Bài này tôi dịch đã lâu, từ hồi vụ bằng cấp giả ở TQ và VN đang om xòm dư luận, và được gửi cho một tờ tạp chí với lời hứa sẽ đăng. Nhưng đến nay đã lâu không thấy đăng lên, có lẽ vì vẫn đề đã dịu xuống và có nhiều việc khác thời sự hơn. Nay gửi lên đây cho mọi người cùng đọc cho vui, và ai đang học tiếng Anh muốn học cách dịch chắc cũng học được chút ít gì đó.
--------
Nạn gian, dỏm ở Trung Quốc
Venkatesan Vembu
(Phương Anh dịch từ bản tiếng Anh: “Faking it in China”, đã đăng trên trang mạng của tờ DNA của Ấn Độ ngày 16/7/2010). Nguồn: http://www.dnaindia.com/opinion/column_faking-it-in-china_1410398
------
Một nghi lễ kỳ quặc đang được tầng lớp doanh nhân ưu tú của Trung Quốc thực hiện, đó là “tu chỉnh” lại các bản khai lý lịch của mình, đặc biệt là các lý lịch đã được đưa ra công khai với thông tin về những bằng cấp vô cùng ấn tượng.
Điều làm người ta thắc mắc, là khi sửa lý lịch các doanh nhân nổi tiếng và các giám đốc điều hành công ty không đưa thêm vào những thành tích mới như người ta tưởng, mà lại xóa đi những chi tiết mà mới chỉ cách đây vài tuần thôi họ vẫn còn phô trương ra một cách rất tự hào. Cụ thể, những chi tiết về trình độ học vấn của họ, và đặc biệt là chi tiết về những bằng cấp từ các trường đại học nước ngoài, giờ đang bị xoá sạch.
Việc xóa bỏ những thành tựu hàn lâm ở nước ngoài nói trên hoàn toàn không có liên quan gì đến lòng tự ái dân tộc trong lãnh vực học thuật. Lý do các ông trùm tài phiệt - hoặc, nói đúng hơn, những nhân viên quan hệ công chúng của họ - đang phải bận rộn tu chỉnh lại hồ sơ cá nhân là vì trước đây họ đã tuyên bố phóng đại về bằng cấp và học vị của mình.
Điều này xảy ra sau vụ lột mặt nạ rất ngoạn mục rằng một trong những nhà quản lý chuyên nghiệp hàng đầu của Trung Quốc là Tang Jun – cựu chủ tịch Microsoft tại Trung Quốc, vâng chính Tang Jun vĩ đại chứ chẳng phải là ai khác – đã gian lận về bằng cấp của mình.
Tất nhiên từ lâu Trung Quốc cũng đã nổi tiếng là thủ đô hàng giả toàn cầu: mọi thứ từ chiếc iPad đến thời trang đến phụ kiện ô tô đều được làm giả với độ chính xác tuyệt đối như trong phòng mổ.
Nhưng những sự kiện mới đây đã tạo ra một tấm gương chẳng mấy tự hào vì ngay những người đã lên đến đỉnh cao trong giới quản lý và doanh nhân cũng bị vạch trần là những tên gian lận có hạng, và uy tín cũng như sự liêm chính của những người này hiện nay rất lung lay.
Tất cả bắt đầu cách đây vài tuần với một bài đăng khá hiền lành trên blog của Fang Shimin (còn được biết dưới tên Fang Zhouzi), một hiệp sĩ thập tự chinh trong cuộc chiến chống gian lận trong khoa học và học thuật. Fang đưa lên một bài viết để trả lời câu hỏi của một người theo dõi blog của mình, rằng việc Tang Jun tuyên bố trong cuốn tự truyện thuộc loại sách bán chạy hạng nhất (có tựa đề là Thành công của tôi có thể được nhân rộng) là mình có bằng tiến sĩ của Viện Công nghệ California (Caltech) thực ra là không đúng.
Tang, một diễn giả động lực nổi tiếng tại Trung Quốc, ban đầu lặng im không trả lời, nhưng vụ om xòm này đến mấy ngày sau vẫn còn tiếp tục, khiến ông phải xuất hiện để chối bỏ cáo buộc ấy – nhưng việc này lại càng làm cho mọi việc tệ hơn.
