Sunday, December 21, 2008

Hội thảo Đổi mới tuyển sinh đại học cao đẳng: 11

Hội thảo khoa học “Đổi mới tuyển sinh Đại học và Cao đẳng tại Việt Nam”
Thứ bảy, 20/12/2008 08 giờ 54 GMT+7
Báo điện tử Cần Thơ

Ngày 19-12, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới tuyển sinh Đại học và Cao đẳng tại Việt Nam”, với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về giáo dục đại học ở Việt Nam.

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp cho rằng: tuyển sinh đại học là một khâu quan trọng trong hoạt động giáo dục của nhiều nước trên thế giới, vì nó tác động đến giới trẻ, là cái cổng dẫn đến con đường lập thân của giới trẻ, góp phần quyết định sự thành đạt trong tương lai của họ... Với Việt Nam, khi giáo dục đại học đang có xu hướng đại chúng hóa, tuyển sinh đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội.

Hội thảo đã nêu các kinh nghiệm về tuyển sinh ĐH, CĐ ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển như: Hoa Kỳ, Nga, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,.. nhằm đưa ra những giải pháp khả thi cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ ở Việt Nam. TS Lê Minh Thảo đã dẫn chứng về các mô hình tuyển sinh ĐH, CĐ như: ở Hà Lan, các trường ĐH không tổ chức thi tuyển sinh mà chỉ xét tuyển để chọn ra những học sinh xuất sắc nhất dựa vào kết quả học tập của học sinh ở bậc THPT; ở Hàn Quốc, việc tuyển sinh đại học dựa vào kỳ thi tuyển sinh ĐH chung cho toàn quốc (60%) kết hợp với việc xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT hoặc thi tự luận, phỏng vấn và thực hành theo nhu cầu của từng trường (40%); ở Nhật Bản, kỳ thi ĐH được tổ chức trên toàn quốc theo phương pháp thi trắc nghiệm (tùy theo trường ĐH mà thí sinh dự thi những môn xác định)...

Về cách xét tuyển ĐH ở Hoa Kỳ, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho biết: Các trường ĐH Hoa kỳ xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở THPT và kết quả trong kỳ thi SAT hoặc ACT. SAT và ACT là những kỳ thi được xem là dịch vụ đánh giá kết quả học sinh phục vụ tuyển sinh ĐH. GS Thiệp cũng cho biết: Riêng ở Nga, từ năm 2000 đã tiến hành tổ chức một Kỳ thi quốc gia duy nhất ở bậc cuối phổ thông để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH. Các trường ĐH hàng đầu ở Nga có thể lấy những thí sinh đạt từ 95-100 điểm kỳ thi quốc gia và tổ chức thêm một kỳ thi bổ sung để lựa chọn các ứng viên xuất sắc nhất...

Từ những kinh nghiệm thực tế của các nước, các đại biểu đã nêu lên nhiều kiến nghị, góp ý cho việc đổi mới công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tại Việt Nam. Trong đó thống nhất với giải pháp tổ chức một kỳ thi quốc gia sau THPT và sử dụng kết quả này là căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ và THCN. Tổ chức một kỳ thi duy nhất ở cuối bậc THPT là một chủ trương đúng đắn. TS Lê Khắc Cường thừa nhận rằng: xét tuyển đại học căn cứ vào kết quả học tập và kết quả thi tốt nghiệp THPT là hợp lý. Bởi nó vừa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, vừa tăng cường tính liên thông, liên tục giữa các bậc học trong quá trình giáo dục...

HỮU DUYÊN (TTXVN

No comments:

Post a Comment