Saturday, October 30, 2010

Ngoại ngữ bậc đại học: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" (mà không ai nghe?)

Vấn đề ngoại ngữ ở đại học lại nổi lên thành một chủ đề nóng trên báo, chẳng hạn như báo Tuổi trẻ hôm nay 30/10/2010. Mới có trên báo giấy, chưa đưa lên mạng. Các bạn chịu khó tìm báo giấy đọc nhé, hoặc chờ đến khi nào báo đưa lên thì tôi sẽ đưa link.

(A, bài báo lên mạng rồi, đây này.)

Có thể tóm tắt vấn đề nêu trên báo như sau: Có quá nhiều sinh viên ĐHKHXH-NV không tốt nghiệp được vì không đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu. Nhưng nếu xét theo quan điểm của nhà trường thì thật ra điều này cũng đúng thôi: yêu cầu đã đặt ra mà không đạt, thì ... rớt, chờ học lại, thi lại, khi nào đậu mới được ra trường. Chứ không lẽ cứ cho ra trường tùm lum, thì lại làm giảm chất lượng của người tốt nghiệp hay sao? Quá đúng.

Nhưng dưới góc độ của sinh viên thì dường như họ đang bị đối xử rất bất công. Nhà trường đã nhận họ vào học (thì đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh, tuyển chọn rất khắt khe rồi còn gì). Sau đó tổ chức giảng dạy với chất lượng thế nào đó không rõ, nhưng đến khi thi thì đại đa số đều rớt.

Như thế là thế nào? Vì, có lẽ thế, không kể những người hoàn toàn bỏ bê không học hành gì cả, nếu ai có đi học, làm theo mọi yêu cầu của nhà trường, vượt qua được các kỳ kiểm tra trong quá trình học, thì không có lý do gì đến kỳ thi cuối cùng họ lại rớt cả như thế. Rất phi lý.

Các bạn thử nghĩ mà xem, cả hai quan điểm của nhà trường và của sinh viên đều đúng. Mà tình hình thì vẫn không ổn (từ nhiều năm nay chứ không phải chỉ bây giờ mới không ổn). Vậy phải có ai chịu trách nhiệm về việc này, nếu không phải là nhà trường và sinh viên, thì hẳn phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ?

Vậy "ai đó" là ai? Phải chăng, như nhiều việc khác ở VN, thủ phạm là ... thằng họ Cơ, tên Chế?

Tôi nói đùa chút cho vui, nhưng theo tôi thì chính sách về ngoại ngữ của VN hiện đang rất có vấn đề. Chỉ xét ở bậc đại học, vấn đề rất đơn giản như sau: Nếu muốn có được sản phẩm ở đầu ra đạt những tiêu chuẩn nào đó, thì phải xem xét toàn bộ quá trình, từ nguyên liệu đầu vào, đến quy trình sản xuất, mọi khâu đều phải đảm bảo hợp lý, đúng quy cách. Còn nếu có một khâu nào đó bị hỏng, thì chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ hỏng.

Sản phẩm đầu ra của giáo dục luôn luôn là một giải khá rộng. Theo kinh nghiệm của tôi, thì đến thời tốt nghiệp đại học, trình độ của sinh viên trong cùng một lớp đã phân hóa khá cao. Người giỏi nhất gần như có thể làm thầy người kém nhất. Điều này cũng đúng đối với trình độ ngoại ngữ, và đó là một việc bình thường.

Nếu xét ở yêu cầu đầu ra thì hình như chính sách hiện nay là có lý. Các trường đang yêu cầu sinh viên tốt nghiệp có trình độ khoảng 400-450 TOEFL (cũ), tức khoảng 30-40 điểm TOEFL iBT, mức thấp nhất có thể chấp nhận được đối với sinh viên tốt nghiệp đại học (dưới mức đó thì điểm số không còn giá trị chứng nhận năng lực vì TOEFL là một kỳ thi dưới dạng trắc nghiệm khách quan, tức có thể đánh đại vào cũng có điểm - nhưng là điểm thấp).

Tuy nhiên, nếu xét toàn bộ hệ thống thì điều có lý trên trở thành thậm vô lý. Này nhé, nguyên liệu đầu vào không đồng đều. Vì thi vào đại học đâu có thi tiếng Anh. Điều này có nghĩa là trình độ tiếng Anh không có liên quan gì đến khả năng được chọn vào đại học. Thậm chí ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thì môn tiếng Anh cũng chẳng phải là môn bắt buộc, mà thí sinh (ở một số vùng sâu vùng xa, thí sinh thuộc các dân tộc ít người, hình như thế) còn được thay thế bằng môn khác. Tức là đầu vào sẽ rất khác nhau. Đồng ý thôi.

Đến khi vào rồi, thì các sv thường được nhét chung vào một rọ, và dạy chung một chương trình. Vô cùng khó hiểu! Vì rõ ràng là có 3 trường hợp có thể xảy ra: sinh viên đúng trình độ, sinh viên thấp hơn trình độ, và sinh viên cao hơn trình độ. Tức có 2/3 số sinh viên trong lớp không phù hợp với trình độ đang được dạy. Vậy thì làm sao mà dạy dỗ có hiệu quả cho được? Sinh viên và giáo viên mà không chán học, chán dạy mới là lạ. Chứ sinh viên không đi học, giáo viên dạy uể oải, thiếu hứng thú như hiện nay, thì cũng hiểu được mà!

Cũng có những trường phân chia lớp theo trình độ sinh viên. Rất tốt. Nhưng đến đây một điều phi lý khác lại đang chờ sẵn. Này nhé, đầu vào thì khác nhau, nhưng thời gian học (bắt buộc, tính trong học phí) thì như nhau. Vậy thì kệ thầy trò nhé, học và dạy sao cũng được, đầu vào khác nhau nhưng với số tiết học giống nhau thì học viên phải đạt được trình độ tối thiểu giống nhau. Để dễ hiểu có thể so sánh như thế này: với một khẩu phần ăn như nhau, sau 9 tháng nuôi dưỡng ở nhà trẻ thì tất cả em bé, từ em cân nặng 8 ký đến em cân nặng 16 ký đều phải đạt tối thiểu 20 ký? Chà, ai mà làm được điều này thì chắc là phải đạt giải Nobel mất thôi!

Những trường khác thì thấy được rằng sự vô lý này vượt quá khả năng giải quyết của nhà trường cho nên bèn ... mặc kệ, sinh viên muốn đi đâu học thì học, làm gì thì làm, miễn sao đến cuối kỳ mang về đây một chứng chỉ ngoại ngữ mà theo nhà trường là có chất lượng là được. Có vẻ đây là cách làm của trường ĐH KHXH-NV mà bài báo trên Tuổi trẻ đang đề cập đến. Suy cho cùng, có lẽ đây là cách làm hợp lý nhất, vì mỗi sinh viên với cách riêng của mình, vì lợi ích của mình (được tốt nghiệp) sẽ biết làm sao để đạt được yêu cầu này. Một cách "xã hội hóa" yêu cầu đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu, hay lắm.

Nhưng mà, có vẻ như "rằng hay thì thật là hay, nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào!" ấy nhỉ. Vì lỡ để mặc kệ, thì sống chết mặc bay, người nào hay qua được thì không nói làm gì, lỡ có ai đó mãi vẫn không qua được thì sao? Thì đành chịu mất bằng tốt nghiệp, chứ sao nữa? Đáng thương lắm, rất thông cảm, nhưng ... luật là luật, biết làm thế nào?

Tôi, thì từ lâu, có lẽ là cả gần 15 năm nay, từ khi tôi đi học ở nước ngoài về, với mong muốn giải quyết điều vô lý và có lẽ cả vô nhân nữa mà tôi vừa nêu, đã đưa ra kiến nghị rằng:

Một là nếu muốn có đầu ra như nhau với cùng một thời lượng và điều kiện học tập giống nhau, thì đầu vào cũng phải giống nhau. Tức đưa môn tiếng Anh vào kỳ thi đầu vào bắt buộc, để trên cơ sở đó chọn lọc sinh viên tuyển vào trường. Chứ gì nữa, tiếng Anh quan trọng thế, không có nó không tốt nghiệp được kìa! Mà quả thật nó quan trọng lắm các bạn ạ, có tiếng Anh kha khá chút, ra trường xin việc dễ hẳn!

Hai là, nếu không thể đưa môn tiếng Anh vào trong kỳ thi tuyển sinh, chấp nhận đầu vào khác nhau, thì với cùng một thời gian học, đầu ra cũng phải khác nhau. Chứ sao, khi vào nhà trẻ chỉ 8 ký, thì khi ra sau một năm học chỉ 12 ký thôi, là tốt rồi. Còn ai vào đã 16 ký, thì khi ra mới có thể 20 ký chứ? Nói cách khác, cần phải quy định trình độ sinh viên phải tăng lên bao nhiêu đó sau thời gian học, ví dụ mọi người đều tăng 50 điểm TOEFL, nhưng không thể bắt mọi người với đầu vào khác nhau, cùng học như nhau mà đầu ra lại giống nhau!

Còn không nữa, thì chấp nhận tiếng Anh không phải là bắt buộc để được tuyển vào, mà khi ra mọi người vẫn phải đạt mức tối thiểu để có thể làm việc, thì phải có chương trình học khác nhau. Dễ nhất là sau khi đậu vào trường rồi thì kiểm tra tiếng Anh và phân loại ra, ai chưa đủ trình độ tối thiểu thì học thêm 1 năm hoặc 1 HK trước khi vào chính thức. Tất nhiên là tốn thêm thời gian và tiền, nhưng bù lại thì được tăng thêm trình độ để cho bằng người ta khi ra trường. Giống như đi nhà trẻ, em nào suy dinh dưỡng thì phải đóng thêm tiền để ăn chế độ đặc biệt vậy.

Dễ hiểu thế, bà nội trợ nào nuôi con cũng biết và chấp nhận dễ dàng, mà sao gần 15 năm nay, loay hoay mãi mà việc này dường như vẫn chưa được giải quyết?

Có phải tôi biết mà không nói đâu? Nói hoài, mà có ai thèm nghe đâu cơ chứ?

Nên cứ lâu lâu phải nghe than phiền về trình độ tiếng Anh của sinh viên đại học, nên lại phải gắt lên, "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"

Thursday, October 28, 2010

Lại nói tiếp về đạo văn và văn hóa

Vẫn tiếp tục thắc mắc có phải đạo văn là một vấn đề văn hóa hay không, tôi làm một google search bằng từ "đạo văn".

Và bài viết đầu tiên tôi đọc được là bài này, đăng trên Tuổi Trẻ từ năm 2004, ở đây. Bài viết về tâm sự của dịch giả, nhà nghiên cứu, và giảng viên Nhật Chiêu (Khoa Ngữ văn, trường ĐHKHXH-NV). Có mấy đoạn đáng đọc, hoặc đọc lại nếu đã đọc:
Đạo văn: sự xuống cấp của đạo đức trí thức

Hiện nay tình trạng đạo văn nhiều là vì họ thấy nhiều trường hợp đạo văn trước đó không bị trừng trị.

Đối vối tôi thì đạo văn hơn là tội ăn cắp tài sản bình thường. Bởi người ăn cắp bình thường có thể do họ nghèo khốn... Nhưng một TS mà đạo văn thì không có lý do gì biện minh được. Tiền thì anh ta có rồi, danh cũng có, thậm chí địa vị cũng có, vậy tại sao vẫn ăn cắp? Rõ ràng là sự thiếu liêm sỉ, thái độ thờ ơ của xã hội và cộng thêm sư không nghiêm minh của luật pháp trước vấn đề này khiến họ làm tới.

Nếu xã hội phản ứng gay gắt trước sự xuống cấp về đạo đức này, rồi TS bị tước bằng TS khi đạo văn thì tôi tin rằng mọi chuyện sẽ khác.

Và một bài khác, mà tình trạng đạo văn cũng không hề tốt hơn một chút nào, ở đây. Tựa bài: "Đạo văn kiểu nào phổ biến nhất", đăng trên Tuần Việt Nam, cách đây chỉ vài tháng. Mọi người đọc lại đoạn này:

Không phải là khoe khoang, vì chẳng lấy gì làm vinh dự, nhiều năm nay tôi đã phanh phui ra nhiều vụ đạo văn, mà đa số "khổ chủ" bằng cấp đầy mình. Mà lần nào cũng cống bố "tang chứng, vật chứng" đàng hoàng, địa chỉ cụ thể và tôi luôn sẵn sàng đối chất nếu "khổ chủ" thấy bị vu cáo. Kết quả là, hầu như các vị tỉnh queo, duy nhất Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội là mời tôi tới, để ông hiệu phó thông báo nhà trường quyết định không sử dụng cuốn sách bị tôi phê phán làm giáo trình. Còn lại thì "khổ chủ" vẫn hiên ngang đứng trên bục giảng để nói những lời hay ho, vẫn thăng quan tiến chức, vẫn chủ trì công trình nghiên cứu nọ, phụ trách đề tài nghiên cứu kia.

Đáng nể nhất là một ông quan chức văn hóa- nghệ thuật đã đạo văn, trên internet được tặng cho blog, rồi cả topic hàng trăm trang, bằng chứng sờ sờ mà vẫn "yên phận vị", thế mới tài!

Còn nhiều lắm chứ chưa hết đâu, ví dụ, thử đọc bài "Vì sao ăn cắp văn" ở đây. Trích dẫn:
[...] [N]hà trường của ta không hề dạy học sinh viết luận văn. Các trích dẫn trong luận văn đều hoàn toàn dựa theo kinh nghiệm, thậm chí cách trình bầy trích dẫn cho chuẩn cũng không được học. Nhưng sách hướng dẫn dạy viết văn bản của "bên kia" lại nhắc nhở rõ: Nếu bạn không ghi rõ nguồn trích dẫn, bạn sẽ bị coi là ăn cắp. Dĩ nhiên, ta có thể trách các em, đằng nào chẳng biết đó không là của mình, thế chẳng là "cầm nhầm" thì là cái gì? Nếu đã có gan cầm nhầm một đoạn trích dẫn, thì làm sao chẳng có gan to hơn? Người Pháp nói cho ăn vần "quả trứng" (oeuf) với "con bò" (boeuf) để có phương ngôn dám ăn trộm quả trứng (oeuf) có lúc sẽ ăn trộm con bò (boeuf).
[...]
Không có đề tài, nên khi phải viết sách giáo khoa thì ăn cắp cách viết của sách khác, bảo là "tham khảo". Viết xong, liền viết tiếp sách tham khảo, 10.000 cuốn thì 9.999 cuốn xáo xào từ sách giáo khoa. Thế là tha hồ móc túi học sinh, em nào cũng thành con bệnh và cũng phải mua kỳ được toa thuốc "tham khảo" bắt buộc.

So với cách ăn cắp mang tính hệ thống, thì sự ăn cắp một trích dẫn hoặc ăn cắp một luận án trở thành bé tí.

Rồi bài này nữa: Lợi ích của đạo văn! Mỉa mai thật, đau lòng thật đấy. Nhưng vẫn là sự thực không thể chối cãi.

Lại có bài này về nạn đạo văn ở TQ, vốn hình như là nơi nguồn gốc của văn hóa đạo văn thì phải, với cách dạy dỗ bắt người học phải "tầm chương trích cú" nói theo lời thánh hiền! Các bạn vào link mà đọc nhé.

Còn thế này nữa chứ, đây là chuyện bản quyền blog. Xem ở đây.

Tôi càng đọc thì càng thấy vấn đề đạo văn đã rất "lậm" ở VN. Và nếu đọc về đạo văn ở VN thì nhiều lắm, chẳng có đủ thời gian mà đọc đâu. Cho nên tôi phải ngưng ở đây thôi. Vì cũng đã đủ rõ rồi: ở VN, đạo văn là một vấn đề văn hóa!

Biết làm sao đây?

Làm gì để chống đạo văn?

Hôm qua tôi có viết một entry trong đó có nêu lên giả thuyết của tôi là "đạo văn là một vấn đề văn hóa".

Tôi chưa thực sự chứng minh điều này, cũng chưa đưa ra những lập luận đến nơi đến chốn, nhưng tôi vẫn tin là nếu đạo văn không hoàn toàn có nguồn gốc từ văn hóa, thì văn hóa cũng có một ảnh hưởng quan trọng đến thói quen đạo văn của những người sống trong nền văn hóa đó.

Mà đã là văn hóa, thì nó thấm vào máu rồi, sửa không dễ! Vậy nếu chúng ta muốn thay đổi để phù hợp với thói quen và thông lệ của thế giới, thì cần làm gì nhỉ?

Thay vì phải tìm lại châu Mỹ lần thứ hai, tôi nghĩ chúng ta hãy cứ tìm xem các nước trên thế giới họ làm việc này như thế nào. Tôi nghĩ, dễ nhất là chúng ta bắt đầu ở trường đại học, vì đây là nơi mà người học bắt đầu được tập tành để trở thành những nhà khoa học, những trí thức thực sự cho đất nước.

Mà nếu thế thì dễ quá, các trường đại học Âu-Mỹ họ đã có cách làm rất cẩn thận, hoàn chỉnh. Chỉ cần xem cách họ làm, rồi phán đoán xem cách nào dễ áp dụng ở VN nhất, thì áp dụng thôi.

Dưới đây là một vài đường links mà tôi nghĩ là có ích:

1. Plagiarism: How to Avoid it. Là những hướng dẫn dành cho người học để tránh "đạo văn không cố tình" (inadvertant plagiarism, hình như thế). Ở đây.

2. Education, not ethics. Bài viết của Susan Blum, một tác giả khá nổi tiếng khi bàn về đạo văn và văn hóa. Trên tờ Chronicle of Higher Education. Ở đây.

3. Plagiarism stoppers. Dành cho các giảng viên muốn ngăn chặn đạo văn. Ở đây.

4. Plagiarism workshop. Có thể dùng tài liệu này để làm workshop cho sinh viên. Ở đây.

7. Plagiarism and paper mills. Từ dùng rất hay: paper mills. Nó dùng để chỉ mấy loại tài liệu theo kiểu bài văn mẫu. Ở đây.

Đại khái thế. Các bạn đọc xong thì chia sẻ ý kiến với mọi người nhé.

Wednesday, October 27, 2010

Văn hóa đạo văn?

Entry này tôi viết tản mạn, chủ yếu là để lưu lại những đường dẫn đến những bài viết có liên quan đến một vấn đề mà tôi quan tâm đã lâu, đó là khía cạnh văn hóa của việc đạo văn.

Câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho mình đã lâu, là phải chăng đạo văn có nguồn gốc từ văn hóa? Vì rõ ràng là các nước châu Á có thói quen đạo văn cao hơn nhiều so với các nước Âu-Mỹ. Và cả người đạo lẫn người bị đạo đều ... xem đó là việc bình thường (!?). Ừ thì thực ra cũng không hoàn toàn bình thường, nhưng tôi có một kinh nghiệm nho nhỏ về việc phát hiện văn của mình bị đạo, và phản ứng - tất nhiên cũng không nhẹ nhàng lắm, vì rất bực do sự việc lập đi lập lại nhiều lần, thì dường như dư luận cũng không ít người cho rằng tôi đã quá nhẫn tâm với đồng nghiệp. Nói cách khác, việc đạo văn ấy, có gì đâu mà ầm ĩ! Vậy đấy.

Khi đa số mọi người cùng chia sẻ một cách nghĩ, một cách làm, không cần tự hỏi tại sao mình lại làm như thế (vì ai cũng làm thế mà), thì đó là văn hóa. Vậy khi đa số ai cũng đạo văn, và nghĩ rằng việc ấy có gì đâu mà rộn, nó cũng bình thường thôi (!), thì điều đó nếu không gọi là văn hóa đạo văn thì gọi là gì chứ? Nếu vậy, rõ ràng là châu Á có văn hóa đạo văn. Cái này không chỉ tôi nghĩ, mà nhiều người đã viết như vậy. Đó là lý do tại sao tôi có entry này: để lưu những links dẫn đến những bài viết về văn hóa đạo văn của châu Á.

Vậy thì đây:
1. A Culture of Plagiarism - thấy chưa, tựa bài bằng tiếng Anh cũng đúng là văn hóa đạo văn đấy nhé, có phải tôi "chế" ra cụm từ này đâu. Đọc ở đây. Bài này nói về đạo văn ở Indonesia. Còn dưới đây là vài đoạn trích đáng lưu ý:
With an avalanche of plagiarism cases here, we have unwittingly nurtured a culture of plagiarism. In fact, the habit of copying one’s intellectual property is deeply rooted in our education. A simple case is a teacher who is fond of asking the students to provide answers of an exam in line with the materials provided to be memorised.

A number of studies on plagiarism have suggested that plagiarism is culturally rooted, and that understanding plagiarism under the framework of culture can provide useful insights into how it is perceived differently by different cultures.

2. China must protect intellectual property. Nói về TQ (of course!). Đọc ở đây. Và những đoạn trích đáng lưu ý:
In China, production of goods bearing counterfeit brands as well as pirated music, films and game software is flourishing as a full-blown industry.
[...]
Even if one demands compensation for copyright infringement in a trial in China, one will be able to win only a minimum amount of money, a pattern that apparently fails to deter infringement of intellectual property.
[...]
[...] because creators in China, such as lyricists and composers, do not receive sufficient reward for their own works, they are believed to have little sense of guilt in copying other people's works.
Mở ngoặc một chút: như thế này thì chẳng phải chính nền văn hóa ở đây đã sinh ra những người đạo văn sao?
3. Plagiarism controversy. Ở đây. Nói về đạo văn ở Hàn Quốc (đấy, một nước phát triển như Hàn Quốc vẫn cứ có đạo văn, chứ chẳng phải chỉ là chuyện của nước nghèo nữa, vậy phải chăng đó là vấn đề văn hóa?)

Bài viết này đáng lưu ý vì có viết về các loại đạo văn, trong đó có "tự đạo văn" (self-plagiarism) tức là cùng một ý tưởng/ câu chữ của mình nhưng sử dụng nhiều lần ở nhiều nơi mà không có trích dẫn; và đứng tên "đồng tác giả" (co-authorship) mà thực ra chẳng có đóng góp công sức bao nhiêu vào tác phẩm.

Gì chứ 2 loại đạo văn mới nêu (đồng tác giả và tự đạo văn) thì ở VN vô cùng phổ biến, và theo tôi thì cho đến nay chưa thấy ai phản ứng về mấy việc này cả! Có phải lại là vấn đề văn hoá đó chăng?

4. Internet has created culture of plagiarism in universities. Đây là chuyện Mỹ. Đọc ở đây. Đấy, lại một bằng chứng rằng đạo văn là văn hóa.

5. Wang Hui, plagiarism, and the Great Bourgois Academic Cultural Revolution. Ở đây. Lại là chuyện TQ. Hình như văn hóa đạo văn bắt nguồn từ TQ thì phải? Nhưng hình như mọi việc đang thay đổi? Một cuộc CM văn hóa mới? Bài rất đáng đọc.

6. Cultural insight can help tackle plagiarism. Ở đây. Cái tựa rất hay, vì nó ... trùng với ý của tôi. ;-) Bài trên Times Higher Education.

Tạm thời thế đã. Nói vắn tắt: Có thể tin đạo văn là một vấn đề văn hóa. Và để thay đổi một yếu tố văn hóa thì rõ ràng không hề dễ. Phải có những giải pháp đồng bộ, và sự kiên trì. Ôi, tôi không muốn VN lọt vào hàng ... có hạng về đạo văn, giống như một vài nước anh em trong khu vực châu Á này của chúng ta đâu ạ!

Các tiêu chuẩn đánh giá ... (5): Kinh nghiệm áp dụng tại ĐHQG-HCM

4. Kinh nghiệm áp dụng tại ĐHQG-HCM

Là một trong hai thành viên của AUN từ Việt Nam, ĐHQG-HCM đã rất tích cực tham gia phong trào ĐBCL của AUN và cố gắng áp dụng các nguyên tắc và tiêu chí ĐBCL của AUN vào các hoạt động của mình với những kết quả đáng khích lệ.

Hệ thống ĐBCL bên trong hiện nay của ĐHQG-HCM đang cố gắng áp dụng mô hình của AUN trong tình hình cụ thể của mình, và được xem là khá hoàn chỉnh. Hệ thống ĐBCL của ĐHQG-HCM hiện nay gồm 3 cấp (cấp ĐHQG, cấp trường, và cấp khoa) và 2 hệ thống con như sau:

i. Hệ thống thường xuyên: Gồm TTKT, phòng ĐBCL tại các trường thành viên, và một thành viên thuộc Ban chủ nhiệm các khoa/bộ môn chịu trách nhiệm về ĐBCL (hiện nay chỉ mới có tại các khoa có chương trình tài năng, tiên tiến, chất lượng cao vv). Hệ thống này chịu trách nhiệm thực hiện trực tiếp hoặc triển khai các hoạt động trong 2 yếu tố cuối cùng của mô hình IQA, tức các tiêu chí từ 4 đến 12 trong danh mục nêu trên.
ii. Hệ thống không thường xuyên: Gồm Hội đồng kiểm định ĐHQG-HCM (hiện nay là 23 thành viên, gồm 1 Phó GĐ ĐHQG-HCM, lãnh đạo TTKT, đại diện lãnh đạo tất cả các trường thành viên, các đơn vị trực thuộc, các đoàn thể trong ĐHQG-HCM) và các đoàn đánh giá nội bộ (mỗi đoàn 7 người) do Chủ tịch Hội đồng ra quyết định thành lập nhằm thực hiện các hoạt động được nêu trong 3 tiêu chí đầu tiên của danh mục nêu trên.

Hiện nay, tất cả các trường thành viên của ĐHQG-HCM đã thực hiện TĐG, 5/6 trường đã được ĐGN nội bộ, 18 khoa đang hoàn tất báo cáo TĐG cấp chương trình và đang triển khai ĐGN nội bộ theo AUN-QA và chuẩn bị tham gia liên thông trong AUN (chương trình ACTS). Việc TĐG và ĐGN nội bộ không nhằm công nhận mà nhằm vào việc cải thiện, và nhiều rất nhiều thực tiễn tốt đã xuất hiện.

Có thể nói, việc tham gia AUN có nhiều tác động tích cực đến hoạt động ĐBCL bên trong tại ĐHQG-HCM, và về phần mình, hoạt động này cũng đã đem lại nhiều tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường.

Những việc dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian 5 năm tới (2011-2015):
- 20 chương trình thực hiện tự đánh giá (chỉ xem xét những chương trình có khả năng đánh giá đạt chuẩn AUN-QA, và có thể giảng dạy bằng tiếng Anh). Những chương trình này cũng là những chương trình tham gia ACTS.
- 10 chương trình được đánh giá ngoài đạt mức 4.5 trở lên (mỗi năm 2 chương trình).
- Mỗi năm cung cấp 10 học bổng để nhận sinh viên các trường thành viên AUN vào học tại ĐHQG-HCM trong một học kỳ tại các chương trình học bằng tiếng Anh.
- Xây dựng bộ chỉ số hoạt động cốt lõi (KPI) và tham gia xếp hạng khu vực để tiến hành đối sánh hiệu quả hoạt động của ĐHQG-HCM so với các trường thành viên khác và thực hiện cải thiện.
- Hoàn chỉnh và văn bản hóa các quy trình, quy định, sổ tay chất lượng tại ĐHQG-HCM. Gắn kết chặt chẽ hoạt động ĐGCL với hoạt động xây dựng và triển khai chiến lược và hoạt động thi đua, khen thưởng trong các đơn vị.

Các thông tin liên quan có thể xem trên trang web của TTKT tại địa chỉ: .www.cetqa.vnuhcm.edu.vn. Cần phải đăng ký thành viên (miễn phí) để có thể truy cập các tài liệu.

Các tiêu chuẩn đánh giá ... (4): Các tiêu chí đánh giá hệ thống ĐBCL bên trong theo AUN-QA

B. Các tiêu chí đánh giá hệ thống ĐBCL bên trong theo AUN-QA

Quan điểm của AUN-QA là mọi hệ thống ĐBCL bên trong dù có những khác biệt nhưng đều cần đáp ứng một số điều kiện chung để có thể vận hành có hiệu quả. Vì vậy, AUN-QA khuyến cáo việc thiết lập các hệ thống ĐBCL bên trong tại mọi trường thành viên, đồng thời đưa ra các tiêu chí đánh giá cho hệ thống này để khuyến khích sự tương hợp(harmonisation) giữa các hệ thống khác nhau.

Với quan điểm tôn trọng sự khác biệt giữa các hệ thống và sự tự chủ của các thành viên, các “tiêu chí” đánh giá của AUN-QA đa phần chỉ là những nguyên tắc chung. Việc đánh giá phụ thuộc rất lớn vào phán đoán của các chuyên gia đánh giá trong đoàn đánh giá, đặc biệt là trưởng đoàn (lead assessor). Vì vậy, để hỗ trợ đánh giá, AUN có các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật triển khai do các chuyên gia quốc tế biên soạn, và để nhất quán với từ “tiêu chí” đã được sử dụng với nghĩa nguyên tắc, AUN không gọi đây là các tiêu chí đánh giá, mà chỉ gọi là chúng là danh mục kiểm tra (checklist). Về thực chất, danh mục này là sự cụ thể hóa các nguyên tắc đã được AUN đưa ra, và có thể hiểu là các tiêu chí đúng theo cách hiểu của VN hiện nay. Trong bài viết này, từ “tiêu chí” được sử dụng để chỉ các yếu tố được nêu trong tài liệu hướng dẫn triển khai.

