Xét về quản lý, theo Schofield (1998:25) để triển khai thành công việc áp dụng đối sánh trong một trường đại học cần có nhiều điều kiện mà nếu thiếu bất kỳ một điều kiện nào cũng sẽ gây trở ngại cho sự thành công của việc áp dụng đối sánh. Tổng cộng có 7 điều kiện cần có được liệt kê dưới đây:
1. Lãnh đạo hiệu quả
2. Nhóm công tác được lựa chọn và chuẩn bị tốt
3. Cơ chế hỗ trợ đầy đủ cho việc đối sánh
4. Mục tiêu được xác định rõ ràng
5. Ước tính đúng những chi phí về thời gian và kinh phí
6. Hiểu biết đầy đủ về dữ liệu và thực tiễn
7. Hành động cải thiện sau khi đối sánh
Cũng tương tự như phần kỹ thuật, những điều kiện trên xem chừng rất đơn giản. Nhưng chỉ xét điều kiện đầu tiên – “lãnh đạo hiệu quả”, thì đã thấy điều kiện này không hề dễ đáp ứng, nhất là khi một đơn vị mới bắt đầu áp dụng đối sánh và chưa có kinh nghiệm. Điều kiện thứ hai cũng không đơn giản, vì tạo một nhóm có năng lực và làm việc ăn ý cần phải có nhiều thời gian. Điều kiện tiếp theo là cơ chế hỗ trợ cũng không dễ dàng, đặc biệt là khi những bộ phận khác chưa thấy được thuyết phục về sự cần thiết và hiệu quả của đối sánh.
Nhưng những điều kiện vừa nêu cũng mới chỉ là những điều kiện hỗ trợ xung quanh việc đối sánh. Khi thực sự triển khai thì điều quan trọng nhất là xác định rõ ràng mục tiêu của việc đối sánh. Điều này tưởng như rất hiển nhiên, nhưng đây có thể là trở ngại lớn nhất. Theo Yarrow (1999:127), nhiều khi đối sánh xuất phát từ một nhóm người trong đơn vị quá hăm hở muốn bắt chước một quy trình đang được thực hiện ở một nơi khác mà họ cảm thấy thích thú, nhưng lại quên mất rằng liệu quy trình tương tự ở đơn vị mình có thực sự cần cải thiện hay không, và nếu có thì những lợi ích mà sự thay đổi sẽ đem lại là gì. Một khi không xác định rõ mục tiêu của việc đối sánh, thì tất cả công sức và thời gian đổ vào việc đo đạc và so sánh sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa và trở thành lãng phí.
Một điều kiện khác cũng có vẻ đơn giản nhưng không thể xem thường, đó là ước tính đủ và đúng những chi phí về thời gian và kinh phí để thực hiện đối sánh. Điều này có liên quan chặt chẽ đến điều kiện tiếp theo là sự hiểu biết về dữ liệu và thực tiễn. Thông thường, khi một đơn vị thực hiện đối sánh lần tiên thì dữ liệu về hoạt động sẽ thiếu thốn, tản mạn, không có hệ thống; hệ quả là hiểu biết của mọi người về thực tiễn của đơn vị cũng không chính xác và thiếu thống nhất.
Điều kiện cuối cùng và quan trọng nhất, cũng thường là trở ngại lớn nhất cho việc áp dụng thành công việc đối sánh ở một đơn vị, là việc quyết tâm thực hiện cải thiện sau khi đối sánh. Thật đáng ngạc nhiên khi một đơn vị bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian để thực hiện đo đạc chính mình và đối tác đối sánh, sau đó so sánh, xác định khoảng cách giữa mục tiêu mong đợi và hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra giải pháp cải thiện, để rồi cuối cùng tất cả chỉ nằm trên giấy. Nhưng điều lạ lùng này vẫn thường xuyên xảy ra nếu không có sự quan tâm và quyết tâm của lãnh đạo và sự ủng hộ của toàn đơn vị.
(còn tiếp)
Wednesday, October 6, 2010
Đối sánh (10): Áp dụng đối sánh để cải thiện chất lượng trường đại học - những khó khăn về quản lý
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment