Wednesday, April 14, 2010

Bạo lực học đường, nhìn từ nhiều phía

Bài viết này của tôi đã được biên tập ngắn gọn lại và đăng trên báo Pháp Luật TP HCM ngày 14/4/2010 với tựa đề "Không thể dạy đạo đức bằng lời nói dối". Ở đây.

Dưới đây là bài nguyên văn chưa biên tập, xin gửi mọi người đọc và cho ý kiến. Tôi có so sánh và thấy bài báo đã được biên tập rất tốt: ngắn gọn (vì bài viết của tôi hơi dài hơn quy định), và ôn hòa, khách quan hơn. Bài tôi viết luôn có chút gì chủ quan, cảm tính - không tránh được vì đó là dấu ấn của dân học các ngành nhân văn. Nhưng những phần viết về ngành giáo dục theo cảm nhận của tôi đã bị cắt thì tôi hơi tiếc, vì thực sự đó là thông điệp tôi muốn gửi đến các vị có trách nhiệm.

Enjoy!

---
BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG, NHÌN TỪ NHIỀU PHÍA

Nạn bạo lực học đường đang nổi lên như một vấn nạn mới của giáo dục Việt Nam, và đang làm dư luận hết sức quan tâm. Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trên các báo chí nhằm tìm biện pháp ngăn chặn sự lan tràn của hiện tượng này. Liệu nhà trường có nên kỷ luật thật nặng, ví dụ như đuổi học, các học sinh đánh bạn? Hay nên xem các em là nạn nhân của một xã hội tha hóa, chịu ảnh hưởng của truyền thông bạo lực, bị gia đình bỏ bê, vì thế cần tăng cường giáo dục nhân cách cho các em? Nếu cần tăng cường giáo dục nhân cách thì ai sẽ làm việc ấy? Gia đình, nhà trường, hay các tổ chức chính trị-xã hội - đoàn thanh niên, đội thiếu niên tiền phong, hội phụ nữ, tổ dân phố, và cả ngành công an nữa, cần vào cuộc? Có vẻ như tất cả những câu hỏi trên cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát.

Điểm qua các bài viết trên báo chí gần đây, có thể thấy khi nói đến bạo lực học đường, người ta thường nhắc đến những nguyên nhân sau:

(1) ảnh hưởng của truyền thông xấu (phim ảnh, games, thông tin xấu trên Internet);
(2) bạo lực từ môi trường sống xung quanh, đặc biệt là từ gia đình và bạn bè;
(3) sự bỏ bê, thiếu trách nhiệm của gia đình, và sự thiếu sót, hoặc bất lực của nhà trường trong việc giáo dục nhân cách cho các em;
(4) sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Mỗi người từ chỗ đứng, góc nhìn, kinh nghiệm và quan điểm của riêng mình sẽ thiên về việc xác định nguyên nhân chính là ở đâu trong những nguyên nhân đã nêu, từ đó đưa ra một cách hành xử mà họ cho là đúng. Chính điều này đã dẫn đến những tranh cãi về trách nhiệm của các bên có liên quan.

Thực ra, giải pháp đúng đắn cho vấn đề bạo lực học đường chỉ có thể tìm được trên cơ sở nhìn nhận đúng vai trò của tất cả các bên liên quan đã nêu. Theo tôi, vấn nạn bạo lực học đường cần phải được xét dưới mọi góc độ từ cá nhân, gia đình, nhà trường, và xã hội.

Cá nhân phải được giáo dục để chịu trách nhiệm về hành vi của mình

Một phát hiện mà tôi cho rất quan trọng trong việc đi tìm giải pháp cho vấn nạn bạo lực học đường là sự thiếu quan tâm đến trách nhiệm cá nhân của những học sinh sử dụng bạo lực. Trong các bài viết về bạo lực học đường trong thời gian gần đây, tôi đặc biệt chú ý đến bài của BS Hồ Hải, khi ông đưa ra khía cạnh tâm lý học lứa tuổi của nạn bạo lực học đường. Đây là một cái nhìn sắc sảo vì nó chỉ ra nguyên nhân căn bản của nạn bạo lực, đó là bản tính hiếu động tự nhiên của các em, hay nói cách khác, là bản năng động vật của con người.

Trên khắp thế giới, nạn bạo lực học đường đều hiện hữu ở các mức độ khác nhau và dưới các hình thức khác nhau. Sử dụng vũ lực để giải quyết mọi vấn đề là cách hành xử của mọi động vật, trong đó gồm cả con người. Nhưng xã hội càng văn minh thì con người càng tránh dùng bạo lực để giải quyết xung đột. Xử sự văn minh, không sử dụng vũ lực không phải là thuộc tính tự nhiên, mà là một tập tính (learned habit). Và con người với tư cách là thành viên của một cộng đồng học được cách ứng xử phù hợp với cộng đồng thông qua những dấu hiệu tán đồng (khen, thưởng) hoặc không tán đồng (tẩy chay, phê phán, xử phạt) từ cộng đồng ấy.

Như vậy, khi đi tìm giải pháp cho vấn đề bạo lực học đường thì rõ ràng không thể bỏ qua vai trò và trách nhiệm của cá nhân có hành vi bạo lực, dù đó là chỉ một đứa trẻ vị thành niên. Vẫn biết việc thay đổi từ bản tính tự nhiên để trở thành một con người “có giáo dục” là một quá trình lâu dài. Nhưng làm sao các em có thể trở thay đổi được nếu xu hướng dùng bạo lực của các em không được uốn nắn dần dần ngay từ những hành vi đầu tiên?

Vì vậy, dù ở tuổi vị thành niên các em chưa phải chịu trách nhiệm trước xã hội về mọi hành vi của mình, nhưng nếu trong suốt giai đoạn hình thành nhân cách mọi lỗi lầm của các em không được uốn nắn mà mọi trách nhiệm đều đổ cho gia đình và học đường thì liệu ta có thể tin rằng các em đó sẽ trở thành những cá nhân có trách nhiệm về những hành vi của mình trước cộng đồng hay không? Hay chính ta đang dạy cho các em thói quen đổ lỗi cho người khác về những sai trái cũng như mọi thất bại của mình?

Gia đình, nhà trường và xã hội với việc hình thành nhân cách học sinh


Mặc dù ở trên tôi đã nói rằng chính cá nhân các em phải được giáo dục để chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ có các em là có lỗi. Hoàn toàn ngược lại: tính cách của con người, tức nhân cách, là sự phản ánh trung thực nhất các giá trị của cộng đồng. Ở đây, tôi muốn làm rõ vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc hình thành tính cách của học sinh. Tất nhiên, cộng đồng đầu tiên của một cá nhân khi tham gia vào xã hội loài người là gia đình, và những giá trị đầu tiên của cộng đồng được vun đắp từ đó. Nhưng đó chỉ là giai đoạn ấu thơ, sau đó mỗi cá nhân sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị để bước vào đời. Vì thế, theo tôi, thời gian học trong nhà trường phổ thông – từ lớp 1 đến hết lớp 12 – là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành tính cách và vun đắp các giá trị cho từng cá nhân để có thể bước vào đời như những con người trưởng thành và sẵn sàng chịu trách nhiệm xã hội.

Nói như thế, phải chăng nhà trường phải chịu toàn bộ trách nhiệm nạn bạo lực học đường hiện nay? Điều này đúng và không đúng. Đúng, vì vai trò quan trọng nhất của giáo dục phổ thông không phải là dạy chữ, mà là dạy người. Tất nhiên để trở thành một con người vận hành được trong xã hội hiện đại, học sinh cần được trang bị rất nhiều kiến thức. Nhưng giáo dục làm người vẫn phải là mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục phổ thông. Mặc dù việc sử dụng vũ lực để giải quyết những bất đồng chỉ là một bản tính tự nhiên của con người, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên, nhưng để bạo lực hoành hành trong nhà trường vẫn là một chỉ báo rõ ràng về một nền giáo dục chưa thành công trong mục tiêu cơ bản nhất của nó là dạy người.

Nhưng không thể chỉ có ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm. Suy cho cùng, ngành giáo dục cũng là một ngành dịch vụ, cho dù đó là dịch vụ công, phục vụ công ích. Và "nhiệm vụ chính trị" của ngành dịch vụ này là tạo ra những con người với những giá trị mà xã hội đó mong muốn. Một xã hội quay cuồng chụp giựt những lợi ích riêng tư bất chấp sự thiệt hại đối với cộng đồng, nơi những tấm gương “thành đạt” được đo bằng giá trị vật chất mà một người đạt được, không phải do những phẩm chất cao quý như trung thực, hy sinh, hay do những năng lực đặc biệt hoặc nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, mà do sự ma lanh, giả dối, cơ hội, bất lương, hoặc lưu manh, côn đồ, bạo lực … – sẽ không đủ sức tạo ra những nhà trường tốt, nơi các giáo viên là những hình tượng mẫu mực để học sinh noi theo.

Chưa kể, với cách đối xử hiện nay, giáo viên có đồng lương không đủ sống, và nhà trường giống như những nhân viên hành chính cấp thấp, nơi đó học sinh chỉ là đối tượng vô hồn để thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu của ngành. Thì như thế, thử hỏi học sinh làm sao có thể nhìn thầy cô như những gương sáng cho các em ngưỡng mộ và bắt chước một cách tự nguyện?

Khi đó, dù cho có những bài giảng về đạo đức, hay những uốn nắn, rèn luyện nhân cách hàng ngày đối với học sinh, thì tất cả cũng đều vô nghĩa, chỉ là những lời sáo rỗng, hay thậm chí những lời nói dối, khi các giá trị đạo đức tự thân nó không có ý nghĩa gì trong xã hội.

Một xã hội vô tình khuyến khích bạo lực, mạnh được yếu thua, làm sao có thể tạo ra được những con người “có giáo dục” theo nghĩa những con người hành xử văn minh, biết giải quyết các bất đồng bằng những cách khác hơn là nắm đấm.
---

6 comments:

  1. Bây giờ mới đọc bài này. Tớ đồng ý với dạy cho trẻ biết chịu trách nhiệm với việc mình làm. Hãy giao cho trẻ trách nhiệm thì trẻ sẽ khó có hành động vô thức của mình.

    Thường cha mẹ hay xem con mình còn nhỏ dù đã bạc đầu. Đó là 1 quan niệm sai lầm, Vì khi trẻ đã đến tuổi dậy thì thì tư duy trẻ đã bắt đầu trưởng thành. Nếu biết trao trách nhiệm cho trẻ lúc này thì trẻ sẽ tốt, dĩ nhiên dưới sự uốn nắn và quan tâm của người lớn.

    ReplyDelete
  2. Bác Hải,
    Cám ơn nhận xét của bác. Bác biết không, bài này tôi viết vì ... cảm hứng từ bài viết của bác trên báo Pháp Luật đấy!

    Vì thế, khi nhận nhuận bút thì tôi mời bác đi uống cafe nhé? (Tôi không biết nhậu quán cóc, bác ạ!) ;-)

    PA

    ReplyDelete
  3. Chị đã nhận nhuận bút của báo Tia Sáng ngày 05/4/2010 chưa?

    Cafe thì lúc nào? Trưa mai ở ĐHQG à? Hờ hờ, 12h30 trưa mai tớ sẽ có mặt sớm để ngồi đọc cho xong trước khi họp.

    ReplyDelete
  4. Anh Hải thân,

    Tôi chưa có nhuận bút của Tia Sáng lần này anh ạ.

    Tôi viết lách ít khi quan tâm đến nhuận bút lắm và dường như ít khi được trả, cũng không đòi.

    Nhưng như thế là tạo cho người khác thói quen không sòng phẳng, phải không anh? Nhuận bút ít cũng được, nhưng phải có, mà không có thì cũng phải nói rõ!