AUN-QA đưa ra 12 tiêu chí nhằm đánh giá hệ thống ĐBCL bên trong của một trường đại học như sau:
1. Chính sách và các quy trình ĐBCL
2. Giám sát thường xuyên
3. Định kỳ thẩm định các hoạt động cốt lõi (giảng dạy, nghiên cứu, dịch vụ cộng đồng)
4. ĐBCL việc kiểm tra đánh giá người học
5. ĐBCL đội ngũ giảng viên
6. ĐBCL cơ sở vật chất
7. ĐBCL dịch vụ hỗ trợ sinh viên
8. Thực hiện tự đánh giá
9. Kiểm toán nội bộ
10. Các hệ thống thông tin
11. Công bố thông tin về chất lượng
12. Sổ tay chất lượng

Khi kết nối các tiêu chí này vào các mô hình chất lượng của AUN, ta sẽ ngoài thấy tiêu chí 1 có liên quan đến yếu tố cốt lõi đầu tiên trong mô hình chất lượng tổng quát (các chính sách tổng thể của nhà trường, trong đó có cả chính sách về chất lượng), các tiêu chí từ 2 đến 12 chính là các chi tiết của mô hình IQA, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các quy trình và công cụ đảm bảo chất lượng chuyên biệt (yếu tố 3 và 4 trong mô hình, được cụ thể hóa bằng các tiêu chí từ 4 đến 12). Đây cũng là những tiêu chí mà các trường đại học mới xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong thường chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ, và cần chú trọng.

Việc sử dụng các tiêu chí này để đánh giá được hướng dẫn cụ thể trong các tài liệu do AUN-QA cung cấp, đặc biệt là cuốn Cẩm nang hướng dẫn triển khai các nguyên tắc ĐBCL của AUN. Tài liệu này đã được dịch ra tiếng Việt do TTĐBCL&NCPTGD thuộc ĐHQG Hà Nội thực hiện.

Các bạn đọc blog này nếu có quan tâm có thể liên hệ với TTKT (địa chỉ mail: ttkt@vnuhcm.edu.vn) để có thêm thông tin liên quan đến AUN-QA.

(còn tiếp)

Saturday, October 23, 2010

Các tiêu chuẩn đánh giá ... (3): Hệ thống ĐBCL bên trong (IQA) của AUN-QA

3. Hệ thống ĐBCL bên trong (IQA) của AUN-QA

A. Mô hình hệ thống ĐBCL bên trong của AUN-QA

Như đã nêu ở trên, ĐBCL là quá trình thường xuyên kiểm tra (assessing), giám sát (monitoring), bảo chứng (guaranteeing), duy trì (maintaining) và cải thiện (improving) chất lượng. ĐBCL bao gồm các hoạt động bên ngoài - ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới là kiểm định, và đảm bảo chất lượng bên trong (tự kiểm soát, đánh gía và cải thiện), trong đó ĐBCL bên trong đóng vai trò quyết định.

AUN-QA đã chi tiết hóa một mô hình hệ thống IQA của một trường đại học với 4 yếu tố, trong đó 2 yếu tố đầu là các công cụ nhằm thu thập thông tin và thực hiện đánh giá thường xuyên, và 2 yếu tố sau là các quy trình ĐBCL đặc biệt với các công cụ thu thập thông tin dành riêng cho các hoạt động đánh giá tổng kết theo chu kỳ dài.

i. Các công cụ giám sát (monitoring instruments):
Đây là những công cụ nhằm giám sát các hoạt động cốt lõi của một trường đại học, bao gồm: tiến trình học tập của sinh viên (student progress), tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ bỏ học (pass rates, drop out rates), phản hồi từ thị trường lao động và cựu sinh viên (feedback from the labour market and alumni), và hiệu suất nghiên cứu (research performance).

ii. Các công cụ đánh giá (evaluation instruments):
Những công cụ này bao gồm: đánh giá giảng viên do sinh viên thực hiện (student evaluation), đánh giá môn học và chương trình học (course and curriculum evaluation), đánh giá kết quả nghiên cứu (research evaluation), và đánh giá các dịch vụ phục vụ sinh viên (service evaluation).

iii. Các quy trình ĐBCL đặc biệt (special QA processes):
Ngoài các hoạt động thu thập thông tin thường xuyên, ĐBCL bên trong còn có những quy trình ĐBCL đặc biệt như sau: ĐBCL việc kiểm tra đánh giá học viên (QA student assessments), ĐBCL giảng viên/ nhân viên (QA staff), ĐBCL cơ sở vật chất, thiết bị (QA facilities), và ĐBCL việc hỗ trợ người học (QA student support).

iv. Các công cụ ĐBCL đặc biệt (special QA instruments):
Yếu tố cuối cùng của hệ thống ĐBCL bên trong theo AUN là các công cụ ĐBCL đặc biệt phục vụ việc đánh giá tổng kết, đó là phân tích SWOT (SWOT analysis), kiểm toán nội bộ/ đồng nghiệp (inter-collegial audits), hệ thống thông tin (information system), và sổ tay chất lượng (quality handbook).

(còn tiếp)

Free download, must-read và phân tích chính sách công tại VN

Mấy ngày nay tôi bận quá, vì phải tham gia một đoàn đánh giá ngoài ở một trường đại học.

Đây là một trường công lớn và rất có truyền thống, nhưng cũng như đa số các trường công (và tư?) khác ở VN, nó rất ngổn ngang, thành tựu cũng nhiều và không thể chối cãi (đặc biệt khi xét về các điều kiện nguồn lực tài chính và nhân lực của nó), và những điều chưa tốt và cần phải cải thiện cũng không hề ít.

Chứ gì nữa? Một ví dụ rất nhỏ trong vô vàn những cái yếu mà có lẽ ai cũng biết của trường này, cũng tiêu biểu cho mọi trường khác, là sinh viên vào học nhưng chẳng được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học của mình, ngoài ... thời khóa biểu (tổng quát) của một HK, và thời khóa biểu chi tiết nhưng chỉ chính xác một cách tương đối của hàng tuần. Còn mọi việc khác, chẳng hạn tổng số tín chỉ, việc được học rút ngắn thời gian (vì tín chỉ mà), các môn học được phép lựa chọn vv tất cả đều chỉ là ... dự kiến, và có lẽ đến 60% là sẽ có thay đổi?

Chà, cái này mà ở Tây thì sinh viên nó kiện cho phải biết! Nhưng ở VN thì ... mọi người quen rồi, mà có lẽ cũng vì bản chất là một dân tộc vui vẻ dễ tính nên thế nào cũng chấp nhận được.

Nhưng cũng không trách được thầy cô giáo và nhà trường, khi lương bình quân của giảng viên chỉ có 6 triệu, còn chuyên viên phòng ban la 5 triệu. Mà đó là lương của những người có học vị trung bình là thạc sĩ, đa số đã có gia đình, với thâm niên bình quân là xấp xỉ 10 năm, và đang sinh sống ở một thành phố đắt đỏ nhất nước (và ... nhiều rủi ro, tai nạn chết người trên đường phố có lẽ cũng thuộc hàng ... nhất nước), mà thu nhập như vậy, thì bảo làm sao mà đòi hỏi nhiều hơn được nữa? Nó cũng giống như đưa cho người nhà 20 ngàn đồng để đi chợ cho một nhà 8 miệng ăn, mà đòi khẩu phần mỗi người phải 200 gr thịt bò, tất nhiên là còn phải cân bằng dinh dưỡng, đủ chất đường bột, chất béo, rau xanh và chất khoáng ...!!!!

Cho nên mới hiểu, tại sao mà hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm định vv đã được khởi động và hì hục làm cả chục năm nay mà không thấy tác dụng gì mấy: thì chính sách lương, chính sách thành lập trường đại học, chính sách tuyển sinh vv vẫn cứ như cũ, thì hỏi kiểm định như vậy chứ kiểm định dày hơn nữa, kỹ hơn nữa, thì liệu có hy vọng mang lại được tác dụng gì không?

Và lại nhớ mấy ngày nay báo chí đang đóng góp cho đại hội đảng, trong đó có đóng góp về chính sách giáo dục. Có nhiều ý hay, có nhiều người tâm huyết, có kinh nghiệm, và có cả lý luận, nhưng cũng không ít người chỉ có hư danh (cũng chuyên gia, cũng chức sắc, cũng sư cũng sĩ cả chẳng kém ai), và chỉ có lý sự và lời lẽ nổ lốp bốp, nhưng ý tưởng thì thuộc loại: "cái mới thì không hay, cái hay thì không mới!"

Chưa kể, còn nhiều cái ... rõ ràng là không đúng, hoặc rất đáng ngờ, thực thế!

Ví dụ, mới trên báo Tuổi trẻ hôm qua có một phần phát biểu mà tôi cứ ngờ ngợ mãi, muốn phản bác nhưng còn thận trọng không dám, cần kiểm tra kỹ lại (chưa kể, cũng muốn tránh vì nếu không thì lại bị hiểu lầm rằng có ... thành kiến cá nhân, hoặc ... chơi xấu đồng nghiệp? Vì ở VN thì, ai cũng rõ mà, "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình?")

Vâng, điều tôi ngờ ngợ là thế này ạ: tôi mới đọc được trên báo Tuổi trẻ một phát biểu rằng ở Mỹ, Viện NC khoa học giáo dục được lập ra do một đạo luật của QH Mỹ, và Viện trưởng do tổng thống Mỹ trực tiếp bổ nhiệm?????

Lạ thật! Tôi nghĩ điều này cực kỳ vô lý vì nhiều lẽ:

1. Mỹ không chỉ có một viện nghiên cứu về giáo dục, mà phải hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Vậy Viện nào là Viện có Viện trưởng do TT Mỹ bổ nhiệm nhỉ?

2. Các viện nghiên cứu chính sách thực chất là các think tanks, mà think tanks của Mỹ thì là một biểu hiện rất rõ của xã hội dân sự; chúng làm việc độc lập với nhà nước, để có thể khách quan mà phản biện nhà nước. Ngay cả nếu chúng có sử dụng ngân sách công thì chúng cũng sẽ được quyền tự chủ rất cao để tha hồ phản biện. Vậy nếu tổng thống bổ nhiệm thì còn gì sự độc lập nữa? Nếu nói khác ý của tổng thống, sẽ bị cách chức thì sao? Vậy hóa ra là các think tanks của Mỹ là thuộc dạng ... bồi bút ư?

Tôi thắc mắc mãi, thực thế, nên nếu có ai hiểu biết hơn xin vui lòng chỉ bảo cho tôi biết với, để mở đầu ra, cho nó bớt ngu đi ạ!

Còn tôi, thì tôi chỉ nghĩ rằng, đã là người có học, thì nên bám chắc lấy câu: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe!"

Nên mới đưa lên đây đường link dẫn đến cuốn sách rất đáng đọc (sorry, hơn 600 trang tiếng Anh), với cái tựa dịch ra tiếng Việt là "Cẩm nang phân tích chính sách công".

ở đây này, rất đáng đọc.

Tôi cũng đang đọc, và nếu có gì hay, và nếu có thời gian, sẽ viết lên đây để chia sẻ với mọi người nhé.

Lại lẩn thẩn nghĩ, ở VN hiện nay, chính sách công được xây dựng theo kiểu rất không chuyên nghiệp như thế này - cứ đưa ra bàn rộng rãi, ai nói cũng được, mà nguời người nói thì biết một cũng tưởng mình biết mười, hùng hồn đao to búa lớn, rồi cuối cùng lấy ý kiến số đông, thì chẳng trách tại sao các chính sách công của ta cứ tệ hại như vậy?

Mà cả những người được xã hội kính trọng, xem là chuyên gia cũng có thể như thế, mới ... kinh hoàng chứ? À mà tôi sực nhớ, trước đây có mấy đồng nghiệp đáng kính của tôi phát biểu ngon lành rằng ... Mỹ không có Bộ Giáo dục! Lạ, làm sao một bộ quan trọng như thế, mà Mỹ lại không có? Hay tại vì nó có Viện NC KHGD rồi, do tổng thống bổ nhiệm lận đó, nên không cần bộ giáo dục nữa??????

Lạ thực đấy, nếu các chuyên gia, những nhân vật tai to mặt lớn trong ngành giáo dục mà đang phát biểu như vậy, thì tôi ... tiêu là cái chắc rồi. Rõ ràng là tôi phải kiểm tra lại những hiểu biết của tôi, vì nó ... khác những gì mà các chuyên gia của VN đang phán trên báo chí quá đi mất! (Ừ mà tôi vẫn đang làm điều ấy đó thôi, bằng chứng cụ thể là bài viết này, chẳng hạn.)

Nhân tiện, mọi người đọc thêm bài này, bằng tiếng Việt, khá hay, để hiểu thêm về quá trình xây dựng chính sách ở các nước nhé!
------
Cập nhật lúc 13:45 phút cùng ngày:
Bài này vừa đưa lên ít lâu là đã có người phản biện, góp ý. Rất hay. Các bạn đọc các comment bên dưới và tranh luận tiếp nhé!

Wednesday, October 20, 2010

Các tiêu chuẩn đánh giá ... (2): Mô hình chất lượng giáo dục đại học của AUN-QA

2. Mô hình chất lượng giáo dục đại học của AUN

Quản lý chất lượng là một khái niệm và thực tiễn xuất phát từ trong lĩnh vực quản lý công nghiệp, và nhiều mô hình đã được đưa ra áp dụng, ví dụ như mô hình EFQM của châu Âu hoặc mô hình Balridge của Mỹ. Khi áp dụng quản lý chất lượng vào lĩnh vực giáo dục đại học, cần có những điều chỉnh thích hợp.

Với sự tư vấn về kỹ thuật của các chuyên gia Hà Lan [xem chú thích 1], AUN-QA đã lựa chọn mô hình chất lượng giáo dục đại học của mình để làm cơ sở xây dựng các quy trình, quy định và hướng dẫn hoạt động đánh giá chất lượng. Mô hình chất lượng của AUN-QA bao gồm 6 yếu tố, trong đó có 4 yếu tố cốt lõi và 2 yếu tố ngoại vi, như sau:

A. 4 yếu tố cốt lõi:

i. Sứ mạng, mục đích và mục tiêu (mission, goals and aims)
Với định nghĩa "chất lượng là đạt được mục tiêu đã đề ra", mọi hoạt động đánh giá chất lượng đều có xuất phát điểm từ sứ mạng, mục đích và mục tiêu. Điều này tất nhiên dựa trên giả định là sứ mạng, mục đích và mục tiêu của một đơn vị là sự phản ánh trung thực và đầy đủ yêu cầu của các bên có liên quan (người học, giảng viên, nhà quản lý trường đại học, người sử dụng lao động, và toàn xã hội).

ii. Chính sách và kế hoạch, hệ thống quản lý, nguồn nhân lực, và nguồn lực tài chính (Policy plan, management, human resources, and funding)
Đây là những yếu tố liên đến đầu vào của hệ thống, là điều kiện cần thiết (nhưng chưa đủ) để tạo ra chất lượng mong muốn.

iii. Các hoạt động cốt lõi, bao gồm: đào tạo, nghiên cứu, và các dịch vụ cho cộng đồng (educational activities, research, and community services)
Đây là thành phần chủ yếu của một mô hình chất lượng. Mỗi loại hoạt động đã nêu - đào tạo, nghiên cứu, và dịch vụ - đòi hỏi có một mô hình chi tiết đặc thù riêng cho nó.

Trong 3 hoạt động này, AUN-QA trước mắt chú trọng đến hoạt động đầu tiên là đào tạo - cũng là hoạt động chiếm tỷ trọng cao nhất trong các hoạt động của một trường đại học - và đưa ra một mô hình chi tiết cụ thể để áp dụng trong đánh giá chất lượng chương trình đào tạo.

iv. Các thành quả đạt được (achievements)
Đây là kết quả cuối cùng của mọi hoạt động đã nêu ở trên, và cũng là chứng cứ rõ ràng nhất về chất lượng của một đơn vị. Mỗi loại hoạt động - đào tạo, nghiên cứu, và dịch vụ - sẽ có những loại thành quả riêng biệt, và sẽ được nêu cụ thể trong các mô hình chi tiết dành riêng cho từng hoạt động.
----
Cập nhật sáng 21/10/2010:

B. 2 yếu tố ngoại vi:


i. Sự hài lòng của các bên liên quan (stakeholder satisfaction)
Đây là những thông tin phản hồi mà một hệ thống giáo dục cần thu thập thường xuyên và nhanh gọn về mọi yếu tố trong suốt quá trình hoạt động của mình – từ nguồn lực đầu vào, đến quy trình vận hành, và thành quả đạt được. Những thông tin này giúp hệ thống luôn vận hành theo đúng mục tiêu đã đề ra.

ii. Đảm bảo chất lượng và đối sánh trong phạm vi quốc gia/quốc tế
Đảm bảo chất lượng (ĐBCL) được định nghĩa là quá trình thường xuyên kiểm tra (assessing), giám sát (monitoring), bảo chứng (guaranteeing), duy trì (maintaining) và cải thiện (improving) chất lượng.

Đối sánh có thể định nghĩa nôm na là so sánh một chương trình hoặc cơ sở đào tạo với một chương trình hoặc cơ sở đào tạo khác khá hơn để nhận diện các điểm yếu của chính mình và học tập từ cách làm của người khác. [Chú thích: Định nghĩa này viết theo tài liệu của UNESCO 2007, tr. 34; địa chỉ truy cập: http://unesdoc.unesco.org/images/0015/001520/152045e.pdf]

ĐBCL và đối sánh là cách thu thập thông tin có cấu trúc và thường được thực hiện theo chu kỳ ở những thời điểm có ý nghĩa đối với một đơn vị hoặc một chương trình đào tạo (ví dụ chu kỳ 5 năm hay 10 năm, là thời gian đủ dài để có thể thấy được những thay đổi quan trọng).

Như vậy, có thể tóm tắt mô hình chất lượng giáo dục đại học của AUN như sau:

- Các yếu tố cốt lõi của mô hình liên quan đến toàn bộ hoạt động thường xuyên của một trường đại học, gồm (1) sứ mạng mục tiêu; (2) nguồn lực; (3) các hoạt động then chốt (đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ); và (4) các thành quả đạt được.

- Các yếu tố ngoại vi của mô hình liên quan đến các thông tin phản hồi và cơ cấu giám sát, đánh giá, đối sánh nhằm giúp cho hệ thống giáo dục có thể vận hành đúng hướng và hiệu quả.

(còn tiếp)

Tuesday, October 19, 2010

Các tiêu chuẩn đánh giá hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của AUN-QA (1)

Entry này chỉ nhằm ghi lại những ý tưởng phác thảo để chuẩn bị cho một báo cáo mà tôi sẽ phải hoàn tất trong vòng vài ngày tới. Vì vậy, nó sẽ không hoàn chỉnh, hoặc sẽ chỉ được hoàn chỉnh dần dần. Viết ra đây để lưu cho mình, mà cũng là để chia sẻ với những người có quan tâm mà thôi.
---------
Đề cương báo cáo

1. Giới thiệu AUN và AUN-QA
2. Mô hình chất lượng giáo dục đại học của AUN-QA
3. Hệ thống ĐBCL bên trong (IQA) của AUN-QA
4. Kinh nghiệm áp dụng tại ĐHQG-HCM
---------
1. Giới thiệu AUN và AUN-QA

A. AUN

AUN là từ viết tắt của cụm từ Asean University Network, tạm dịch sang tiếng Việt là Mạng đại học Đông Nam Á, một tổ chức tự nguyện, phi chính phủ và phi lợi nhuận, nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác và nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu giữa các trường đại học trong khu vực.

Được thành lập vào tháng 11 năm 1995 với 13 thành viên đầu tiên thuộc 6 nước Đông Nam Á lúc bấy giờ là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan, hiện nay tổ AUN đã có số lượng thành viên là 26 trường thuộc 10 nước trong khu vực, trong đó có 2 đại học quốc gia của Việt Nam. Danh sách đầy đủ của 26 trường thuộc AUN có thể xem trên trang web của AUN, ở đây.

B. AUN-QA
AUN-QA là nhóm công tác đảm bảo chất lượng của AUN. Ý tưởng thành lập AUN-QA được đưa ra và thông qua vào năm 1998 tại cuộc họp lần họp thứ tư của Hội đồng quản trị AUN. Sau đó, trong năm 1999 danh sách nhân sự của nhóm công tác đã được thông qua trên cơ sở đề cử từ các trường thành viên, mỗi trường một người phụ trách chính và có thể có thêm một người dự trữ nếu thấy cần thiết.

Trong những năm từ 2000 đến hết năm 2004, AU-QA tập trung vào việc xây dựng các mô hình và tiêu chuẩn chất lượng trường đại học, các quy định, quy trình, và tài liệu hưóng dẫn sử dụng. Từ năm 2005 đến nay, bộ tiêu chuẩn này đã được áp dụng để đánh giá các chương trình đào tạo của các trường thành viên, cũng trên cơ sở tự nguyện.

(còn tiếp)

Đóng cửa Khoa Pháp, nên chăng?

Ấy chết, các bạn đừng hiểu lầm. Tôi đang nói chuyện ở Mỹ, chứ không phải chuyện VN đâu ạ.

Số là một người quen của tôi mới gửi cho tôi đường dẫn đến cuộc tranh luận liên quan đến việc một vài trường đại học bên Mỹ buộc phải đóng cửa một số khoa/chương trình thuộc khối ngành nhân văn (humanities).

Cụ thể, trường SUNY Albany (State University of New York at Albany) vừa xóa bỏ các chương trình đào tạo thuộc các ngành tiếng Pháp, tiếng Ý, các ngôn ngữ cổ điển (Latin và Hy Lạp), tiếng Nga và ngành kịch nghệ. Lý do: ngân sách của trường bị cắt giảm, mà số lượng sinh viên đăng ký vào các ngành này lại ít.

Và thế là một cuộc tranh luận về vấn đề này đã được đưa ra trên tờ New York Times. Các bạn có thể vào đây mà đọc. Một cuộc tranh luận rất thú vị, với những ý kiến sắc sảo thuộc cả hai phe, chống và ủng hộ (tất nhiên rồi, có 2 phe thì mới là tranh luận chứ nhỉ?)

Với tư cách là một người tốt nghiệp từ khoa Ngữ văn Anh của trường ĐH Tổng hợp TP HCM, tức hoàn toàn thuộc khối nhân văn, đương nhiên là tôi thuộc phe chống. Nói rõ hơn, là chống việc đóng cửa các khoa ngoại ngữ, hoặc đóng cửa khối ngành nhân văn. Chứ gì nữa, ngành học mà mình đã chọn, và bỏ gần hết cuộc đời ra để theo đuổi (dù lúc sau này tôi bị đưa đẩy quẹo sang ngành khác, đó là đo lường đánh giá), mà bây giờ người ta xóa sổ, bảo sao tôi không chống cho được!

Mà nó không chỉ xảy ra ở Mỹ đâu nhé. Mấy năm gần đây, hiện tượng một số ngành, đặc biệt là thuộc khối ngoại ngữ và nói chung là khối xã hội nhân văn, không tuyển sinh được và có nơi phải đóng cửa, cũng đang diễn ra trong một số trường đại học của VN kia kìa. Nhân tiện, đa số điều ấy diễn ra ở trường tư, nơi hiệu quả kinh tế của việc đầu tư được đặt lên hàng đầu (cũng phải thôi!)

Không có người học, thì rõ ràng là ngành học phải bị đóng cửa. Điều đó có lẽ rất hiển nhiên. Nhưng tại sao ngay ở Mỹ người ta cũng vẫn còn tranh cãi về điều này nhỉ? Mà có phải cứ hễ không có người học thì đóng cửa ngành học hay không? Phải chăng đại học chỉ nên đào tạo những ngành có tính ... nghề? Đặc biệt là những nghề đang "hot", vd ở VN là tài chính, ngân hàng, kế toán, kinh tế, thương mại, rồi bớt "hot" một chút là báo chí, luật, công nghệ thông tin?

Hoặc tất nhiên là khối ngành y học và khoa học về sức khỏe (không "hot" theo nghĩa là có nhiều người đổ xô vào học, nhưng luôn luôn là một ngành đắt giá và sẽ không bao giờ bị đóng cửa, hẳn thế, vì tính nghề nghiệp của nó rất rõ ràng)?

Dường như đây là một xu hướng có thực trên toàn thế giới: những ngành mang tính rộng, phổ biến, ai học cũng được, học trước hết là vì thích học, vì thấy có nó thú vị, hấp dẫn, có ích một cách ... chung chung, mặc dù chưa biết sau này mình sẽ sử dụng nó vào công việc gì - tôi đang nói các ngành nhân văn và nghệ thuật ấy, arts and humanities - thì hình như ngày càng đang bị co cụm lại, và ... dần dần xóa sổ, thì phải?

Xóa sổ các ngành nghệ thuật và nhân văn ư? Tôi không bao giờ trông chờ ngày ấy! Vì nếu thế, thì ... có lẽ cuộc đời này cũng không còn đáng sống nữa!

Tại sao tôi nói vậy? Hãy thử xem một vài đoạn tranh luận chống lại việc xóa bỏ các ngành nhân văn này:
Cuts in the humanities are bad for business and bad for democracy. Even if a nation’s only goal were economic prosperity, the humanities supply essential ingredients for a healthy business culture.

[...] We also pride ourselves on our open democracy, and on the freedoms of speech and the press that make our political life one in which the people rule. To keep democracy vital, we urgently need the abilities that the humanities foster

Xem bài gốc ở đây. Tác giả của nó là giáo sư Đại học Chicago.

Va một người khác, giáo sư ở Harvard đấy nhé:
of course the humanities teach something. Their subject matter is culture, and since everything human beings do is mediated by culture -- by language, by representations, by systems of values and beliefs -- knowing how to understand other languages, interpret cultural expressions, and evaluate belief systems is as indispensable to functioning effectively in the professional world as knowing how to use a computer. This knowledge may or may not make you a better person; it can certainly make you more productive and successful in the workplace.

Link ở đây.

Nói ngắn gọn: để trả lời câu hỏi được nêu trong tựa entry này, câu trả lời của tôi là: không, trăm lần không, ngàn lần không, vạn lần không!

Bạn không đồng ý với tôi ư? Hãy đọc phần tranh luận trên báo NY Times, rồi quay lại đây, chúng ta cùng tranh luận.

Còn tôi, tôi chỉ muốn đưa ra thêm một nhận xét này: nước Mỹ cho đến nay vẫn có một nền giáo dục đại học mạnh nhất thế giới. Và những đặc điểm không lẫn vào đâu được của đại học Mỹ là sinh viên được học một chương trình đào tạo rộng (broad-based curriculum), trong đó các khoa học cơ bản - cả tự nhiên lẫn nhân văn, thường gọi là liberal arts - được chú trọng.

Và không khí học thuật của họ thì tuyệt vời: môi trường tự do tư duy, sáng tạo, tự do phát biểu ý kiến, tự do tranh luận, đi kèm với ý thức về trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng và xã hội ... Một nền giáo dục mà giờ đây các nước mới giàu lên như TQ cũng đang học theo.

Nói thêm: các trường đại học hàng đầu trên thế giới đa số đều là trường đa ngành, trong đó vai trò của các ngành nhân văn trong việc đem lại hình ảnh, vị thế và uy tín cho trường là điều không thể chối cãi. Ví dụ: Harvard và Yale của Mỹ, hay Cambridge và Oxford của Anh.

Nay, vì khủng hoảng kinh tế mà Mỹ phải cắt giảm ngân sách cho các trường đại học, dẫn đến việc các trường cắt bỏ các chương trình đào tạo ít người học như thế này, quả là đáng tiếc.

Ở một góc nhìn khác, tôi cho rằng giáo dục VN nói chung, giáo dục đại học của VN nói riêng, và suy rộng ra là toàn xã hội VN, sở dĩ hiện nay có lắm vấn đề rối rắm và dường như không giải quyết được như thế này là do chưa có sự đầu tư và quan tâm đúng mức cho khối ngành xã hội và nhân văn, mà đặc biệt là ngành nhân văn.

Nhưng có lẽ nó chỉ là tạm thời thôi. Các ngành nhân văn sẽ phải sống, rồi các bạn cứ thử theo dõi mà xem, dù ở VN hay ở Mỹ gì cũng vậy. Dù nó có thể tồn tại dưới một hình thức khác hơn hiện nay, có lẽ thế?

Bạn không bị thuyết phục ư? Vậy thì ... xin mời, chúng ta tranh luận nhé! :-)

Saturday, October 16, 2010

Có thế chứ, top của VN đây này!


------------------------------
Như các bạn đã biết, tôi đang quan tâm đến xếp hạng đại học, và cứ suốt ngày đọc về ranking với benchmarking, đến là chán.

Chán, là bởi vì chẳng riêng tôi, mà mọi người đều cảm thấy khá … mệt mỏi và vô vọng vì càng hiểu về xếp hạng đại học, về các yếu tố thành công của một trường đẳng cấp quốc tế, thì càng thấy cái mục tiêu lọt vào top 200 vào năm 2020 của một vài trường đại học VN nó mới … bất khả (impossible) làm sao!

Vì 2 điều quan trọng nhất của một trường đại học có đẳng cấp, theo ý tôi, là đội ngũ giảng viên và nhà khoa học giỏi, cùng danh tiếng thông qua các mối quan hệ và tác động với cộng đồng, không chỉ trên phạm vi trong khu vực mà còn toàn thế giới, thì đều không dễ đạt được theo những công thức có sẵn nào, mà đòi hỏi sự sáng tạo, chấp nhận rủi ro, bám sát cuộc sống, và sự kiên trì, bền bỉ – tức là đòi hỏi rất nhiều thời gian.

Cho nên, càng đọc thì tôi càng cảm thấy là chẳng thể có công thức chung nào cho sự thành công hết. Ngoài vài nguyên tắc hoạt động của một trường đại học mà ai cũng biết rồi: tự chủ đại học, tự do học thuật, tự do lựa chọn của người học, và trách nhiệm giải trình của mọi cá nhân, đơn vị đối với xã hội, mà đại diện là một nhà nước dân chủ với hệ thống giám sát minh bạch.

Nói tóm gọn trong vài từ, thì nó là cặp từ mà chúng ta đã nghe từ lâu, có lẽ cả gần 2 thập niên nay từ khi đổi mới giáo dục đại học của VN, đó là “tự chủ và tự chịu trách nhiệm”. Autonomy and accountability.

