Saturday, December 20, 2008

Tin về Hội thảo Đổi mới tuyển sinh đại học - cao đẳng tại VN: 4

GIÁO DỤC
Tuyển sinh ĐH-CĐ: Giải pháp nào cho hậu “3 chung”?
http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2008/12/175747/

Thứ bảy, 20/12/2008, 03:54 (GMT+7)
“Phải bỏ thi tuyển “3 chung” thay bằng hình thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT” là nội dung nóng bỏng được nhiều đại biểu đồng tình và đưa ra tranh luận sôi nổi tại hội thảo “Đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ” được tổ chức tại ĐH Quốc gia TPHCM ngày 19-12.

Bao giờ hết “3 chung”

Xung quanh vấn đề chấm dứt hình thức thi tuyển sinh “3 chung” vào năm 2010, nhiều đại biểu tỏ ra không tin tưởng vào những thông báo của Bộ GD-ĐT. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thẳng thắn cho rằng: Bản thân bộ cũng đang mâu thuẫn với chính mình trong việc xác định có hay không tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp (TN) THPT quốc gia và dùng kết quả đó để xét tuyển vào ĐH-CĐ. Bây giờ không ai dám chắc thông báo đó có tiếp tục dời sang những năm kế tiếp hay không.

Thực tế cho thấy, tình trạng thay đổi kế hoạch liên tục trước và sau mỗi kỳ thi tuyển sinh là điều mà thời gian qua xã hội lẫn các trường rất bức xúc. PGS-TS Nguyễn Chí Hòa, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường ĐH KHXH-NV (ĐH QG Hà Nội) đặt nghi vấn: “Cho đến thời điểm này, dù trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng về đổi mới, cải tiến tuyển sinh nhưng các trường vẫn chưa thấy được sáng kiến nào của bộ. Có chăng chỉ là những sáng kiến, ý tưởng chưa đâu vào đâu đã vội vàng thông báo... rồi rút lại. Các trường và học sinh không thể đoán trước được sẽ học và thi kiểu gì? Trong khi đó, Trung tâm Khảo thí - Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT ra đời đã 5 năm rồi nhưng vẫn chưa thấy có một đóng góp gì cho đổi mới công tác tuyển sinh”.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhấn mạnh, từ năm 2002 đến nay bộ ôm đồm hết nên các trường hoàn toàn bị động, không thể tự chủ được trong tuyển sinh. Do đó, kiến nghị “nên để các trường tự chủ trong tuyển sinh, bộ chỉ lo quản lý, theo dõi, đánh giá”, đã được nhiều đại biểu đồng tình.

Hiện nay các trường đều đã lên phương án cho công tác tuyển sinh hậu “3 chung” và sẽ gửi kiến nghị trình Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, điều mà nhiều đại biểu quan tâm là khi nào bộ sẽ chính thức công khai, minh bạch lộ trình bỏ thi “3 chung” cũng như các quy định, chính sách đổi mới để các trường mạnh dạn xét tuyển, tránh tình trạng cứ tới mỗi mùa tuyển sinh lại phải đối phó với bao rối rắm.

Xét tuyển có tối ưu?

Vấn đề quan tâm tại hội thảo là “nên có một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển hay vẫn tổ chức thi tuyển sinh ĐH-CĐ bằng nhiều hình thức khác nhau”.

GS-TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, nêu rõ: đến năm 2009, nền giáo dục nước ta sẽ hội nhập sâu với thế giới và nhiều trường quốc tế sẽ có mặt tại VN. Nếu không bỏ “3 chung” thì chúng ta sẽ tụt hậu và tự thua ngay trên sân nhà. Do đó, phương án xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT là hợp lý. Tuy nhiên, cũng có đại biểu quan ngại, các trường công lập hay các trường có chất lượng cũng thận trọng hơn khi cho rằng nếu làm không tốt thì chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc sẽ có nhiều tiêu cực. Thậm chí không loại trừ tình trạng “gửi gắm”.

Nói về phương pháp xét tuyển, TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng ĐHQG TPHCM, thận trọng: Do các trường và các ngành đào tạo có mục tiêu, yêu cầu khác nhau nên không thể có một phương án tuyển sinh chung cho tất cả TS. Nên chăng phải có phân biệt giữa các nhóm trường, nhóm ngành khác nhau. Đối với các trường hoặc ngành không đặc thù, không có tính cạnh tranh cao, không sử dụng kinh phí nhà nước, nên sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. Ngược lại, đối với các trường, ngành đặc thù, có tính cạnh tranh cao, có sự đầu tư đặc biệt của nhà nước, ngoài sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT, cần có một kỳ thi khác do các trường tự ra đề.

Thanh Hùng

No comments:

Post a Comment