Sunday, July 25, 2010

"Gian lận học thuật tại TQ" - hay, có thể thành công bằng sự gian lận?

Phần đầu của cái tựa entry này là một phần của tựa bài viết ngắn mà sắc sảo về tình trạng dối trá đang hoành hành trong giới học thuật của Trung Quốc, đang ngày càng vỡ lở dần ra. Như gần đây là scandal rất "nổi đình đám" về vị nguyên giám đốc điều hành Microsoft tại TQ là Tan Jun, người bị cáo buộc với những chứng cớ không chối cãi được là đã gian dối về bằng Tiến sĩ của mình.

Đại khái, ông chỉ có một tấm bằng dỏm từ một lò cấp bằng dỏm/giả tại Cali (giờ đã bị đóng cửa, hình như thế), nhưng lại tự nhận (hoặc lờ đi mặc cho nhà xuất bản cứ việc nhầm lẫn, như ông nói, "đấy là nhầm lẫn của NXB") rằng ông có bằng tiến sĩ từ Caltech, trường đại học danh tiếng lừng lẫy là ước mơ của tất cả những ai học ngành kỹ thuật.

Về việc này, ai muốn tìm hiểu thêm thì cứ việc vào Google mà tìm với mấy từ Tan Jun, fake degree, former chief executive of Microsoft China, vv, thì sẽ tìm ra ngay thôi. Tôi vừa "gúc" với đúng những từ đó thì tìm ra được hơn 30 ngàn đường dẫn trong vòng 42 giây. Tan Jun, mà Tuổi trẻ phiên âm là Đường Tuấn, nguyên Giám đốc điều hành của Microsoft TQ đây này. Đẹp trai chứ bộ! Hình lấy trên mạng. Tan Jun bây giờ "nổi tiếng" lắm rồi.

Việc này nổi cộm đến nỗi ngay cả báo chí VN cũng đã biết và đưa tin, ví dụ như trên tờ Vietnamnet gần đây, đọc ở đây. Tin lấy theo nguồn chính thức của TQ, tờ Trung Hoa nhật báo. Và cả mẩu tin mới, rất ngắn, trên trang cuối (trang 20) ở góc phải, bên dưới của trang báo Tuổi trẻ cuối tuần hôm nay nữa, với tựa đề "Giới chủ TQ lo ngại bằng giả". Tôi chưa tìm trên mạng, nhưng chắc gõ tựa này là ra thôi.

Quay trở lại bài viết mà tôi đã sử dụng cái tựa làm tựa của entry này. Một bài viết rất ngắn nhưng đã đụng chạm đến cốt lõi của vấn đề, tôi nghĩ thế. Đọc mà ... sướng. Không phải sướng vì vụ scandal gian lận này bị đổ bể đâu. Tôi nghĩ, nói gì thì nói, thì những người sử dụng bằng cấp dỏm, giả ở TQ hay ở VN vv vừa là thủ phạm (nên có bị gì thì cũng đáng tội) nhưng cũng vừa là nạn nhân (nói theo kiểu của ông NNA ở Phú Thọ).

Họ là nạn nhân một phần vì hệ thống quản lý ở nơi đó đã đẩy họ vào tình thế bắt buộc phải dùng bằng giả/dỏm để duy trì vị trí mà họ đã đạt được, khi khó có cách nào khác để làm điều đó. Ví dụ như, cứ phải có bằng tiến sĩ thì mới được vào cơ quan công quyền ở Hà Nội, đại khái thế (một sáng kiến suýt chút nữa thì được thông qua). Và họ còn là "nạn nhân" vì trong một hệ thống như thế chắc chắn sẽ có nhiều người giống như họ, nhưng số người bị phát hiện như họ thì chắc là ít thôi, còn nhiều người khác mà có thể họ cũng biết rõ thì lại vẫn an toàn.

Vậy chứ tại sao lại ... sướng? Sướng, vì những phân tích sắc sảo của nhà báo. Lại nghĩ lan man ra ngoài, tôi thấy phục các phóng viên của nước ngoài quá đỗi. Họ viết rất sắc sảo, gãy gọn, logic, không kết luận dùm cho người đọc mà chỉ lựa chọn các sự kiện, kết nối các lập luận, còn việc kết luận ra sao thì người đọc cứ việc tự rút ra lấy - mà hầu như bao giờ cũng sẽ rút ra đúng cái kết luận mà người viết muốn.

Bài viết mà tôi "ca ngợi" nãy giờ có thể tìm thấy ở đây. Vì thích nó quá, nên tôi đã dịch và gửi Tia Sáng, hy vọng sẽ được đăng trong số tới. Nếu Tia Sáng không sử dụng vì lý do gì đó, thì tôi cũng vẫn sẽ đưa lên blog này để chia sẻ với mọi người. Còn đây là phần kết dủa bài viết mà tôi đã dịch:

Nhưng ít ra thì sự hội nhập ngày càng tăng của giới học thuật Trung Quốc với thế giới bên ngoài có thể giúp thay đổi tình thế. Khi có thêm các học giả đi học ở nước ngoài và trở về làm việc ở TQ, điều này sẽ tạo ra được các mạng lưới không chính thức có thể giúp bên ngoài kiểm tra chất lượng của các ứng viên. Sự đổi mới này nhỏ thôi, nhưng có lẽ một sự đổi mới thực sự đem lại lợi ích cho Trung Quốc.

Như vậy, sự trở về của tôi - vì, khoe một chút, và ngậm ngùi một chút, tôi đã từng có cơ hội để ở lại Úc làm permanent resident cùng với một cái offer làm postdoc tại trường mà tôi đã học trước đây tại Úc, những vẫn nhất định đi về VN vào cuối năm 1996, với những hy vọng phơi phới (!!!) về một tương lai tươi sáng của đất nước đang mở cửa hội nhập và đổi mới - có lẽ cũng sẽ, đang, và có thể là đã (???) góp một chút vô cùng nhỏ nhoi vào "sự đổi mới thực sự đem lại lợi ích" của giáo dục VN chăng?

Tôi mong rằng thế. Phải không, SGK nhỉ? Cả em nữa, và các bạn giống như em, thế hệ 8x, và rồi sẽ là 9x, sẽ ra đi để sẽ quay về, phải không? Như vậy, thì việc du học đâu thể gọi là tỵ nạn giáo dục, mà là một kiểu "tìm đường cứu nước" thời nay, hoặc một phong trào Đông Du/Duy Tân mới (theo nghĩa rộng), thật chứ?
--
Cập nhật ngày 30/7/2010
Bài đã đăng trên Tia Sáng. Có thể đọc bản online ở đây.

8 comments:

  1. Cô xem lại link đi ạ.

    Còn thì, em nghĩ nhiều người sẽ quay về, vấn đề là bao giờ thôi. Chẳng hạn, cô giáo Anh văn em kể có một anh trước em mấy khóa, học công nghệ sinh học ở Anh thì phải, cũng về làm ở một viện nghiên cứu ở Thủ Đức, nhưng là làm paperwork. Sau một năm thì kiến thức mai một đi ít nhiều. Mà số người học tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài khi về nước được giao cho làm paperwork, em nghĩ cũng không ít đâu.

    Vấn đề đạo văn nói nhiều cũng nhàm, nên em lái ra ngoài lề một tí. The Economist là tờ báo favourite của em (từ cấp 3 đã bị bắt đọc để viết luận, nhưng sau này thì tự nguyện, vì cảm thấy mình học được nhiều điều trong đó, từ kiến thức đến cách hành văn). Bài báo ở đó thường cô đọng và phân tích rất sâu về nhiều khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề. Có người nói với em, xét về độ khó văn bản thì The Economist > Time > Newsweek. Em chưa kiểm tra, nhưng cảm nhận khi đọc của em thì đúng vậy thật. Tờ này viết rất ngắn gọn, ít khi nào xài câu dài lê thê, và có một văn phong gần như giống nhau ở tất cả các bài, cho dù có rất nhiều người viết. Ngôn ngữ sử dụng lại đầy hình ảnh, và chơi chữ cũng nhiều (vì vậy dịch bài của tờ này nhiều khi khó nhằn, do không tìm được cách chuyển tải cái hay trong ngôn ngữ). Một điểm đặc biệt là các bài báo không để tên tác giả (by-line), trừ phi là của guest writer, vì ban biên tập bảo rằng mỗi bài viết là công sức của nhiều người (collarobative effort). Dĩ nhiên, các "thế lực thù địch" bảo rằng lí do The Economist giấu by-line là vì phóng viên của họ trẻ măng, nếu để độc giả biết thì sợ người ta sẽ ít tin tưởng tờ báo hơn.

    "The cover of anonymity for the magazine's writers is an important part of its omniscient stance, among other reasons because it conceals the extreme youth of much of the staff. "The magazine is written by young people pretending to be old people," says Michael Lewis, the author of "Liar's Poker," who now lives in England. "If American readers got a look at the pimply complexions of their economic gurus, they would cancel their subscriptions in droves."

    http://www.theatlantic.com/science/archive/1991/10/-quot-the-economics-of-the-colonial-cringe-quot-about-the-economist-magazine-washington-post-1991/7415/

    Có điều em nghĩ, trẻ mà viết được vậy thì phải khen chứ, việc gì mà cancel subscription? :))

    Em sẽ gửi cô The Economist style guide. Thường thì mỗi tờ báo đều có quy định về văn phong, cũng như tập hợp các lỗi thường gặp (về ngôn ngữ/kiến thức) để phóng viên tham khảo (ở VN không biết có không). Em còn nhớ họ khuyên nên hạn chế dùng affordable (chẳng hạn trong affordable computers, affordable housing), một từ thường gặp trong quảng cáo. Lí do là vì độc giả có giàu có nghèo, một mặt hàng có thể affordable với người này nhưng không affordable với người khác. Vì thế viết affordable khơi khơi (kiểu one-size-fits-all) là không chặt chẽ. Em nghĩ, chính những lời khuyên như thế đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng bài báo của The Economist.

    SGK

    ReplyDelete
  2. Hi SGK,
    Cám ơn em về vụ link. Cô đã sửa lại.

    Về bài báo, cô đã đọc nó từ ngay hôm nó xuất hiện, và thấy nên dịch ra để phổ biến. Nên hôm qua khi em đưa link trên bloganhvu, cô thấy rất thú vị - đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu thật! Và bèn hoàn tất bài dịch để gửi TS.

    Cô cũng đã nhận confirmation từ TS là sẽ sử dụng. Nên thế là những tư tưởng nhỏ li ti, nano-nhỏ, đã gặp nhau. Hy vọng nó sẽ giống như kết luận của bài báo, "nhỏ thôi, nhưng là những đổi mới thực sự đem lại lợi ích".

    Còn về style guide, và "suy rộng ra" là về các luật lệ, quy tắc ứng xử của giới học thuật, thì đúng là Economist hơn mình nhiều triệu lần. Và việc đi, về thì có lẽ còn nói dài dài...

    Đôi khi người ta cũng cần đôi chút lạc quan, như trong bài "Cô Bắc kỳ nho nhỏ", em ạ!

    ReplyDelete
  3. Trả lời cái com. của chị Anh.

    Khi buớc chân ra đi khỏi quê hương thì hầu như ai cũng nghĩ là mình sẽ sớm trở về.
    Ngay như những nguời di cư năm 1954 cũng thế. Ai cũng nghĩ là chỉ hai năm sau tổng tuyển cử rồi sẽ trở về miền bắc thân yêu.
    Sau tháng 4 năm 1975, thì những nguời di cư đó gặp những nguời thân thuộc tại miền Nam thì họ đã nhận ra đuợc họ sẽ tiếp tục ra đi. những nguời không đi đuợc thì cũng chẳng bao giờ trở lại miền bắc và nghiễm nhiên cho mình là nguời Miền Nam gốc bắc 54.
    Rồi lại cất buớc ra đi, rồi cũng nghĩ là sẽ trở về VN trong một thời gian không xa lắm. Rổi đỗ đạt, rồi tưởng lầm là đổi mới rồi (thật ra là sửa sai hay trở lại cái cũ của miền Nam). Hân hoan về tìm cách góp phần xây dựng quê huơng. Rồi lại thất vọng cất buớc ra đi.
    Các em sinh viên cũng thế, để lại gia đình, nguời yêu, rồi nghĩ rằng sẽ vinh qui bái tổ. Nhưng về rồi lại cất buớc ra đi.

    Điệp khúc này sẽ kéo dài vô tận.
    choi

    ReplyDelete
  4. Bác Chơi,

    Bác nói, unfortunately, quá đúng!

    Thôi, âu cũng là quy luật, bác ạ: nước chảy chỗ trũng.

    Mời bác đọc entry mới của em trên bloganhvu: "Khi một tỷ người TQ nhảy". Có lẽ nó liên quan ít nhiều đến việc đi, về, vì em đang trong dòng suy nghĩ này khi viết nó.

    PA

    ReplyDelete
  5. Bin Tồ à,
    Báo TT dịch Tan Jun là Đường Tuấn đấy! Đúng hay không, hay cả 2 cách đều được, nhỉ?

    PA

    ReplyDelete
  6. Đường = Tang (như "Lâm Ngữ Đường" = Lin Wu Tang)???

    ReplyDelete