Vậy chứ cái tựa của entry này là nói đến điều gì đây? À, đang tìm tài liệu về ranking thì tôi lại tìm được global city ranking – xếp hạng thành phố toàn cầu. Và nhìn qua danh sách các thành phố được xếp hạng, bỗng thấy, ngạc nhiên chưa, TP HCM của ta đó!

Ừ thì cũng không có gì đáng nói lắm, vì TP HCM đứng hạng … gần chót, 61/65 thành phố. Nhưng mà … cũng tự hào chứ, vì đó là TP duy nhất của VN được lọt vào danh sách này.

Không những thế, khi nhìn vào phương pháp xếp hạng, ở đây này, thì thấy cũng đáng nể lắm nhé, vì các TP trong danh sách này được xếp hạng theo 25 chỉ số (metrics) thuộc 5 yếu tố sau:

1. Các hoạt động thương mại tại TP, bao gồm giá trị của thị trường tính bằng tiền, số lượng các hãng trong danh sách top 500 của Fortune Global có văn phòng đại diện ở TP, và khối lượng hàng hóa được trao đổi tại TP này.

2. Nguồn vốn nhân lực của TP, bao gồm “kích thước” (size) của dân nhập cư vào thành phố, chất lượng các trường đại học, số lượng các trường quốc tế, và tỷ lệ người dân thành phố có bằng đại học.

3. Sự trao đổi thông tin trong TP, bao gồm số lượng các hãng tin đặt tại TP, mức độ tự do báo chí (chính xác hơn là mức độ không kiểm duyệt), lượng thông tin về thế giới trên các tờ báo hàng đầu của TP, và số lượng người đăng ký sử dụng mạng băng thông rộng (broadband).

4. Trải nghiệm văn hóa tại TP, tức mức độ hấp dẫn về mặt văn hóa của TP đối với dân chúng và khách du lịch. Yếu tố này bao gồm các chỉ số như số lượng các hoạt động lớn văn hóa, thể thao, ẩm thực; các mối quan hệ kết nghĩa với các thành phố khác, vv.

5. Cuối cùng là yếu tố tham gia về chính trị và sự ảnh hưởng đến việc đối thoại và xây dựng chính sách toàn cầu. Làm sao đo được cái này nhỉ? Thì đây: số lượng các đại sứ quán/ lãnh sự quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nghiên cứu chính sách (think-tank) lớn, và các hội nghị về chính trị mà TP đứng ra tổ chức.

Các bạn cứ thử nhìn kỹ các chỉ số trên kia mà xem kìa, trong 5 yếu tố thì chỉ có 1 yếu tố liên quan đến kinh tế mà thôi, 4 yếu tố khác là nguồn nhân lực, là thông tin, là văn hóa, và là sự tham gia chính trị toàn cầu. Mà yếu tố thứ hai, nguồn nhân lực, cũng nêu hẳn vai trò của các trường đại học nhé. Cho nên nếu TP HCM mà lọt vào được danh sách này thì cũng đáng tự hào chứ bộ. Mà VN chỉ có một mình TP HCM thôi nhé!

Nói thêm: bài viết này của tôi đăng lên đây cũng không lạc đề lắm đâu, vì đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới nói đến vị trí địa lý của các trường đại học hàng đầu. Ví dụ như những bài viết này, ở đây, ở đây, và ở đây.

Điều này có nghĩa là gì? Nếu TP HCM là một thành phố toàn cầu, đã lọt vào danh sách xếp hạng cùng với những thành phố quan trọng khác trên thế giới (trong khu vực ĐNA ta thấy ngoài TP HCM còn có Jakarta, Bangkok, Kualar Lumpua, vv), thì khả năng TP HCM sẽ có một (vài?) trường đại học có đẳng cấp trong tương lai chắc là sẽ không đến nỗi vô vọng. Mặc dù có lẽ sẽ không phải là năm 2020. Hy vọng nó sẽ là 20…60, hoặc sớm hơn một chút. Sao không là 2050 nhỉ, vì hiện nay dân Mỹ đang ngồi đoán 2050 thế giới sẽ ra sao đấy.

Có đúng vậy không, hay là tôi đang mơ?

Bài đáng đọc, từ báo Trung Quốc: “ĐH châu Á cần thúc đẩy nghiên cứu & sáng chế tư nhân”

Một bài viết của tác giả Binod Sing, mới đăng ngày 15/10/2010 trên trang mạng của tờ Trung Hoa Nhật báo (China Daily). Có thể tìm thấy bản gốc tiếng Anh ở đây.

Một bài viết khá hay, nói lên tình trạng quản lý nghiên cứu khoa học tại các trường đại học Trung Quốc và sự trì trệ, quan liêu của nó. Theo tác giả, quản lý như hiện nay không thể làm cho nghiên cứu khoa học trong các trường đại học phát triển được, và vì vậy cần phải thúc đẩy việc nghiên cứu và sáng chế của tư nhân.

Dưới đây là một vài đoạn trích mà tôi cho là đáng đọc nhất trong bài, và bình loạn của tôi.

Due to the bureaucratic nature of Chinese universities, a serious researcher cannot pursue his research interest in a very nurturing environment. Chinese universities now have abundant funds for R&D to support their scholars, but the way it is channeled smells of corruption and red-tapism. Living and studying in China, we know about the fapiao (bill) being used to get money appropriated from the R&D fund.

Các bạn chú ý phần in đậm nhé: “Các trường đại học TQ hiện nay có ngân quỹ nghiên cứu phát triển khá dồi dào cho các học giả của mình, nhưng cách thức phân bố kinh phí khoa học sặc mùi tiêu cực và quan liêu”!

Vậy phải làm gì? Theo tác giả thì hệ thống quản lý hiện nay phải thay đổi. Nhưng thay đổi cụ thể ra sao thì tác giả không nêu rõ, mà chỉ mô tả cách tuyển sinh của trường IIT của Ấn Độ. Dường như tác giả có ý nói rằng quá trình tuyển chọn các đề tài nghiên cứu cần phải công bằng, tương tự như quá trình tuyển sinh tại IIT vây.

Và đây là đoạn kết luận:
First and foremost, government must reform the fund allocation system and reduce the red-tapism and check out any chance of misuse of fund allocated for R&D purposes. This is the only way to realize the dream of making the 21st century an Asian century. If our universities fail us on the innovation front, we will be in a disadvantaged position to negotiate with the developed world on many fronts.

Nhân tiện, xin đọc thêm phần nhận xét của các độc giả cho bài viết trên:
After the war, for 50 years all the way to the 21th century, African and Indian intellectual elite went to Oxford, Cambridge, Harvard, Yale, Sorbonne etc. to study, while Chinese elite had to settle for Qinghua, Beijing Daxue, Shanghai Jiaotong, and when they were lucky, Moscow or Zagreb University. And remember that China was not a (medium) rich country then, but poorer than India and at least as poor as Africa.

Nominally, theoretically, or dogmatically, no developing country has had such a "poor" academic environment the last 50-60 years as China, but at the same time...

Shi shi qiu shi. Please be realistic, mr Singh. I hate to see developing countries getting the wrong message from their own people.

Các bạn có để ý phần in đậm không? Vâng, đào tạo được người tài cho các trường đại học, thì trước hết những thầy cô và nhà nghiên cứu trong các trường phải được đào tạo tử tế ở các trường đại học tử tế. Chứ cứ như VN hiện nay, lạm phát bằng cấp mà bất chấp chất lượng đào tạo, rồi những người có bằng cấp ấy họ lại nắm được các vị trí quản lý trong các trường đại học, thì chất lượng giáo dục đi về đâu chắc là ai cũng đoán được.

In China the problem is in Copy Right Protection. When that problem is solved then creativity will systematically flourish.

Một nhận xét rất hay phải không các bạn. Không bảo vệ quyền tác giả thì ai tội gì nghiên cứu, sáng chế làm chi cho khổ. Cứ đợi người khác nghĩ xong thì mình … chôm, có phải là khỏe hay không? Cứ chôm ý tưởng, thậm chí chôm cả lời lẽ nữa, của người khác – mà dễ nhất là những đồng nghiệp của mình, những người mà mình gần gũi ấy, vì thế nào họ cũng hớ hênh, nói ra bằng lời, chia sẻ bài viết vv – rồi sửa đi đôi chút, và công bố dưới tên mình, là có công trình ghi vào lý lịch rồi … phong giáo sư thôi, có khó gì?

Ôi, nếu TQ mà thế, thì không hiểu VN ra sao nhỉ?

Friday, October 15, 2010

"Muốn có đẳng cấp quốc tế, trước hết cần chất lượng"

Tựa của entry này là phần dịch thoát một phần trong cái tựa của bài viết mới đây của Dr Rahul Choudaha, nguyên văn tiếng Anh là “From where I sit – World-class aims demand quality”. Có thể tìm thấy bài viết ở đây.

Một bài rất hay, và rất phù hợp với VN. Rất đáng đọc, đặc biệt là các nhà quản lý và lãnh đạo trong ngành giáo dục của VN.

Dưới đây là một vài đoạn trích và tóm tắt cùng bình loạn của tôi.
There is no dearth of self-proclaimed world-class institutions in India, even though when claims of world-class faculty, research or infrastructure are benchmarked to global institutions through proxies such as the THE rankings, they fail miserably. Nevertheless, the term "world-class" is loosely used not only by institutions but also by the government. Unfortunately, the recent announcement of the establishment of 14 "innovation universities" meeting world-class standards has yet to move beyond an attractive concept.

Nhận xét của tôi: tình trạng của Ấn Độ được mô tả trong đoạn trích nói trên sao rất giống VN, chỉ toàn là đẳng cấp quốc tế “tự phong”. Well, VN thì chưa có trường nào tự xưng là đẳng cấp quốc tế cả, nhưng những phát biểu theo kiểu “lọt vào top 200 vào năm …” thì không hề ít. Thế nhưng khi đem so sánh (chính xác hơn là “đối sánh”, benchmarked) các trường thuộc loại “top” của VN với những trường đẳng cấp quốc tế (tức nằm trong top 200 của các hệ thống xếp hạng đại học toàn cầu) trên các khía cạnh như chất lượng giảng viên, thành quả nghiên cứu, cơ sở vật chất vv thì … thấy mình chẳng giống ai hết, vậy không hiểu mình sẽ thành đẳng cấp quốc tế như thế nào đây?

Why does India lack world-class universities? It is easy to point to the lack of resources - money and time - needed to build such institutions. More importantly, however, Indian higher education fails to fully recognise the value of the most essential resource in such an endeavour, namely talent. An awareness of the importance of attracting the best talent - students, faculty and administrators - in delivering quality is sorely missing.

Ở đây lại là một điểm giống nhau khác giữa VN và Ấn Độ. Thiếu tiền, thiếu thời gian, OK, nhưng cũng thiếu một điều quan trọng có tính quyết định khác, đó là thiếu tài năng. Tài năng của người học, tài năng của thầy cô, và theo tôi, quan trọng nhất, là tài năng của những nhà quản lý và lãnh đạo ĐH. Thiếu một cách đau đớn, đó là cách nói của tác giả bài viết – “sorely missing”.

[…] India cannot turn its back on access, nor can it afford to waste its higher-education resources by expanding an inefficient system. Continued expansion without a keen focus on quality will merely result in a larger inefficient system. It is time that quality orientation takes precedence, at least in the short term.

One may argue that India has no need of "world-class" higher education institutions, given the country's resource constraints and widening-access priorities. But I believe that India needs exemplars to raise the overall quality of the system and to provide world-class solutions to its many challenges. Building truly excellent universities will require a comprehensive approach to attract and retain top talent.

Cũng giống VN nữa: phát triển giáo dục đại học dựa trên số lượng chứ không dựa trên chất lượng. Tất nhiên số lượng không phải là xấu vì cần phải tạo điều kiện cho mọi người đến trường. Nhưng cũng như Ấn Độ, VN cần một số trường thực sự hàng đầu để làm mẫu mực cho các trường khác học tập và thúc đẩy chất lượng chung của toàn hệ thống.

[…] India cannot turn its back on access, nor can it afford to waste its higher-education resources by expanding an inefficient system. Continued expansion without a keen focus on quality will merely result in a larger inefficient system. It is time that quality orientation takes precedence, at least in the short term.

One may argue that India has no need of "world-class" higher education institutions, given the country's resource constraints and widening-access priorities. But I believe that India needs exemplars to raise the overall quality of the system and to provide world-class solutions to its many challenges. Building truly excellent universities will require a comprehensive approach to attract and retain top talent.

Cũng giống VN nữa: phát triển giáo dục đại học dựa trên số lượng chứ không dựa trên chất lượng. Tất nhiên số lượng không phải là xấu vì cần phải tạo điều kiện cho mọi người đến trường. Nhưng cũng như Ấn Độ, VN cần một số trường thực sự hàng đầu để làm mẫu mực cho các trường khác học tập và thúc đẩy chất lượng chung của toàn hệ thống.

Vậy phải làm gì? Hãy đọc kỹ câu cuối của tác giả mà tôi trích lại ở đây một lần nữa: “Building truly excellent universities will require a comprehensive approach to attract and retain top talent.”

Vâng, thu hút và trọng dụng nhân tài, đừng để họ phải bỏ nghề vì gạo tiền cơm áo. Chẳng biết chính phủ VN có sẽ sớm có chính sách trọng dụng nhân tài không, hay vẫn để cho chất xám tiếp tục tình trạng bị chảy máu?

“Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế: Chín sai lầm phổ biến”

Đó là cái tựa đã được biên tập lại của một bài viết của tác giả Salmi, chuyên gia về giáo dục đại học của Ngân hàng thế giới mà tôi đã chọn dịch và gửi đăng trên Tia Sáng. Bài đã được biên tập lại chút ít và đăng cách đây vài ngày, có thể tìm đọc tại đây. Bản gốc tiếng Anh ở đây.

Còn dưới đây là bản gốc chưa qua biên tập của tôi, đưa lên đây để lưu. Các bạn đọc và trao đổi nhé.
-------------------

Chín sai lầm phổ biến khi bắt đầu xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế

Jamil Salmi
Phương Anh dịch và giới thiệu

Báo Christian Science Monitor ngày 20/9/2010 đã đưa một bài viết về Việt Nam dưới tựa đề: “Asia’s next economic tiger? Hint: It’s not China or India”, trong đó giới thiệu về trường Đại học Việt – Đức như một mô hình mới trong quản trị đại học Việt Nam. Với mức đầu tư ban đầu là 200 trăm triệu đô la Mỹ và cách điều hành chuyên môn hoàn toàn tự chủ, không chịu sự can thiệp trực tiếp bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngôi trường này hy vọng sẽ trở thành một trường đại học nghiên cứu có đẳng cấp của Việt Nam, với chỉ tiêu lọt vào top 200 thế giới vào năm 2020.