    Tôi sẽ hỏi vậy. Hẹn gặp anh buổi trưa tại ĐHQG!

    PA

    ReplyDelete
  5. Chào cô
    Con có một ý nhỏ muốn hỏi rõ thêm (ở đây chỉ bàn đến chuyện thầy đánh trò).
    Ngày nay người ta hay nói đến chuyện đạo đức học đường xuống cấp trầm trọng. Vậy ngày xưa (trước 1975 hoặc thời bao cấp chẳng hạn), mọi chuyện phải chăng tốt đẹp hơn? Nếu đúng như vậy thật, thì điều gì đã xảy ra? Phải chăng ngày xưa môi trường sống tốt hơn? Việc chương trình giáo dục đạo đức giáo điều, hình như không phải bây giờ mới xảy ra?
    Chuyện giáo viên đánh học sinh (và bày ra đủ hình phạt phải nói là "dã man") hình như cũng khá phổ biến ở thời kì trước (đó là em nghe người lớn kể lại, nhờ cô xác nhận hộ). Có ai đó sẽ nói ngày xưa giáo viên đánh theo kiểu "thương cho roi cho vọt", còn bây giờ thì không. Tuy nhiên, em nghĩ thời nào cũng sẽ có người vầy người khác. Khác biệt phải chăng nằm ở chỗ, ngày xưa học sinh chưa có phương tiện để ghi hình lại và post lên youtube, còn bây giờ thì có cả một lô báo mạng chực chờ tin sốt dẻo để post lên câu khách? Hoặc giả, phải chăng ngày nay tiêu chuẩn của xã hội cũng khác, nên việc đánh học sinh được nhìn nhận một cách khắt khe hơn?
    Khách quan nhìn nhận (điều này cũng tương đối khó), thì cô thấy giữa lúc trước và bây giờ có những khác biệt cơ bản nào?

    SGK

    ReplyDelete
  6. Hi SGK,
    Chà, bạn đưa chủ đề này thật thú vị.

    Tôi đang bận quá nên chưa có thời gian để suy nghĩ cho thấu đáo thêm, chỉ có vội 2 ý như thế này:

    1. Thời xưa đúng là việc đánh học trò xảy ra có lẽ còn thường xuyên hơn bây giờ, và xã hội chấp nhận nó như một phần của việc dạy dỗ trẻ con. Hồi tiểu học, tôi học với một ông thầy nổi tiếng nghiêm khắc, nhưng đánh học trò không bị cha mẹ than phiền mà ngược lại cha mẹ có người còn đến nói với thầy, nhờ thầy cứ trừng phạt, daỵ dỗ dùm nếu con hư! Chính tôi cũng đã từng bị thầy kẻ thước kẻ trên tay do không thuộc bài, tím lịm cả bàn tay không cầm viết nổi. Nhưng chỉ thấy sợ mà không thấy oán trách, vì lúc ấy mọi người thấy việc ấy là bình thường.

    2. Khác biệt giữa xưa và nay, cơ bản nằm ở chỗ này: người thầy được tôn trọng hơn, có thể nói là toàn quyền dạy dỗ học sinh theo quan điểm và phương pháp (có khi đúng có khi sai) của mình. Và nhìn chung, các thầy cô cũng khá có trách nhiệm, vì hình như mặc dù được kính trọng, nhưng nếu thầy cô giáo dục trẻ em không thành công thì cha mẹ có đầy đủ quyền chuyển con mình đến nơi khác học, tức sự lựa chọn của khách hàng không bị khống chế. Nói trong một câu ngắn gọn: nhà nước ít can thiệp hơn, xã hội dân sự mạnh hơn. Và chỉ cần thế thôi, thì mọi việc dường như ổn hơn, bạn ạ! Ít ra, đó là quan điểm của tôi.

    Mong nhận được những trao đổi thú vị khác của bạn nhé!

    Thân mến

    ReplyDelete