơn Cô vì những thông tin hữu ích.

    ReplyDelete