Điều này có khả thi không? Cho đến nay, Việt Nam chưa hề có kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng thành công các đại học có đẳng cấp quốc tế, nên không ai có thể trả lời câu hỏi vừa nêu, mà chỉ có thể phỏng đoán và chờ đợi. Tuy nhiên, theo một bài viết vừa đăng trên trang blog The World View của tờ Inside Higher Education vào ngày 22/8/2010 của Jamil Salmi, chuyên gia về giáo dục đại học của Ngân hàng thế giới, tác giả cuốn sách The Challenge of Establishing World Class University do UNESCO xuất bản, “việc xây dựng một cơ sở giáo dục đại học mới với mong muốn đạt tiêu chuẩn cao nhất là một việc làm cao quý nhưng cực kỳ khó khăn”, thậm chí “đầy cạm bẫy”. Điều đáng mừng là cũng theo tác giả thì những cạm bẫy này không phải là không thể tránh được, nếu chúng ta biết học hỏi những kinh nghiệm của những người đi trước, mà tác giả Salmi đã đúc kết lại thành chín sai lầm cần tránh trong bài viết dưới đây.

Xin trân trọng giới thiệu đến tất cả các bạn bài viết hữu ích này, đặc biệt là cho ngành giáo dục của Việt Nam.
--------------
"Cơ hội tạo ra một tổ chức hoàn toàn mới từ hai bàn tay trắng để đi từ ý tưởng đến hiện thực là một món quà quý hiếm. Nó tạo điều kiện cho nhiều việc mà các trường đại học có bề dày truyền thống khó có thể tưởng tượng ra được. Nhưng nó cũng đòi hỏi phải có tầm nhìn, niềm đam mê, và lòng can đảm để cố gắng đổi mới và quyết tâm tạo ra một nền văn hóa học tập mới tốt đẹp hơn".
Richard Miller, Hiệu trưởng Trường ĐH Olin [xem chú thích số 1 ở cuối bài viết].


Thuật ngữ "đại học đẳng cấp quốc tế" đã trở thành một cụm từ thông dụng để mô tả các trường đại học nghiên cứu đỉnh cao trong hệ thống đẳng cấp của giáo dục đại học. Chính phủ các nước đáp lại sự cạnh tranh toàn cầu bằng cách bổ sung kinh phí để thúc đẩy các trường đại học ưu tú của mình, như có thể thấy qua các "sáng kiến xuất sắc" tại nhiều nước có hoàn cảnh khác nhau như Trung Quốc, Đức, Nigeria, Nga, Hàn Quốc, hay Đài Loan. Trong một số trường hợp, chính phủ khuyến khích các trường đại học hàng đầu của mình hợp nhất lại để đạt được hiệu quả kinh tế nhờ mở rộng quy mô . Một vài nước khác thành lập các trường đại học hoàn toàn mới với mục tiêu rõ ràng là tạo ra các trường đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, tạo được một trường đại học mới với chất lượng cao là một điều dễ nói khó làm, vì xây dựng một tổ chức tầm cỡ thế giới đòi hỏi nhiều hơn là những phản ứng tức thời nhằm đạt vị trí cao trong các bảng xếp hạng, hoặc bơm thật nhiều tiền vào ngân quỹ của trường. Nó là một quá trình phức tạp và lâu dài mà chỉ mới gần đây người ta mới thực sự quan tâm. Dưới đây là phác thảo những sai lầm phổ biến nhất trong những sáng kiến thiết lập một trường đại học hàng đầu.

1. Xây dựng một khuôn viên tuyệt đẹp, và hy vọng phép lạ sẽ xảy ra.

Cơ sở hạ tầng hẳn nhiên là phần dễ thấy nhất của một trường đại học mới. Người ta chăm chút vào việc thiết kế và xây dựng một công trình ấn tượng, và điều này là cần thiết. Một cơ sở hạ tầng tốt chắc chắn là một phần quan trọng trong trải nghiệm học tập của sinh viên, và các nhà nghiên cứu cũng cần các phòng thí nghiệm đầy đủ để thực hiện nghiên cứu khoa học ở đỉnh cao. Tuy nhiên, nếu không có cách quản trị thích hợp, đội ngũ lãnh đạo mạnh, chương trình giảng dạy được xây dựng kỹ lưỡng, cùng đội ngũ giảng viên/ nghiên cứu viên có trình độ, thì một khuôn viên xinh đẹp cũng chỉ là một cái vỏ rỗng.

2. Chỉ thiết kế các chương trình sau khi xây dựng cơ sở vật chất.

Có một giả định thường gặp rằng việc dạy - học có thể dễ dàng thích ứng với bất cứ cơ sở vật chất nào, nhưng thực ra những phương pháp sư phạm tân tiến đòi hỏi phải có cơ sở vật chất phù hợp. Ví dụ, các phương pháp tiếp cận tương tác, học tập dựa trên vấn đề, hoặc các phương pháp làm việc theo nhóm và học tập đồng cấp (peer learning) thường bị hạn chế bởi các giới hạn vật lý của các giảng đường và lớp học thông thường. Tầm nhìn, sứ mạng, và kế hoạch dạy - học cần được xác định trước khi xây dựng cơ sở hạ tầng để cái sau được điều chỉnh phù hợp với các yêu cầu của cái trước, chứ không phải là ngược lại

3. Nhập khẩu nội dung giảng dạy từ một nơi khác. Việc gì phải phát minh lại cái bánh xe?

Các nhóm phụ trách việc thiết lập các trường đại học mới thường nhìn vào các trường đại học hàng đầu của các nước công nghiệp phát triển để "mua" các yếu tố trong chương trình giảng dạy của họ thay vì phải trải qua một quá trình lâu dài nhằm thiết kế các chương trình của riêng mình. Mặc dù điều này có vẻ thiết thực và thực tế, đó không phải là cách hiệu quả nhất để xây dựng văn hóa học tập của một trường đại học mới đạt chuẩn mực cao. Các trường hàng đầu của thế giới như Harvard và MIT là các tổ chức mang tính đơn nhất, nên sẽ là không thực tế khi nghĩ rằng có thể tái tạo mô hình học thuật của những trường này ở nơi khác. Và cũng không thực tế khi hình nghĩ rằng có thể cóp nhặt từng mảnh ghép của các trường đại học có uy tín từ những quốc gia và các nền văn hóa khác nhau rồi giả định rằng các mảnh này sẽ ăn khớp lại với nhau để tạo ra một nền văn hóa học thuật và nghiên cứu trong các trường đại học mới.

4. Thiết kế để áp dụng trong “hệ sinh thái học thuật” của các nước OECD, thực hiện ở nơi khác.

Sao chép những đặc điểm cụ thể vốn làm cho các trường đại học hàng đầu ở Bắc Mỹ và Châu Âu thành công – sự tập trung tài năng, nguồn lực phong phú và quản trị phù hợp – là cần thiết nhưng chưa đủ để tạo ra một trường đại học tầm cỡ thế giới. Sẽ rất khó khăn nếu muốn nói là không thể duy trì sự phát triển của các trường đại học khi sinh thái giáo dục đại học của đất nước không hoàn toàn thuận lợi cho sự phát triển ấy. Các yếu tố chính của một hệ sinh thái học thuật bao gồm sự lãnh đạo ở tầm quốc gia (tầm nhìn cho tương lai của giáo dục đại học, năng lực thực hiện cải cách), khuôn khổ pháp lý (cơ cấu quản trị và các quá trình quản lý ở cấp quốc gia và đơn vị), khung đảm bảo chất lượng, các cơ chế tích hợp cho các loại hình tổ chức đại học khác nhau, nguồn lực tài chính và cơ chế khuyến khích phù hợp, kèm theo cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết. Sự thiếu vắng của dù chỉ một trong những yếu tố này hoặc sự thiếu đồng bộ giữa các chiều kích khác nhau có khả năng làm giảm tiềm năng phát triển và tồn tại bền vững của các trường đại học mới.

5. Chậm trễ trong việc tạo ra một Hội đồng Quản trị và bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo.

Việc tạo ra một trường đại học mới thường là một quyết định chính trị của giới lãnh đạo, sau đó giao cho một Bộ hoặc một ban dự án kỹ thuật triển khai thực hiện. Điều này thường làm cho việc thiết kế và quy trình triển khai chịu sự quản lý trực tiếp của trung ương. Một dự án tầm cỡ như vậy cần được sở hữu và thực hiện bởi một đội ngũ lãnh đạo năng động, làm việc dưới quyền của một Hội đồng độc lập có khả năng đưa ra những hướng dẫn và sự trao quyền. Một cơ cấu quản trị thích hợp ngay từ đầu là điều rất quan trọng để thành công.

6. Chỉ lập kế hoạch cho những chi phí trước mắt, mà quên đi sự ổn định tài chính lâu dài hạn.

Những người bảo trợ sáng lập một trường đại học mới thường công bố một khoản hiến tặng rất lớn cho việc thành lập trường, nhưng chỉ có vốn đầu tư ban đầu thì không đủ. Cần phải cung cấp đầy kinh phí cho những năm đầu hoạt động trong khi chờ đợi thiết lập được một mô hình kinh doanh đảm bảo rằng tổ chức mới có thể duy trì được chính nó.

7. Đưa ra những chỉ tiêu định lượng quá tham vọng.

Lãnh đạo của các trường đại học mới đôi khi nghĩ rằng họ có thể nhanh chóng tuyển được một số lượng lớn sinh viên, thông thường con số được nghĩ đến là cả chục ngàn. Điều này hiếm khi đạt được mà không ảnh hưởng xấu đến chất lượng. Trong thập niên 1970, tác giả E. F. Schumacher đã viết trong cuốn sách có tựa “Nhỏ là đẹp" rằng các dự án phát triển thành công thường có kích thước nhỏ. Ngày nay điều đó vẫn đúng, đặc biệt là khi xây dựng một trường đại học mới. Nếu chất lượng là vấn đề ưu tiên thì hầu như chỉ nên bắt đầu với một số ít chương trình đào tạo và ít sinh viên. Khi một nền văn hóa học thuật xuất sắc đã được thiết lập thì việc mở rộng dễ dàng hơn.

8. Nghĩ rằng bạn có thể làm tất cả trong vòng mười tám tháng.

Một kế hoạch tham vọng quá mức sẽ tưởng tượng rằng một trường đại học mới có thể được đưa ra hoạt động sau vài tháng và chất lượng cao trong giảng dạy và nghiên cứu có thể được thực hiện trong vòng vài năm. Vội vã trong những bước phát triển ban đầu có thể dẫn đến những quyết định có ảnh hưởng xấu đến chất lượng và chi phí. Xây dựng một trường đại học tất yếu phải là một quá trình lâu dài, đòi hỏi lãnh đạo ổn định, cải tiến liên tục, và sự kiên nhẫn. Điều này đặc biệt đúng khi muốn phát triển những truyền thống khoa học mạnh, rất cần thiết để tạo ra những nghiên cứu mũi nhọn và các ứng dụng công nghệ.

9. Chỉ dựa vào các học giả nước ngoài mà không vun đắp năng lực tại địa phương.

Thuê các học giả nước ngoài là cách làm phổ biến để tăng tốc độ khởi động của một trường đại học mới. Thật vậy, đưa các giáo viên giàu kinh nghiệm và các nhà nghiên cứu đến để giúp đỡ một trường mới là hợp lý, và đó cũng có thể là một chiến lược nâng cao năng lực hiệu quả nếu các học giả này không chỉ nghiên cứu, giảng dạy mà còn có nhiệm vụ đào tạo lớp học giả trẻ hơn và ít kinh nghiệm hơn ở nước sở tại. Nhưng nó có thể là một chiến lược phản tác dụng nếu không có những nỗ lực mang tính hệ thống nhằm thu hút và giữ chân các học giả có trình độ trong nước.

Để kết luận, việc đưa ra một cơ sở giáo dục đại học mới với mong muốn đạt tiêu chuẩn cao nhất là một việc làm cao quý nhưng cực kỳ khó khăn. Con đường để đạt được sự xuất sắc trong học thuật thì đầy cạm bẫy, mặc dù những cạm bẫy này không phải là không thể tránh được, như đã được minh họa trong những phần trên của bài viết. Quan trọng hơn, quyết định xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế luôn phải được xem xét trong bối cảnh thích hợp để đảm bảo sự gắn kết với chiến lược giáo dục đại học của đất nước và tránh sự lệch lạc trong phân bổ nguồn lực trong ngành. Tuy nhiên, nếu có một kế hoạch chu đáo và thực tế, việc đạt được sự xuất sắc trong giáo dục đại học luôn có thể được xem như là một mục tiêu xứng đáng và quan trọng.
-------
Chú thích 1:

Richard Miller là Hiệu trưởng của Franklin W. Olin College of Engineering (thường được gọi tắt là Olin College), một đại học tư phi lợi nhuận với tuổi đời khá non trẻ, chỉ mới bắt đầu hoạt động từ năm 2002. Tuy vậy, trong lịch sử ngắn ngủi đó Olin College đã tạo được danh tiếng cho mình, và được xếp hạng trong top 10 những chương trình kỹ thuật tốt nhất nước Mỹ (dành cho các trường nhỏ, không đào tạo tiến sĩ) theo bảng xếp hạng của US News and World Report năm 2010. Lý lịch trích ngang của Richard Miller có thể tìm được ở đây: http://www.olin.edu/faculty_staff/leadership_team_bios/miller.html, truy cập ngày 3/10/2010.

Chú thích 2:
Có thể tìm đọc nguyên văn cuốn sách The Challenge of Establishing World Class University do UNESCO xuất bản ở đây, rất đáng đọc.

Tuesday, October 12, 2010

ARJ Journal: Thinking about Environmental Action Research - Sim...

ARJ Journal: Thinking about Environmental Action Research - Sim...: "My current research related to green pedagogy is based upon a few key ideas: (1) the ecological crisis is real; and (2) the ecological crisi..."

Monday, October 11, 2010

"Thực trạng của 'Đại học đẳng cấp quốc tế'"

Đó là tựa bài viết mới trên báo Thanh Niên hôm nay, ở đây.

ĐH đẳng cấp quốc tế cũng là vấn đề tôi quan tâm từ mấy năm nay. Nó được khơi nguồn từ "quyết tâm chính trị" của nhà nước VN trong việc cố gắng xây dựng một vài đại học tốt "ngang tầm khu vực và thế giới" để phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của VN.

Xây trường mới thì luôn luôn tốt, tôi nghĩ vậy. Xây đại học lại càng tốt, mà nếu đó là đại học đẳng cấp quốc tế nữa, thì còn gì bằng! Cho nên trước hết là tôi ủng hộ hết mình việc xây dựng mấy đại học đẳng cấp quốc tế đó. Ủng hộ hai tay, hai chân, không thắc mắc. Ai mà chống việc xây các đại học đó, là tôi phản đối ngay, không do dự gì cả. Đầu tư vào giáo dục là đầu tư vào tương lai mà lại. Ai, chứ người Việt Nam thì chắc rành điều này lắm: học để thoát nghèo!

Vậy tóm lại, là tôi ủng hộ việc xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế. Mà không chỉ 4, nếu nhiều hơn 4, ví dụ như 40, hay thậm chí 400 (!), thì càng tốt!

Vấn đề là làm như thế nào thôi! Làm như thế nào để đạt được 3 yêu cầu, như hệ thống ĐH của bang California đã đề ra như những phương châm hoạt động của mình, đó là: quality - equity - efficiency. Chất lượng, công bằng, hiệu quả (ở đây là hiệu quả kinh tế, hay hiệu suất, tức không lãng phí ấy).

Và tôi vẫn có chút nghi ngại về mấy trường ĐH đẳng cấp quốc tế của mình. Tôi e chúng có thể đạt được cái đầu tiên - quality, nhưng không tin rằng chúng sẽ đạt được 2 cái sau. Nhất là equity, sự công bằng. Vì chưa cảm thấy con nhà nghèo có thể có điều kiện vào học ở mấy trường đó, khi học phí của chúng tính bằng vài ngàn đô một năm. Không hề dễ cho những học sinh có tiềm năng ở, ví dụ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một vùng mà không hiểu sao tôi cứ thấy thương thương, gắn bó, dù quê gốc của tôi là ở miền Bắc. Hoặc, tất nhiên, mọi vùng sâu vùng xa và các địa phương nghèo khác của VN.

Và efficiency, hiệu suất kinh tế, sử dụng tiền đầu tư không lãng phí theo kiểu, ví dụ (hoàn toàn tưởng tượng), xây cơ sở vật chất hiện đại khang trang đủ cho 2000 sinh viên, nhưng chỉ hoạt động cho 200 sinh viên. Lãng phí phòng ốc, lãng phí cả đất đai, cả thư viện, cả thiết bị vv vì sử dụng không hết công suất. Và lãng phí cả con người nữa, vì ban bệ cho một trường dù chỉ 200 sinh viên cũng phải đủ hết từ ban giám hiệu đến phòng đào tạo, các khoa, phòng công tác sinh viên vv và vv. Chưa kể lãng phí về tài chính, cái này thì tôi không rành và không thể nghĩ ra được ví dụ ở đây.

Tại sao tôi lại nghi ngại, mà không chịu tin vào nhà nước, vì chúng ta cũng có một hệ thống quản lý và giám sát đầy đủ của nhà nước cơ mà? Thưa, là vì trước giờ công tác giám sát chúng ta làm chưa tốt, nên niềm tin ấy của tôi vẫn còn ... yếu lắm, không đủ lấn át sự nghi ngại của tôi.

Những suy nghĩ ấy là có thật, nên khi trao đổi với phóng viên của báo Thanh Niên, tôi cứ nói thẳng những suy nghĩ của mình ra. Và nó đã được đưa lên báo, hôm nay.

Chẳng biết có làm cho ai phiền không? Cái nhìn của một cá nhân, là tôi đây, chắc chắn sẽ có ít nhiều phiến diện. Tôi không có ý định nói là mình hoàn toàn đúng. Chỉ là những băn khoăn từ góc nhìn của tôi. Nhưng cũng cứ đưa ra, hy vọng sẽ có người nghe, và nếu điều tôi nói là đúng, thì nó cũng chỉ là góp thêm tiếng nói của người dân để cùng tìm ra giải pháp chung mà thôi.

Ôi, ước mơ đẳng cấp quốc tế của giáo dục đại học VN, chắc là còn xa vời, khó khăn lắm. Nhưng cũng cứ phải bắt đầu ở đâu đó. Và nó đang được bắt đầu đây thôi, ở 2 trường trên 2 đầu của đất nước. Hãy chờ xem.

Sunday, October 10, 2010

Nói chuyện tiếng Anh (5): Engrish, Singlish, Renglish, Runglish, Franglais, Spanglish, và giải lao tích cực

Lâu quá rồi tôi không viết về tiếng Anh, cũng nhớ nhớ. Nhưng mà công việc quá tải thực sự, bị stressed đến nỗi không còn nhớ nổi là mình ... đang bị stress và cần phải giải trí, giải lao, vv ;-).

Hôm nay tình cờ đọc được bài này trên trang blog của MacMillan Dictionary, thấy thú vị quá, nên mới nhớ ra rằng "đổi món ăn", tức thay việc này bằng việc khác, cũng là một cách giải lao, gọi là giải lao tích cực (active leisure, hình như thế, ai muốn biết thêm về từ này thì cứ google sẽ có được cái nhìn tổng quát về nó).

Vậy chứ cái bài mà tôi đọc được ấy, nó viết cái gì vậy? À, muốn biết thì cứ vào đó đọc các bạn ạ, nếu tiếng Anh lõm bõm thì mình tra từ điển, bây giờ tra trên mạng cũng dễ lắm rồi, các bạn có thể dùng "baamboo tra từ", địa chỉ thì tôi cung cấp cũng được nhưng tốt hơn là cứ tra google, dùng mấy từ mà tôi đã cung cấp làm từ khóa thì sẽ tìm được thôi. Thì, giải lao tích cực mà lại! ;-)

À quên nữa, cần gì phải tra từ, các bạn cũng có thể dùng công cụ dịch của google, nó sẽ dịch hết cho các bạn một cách tự động từ tiếng Anh sang tiếng Việt - tất nhiên bằng một thứ ngôn ngữ máy, hơi ngây ngô một chút. Nếu các bạn chưa bao giờ sử dụng google translate thì cũng nên thử, nó rất khá các bạn ạ, một sự hỗ trợ hữu hiệu cho các bạn khi sử dụng tài liệu bằng tiếng Anh đấy. Cũng là giải lao tích cực nữa! ;-) (mệt quá, phải không các bạn)?

Còn với những ai, giống như tôi, đã quá già, quá bận rộn, quá mệt mỏi, quá stressed, đến nỗi không có thì giờ, và cũng chẳng buồn nhớ ra là mình cần giải lao - tích cực hay không tích cực cũng vậy - thì đây là tóm tắt của trang nói trên: Nó viết về Russian English đấy các bạn ạ.

Russian English, cũng giống như các thứ Englishes khác trên thế giới, là cách dùng tiếng Anh của người Nga (hoặc của người Pháp, người Tây Ban Nha, người Singapore, người Tàu - Engrish ấy, vv). Tức là tiếng Anh không hoàn toàn chuẩn mực, mà bị ảnh hưởng bởi một ngôn ngữ khác, nên nó ... kỳ kỳ, đôi khi không hiểu được, nhưng đa số là có thể hiểu, dù không mấy chính xác.

Và nó rất thú vị, vì nó lại làm cho ta hiểu cả 2 ngôn ngữ, và hiểu cái khó của người học tiếng Anh. Nói thêm, khi tôi còn xem tiếng Anh là nghề của mình, đặc biệt là hồi đi học sau đại học về giảng dạy tiếng Anh, thì tôi đã rất say sưa với lãnh vực Second Language Acquisition (SLA) và Interlanguage (không biết dịch tiếng Việt là gì nhỉ?) Interlanguage, là thứ ngôn ngữ nửa tây nửa ta, nửa Nga nửa Mỹ, Runglish hay Renglish như trong bài viết trên MacMillan Dictionary mà tôi đang giới thiệu ấy.

Và cuối cùng, đây là một đoạn trích mà tôi thấy thú vị:
“Following the tendencies of the past years English words are very widely used in Russian mass media even though there are appropriate Russian equivalents. This can be illustrated by the following examples: konversiya from English “conversion” instead of Russian “preobrazovanie”, stagnatsia from “stagnation” instead of “zastoi”, consensus instead of “soglasie”, image instead of “obraz”, pluralism instead of “mnozhestvennost’ mneniy”, prezentatsia from “presentation” instead of “predstavlenie…”

Read, and enjoy các bạn nhé!

Friday, October 8, 2010

Một số bài viết tham khảo về Ranking và Benchmarking

1. Measured, and found wanting more.
http://www.timeshighereducation.co.uk/story.asp?storycode=412341

2. Much to be learned from university rankings
http://pkukmweb.ukm.my/v3/images/stories/BicaraNaibCanselor/MediaTempatan/Much%20to%20be%20learnt%20from%20university%20rankings%20-%20New%20Straits%20Times,%2018%20 November%202008.pdf

3. http://incoherently-scattered.blogspot.com/2010/08/awru-rankings.html

4. http://talk.collegeconfidential.com/graduate-school/897640-arwu-ranking-legitiment-2.html

5. http://www.huffingtonpost.com/social/ixington/college-rankings-backlash_n_684683_57448726.html

6. http://rankingwatch.blogspot.com/2009_06_01_archive.html -

Bài số 6 này rất hay, có thể đọc kỹ và phân tích thêm để rút ra một vài kết luận cho VN.

"Scientists behaving badly"

http://www.economist.com/node/17199386?fsrc=scn/fb/wl/ar/scientistsbehavingbadly

Wednesday, October 6, 2010

Đối sánh (11): Kết luận

Hurrah! Đến đây là kết luận rồi, các bạn ạ! Tôi mừng quá! "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay ..."
-----
Kết luận
Phần trình bày ở trên cho thấy đối sánh là một cách tiếp cận quản lý mới trong giáo dục đại học đang được áp dụng tại các nước tiên tiến để giúp các trường đại học tồn tại trong điều kiện khó khăn và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Bí quyết của đối sánh có thể tóm gọn trong hai yếu tố sau đây: xác định được những yếu tố thành công của người khác để có thể học hỏi; và hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về những hạn chế của chính mình. Nói cách khác, đây chính là tinh thần “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Cách quản lý mới xuất phát từ phương Tây này có thể áp dụng trường đại học của các “vùng trũng” như Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác hay không? Câu trả lời của chúng tôi là có, mặc dù không dễ. Một ví dụ điển hình của một nước đã áp dụng khá thành công phương pháp đối sánh là Trung Quốc với hệ thống xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải. Cần lưu ý là Trung Quốc là nước đầu tiên đưa ra hệ thống xếp hạng đại học toàn cầu vào năm 2003, trước khi các hệ thống xếp hạng đại học toàn cầu khác xuất hiện (trước đó chỉ có các hệ thống xếp hạng đại học trong phạm vi quốc gia)..

Tại sao có thể xem hệ thống xếp hạng đại học của Trung Quốc là đối sánh, tức so sánh để cải thiện, chứ không chỉ là xếp hạng, tức chỉ chăm chăm vào việc có thứ hạng cao mà thôi? Điều này thật rõ ràng: để nhằm phục vụ mục tiêu phát triển giáo dục đại học của chính mình, Trung Quốc đã tự đưa ra những tiêu chí xếp hạng khắt khe mà trong những năm đầu chính Trung Quốc đã không thể nào đạt được. Một hệ thống xếp hạng mà chỉ có các trường của các nước đối thủ của Trung Quốc được xếp ở thứ hạng cao. Nhưng khi đã xác định được ưu điểm của đối phương và nhược điểm của chính mình, các trường đại học của Trung Quốc đã được tạo điều kiện để thực sự cải thiện, từ việc tăng đầu tư cho các trường, đến việc thu hút các nhà khoa học và các giáo sư giỏi ở ngoại quốc về làm việc tại Trung Quốc, rồi đến cải cách cơ chế quản trị theo mô hình Mỹ. Trong quá trình thực hiện Trung Quốc cũng có những sai lầm khi chỉ chạy theo thành tích cuối cùng (thứ hạng cao) mà không quan tâm đến sự cải thiện, dẫn đến hiện tượng đạo văn và bằng dỏm mà thế giới cũng đã nhiều lần lên án. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì việc đối sánh (mà “sản phẩm phụ” của nó là các bảng xếp hạng hàng năm) đã giúp giáo duc đại học Trung Quốc có được những thành tựu đáng khâm phục hiện nay.

Khác với Trung Quốc, một nước trong khu vực Đông Nam Á là Malaysia đã tham gia hệ thống xếp hạng do người khác đặt ra, chỉ với mục đích xác định đẳng cấp của mình (xếp hạng để tranh tài cao thấp). Với tinh thần này (xếp hạng chỉ để xếp hạng, chứ không phải đối sánh với mục đích cải thiện, Malaysia đã từng cho thấy sự “mất phương hướng” khi cách chức vị hiệu trưởng trường đại học hàng đầu của Malaysia là University of Malaya khi trường này bị rớt khỏi top 100 của bảng xếp hạng THES, mà lý do chính của sự rớt hạng này chỉ là do THES thay đổi các tiêu chí xếp hạng. Tuy nhiên, sau sự cố này, Malaysia đã tỏ ra bình tĩnh hơn, và đã chuyển từ thái độ xếp hạng để tranh tài cao thấp, sang thái độ xem xếp hạng như một loại “đối sánh trắc lượng ủy quyền”, xếp hạng chỉ để lấy thông tin so sánh về chính mình và các đối tác đối sánh, nhằm mục đích học hỏi và cải thiện.

Bài học của Trung Quốc và Malaysia cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng đối sánh để cải thiện chất lượng các trường đại học của mình. Trong tình hình hiện nay của Việt Nam, chúng tôi tin rằng điều khó khăn nhất không phải là các vấn đề kỹ thuật, cũng không nằm ở hiệu quả của sự lãnh đạo, các chi phí về thời gian và kinh phí, mà khó khăn nằm ở cơ chế hỗ trợ của hệ thống, việc xác định mục tiêu khả thi, hiểu biết đúng hiện trạng và có dữ liệu chính xác, và cuối cùng là kiên quyết thực hiện cải thiện sau đối sánh (các mục 3, 4, 6, 7 trong 7 điều kiện về quản lý đã nêu). Một khi đã nhận diện rõ những khó khăn này, và có quyết tâm cao để triển khai, thì đối sánh chắc chắn sẽ đem lại những cải thiện đang mong đợi cho hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
-----------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo (thêm và cập nhật sáng 6/10)
1. Trang web của tổ chức AIR, Association of Institutional Research của Mỹ. Trong bài này có nhắc đến hệ thống xếp hạng của ARWU của TQ như một công cụ đối sánh. Bài rất đáng đọc nếu muốn đo lường chất lượng đại học.
2. Cũng trên trang web của AIR, phần "resources", rất đáng đọc, có đưa link về 6 loại tư liệu giúp đánh giá và cải thiện chất lượng giáo dục đại học. Ở đây.

Rồi, giờ thì mong nhận được sự trao đổi của các bạn gần xa nhé!

Đối sánh (10): Áp dụng đối sánh để cải thiện chất lượng trường đại học - những khó khăn về quản lý

Xét về quản lý, theo Schofield (1998:25) để triển khai thành công việc áp dụng đối sánh trong một trường đại học cần có nhiều điều kiện mà nếu thiếu bất kỳ một điều kiện nào cũng sẽ gây trở ngại cho sự thành công của việc áp dụng đối sánh. Tổng cộng có 7 điều kiện cần có được liệt kê dưới đây:

1. Lãnh đạo hiệu quả
2. Nhóm công tác được lựa chọn và chuẩn bị tốt
3. Cơ chế hỗ trợ đầy đủ cho việc đối sánh
4. Mục tiêu được xác định rõ ràng
5. Ước tính đúng những chi phí về thời gian và kinh phí
6. Hiểu biết đầy đủ về dữ liệu và thực tiễn
7. Hành động cải thiện sau khi đối sánh

Cũng tương tự như phần kỹ thuật, những điều kiện trên xem chừng rất đơn giản. Nhưng chỉ xét điều kiện đầu tiên – “lãnh đạo hiệu quả”, thì đã thấy điều kiện này không hề dễ đáp ứng, nhất là khi một đơn vị mới bắt đầu áp dụng đối sánh và chưa có kinh nghiệm. Điều kiện thứ hai cũng không đơn giản, vì tạo một nhóm có năng lực và làm việc ăn ý cần phải có nhiều thời gian. Điều kiện tiếp theo là cơ chế hỗ trợ cũng không dễ dàng, đặc biệt là khi những bộ phận khác chưa thấy được thuyết phục về sự cần thiết và hiệu quả của đối sánh.

Nhưng những điều kiện vừa nêu cũng mới chỉ là những điều kiện hỗ trợ xung quanh việc đối sánh. Khi thực sự triển khai thì điều quan trọng nhất là xác định rõ ràng mục tiêu của việc đối sánh. Điều này tưởng như rất hiển nhiên, nhưng đây có thể là trở ngại lớn nhất. Theo Yarrow (1999:127), nhiều khi đối sánh xuất phát từ một nhóm người trong đơn vị quá hăm hở muốn bắt chước một quy trình đang được thực hiện ở một nơi khác mà họ cảm thấy thích thú, nhưng lại quên mất rằng liệu quy trình tương tự ở đơn vị mình có thực sự cần cải thiện hay không, và nếu có thì những lợi ích mà sự thay đổi sẽ đem lại là gì. Một khi không xác định rõ mục tiêu của việc đối sánh, thì tất cả công sức và thời gian đổ vào việc đo đạc và so sánh sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa và trở thành lãng phí.

Một điều kiện khác cũng có vẻ đơn giản nhưng không thể xem thường, đó là ước tính đủ và đúng những chi phí về thời gian và kinh phí để thực hiện đối sánh. Điều này có liên quan chặt chẽ đến điều kiện tiếp theo là sự hiểu biết về dữ liệu và thực tiễn. Thông thường, khi một đơn vị thực hiện đối sánh lần tiên thì dữ liệu về hoạt động sẽ thiếu thốn, tản mạn, không có hệ thống; hệ quả là hiểu biết của mọi người về thực tiễn của đơn vị cũng không chính xác và thiếu thống nhất.

Điều kiện cuối cùng và quan trọng nhất, cũng thường là trở ngại lớn nhất cho việc áp dụng thành công việc đối sánh ở một đơn vị, là việc quyết tâm thực hiện cải thiện sau khi đối sánh. Thật đáng ngạc nhiên khi một đơn vị bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian để thực hiện đo đạc chính mình và đối tác đối sánh, sau đó so sánh, xác định khoảng cách giữa mục tiêu mong đợi và hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra giải pháp cải thiện, để rồi cuối cùng tất cả chỉ nằm trên giấy. Nhưng điều lạ lùng này vẫn thường xuyên xảy ra nếu không có sự quan tâm và quyết tâm của lãnh đạo và sự ủng hộ của toàn đơn vị.
(còn tiếp)

Đối sánh (9): Áp dụng đối sánh để cải thiện chất lượng trường đại học - những khó khăn về kỹ thuật

Vật vã suốt bấy lâu nay, nay tôi đã hoàn tất bản thảo đầu tiên của bài viết về benchmarking. Sẽ còn phải hoàn chỉnh lại cho logic vì đã sửa quá nhiều lần, ý tưởng có lẽ không còn liền mạch, nhưng thôi hãy cứ đưa lên đây cho ... phấn khởi cái đã. Mong mọi người đọc và thảo luận nhé!
---------------
III. Áp dụng đối sánh để cải thiện chất lượng trường đại học

Sự khác biệt giữa hai hệ thống phân loại của Camp (1989) và của Appleby (1999) [xem bài đối sánh (7) trên blog này] cho thấy sự phát triển của khái niệm đối sánh khi được chuyển từ lãnh vực quản lý chất lượng trong công nghiệp sang lãnh vực quản lý trường đại học. Cho đến nay, hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều áp dụng đối sánh trong quản lý giáo dục, tối thiểu là ở mức thấp nhất là đối sánh trắc lượng – phương pháp đối sánh giúp các đơn vị hiểu rõ hiện trạng của mình thông qua các số đo cụ thể để dễ dàng so sánh với đơn vị khác khi cần.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc áp dụng đối sánh trong trường đại học là hoàn toàn dễ dàng và suôn sẻ. Hoàn toàn ngược lại. Ngay cả ở những nước có nền đại học rất tiên tiến thì việc áp dụng lúc đầu cũng có nhiều khó khăn và thách thức. Theo Schofield (1998: 26-27), việc áp dụng đối sánh trong quản lý trường đại học luôn phải quan tâm giải quyết hai loại vấn đề sau: vấn đề kỹ thuật và vấn đề quản lý.

Xét về kỹ thuật, đối sánh là một quy trình phức tạp gồm nhiều bước. Tùy theo quan niệm của từng tác giả, đó có thể là một quy trình rườm rà 16 bước (Zairi 1996, dẫn lại theo Schofield 1998:26), quy trình 10 bước (Camp 1989, dẫn lại theo Love & Dale 2007:484; đây là quy trình chuẩn được đề cập đến trong nhiều tài liệu về đối sánh trong lãnh vực quản lý công nghiệp), hoặc đơn giản hơn là quy trình của Splendolini (1992, dẫn lại theo Schofield 1998:26) mà chúng tôi sẽ trình bày tóm tắt dưới đây.

Quy trình đối sánh của Splendolini gồm 5 bước mà theo Schofield (1998:26) là “đơn giản một cách đáng ngờ” như sau:
1. Xác định đối tượng của đối sánh tức vật đối sánh (đối sánh cái gì)
2. Thành lập một nhóm làm việc để triển khai đối sánh (ai thực hiện các hoạt động trong đối sánh)
3. Xác định đối tác đối sánh (benchmark partner, đối sánh với ai)
4. Thu thập và phân tích thông tin đối sánh
5. Hành động cải thiện sau đối sánh.

Nói đơn giản một cách đáng ngờ là bởi vì mỗi bước trong quá trình được Spledolini liệt kê dù chỉ gồm vài từ ngắn gọn nhưng đều đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Chỉ riêng bước đầu tiên, xác định vật đối sánh, cũng đã có thể gây rất nhiều tranh cãi.

Những ví dụ liệt kê ở đây cho thấy cho thấy những khó khăn về mặt kỹ thuật khi bắt đầu triển khai đối sánh trong giáo dục đại học. Một vấn đề luôn được mọi người quan tâm là làm thế nào để đo và so sánh chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp của các trường. Phải chăng tỷ lệ tốt nghiệp cao là chất lượng tốt? Hay tỷ lệ tốt nghiệp cao chính là số đo của sự dễ dãi trong cách đánh giá sinh viên của một trường? Tương tự như vậy với tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Tỷ lệ có việc có thể phản ánh chất lượng người học, nhưng cũng có thể chỉ phản ánh nhu cầu của thị trường việc làm tại các địa phương khác nhau. Mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp ngay sau khi ra trường cũng rơi vào tình trạng “đa nghĩa” tương tự. Vì vậy, bí quyết thành công của việc đối sánh là trước hết phải chọn được một tập hợp các chỉ số hiệu suất cốt lõi (Key Performance Indicator, viết tắt là KPI) sao cho có thể vừa đo đạc chính xác, vừa dễ sử dụng trong việc thu thập thông tin, để có thể có số liệu nhằm xác định khoảng cách giữa thực trạng và mục tiêu mong đợi.

Tuy phức tạp, nhưng vấn đề kỹ thuật vẫn có thể giải quyết được thông qua việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho nhóm thực hiện, hoặc sử dụng chuyên gia từ nơi khác đến, chỉ cần có đủ nguồn lực tài chính và thời gian. Trong khi đó, những vấn đề quản lý khi thực hiện đối sánh xem chừng nan giải hơn rất nhiều, như có thể thấy dưới đây.
(còn tiếp)

Sunday, October 3, 2010

Cái gì, học thuê ư?!!!

Tôi vừa nhận được comment của một độc giả blog này, giới thiệu với tôi về một dịch vụ mới của giáo dục đại học VN: dịch vụ học thuê!

Tất nhiên là tôi không tin! Vì làm sao có thể tin được cơ chứ? Mướn người đi học thuê, thì chẳng khác chi cố tình đi mua thuốc giả/dỏm về uống để trị bệnh, cho ... rẻ!

Mở ngoặc chút:Tôi vốn hay so sánh ngành giáo dục với ngành y, vì cả hai ngành này đều giống nhau ở chỗ: "thí nghiệm trên con người", hoăc nói cho đúng bài hơn, là "tạo sự thay đổi trên con người" (ví dụ cúa ngành y: có bệnh thành ra hết bệnh, hoặc đôi khi "lợn lành thành lợn què"; và ví dụ của ngành giáo: chưa biết thành ra có biết, hoặc đôi khi "càng học càng thấy mình ngu" theo nghĩa đen ấy).

Bèn google search, thì trời ơi, mới thấy là mình quá lạc hậu! Dịch vụ này tồn tại ngang nhiên, quảng cáo om xòm, thậm chí cũng đã được báo chí quan tâm viết bài phóng sự cả mấy năm nay rồi. Chẳng hạn, gần đây nhất có phóng sự có thể xem ở đây này.

Còn đây là một đoạn trích trong bài viết mà tôi đưa link ở trên:
Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Phạm Văn Quyết - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học (nguyên Trưởng phòng Đào tạo), Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Đi học hộ, học thuê là điều đáng lên án trong môi trường giáo dục hiện nay. Bởi đây chính là hình thức gian lận trong học tập.

Thế nên, nếu nhận được tin thông báo về việc có trường hợp vi phạm, nhà trường nhanh chóng cho tiến hành xác minh, nếu đúng vi phạm, Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ xử lý nghiêm, đồng thời gửi văn bản thông báo toàn bộ sự việc cho các trường khác nhằm có biện pháp phòng ngừa răn đe. Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Quyết, trong năm 2007, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã ra quyết định buộc thôi học một trường hợp là sinh viên hệ tại chức do trước đó đã thuê người học hộ.

Lại còn thế này nữa chứ. Trên trang mạng www.ngoinhachung.net, được giới thiệu là Mạng thông tin sinh viên, phần diễn đàn chính có thể thấy ngay trang quảng cáo dịch vụ học thuê của "công ty" hocthue.com. Nó ở đây. Hình chụp màn hình dưới đây.
Không chỉ quảng cáo trên diễn đàn "ngôi nhà chung", "công ty" học thuê còn đưa quảng cáo của mình lên những chỗ khác, ví dụ như Bình Long Forum (kết nối bạn bè) ở đây. Hình chụp màn hình dưới đây.
Đấy, mới chỉ tìm sơ sơ đã như thế. À quên, trong quá trình tìm, tôi còn tìm thấy trên trang danluan một bài viết có tựa đề đại khái gì mà "chỉ có ở VN". Trang Dân Luận này theo tôi hiểu là một trang ở nước ngoài và không mấy thiện cảm gì với nhà nước VN, mặc dù theo tôi là thái độ của họ cũng khá ôn tồn (vì thỉnh thoảng tôi cũng có đọc, well, tìm thông tin trên mạng mà, thì google nó dẫn mình tới bất kỳ nơi nào có chứa thông tin, mà có thông tin thì phải đọc, còn xử lý ra sao thì việc của mình).

Tôi lại lẩn thẩn nghĩ thêm mấy điều:

1. Thời này có lẽ tệ hơn cả thời Tú Xương rồi chăng? Thời Tú Xương, ông đau đớn kêu lên rằng: "Cái học ngày nay đã hỏng rồi/Mười người đi học chín người thôi".

Còn hôm nay, người ta không thôi học, mà còn học hai, ba bằng, rồi hệ tại chức/ chuyên tu/ mở rộng/ từ xa/ văn bằng hai, rồi cao học/ thạc sĩ/ nghiên cứu sinh/ tiến sĩ đủ cả. Chỉ có điều, người ta làm giấy giả, mua bằng giả, và bây giờ, đi học bằng ... người giả!!!!

2. Nhà nước VN quản lý các trang mạng, và quản lý báo chí, truyền thông rất chặt chẽ. Thậm chí đã từng tuyên bố thành tích "đánh sập các trang web xấu". Tôi tin là những điều đó, theo quan điểm và giải thích của nhà nước, là cần thiết để giữ gìn an ninh quốc gia.

Nhưng những trang như hocthue.com này, chẳng lẽ nó không xấu? Chẳng lẽ đó là một hoạt động được phép của nhà nước? Chẳng lẽ các anh an ninh mạng của ta không biết điều này sao? Phải cấm đi chứ, vì chắc chắn là nó sẽ gây ảnh hưởng xấu nhiều mặt: dung túng một tệ nạn rất nguy hiểm, chống lại nỗ lực cải tổ giáo dục đại học của VN, và ngoài ra, còn tạo điều kiện cho "bọn xấu" tha hồ nói chúng ta! Mà họ có nói, thì cũng đúng thôi!

3. Chẳng hiểu trong số những người có trách nhiệm, đặc biệt là trong các trường đại học hiện nay, có ai có bằng thật và "học giả" như vậy không nhỉ? Chà, nghĩ đến đây thì tôi rùng mình, không nghĩ thêm được nữa!

Vậy mà người ta vẫn cứ sính bằng cấp, bổ nhiệm người vẫn cứ chỉ dựa vào bằng cấp mà không cần kiểm tra năng lực thật, và những người có bằng nhưng không chứng minh được năng lực tương xứng hình như vẫn cứ tại vị? Hình như lý do là: nếu cho nghỉ thì ... lấy ai làm việc?

Chà, kiểu này mà CSM gần đây nó dám bảo mình là "Con hổ kinh tế mới của châu Á" thì "chúng nó" chửi mình ác quá, thật vậy! Ai muốn biết về bài ấy thì đọc trên blog này của tôi, ở đây.

À quên nữa, trong bài viết mới đây trên tờ Economist về giáo dục VN, họ cũng đã nhắc tới từ "diploma mills" trong giáo dục đại học của VN rồi đó. Họ tả các trường đại học công của ta thì "lèng èng" (lacklustre), còn trường tư thì cũng chỉ là những trường dỏm, vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, học hành chẳng được mấy tí, y như xưởng bằng dỏm/giả (diploma mills) của Mỹ mà thôi. Bài ấy ở đây này. Dưới đây là đoạn trích mà tôi đã nói ở trên:
Enrolment at Vietnamese universities rose from about 900,000 in 2001 to over 1.6m by 2006. But most students study at lacklustre public universities or at private diploma mills. Those who can afford to go overseas. The best and brightest, like Mr Chau, rarely return.

Nhà nước mà không chấn chỉnh sớm, thì các trường đại học VN sẽ rất nhanh chóng vào top 200 đấy, chẳng phải đợi đến năm 2020 đâu. Nhưng mà top 200 các trường "tiêu cực" (corrupted) và "dỏm" ấy ạ.

Biết nói gì nữa bây giờ, ngoài cách nói của "thế hệ mới": Bó tay chấm com!