Tuesday, December 7, 2010

Chất lượng giáo dục từ đâu đến?

Câu trả lời có lẽ ai cũng biết, vì nó đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bởi nhiều người ở nhiều nơi và vào nhiều thời điểm khác nhau.

Đó là: "the quality of an education system can't exceed the quality of its teachers" - Chất lượng của một nền giáo dục không thể nào vượt quá chất lượng của người thầy.

Vậy chất lượng người thầy từ đâu đến? À, một câu hỏi không dễ trả lời, vì có rất nhiều yếu tố tác động đến chất lượng người thầy. Ví dụ, đồng lương không đủ sống liệu có tạo ra những người thầy tốt không? Chắc là khó!

Ví dụ, thầy cô giáo không được chủ động trong việc giảng dạy của mình, mà luôn phải tuân thủ mọi chỉ đạo từ trên dù đúng dù sai (cái này gọi là micro-managing), ngoài ra còn phải bỏ phí rất nhiều thì giờ vào những phong trào vô bổ, thì chất lượng giảng dạy của thầy cô có tốt được không? Chắc cũng khó!

Hoặc, khi việc tuyển chọn, đào tạo và bổ nhiệm thầy cô giáo có vấn đề. Chẳng hạn, trước đây đầu vào tuyển sinh vào ngành sư phạm có lúc thuộc hàng thấp nhất trong các trường (nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm tránh xa, bỏ qua Tổng hợp), rồi chương trình đào tạo thì cũ kỹ, nặng nề, nặng về phần hồng mà nhẹ về phần chuyên, và trong phần chuyên thì cũng lại nặng phần chữ mà nhẹ phần người, thì hỏi có đào tạo được những thầy cô giáo tốt để đem lại chất lượng cho nền giáo dục của một quốc gia không? Lại là một câu hỏi khó khác.

Tại sao tôi lại viết tản mạn những giòng này, đặt lại câu hỏi đã rất cũ và ai cũng biết câu trả lời nhưng vẫn không ai chịu giải quyết dứt điểm (lại nhớ lời hứa năm 2010 giáo viên sống được bằng lương) vào lúc này. Ấy là do tôi mới đọc được entry này trên blog Education in India, ở đây. Một bài đáng đọc và suy nghĩ.

Nhất là câu này đây, trích từ bài viết tôi mới giới thiệu ở trên:
the best public-school systems in the world-Finland, Singapore, South Korea-recruit all of their teachers from the top third or better of their college graduates
ở các hệ thống giáo dục công tốt nhất trên thế giới như Phần Lan, Singapore, hoặc Hàn Quốc, người ta chỉ tuyển giáo viên trong số những sinh viên tốt nghiệp trong số 1/3 có điểm cao nhất

Thế đấy, chứ có đâu như VN là "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Bảo sao chất lượng giáo dục của ta bây giờ lại chẳng kém?

Để kết luận, xin đọc survey của tổ chức McKinsey vào tháng 9/2010 vừa qua với cái tựa đầy ý nghĩa: Closing the talent gap - san bằng khoảng cách tài năng. Ở đây.

3 comments:

  1. Bế quan tỏa cảng, bao cấp tập trung đã là một sai lầm, mình tái nhận thức, thấy cần phải mở cửa, hội nhập với khu vực, thế giới, và đã làm điều mình thấy cần. Nhưng lúc làm, lại phạm một sai lầm khác. Mình mở cửa, hội nhập, nhưng chỉ thiên về kinh tế, quên mất phải mở cửa giáo dục. Bây giờ thì muộn rồi! Khi kinh tế mở cửa, các thành phần kinh tế "mủi nhọn" (công nghệ, quản trị kinh doanh) thu hút hết sinh viên đỉnh, bỏ giáo dục, sư phạm ở lại cho mấy sinh viên điểm thấp, không chạy đua kịp! Nhà nước thị trường hóa kinh tế, quên rằng nguồn nhân lực do vậy cũng thị trường hóa, và giáo dục "không chịu" cạnh tranh giành người tài thì chỉ còn "chuột chạy cùng sào phải vào sư phạm" thôi! Trong đời làm nhà giáo của em, em ghét nhất là cái cụm từ miêu tả nhà giáo là một ngành nghề "cao quý"! Khi phỏng vấn tuyển giáo viên cho cefalt, hỏi tại sao đi dạy, em nào bảo "because it's a noble job" là em trừ 20 điểm! Đã ghét bằng tiếng Việt, nói bằng tiếng Anh nghe còn ghét tợn!

    Không chịu cạnh tranh như những ngành nghề khác, giáo dục tự ru ngủ mình bằng "truyền thống," bằng ngày nhà giáo đầy nghĩa tình, bằng cái danh xưng "cao quý", bằng cái "kỷ cương, tình thương, trách nhiệm," bằng hình ảnh bà giáo già oằn lưng trong phòng thí nghiệm 30 năm, làm cùng một công việc, bằng hình ảnh ông giáo già, nghèo, tóc bạc, hít bụi phấn, bằng một loạt những diễn ngôn tự sướng! Người ta thấy một nhà giáo mà chửi thề trong lớp là một cái gì đó ghê gớm lắm, như thể là một điều nằm ngoài lý trí, ngoài nhận thức khả dĩ của con người, âu cũng là do cái diễn ngôn tự sướng cao quý, nghèo, sạch, đầy thương yêu! Nhưng cứ ngẫm, một nhà giáo chửi thề với một thằng quan tham nhũng, thì cái nào tệ hại hơn? Người ta chống tham nhũng, nhưng không có cái cảm giác "ghê tởm" tham nhũng như khi người ta nghe bà giáo gọi trò bằng mày, ông giáo lạm dụng học trò! Giáo là gì? Giáo cũng là người, làm cái nghề nghèo hèn, nhưng bù lại được ca tụng, một loại "cả vú lấp miệng giáo". Giáo sướng, giáo sung, giáo cao quý, và giáo cứ nghèo đi nhá!

    ReplyDelete
  2. Hi L (chứ còn ai trồng khoai đất này nữa),

    Viết dài thế, đủ làm một entry rồi đó.

    Em có hỏi Tia Sáng về vụ nhuận bút của em chưa? Nếu cần thì nói họ gửi cho tôi cũng được, tôi sẽ giữ cho, khi nào về VN thì nhớ đòi.

    Còn bài viết về humanities đâu?

    Mấy cái em viết về nhà giáo hiện nay rất đúng. Nó giống như văn hóa mình cũng cứ ca ngợi những người phụ nữ VN "thắt đáy lưng ong/vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con" ấy. Tóm lại, khéo, hiền, ngoan, hy sinh, được phong thánh, để tiếp tục chịu đói, chịu khổ, chịu bị chồng đánh, chịu nghèo đói, mà vẫn thấy ... cao cả, và ... sướng!

    ReplyDelete
  3. Ủa, em tưởng họ đã đưa nhuận bút cho cô!!! Họ có nói gì về nhuận bút với em đâu! Hay họ nghĩ em viết cho họ miễn phí!!! Chời, nghèo đói gặp kẻ bóc lột thì chết! Cô nói họ gửi cho cô nhé, rồi sau đó mình liên hoan hỉ!

    Còn bài viết về humanities thì đang ... thai nghén! Chắc hôm nào rảnh em sẽ dành một buổi sáng ngồi viết. Em đang nghĩ có khi phải đăng nhiều kỳ cho bài viết đó!

    ReplyDelete