Ông nói chưa bao giờ tuyên bố rằng mình tốt nghiệp từ Caltech – điều này đã bị bác bỏ một cách dễ dàng, vì trong hồ sơ của ông trên mạng LinkedIn có liệt kê học vị tiến sĩ khoa học máy tính của Caltech trong số những bằng cấp của ông. Ông cho biết thật ra ông đã nhận học vị tiến sĩ từ một trường đại học đóng ở tiểu bang California có tên là ĐH Tây Thái Bình Dương.
Nhưng Fang đã đánh hơi được đây là một vụ lớn, nên tiếp tục phanh phui rằng Đại học Tây Thái Bình Dương chỉ là một “xưởng bằng dỏm” nơi người ta có thể mua các loại bằng cấp học thuật với một cái giá nào đó. Ông còn xác minh được tuyên bố của Tang về việc có các bằng sáng chế công nghiệp đăng ký dưới tên mình rõ ràng là dối trá.
Những cáo buộc trên tất nhiên làm cho Tang không ít lúng túng. Nhưng một số công ty khác mà Tang là người khởi xướng hoặc đứng đầu – bao gồm cả tập đoàn truyền thông giải trí Shanda – còn kẹt hơn nhiều vì vướng vào các quy định, do họ đã liệt kê các bằng cấp giả của ông trong bản cáo bạch của họ khi gây quỹ từ thị trường chứng khoán Mỹ.
Dư luận càng ầm ĩ khi giới truyền thông chính thống tham gia vào cuộc vụ lùm xùm này. Báo chí đã đưa ra công khai một danh sách các doanh nhân, các nhà chuyên môn và nhà quản lý đã tốt nghiệp từ các trường dỏm tương tự như trường ĐH Tây Thái Bình Dương nơi người ta có thể dùng tiền để mua bằng tiến sĩ. Danh sách này bao gồm cả các vị giám đốc điều hành nổi bật, các thẩm phán, và thậm chí cả luật sư.
Chính điều này đã tạo ra những hành động cuống cuồng của các doanh nhân và nhà quản lý nhằm "che đậy" những chi tiết về các bằng cấp nước ngoài đáng ngờ mà họ đã từng hãnh diện quảng cáo trong hồ sơ công cộng của mình cho đến mãi gần đây.
Vụ việc này làm bể ra một nhọt bọc trên cơ thể đất nước Trung Quốc, vốn là thị trường béo bở cho các loại bằng đại học giả của nước ngoài với doanh số hàng năm lên đến hàng triệu đô la. Các trường đại học ở nước ngoài không được kiểm định thậm chí còn mở cửa hàng tại Trung Quốc và đúc được khối tiền qua việc phát ra các tấm bằng dỏm với giá cắt cổ.
Một cây bút phụ trách chuyên mục trên báo chính thống lưu ý rằng vụ bê bối về Tang đã bộc lộ một thực tế là hiện nay toàn bộ nước Trung Quốc đã trở thành một cái gì đó tương tự như một “xưởng bằng giả”. Nếu ở Trung Quốc đang có một ngành nghề phát triển quá nóng thì đó không phải là ngành địa ốc, mà chính là hệ thống giáo dục đang hàng năm đang cho ra lò những đội quân thạc sĩ và tiến sĩ hạng ruồi.
Tuy nhiên, thật kỳ lạ là trên mạng Internet sử dụng tiếng Trung Quốc cũng đang có một chiến dịch mạnh mẽ nhằm bảo vệ ông Tang, người đã bị mất nhiêu uy tín. Những người bảo vệ ông đưa ra lập luận rằng ông là một "doanh nhân tự lập và thành đạt", một vị “anh hùng cảm hứng" cho một thế hệ trẻ của Trung Quốc và vì thế, không nên "chỉ trích” ông.
Cuối cùng thì dù có sử dụng bằng cấp giả, Tang vẫn được cho là một người chiến thắng trong cuộc sống. Xét ở nhiều khía cạnh, vụ scandal của Tang, người sống chọn theo công thức thành-công-bằng-mọi-giá đã minh họa rất rõ sự xuống dốc nhanh chóng về đạo đức của xã hội Trung Quốc hiện nay. Thực tế là dù đã bị trượt khỏi cái bệ của mình, ông vẫn được tôn sùng như một vị anh hùng. Và điều này đã chỉ rõ sự mất phương hướng đáng lo ngại của chiếc la bàn đạo đức trong một số bộ phận người Trung Quốc hiện nay.
----------------
Saturday, December 11, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment