Saturday, December 4, 2010

Vị trí của các trường đại học thuộc AUN trong bảng xếp hạng thế giới của QS

Trước hết, một chút dẫn nhập.

Cách đây ít lâu tôi có đưa lên trên blog này bài viết của tôi về benchmarking in higher education, đối sánh trong giáo dục đại học.

Đại khái, trong bài ấy tôi có tổng hợp phần lý luận của các nhà lý luận về benchmarking trên thế giới. Và kết luận của bài viết - cũng chỉ là tổng hợp của các lý luận sẵn có - là:

(1) benchmarking là một việc làm cần thiết để có thể học hỏi từ người khác khá hơn mình;

(2) benchmarking gồm nhiều giai đoạn, mà giai đoạn đầu tiên, cũng là giai đoạn quan trọng nhất, là tự hiểu mình, bằng cách thu thập những số liệu quan trọng (các chỉ số hoạt động cốt lõi, KPI) và so sánh mình với một đơn vị khác có những đặc điểm tương tự.

Giai đoạn đầu tiên này có tên gọi là metric benchmarking, tôi tạm dịch là đối sánh trắc lượng, ai có từ ngữ hay hơn để dịch nó thì xin cho tôi biết nhé.

Như vậy, ở giai đoạn đầu tiên này thì benchmarking rất giống ranking, chỉ khác nhau ở mục đích. Ranking thì có mục đích muốn khẳng định vị trí và sử dụng vị trí đó để quảng bá thương hiệu (ví dụ, có được cái "mác" top 100, 200, 500 trong bảng xếp hạng quốc tế). Và nó cũng dẫn đến những thay đổi, những hành động để đạt mục tiêu, nhưng mục tiêu ở đây là mục tiêu đạt thứ hạng cao - một mục đích tự thân.

Còn đối sánh thì nhằm vào việc hiểu mình, hiểu tại sao mình đạt thứ hạng này hay thứ hạng khác, và vì thế không mấy quan tâm đến việc mình có thứ hạng nào, mà quan trọng hơn là giải thích tại sao mình có thứ hạng đó, còn người khác thì có thứ hạng kia. Và quan trọng hơn nữa, là tìm hiểu những gì người khác làm tốt hơn mình để có thể học hỏi từ họ.

Trong đối sánh, điều quan trọng đầu tiên là chọn đối tác đối sánh (benchmark partner, tức đối sánh với ai). Ở điểm này, tôi cho rằng 2 ĐHQG của VN rất may mắn vì đang là thành viên của AUN, vì có 2 điều lợi:

(1) có sẵn đối tác đối sánh (tất nhiên là không phải tất cả mọi thành viên của AUN đều trở thành đối tác đối sánh của VN, vd hiện nay chưa nên đối sánh với Singapore vì khoảng cách giữa 2 bên còn rất xa, nhưng dù sao thì phạm vi lựa chọn cũng đã thu hẹp đáng kể);

(2) dễ thu thập được số dữ liệu về họ thông qua các nguồn công khai như trên trang web, hoặc các kết quả xếp hạng đã công bố, và cả những nguồn không công khai mà chỉ chia sẻ nội bộ thông qua các đoàn đánh giá ngoài. Một điều kiện rất hiếm có đối với các trường đại học của VN mà chúng ta cần khai thác để cải thiện.

Well, phần "dẫn nhập" của tôi cho entry này như thế là quá dài rồi. Bây giờ vào phần chính: kết quả xếp hạng của 13/26 trường thành viên của AUN (13 trường còn lại chưa có tên trong bất kỳ bảng xếp hạng nào, trong số đó có 2 trường của VN!)

Kết quả xếp hạng của các trường thuộc AUN trong 500 thứ hạng đầu của các bảng xếp hạng thế giới của QS trong 2 năm 2009 và 2010 được nêu dưới đây. Các bạn đọc như sau:

- Con số ngoài cùng từ trái sang: số thứ tự
- Con số thứ hai là kết quả xếp hạng của QS năm 2010; số trong ngoặc đơn ngay bên cạnh là thứ hạng của năm 2009, để so sánh
- Phần còn lại là tên trường, tên quốc gia

1/ 31 (30) National University of Singapore (NUS) Singapore

2/ 74 (73) Nanyang Technological University (NTU) Singapore

3/ 180 (138) Chulalongkorn University Thailand

4/ 207 (180) Universiti Malaya (UM) Malaysia

5/ 228 (220) Mahidol University Thailand

6/ 236 (201) University of Indonesia Indonesia

7/ 263 (291) Universiti Kebangsaan Malaysia(UKM) Malaysia

8/ 307 (234) Ateneo de Manila University Philippines

9/ 309 (314) Universiti Sains Malaysia (USM) Malaysia

10/ 314 (262) University of the Philippines Philippines

11/ 321 (250) Universitas Gadjah Mada Indonesia

12/ 401-450 (351) Bandung Institute of Technology (ITB) Indonesia

13/ 401-500 (401-500) De La Salle University Philippines

Nhận xét của tôi: Theo bảng xếp hạng này thì tốt nhất là chúng ta nên đối sánh với các đại học từ hạng 6 trở đi, đó là các trường UI (hạng 236), UKM (263), Ateneo de Manila (307), USM (309), UP (hạng 314), UGM (hạng 321), ITB hoặc De La Salle (có hạng từ 401 đến 500). Vì phải cải tiến dần dần mà, so với người giỏi quá thì ta sẽ thấy ... choáng ngợp, và ... nản chí, phải không?

Cứ từ từ, bình tĩnh, nhưng kiên trì cải thiện từng ngày, từng giờ, and you'll be there, đại học của VN ơi! Và trong cuộc đua chất lượng này, ĐHQG-HCM cũng đã có những động thái tích cực, mặc dù thành quả thì còn lâu mới có thể thấy được.

Ví dụ cụ thể của nỗ lực hội nhập đây này: Hình hội thảo về chuyển đổi tín chỉ trong khối AUN tại ĐHQG-HCM tháng 1/2010. Trang web của AUN-ACT, có thông tin về hội thảo nói trên, ở đây. Mà không chỉ hội thảo đâu nhé, ĐHQG-HCM đang tham gia tích cực bằng cách gửi các môn học giảng dạy bằng tiếng Anh để thu hút sinh viên trong khu vực ASEAN đến VN học đấy, các bạn vào trang web ấy mà xem.

No comments:

Post a Comment