Bài viết này của Philip Altbach tôi đã dịch và gửi cho Tia Sáng cách đây ít lâu. Nay lên trang mạng của báo Tia Sáng để đọc bài, thấy đã được đăng lên. Nên đăng lại lên đây cho mọi người đọc đỡ buồn, vì lâu nay tôi bận quá chẳng viết được bài nào hết, "blog bliếc" vắng tanh, buồn hiu hắt. Thì ... lâu lâu cũng hết vốn, và hết sức nữa, nên cần nghỉ chút vậy mà!
Các bạn đọc bài này đỡ buồn nhé. Bản trên Tia Sáng có thể tìm thấy tại đây.
-----
Kết quả xếp hạng năm 2010 của ĐH Giao thông Thượng Hải được công bố ngày 15/8/2010 cho thấy sự tiến bộ đáng kinh ngạc của giáo dục đại học của Trung Quốc. Chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên kể từ bảng xếp hạng này ra đời vào năm 2003, số lượng trường đại học Trung Quốc trong danh sách 500 vị trí đầu bảng đã tăng từ 16 lên 34 trường, trong đó có hai trường lần đầu tiên lọt vào danh sách 200 trường tốt nhất thế giới là ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa(1).
Phải chăng giáo dục đại học Trung Quốc đã có thể sánh vai với các trường đại học phương Tây? Trong bài viết ngắn của mình đăng trên tờ Inside Higher Education vào tháng 10 vừa qua, GS Philip Altbach, nhà nghiên cứu giáo dục quốc tế hàng đầu thế giới, đã cho thấy bức tranh giáo dục đại học của nước này không chỉ có những gam màu sáng. Vẫn còn khá nhiều vấn đề đang gây trở ngại sự phát triển nền đại học của Trung Quốc mà Việt Nam có thể học hỏi để tránh trong quá trình phát triển các đại học của mình.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến các độc giả.
Số liệu thống kê gần đây liên quan đến việc sinh viên Trung Quốc ồ ạt đi học ở nước ngoài cùng quan điểm của Trung Quốc về vấn đề chuyển dịch dân cư đã đặt ra những câu hỏi thú vị liên quan đến nền giáo dục đại học của Trung Quốc cả hiện tại cũng như tương lai, đặc biệt là ở trình độ ưu tú. Những con số kỷ lục sinh viên Trung Quốc tiếp tục đi học ở nước ngoài – trong đó có đến 270.000 người tự trang trải học phí và (chỉ) có khoảng 25 phần trăm trở về lại Trung Quốc, một điều thật đáng ngạc nhiên trong bối cảnh nền kinh tế của phương Tây đang suy thoái còn kinh tế Trung Quốc thì lại đang phát triển nhanh chóng (số liệu lấy từ báo cáo của Willy Lam thuộc Jamestown Foundation).
Gần 100.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ. Đồng thời, Trung Quốc cũng thu hút 240.000 sinh viên quốc tế đếm học, một con số tương đương với số sinh viên Trung Quốc đi học ở nước ngoài. Hầu hết sinh viên quốc tế tại Trung Quốc đến từ châu Á, nhưng ngày càng có nhiều sinh viên đến từ các nước phương Tây, trong đó có 18.000 sinh viên Hoa Kỳ. Hiện không có thông tin về tỷ lệ các sinh viên theo học một chương đại học so với những sinh viên chỉ đến Trung Quốc một học kỳ hoặc một năm hoặc không học. Để khuyến khích thêm sinh viên đến học, Chính phủ Trung Quốc đã thông báo sẽ cung cấp 20.000 suất học bổng cho sinh viên quốc tế. Trung Quốc đang ngày càng trở nên quan trọng không chỉ trong việc gửi sinh viên ra nước ngoài – thực tế là nếu hai đại gia Trung Quốc và Ấn Độ giảm số sinh viên đi học nước ngoài của mình thì bộ phận giáo dục quốc tế tại hầu hết các nước xuất khẩu giáo dục lớn hiện nay hẳn sẽ rơi vào khủng hoảng; Trung Quốc còn đang trở thành một địa chỉ quan trọng để tiếp nhận sinh viên từ nước ngoài đến học nữa.
Ngoài số sinh viên đi du học, Willy Lam còn lưu ý rằng nhiều doanh nhân và các chuyên gia Trung Quốc cũng muốn theo đuổi sự nghiệp ở nước ngoài; ông khẳng định rằng họ thích môi trường minh bạch và ít yếu tố bất ngờ của môi trường xã hội mà họ tìm thấy bên ngoài Trung Quốc.
Điều này nói lên điều gì về giáo dục đại học của đất nước này? Nó cho thấy rằng mặc dù các đại học hàng đầu của Trung Quốc đã được đầu tư lớn và có sự cải thiện chất lượng rõ ràng, nhưng việc xây dựng nên một môi trường học tập nơi có thể giữ lại những sinh viên "tốt nhất và sáng chói nhất" cũng như thu hút trở lại những sinh viên đã đi du học vẫn có nhiều khó khăn. Tiền lương thấp, phải nói là mức lương thuộc hàng thấp nhất thế giới, những vấn đề liên quan đến việc tiếp cận thông tin, "giao phối cận huyết" (tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp của chính mình), những nghi ngại liên quan đến tự do học thuật ở một số lĩnh vực, và rất nhiều quan hệ cá nhân đang là trở ngại nghiêm trọng trong việc tạo ra một nền văn hóa học thuật thuộc "đẳng cấp thế giới" tương xứng cơ sở hạ tầng học tập đầy ấn tượng của các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Những báo cáo liên tục về các vụ đạo văn và các hình thức tham nhũng học thuật (tất nhiên điều này không chỉ hạn chế ở Trung Quốc) còn bổ sung thêm vào những thách thức hiện nay.
Mặc dù có những thách thức và trở ngại, Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một siêu cường về học thuật – các nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về số bài báo xuất bản trong các tạp chí khoa học từ các học giả Trung Quốc, việc tăng lên nhanh chóng số các bằng sáng chế cũng như các số đo khác khác về năng suất khoa học. Tuy nhiên như đã ghi nhận ở trên, giáo dục đại học TQ vẫn còn rất nhiều vấn đề quan trọng cần được giải quyết.
---
Ghi chú:
(1) Xem chi tiết tại đây: http://www.arwu.org/ARWU_2010_press_release.jsp
---
Bình luận thêm chỗ in nghiêng đậm trong bài viết:
TQ mà còn bị chê như thế (lương thấp, giao phối cận huyết, thiếu tự do học thuật), thì VN đến bao giờ mới có trường đạt đẳng cấp quốc tế đây? 2060 có khi cũng còn là phát biểu ... ngoại giao của GS Marginson, không biết chừng?
Sunday, December 26, 2010
"Những mâu thuẫn của giáo dục đại học TQ"
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment