Thursday, March 11, 2010

Được lòng dân thì mất lòng quan?

Đó là cái tựa khá gây shock của một bài viết trên trang Đại biểu nhân dân của Vietnamnet, ở đây. Đây là bài viết về đại biểu Lê Quang Bình, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh khóa 10.

Đọc vào bài, mới biết câu phát biểu gây shock kia chính là phát biểu của nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An mà đại biểu Lê Quang Bình cũng có nhắc lại trong bài viết. Theo tôi, đây là một bài viết rất đáng đọc, về một vấn đề rất đáng quan tâm: vai trò của Quốc hội trong thể chế của Việt Nam hiện nay.

Dưới đây là một số phát biểu mà tôi quan tâm, với những bình luận:
Tâm tư mình muốn làm cho tốt nhưng nhiều lúc không dễ. QH là cơ quan quyền lực cao nhất, luật của chúng ta nói thế. Nhưng làm cho đúng luật khó lắm.

Phát biểu này làm cho tôi ... giật thót! Vì, nếu làm cho đúng luật mà khó, thì làm trái luật sẽ ... dễ? Trời, thế này thì nguy hiểm thật! Trong khi suốt bao lâu nay tôi đã nghe nhắc đến việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, đưa luật vào cuộc sống, rồi sống và làm việc theo pháp luật. Chẳng lẽ cho đến nay mọi việc vẫn chưa đến đâu sao?

Nhưng tại sao lại khó? Xin đọc dưới đây:
Luật của ta quy định QH là cơ quan quyền lực cao nhất, với rất nhiều nhiệm vụ cũng là quyền: làm và sửa Hiến pháp, luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cả đối nội và đối ngoại; giám sát tối cao toàn bộ bộ máy nhà nước. Thế nhưng, thực tế, từng công việc cụ thể thế nào lại không rõ.

Như ở lĩnh vực quốc phòng – an ninh, từ Hiến pháp đến luật đều nêu chung chung. Cái cụ thể, có khi Đảng ra nghị quyết, có khi luật không quy định cụ thể, giao Chính phủ quy định, thế nhưng quy định thế nào Ủy ban không được biết.

Đi làm nhiệm vụ giám sát, nhưng soi vào luật, luật chung chung, còn quy định cụ thể mình lại không được biết, thì thử hỏi, giám sát thế nào?

Thì ra nguyên nhân là ở chỗ này. Điều này có phải là do thể chế chính trị của ta chưa làm theo nguyên tắc mà các thể chế của đa số các nước trên thế giới tuân theo, đó là "tam quyền phân lập" chăng?

Bỗng dưng tôi nghĩ đến phát biểu của PTT, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong hội nghị ngày 6/3 gần đây. Phát biểu ấy ở đây. Xin trích dẫn phần có liên quan dưới đây:
Qua phân tích, chúng tôi xác định nguyên nhân chính của hiện tượng "những gì muốn thay đổi mà không thay đổi" là bởi chưa nhận thức đúng quy luật và hành động chưa đúng quy luật. Nếu nhận thức đúng quy luật, đánh giá đúng thực tiễn, hành động đúng quy luật thì chắc chắn sẽ có chuyển.


Và tự hỏi, quy luật hoạt động nào sẽ phù hợp với tình hình cụ thể của VN hiện nay, không chỉ trong ngành giáo dục, mà còn trong tất cả các lãnh vực của đời sống nữa. Để có thể thúc đẩy sự phát triển của đất nước, và tránh được tình trạng "được lòng dân thì mất lòng quan" giống như tựa của bài viết đã nêu?

Đây chắc chắn là một câu hỏi lớn, có lẽ không chỉ đối với tôi. Hy vọng là câu hỏi này có lời đáp!

No comments:

Post a Comment