B. Các tiêu chí đánh giá hệ thống ĐBCL bên trong theo AUN-QA
Quan điểm của AUN-QA là mọi hệ thống ĐBCL bên trong dù có những khác biệt nhưng đều cần đáp ứng một số điều kiện chung để có thể vận hành có hiệu quả. Vì vậy, AUN-QA khuyến cáo việc thiết lập các hệ thống ĐBCL bên trong tại mọi trường thành viên, đồng thời đưa ra các tiêu chí đánh giá cho hệ thống này để khuyến khích sự tương hợp(harmonisation) giữa các hệ thống khác nhau.
Với quan điểm tôn trọng sự khác biệt giữa các hệ thống và sự tự chủ của các thành viên, các “tiêu chí” đánh giá của AUN-QA đa phần chỉ là những nguyên tắc chung. Việc đánh giá phụ thuộc rất lớn vào phán đoán của các chuyên gia đánh giá trong đoàn đánh giá, đặc biệt là trưởng đoàn (lead assessor). Vì vậy, để hỗ trợ đánh giá, AUN có các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật triển khai do các chuyên gia quốc tế biên soạn, và để nhất quán với từ “tiêu chí” đã được sử dụng với nghĩa nguyên tắc, AUN không gọi đây là các tiêu chí đánh giá, mà chỉ gọi là chúng là danh mục kiểm tra (checklist). Về thực chất, danh mục này là sự cụ thể hóa các nguyên tắc đã được AUN đưa ra, và có thể hiểu là các tiêu chí đúng theo cách hiểu của VN hiện nay. Trong bài viết này, từ “tiêu chí” được sử dụng để chỉ các yếu tố được nêu trong tài liệu hướng dẫn triển khai.
AUN-QA đưa ra 12 tiêu chí nhằm đánh giá hệ thống ĐBCL bên trong của một trường đại học như sau:
1. Chính sách và các quy trình ĐBCL
2. Giám sát thường xuyên
3. Định kỳ thẩm định các hoạt động cốt lõi (giảng dạy, nghiên cứu, dịch vụ cộng đồng)
4. ĐBCL việc kiểm tra đánh giá người học
5. ĐBCL đội ngũ giảng viên
6. ĐBCL cơ sở vật chất
7. ĐBCL dịch vụ hỗ trợ sinh viên
8. Thực hiện tự đánh giá
9. Kiểm toán nội bộ
10. Các hệ thống thông tin
11. Công bố thông tin về chất lượng
12. Sổ tay chất lượng
Khi kết nối các tiêu chí này vào các mô hình chất lượng của AUN, ta sẽ ngoài thấy tiêu chí 1 có liên quan đến yếu tố cốt lõi đầu tiên trong mô hình chất lượng tổng quát (các chính sách tổng thể của nhà trường, trong đó có cả chính sách về chất lượng), các tiêu chí từ 2 đến 12 chính là các chi tiết của mô hình IQA, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các quy trình và công cụ đảm bảo chất lượng chuyên biệt (yếu tố 3 và 4 trong mô hình, được cụ thể hóa bằng các tiêu chí từ 4 đến 12). Đây cũng là những tiêu chí mà các trường đại học mới xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong thường chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ, và cần chú trọng.
Việc sử dụng các tiêu chí này để đánh giá được hướng dẫn cụ thể trong các tài liệu do AUN-QA cung cấp, đặc biệt là cuốn Cẩm nang hướng dẫn triển khai các nguyên tắc ĐBCL của AUN. Tài liệu này đã được dịch ra tiếng Việt do TTĐBCL&NCPTGD thuộc ĐHQG Hà Nội thực hiện.
Các bạn đọc blog này nếu có quan tâm có thể liên hệ với TTKT (địa chỉ mail: ttkt@vnuhcm.edu.vn) để có thêm thông tin liên quan đến AUN-QA.
(còn tiếp)
Wednesday, October 27, 2010
Các tiêu chuẩn đánh giá ... (4): Các tiêu chí đánh giá hệ thống ĐBCL bên trong theo AUN-QA
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment