Saturday, October 16, 2010
Có thế chứ, top của VN đây này!
------------------------------
Như các bạn đã biết, tôi đang quan tâm đến xếp hạng đại học, và cứ suốt ngày đọc về ranking với benchmarking, đến là chán.
Chán, là bởi vì chẳng riêng tôi, mà mọi người đều cảm thấy khá … mệt mỏi và vô vọng vì càng hiểu về xếp hạng đại học, về các yếu tố thành công của một trường đẳng cấp quốc tế, thì càng thấy cái mục tiêu lọt vào top 200 vào năm 2020 của một vài trường đại học VN nó mới … bất khả (impossible) làm sao!
Vì 2 điều quan trọng nhất của một trường đại học có đẳng cấp, theo ý tôi, là đội ngũ giảng viên và nhà khoa học giỏi, cùng danh tiếng thông qua các mối quan hệ và tác động với cộng đồng, không chỉ trên phạm vi trong khu vực mà còn toàn thế giới, thì đều không dễ đạt được theo những công thức có sẵn nào, mà đòi hỏi sự sáng tạo, chấp nhận rủi ro, bám sát cuộc sống, và sự kiên trì, bền bỉ – tức là đòi hỏi rất nhiều thời gian.
Cho nên, càng đọc thì tôi càng cảm thấy là chẳng thể có công thức chung nào cho sự thành công hết. Ngoài vài nguyên tắc hoạt động của một trường đại học mà ai cũng biết rồi: tự chủ đại học, tự do học thuật, tự do lựa chọn của người học, và trách nhiệm giải trình của mọi cá nhân, đơn vị đối với xã hội, mà đại diện là một nhà nước dân chủ với hệ thống giám sát minh bạch.
Nói tóm gọn trong vài từ, thì nó là cặp từ mà chúng ta đã nghe từ lâu, có lẽ cả gần 2 thập niên nay từ khi đổi mới giáo dục đại học của VN, đó là “tự chủ và tự chịu trách nhiệm”. Autonomy and accountability.
Vậy chứ cái tựa của entry này là nói đến điều gì đây? À, đang tìm tài liệu về ranking thì tôi lại tìm được global city ranking – xếp hạng thành phố toàn cầu. Và nhìn qua danh sách các thành phố được xếp hạng, bỗng thấy, ngạc nhiên chưa, TP HCM của ta đó!
Ừ thì cũng không có gì đáng nói lắm, vì TP HCM đứng hạng … gần chót, 61/65 thành phố. Nhưng mà … cũng tự hào chứ, vì đó là TP duy nhất của VN được lọt vào danh sách này.
Không những thế, khi nhìn vào phương pháp xếp hạng, ở đây này, thì thấy cũng đáng nể lắm nhé, vì các TP trong danh sách này được xếp hạng theo 25 chỉ số (metrics) thuộc 5 yếu tố sau:
1. Các hoạt động thương mại tại TP, bao gồm giá trị của thị trường tính bằng tiền, số lượng các hãng trong danh sách top 500 của Fortune Global có văn phòng đại diện ở TP, và khối lượng hàng hóa được trao đổi tại TP này.
2. Nguồn vốn nhân lực của TP, bao gồm “kích thước” (size) của dân nhập cư vào thành phố, chất lượng các trường đại học, số lượng các trường quốc tế, và tỷ lệ người dân thành phố có bằng đại học.
3. Sự trao đổi thông tin trong TP, bao gồm số lượng các hãng tin đặt tại TP, mức độ tự do báo chí (chính xác hơn là mức độ không kiểm duyệt), lượng thông tin về thế giới trên các tờ báo hàng đầu của TP, và số lượng người đăng ký sử dụng mạng băng thông rộng (broadband).
4. Trải nghiệm văn hóa tại TP, tức mức độ hấp dẫn về mặt văn hóa của TP đối với dân chúng và khách du lịch. Yếu tố này bao gồm các chỉ số như số lượng các hoạt động lớn văn hóa, thể thao, ẩm thực; các mối quan hệ kết nghĩa với các thành phố khác, vv.
5. Cuối cùng là yếu tố tham gia về chính trị và sự ảnh hưởng đến việc đối thoại và xây dựng chính sách toàn cầu. Làm sao đo được cái này nhỉ? Thì đây: số lượng các đại sứ quán/ lãnh sự quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nghiên cứu chính sách (think-tank) lớn, và các hội nghị về chính trị mà TP đứng ra tổ chức.
Các bạn cứ thử nhìn kỹ các chỉ số trên kia mà xem kìa, trong 5 yếu tố thì chỉ có 1 yếu tố liên quan đến kinh tế mà thôi, 4 yếu tố khác là nguồn nhân lực, là thông tin, là văn hóa, và là sự tham gia chính trị toàn cầu. Mà yếu tố thứ hai, nguồn nhân lực, cũng nêu hẳn vai trò của các trường đại học nhé. Cho nên nếu TP HCM mà lọt vào được danh sách này thì cũng đáng tự hào chứ bộ. Mà VN chỉ có một mình TP HCM thôi nhé!
Nói thêm: bài viết này của tôi đăng lên đây cũng không lạc đề lắm đâu, vì đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới nói đến vị trí địa lý của các trường đại học hàng đầu. Ví dụ như những bài viết này, ở đây, ở đây, và ở đây.
Điều này có nghĩa là gì? Nếu TP HCM là một thành phố toàn cầu, đã lọt vào danh sách xếp hạng cùng với những thành phố quan trọng khác trên thế giới (trong khu vực ĐNA ta thấy ngoài TP HCM còn có Jakarta, Bangkok, Kualar Lumpua, vv), thì khả năng TP HCM sẽ có một (vài?) trường đại học có đẳng cấp trong tương lai chắc là sẽ không đến nỗi vô vọng. Mặc dù có lẽ sẽ không phải là năm 2020. Hy vọng nó sẽ là 20…60, hoặc sớm hơn một chút. Sao không là 2050 nhỉ, vì hiện nay dân Mỹ đang ngồi đoán 2050 thế giới sẽ ra sao đấy.
Có đúng vậy không, hay là tôi đang mơ?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Thích quá! Nhưng mà thế giới chỉ có 65 thành phố được lọt vô danh sách hay có ưu tiên gì không cô nhỉ?
ReplyDelete