Trong thời gian từ 13-17/12/2010 vừa qua, TTKT và ĐGCLĐT thuộc ĐHQG-HCM nơi tôi làm việc đã mời GS William G. Tierney từ ĐH Nam California (University of Southern California) sang làm việc và hội thảo, tập huấn về những vấn đề chất lượng giáo dục đại học. Để phục vụ cho đợt làm việc này, GS William có gửi cho TT khá nhiều những bài viết của ông về những khía cạnh khác nhau của chất lượng giáo dục, trong đó có bài viết với tựa đề tiếng Anh là "Quality and Graduate Education: Paths to Excellence" mà tôi đã dịch thành cái tựa của entry này.
Bài viết ấy tôi cho là rất hay và có rất nhiều điều đáng suy nghĩ đối với VN. Tôi đã cho dịch bài viết để phục vụ tập huấn (và đã đăng trên bản tin số 5 của TT), nhưng vì dịch gấp nên chưa trau chuốt lắm. Nay rảnh rảnh ngồi biên tập lại dần dần (bài viết khá dài), thấy có nhiều phần hay quá mà để đọc một mình thì ... phí, nên tôi đưa dần lên đây để chia sẻ với mọi người.
Mọi người đọc và trao đổi nhé. Nếu có ai cần bản gốc tiếng Anh thì gửi comment và cho địa chỉ, tôi sẽ gửi bản gốc cho các bạn.
Enjoy!
---------
Đào tạo sau đại học (SĐH) quả là một việc làm đau đầu những người công tác ở các trường đại học cũng như các nhà phân tích chính sách. Một mặt, việc tổ chức đào tạo sau đại học luôn tốn kém hơn đào tạo đại học, và trong một vài lĩnh vực như Hóa học, Vật lý, thì nó còn tốn kém hơn rất nhiều. Thông thường chi phí đào tạo SĐH gia tăng vì hai yếu tố sau đây: số học viên trong lớp thấp nhưng lại đòi hỏi mức đầu tư ngày càng cao, trong đó bao gồm cả chi phí cho đội ngũ giảng viên. Để dạy đại học, giảng viên chỉ cần có bằng cử nhân hoặc thạc sỹ. Nhưng để dạy và hướng dẫn một nghiên cứu sinh thì giảng viên buộc phải có học vị tiến sỹ. Trả lương cho các giáo sư có học vị tiến sỹ thì tốn kém hơn so với những người chỉ có bằng thạc sỹ hoặc cử nhân. Một chương trình SĐH chất lượng cao không thể tồn tại được lâu nếu đội ngũ giảng viên toàn là những giảng viên bán thời gian, hay kiêm nhiệm, nhưng điều này vẫn có thể chấp nhận được đối với một số chương trình đại học.
Nhưng mặt khác, những chương trình đào tạo SĐH chính là một chỉ báo về chất lượng của một trường đại học. Một quốc gia phải gửi sinh viên của nước mình ra nước ngoài để đào tạo SĐH sẽ không thể có nhiều học giả được đào tạo bài bản cho bằng một quốc gia có các chương trình đào tạo tiến sỹ trong nước. Các nhu cầu chuyên môn của một quốc gia tốt nhất là do các trường đại học trong nước đáp ứng. Việc cải tiến các trường đại học cũng có thể diễn ra nhanh hơn nếu đào tạo được nhiều tiến sỹ hơn và điều đó có thể xảy ra nếu trong nước có những chương trình SĐH có chất lượng. Quốc gia nào chỉ có được một vài chương trình SĐH thì quốc gia đó sẽ phải lệ thuộc vào việc đào tạo từ nước ngoài. Quá trình toàn cầu hóa đã dẫn đến tình trạng các quốc gia có nền kinh tế sôi động sẽ luôn đòi hỏi những công dân có trình độ và luôn tự cải thiện mình; điều này cũng có nghĩa là đào tạo SĐH sẽ trở nên cấp bách.
Tuy nhiên, để có thể khởi bắt đầu hoặc duy trì được các chương trình SĐH tốt thì cần có những chỉ báo rõ ràng về chất lượng. Bài viết này nhằm xem xét những vấn đề sau: (a) cần đưa ra những câu hỏi gì để đo lường được chất lượng giáo dục sau đại học, (b) cần những thông tin gì để trả lời những câu hỏi đó, (c) nên sử dụng những thước đo nào để xây dựng thành lời giải đáp, và (d) những thành phần nào nên tham gia vào việc phân tích và đánh giá. Trước hết, vai trò của các nhóm khác nhau sẽ được thảo luận, sau đó các hướng phân tích sẽ được bàn đến. Tiếp đến, những thách thức đối với việc tạo ra những chương trình đào tạo có chất lượng sẽ được xem xét và cuối cùng những thực tiễn tốt nhất sẽ được đưa ra để kết luận bài viết.
Monday, January 3, 2011
"Chất lượng đào tạo SĐH: Những con đường dẫn đến đỉnh cao" (1): Mở đầu
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment