Friday, July 23, 2010

Lại nói về tuyển sinh (so boring!)

Nội dung dưới đây là phần trả lời phỏng vấn của tôi trên báo Phụ Nữ Thủ Đô cách đây ít lâu, sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học hoàn thành.

Do không đọc báo Phụ Nữ Thủ Đô nên tôi cũng chẳng biết báo có đăng bài không, và không quan tâm đến nữa. Nhưng hôm nay tôi PV của báo gọi để lấy địa chỉ gửi báo biếu, mới biết bài đã đăng. Vì vậy, nay mới đăng bài PV lên đây (báo này chưa có phiên bản online). Vấn đề hơi cũ rồi, hết tính thời sự (hiện nay còn những vấn đề khác, scandalous hơn nhiều!), nhưng cũng cứ đưa lên. Vì ít nhất thì cũng lưu được trên này, hầu có lúc tôi hoặc ai đó cần tìm lại.

Dù boring, nhưng cũng mong mọi người đọc và có ý kiến!

----
Lại một mùa tuyển sinh ĐH vừa kết thúc. Trái với những đánh giá lạc quan của Bộ GD-ĐT, TS Vũ Thị Phương Anh- giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng GD- ĐH Quốc gia HCM lại cho rằng, lối thi ĐH “3 chung” như hiện nay đang có nhiều bất ổn. Bộ GD-ĐT cần sớm nói lời “cáo chung” với kỳ thi này…

Thưa bà, kỳ thi tuyển sinh ĐH 2010 đã kết thúc, được Bộ GD-ĐT đánh giá là đã diễn ra xuôn xẻ, công bằng, nghiêm túc. Ý kiến của bà về kỳ thi năm nay như thế nào?

Tôi không trực tiếp tham gia kỳ thi ở bất kỳ khâu nào trừ khâu chấm trắc nghiệm, nên không thể có ý kiến chính thức về việc tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, qua các thông tin trên báo chí, cũng như kinh nghiệm của những người thân, tôi nghĩ rằng kỳ thi năm nay cũng diễn ra tương tự như những năm trước. Có thể có ít vi phạm hơn như báo chí đã nêu, nhưng điều này cũng bình thường bởi vì kỳ thi đã diễn ra nhiều năm liền nên cả thí sinh lẫn giám thị đều nắm vững quy chế hơn, và thao tác thành thục hơn.

Về sự công bằng của kỳ thi, nếu chúng ta hiểu một cách đơn giản “công bằng” là tuyển chọn thí sinh dựa trên điểm số của cùng một bộ đề thi thì có lẽ chúng ta đã có một kỳ thi thực sự công bằng. Nếu quả thật có thể đạt được sự “công bằng trong tiếp cận giáo dục” chỉ bằng một kỳ thi thì tất cả sự tốn kém tiền của, công sức của toàn xã hội mà chúng ta vẫn thấy như hiện nay sẽ là một cái giá mà chúng ta phải chấp nhận. Nhưng thật ra công bằng trong giáo dục là một vấn đề phức tạp hơn nhiều và chắc chắn không thể đạt được chỉ bằng một kỳ thi, dù kỳ thi đó có an toàn, nghiêm túc đến bao nhiêu cũng vậy.

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm mà tôi đã phát biểu ở những nơi khác, đó là việc tuyển sinh đại học nên trao lại cho các trường quyết định, còn Bộ nên tập trung vào những vấn đề khác, trong đó quan trọng nhất là chính sách đầu tư, để nâng cao chất lượng thực của giáo dục phổ thông.

Nói thêm, tôi cũng đang theo dõi rất sát trên báo chí Trung Quốc và thấy rằng nước này cũng đang có những thay đổi theo hướng trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tôi nghĩ, các nhà chính sách của Việt Nam nên tìm hiểu thêm về kinh nghiệm trao quyền tự chủ cho các trường đại học từ Trung Quốc, một mô hình mà hình như hiện nay ta đang chịu ảnh hưởng rất nhiều.

Bộ GD-ĐT đang ấp ủ kế hoạch tổ chức một kỳ thi “2 chung” thống nhất, vừa để xét tốt nghiệp và vừa tuyển sinh vào ĐH. Bà thấy ý tưởng này như thế nào?


Tôi không thích từ “hai chung”, hoặc như một số nơi đã sử dụng, là “hai trong một”. Vì đây là hai kỳ thi có những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng chỉ nên có một kỳ thi quốc gia, và kỳ thi đó nên là thi tốt nghiệp THPT.

Tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp hiện nay như thế là đã tạm ổn, và phải nói rằng trong những năm vừa qua Bộ Giáo dục cũng đã tích lũy đủ kinh nghiệm để tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia “an toàn, nghiêm túc, và công bằng”. Tuy nhiên tôi cũng muốn đề xuất thêm với Bộ một yêu cầu của kỳ thi quốc gia này, đó là “ổn định”. Ổn định để phát triển, điều này không chỉ cần trong kinh tế hoặc chính trị, mà cũng cần cả trong giáo dục nữa.

Trên TG, người ta áp dụng cách thi nào để tuyển ứng viên vào ĐH?

Hiện nay các kỳ thi được TG sử dụng phổ biến gồm thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH và thi chuẩn hóa. Do khác nhau về mục tiêu nên các kỳ thi nêu trên cũng thuộc quyền quản lý của các cơ quan khác nhau.

Thi tốt nghiệp THPT thường do Nhà nước quản lý. Thi tuyển sinh ĐH do chính trường ĐH thực hiện để làm cơ sở ra quyết định về việc lựa chọn TS trong trường hợp số chỗ học ít hơn số người muốn học. Trong khi đó kỳ thi chuẩn hóa thường do các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp thực hiện.

Việc sử dụng kỳ thi nào trong phương án tuyển sinh hoàn toàn tùy thuộc vào mục tiêu và điều kiện của từng quốc gia, từng trường ĐH. Những quốc gia phát triển như nhiều nước ở châu Âu hoặc các nước Bắc Mỹ nơi có hệ thống GD phổ thông có chất lượng tốt và có đầy đủ chỗ học ở ĐH cho mọi người thì hầu như chỉ cần kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, có sự phân biệt trường ĐH công, ĐH tư (ở các nước này ĐH tư thường phải đóng học phí cao và chất lượng nhìn chung không bằng các ĐH công) thì sự cạnh tranh vào trường công lại gay gắt nên cần có vai trò gác cổng của các kỳ thi và thậm chí phải tổ chức thêm nhiều kỳ thi khác sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nói chung, không có mẫu hình nào là “đúng” cho mọi quốc gia.

Gần đây, có ý kiến cho rằng, muốn giảm tải cho HS thay vì tổ chức thi ĐH và thi tốt nghiệp, chúng ta nên lấy luôn kết quả học tập ở THPT để xét vào ĐH. Quan điểm của bà như thế nào?

Các kỳ thi lớn dù có được tổ chức nghiêm túc đến đâu, dù có tổ chức bao nhiêu kỳ thi đi nữa cũng chỉ đánh giá được phần nào kiến thức và năng lực của HS. Trong khi đó, việc quá nhấn mạnh vào các kỳ thi có vai trò “gác cổng” là nguyên nhân dẫn đến các tiêu cực trong thi cử, chưa kể gây căng thẳng với người học, tiêu tốn tiền bạc của XH…

Sử dụng kết quả phổ thông để xét tuyển vào ĐH là một cách làm tiên tiến về nhiều mặt bởi học bạ cho phép nhìn nhận năng lực của người học qua suốt một quá trình chứ không chỉ ở điểm cuối; Với cách làm này, quyền đánh giá người học đã được các trường ĐH trao về cho các giáo viên phổ thông.

Tuy có ưu điểm nhưng theo tôi, việc xét học bạ trong tuyển sinh thường không nên được sử dụng ở những nước đang phát triển như ở VN vốn không có một nền GD ĐH đại chúng. Điều này là do sự thiếu thống nhất về quan điểm đánh giá khiến kết quả tại các trường THPT có thể rất khác nhau và không thể so sánh để tạo cơ hội công bằng cho mọi người, trong điều kiện không có đủ chỗ học cho mọi người.

Vậy, theo bà, cách tuyển sinh ĐH nào là tối ưu trong điều kiện của VN hiện nay?

Không có phương án tuyển sinh tối ưu chung cho tất cả mọi người, mà cần thiết phải có phân biệt giữa các nhóm trường/ngành khác nhau. Theo tôi, đã đến lúc, Bộ GD-ĐT nên giao quyền tuyển sinh cho các trường. Theo tôi, nên có 3 phương án tuyển sinh cho các nhóm, trường/ngành, các đối tượng ưu tiên và các hệ đào tạo đặc biệt từ năm 2011 (lẽ ra phải thực hiện từ năm 2010 như dự kiến).

Nhóm đầu tiên, áp dụng với các trường/ngành không đặc thù, không có tính cạnh tranh cao và/hoặc không sử dụng kinh phí của Nhà nước thì sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. Nhóm này bao gồm đa số các trường trung học chuyên nghiệp, CĐ công lập và NCL, các trường ĐH tư thục, một số trường ĐH CL thuộc khối ngành XH và NV (trừ ngoại ngữ). Việc xét học bạ THPT có thể thực hiện ngay từ khi HS đang ở học kỳ 2 của lớp 11.

Nhóm thứ 2 gồm các trường/ngành đặc thù, có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực/ năng khiếu đặc biệt của người học và/hoặc nhận được sự đầu tư đặc biệt của Nhà nước nên sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả của một kỳ thi khác. Nhóm này gồm các trường ĐH công lập, đặc biệt là các ĐH trọng điểm; các chương trình liên kết với nước ngoài, các ngành đòi hỏi phòng thí nghiệm, thiết bị và điều kiện học tập đặc biệt như Y, Nha, kiến trúc, ngoại ngữ… Với nhóm này, việc sơ tuyển có thể gắn với những điều kiện khắt khe hơn và phải có một kỳ thi hoặc là đầu vào do chính trường tổ chức, hoặc là một kỳ thi chuẩn hóa (như SAT của Mỹ) do một tổ chức khảo thí chuyên nghiệp trong hoặc ngoài nước tổ chức.

Nhóm cuối cùng gồm các hệ đào tạo đặc biệt (hoàn thiện ĐH, tại chức, đào tạo từ xa, văn bằng 2…).. thì xét hồ sơ xin học và các yếu tố khác như giới tính, tuổi, địa phương… Do điều kiện đầu vào khá mở nên việc quản lý đối với đối tượng này cần rất chặt chẽ thông qua việc kiểm tra thường xuyên trong quá trình học theo nguyên tắc mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra.
--
Nói thêm chút: Trừ câu trả lời đầu tiên, những câu sau thật ra chỉ lập lại ý tưởng của một bài viết mà tôi đã công bố trong một hội thảo về tuyển sinh do TT của tôi thực hiện năm 2008, và in thành sách năm 2009.

Nhưng đến nay, mọi việc vẫn còn ... mới, mà đã 2 năm rồi đó! Đủ biết, muốn thay đổi một cách làm, cách nghĩ, là điều không hề dễ dàng. Còn tôi, thì đã già, sắp về hưu, không còn thời gian nữa. Mà những điều đã được học, cách đây gần 15 năm rồi cho đến nay vẫn còn ... quá mới! Hic hic!!!

6 comments:

  1. Để đổi không khí và khỏi phải state the obvious, mời cô đọc chơi mấy cái quote sau đây về thi cử, đại học, và thi cử trong đại học.

    Lược dịch từ http://www.funnyquotes123.com/funny-exam-quotes/

    To those of you who received honors, awards and distinctions, I say well done. And to the C students, I say you too may one day be president of the United States.

    (Tôi xin gửi lời ngợi khen đến các sinh viên được bằng danh dự, giải thưởng và điểm cao. Còn với các sinh viên chỉ được điểm C, tôi muốn nói rằng có thể một ngày bạn sẽ trở thành Tổng thống Mỹ.)

    (SGK: Nhưng muốn làm Thủ tướng VN thì phải là "học viên xuất sắc của Harvard" - http://vietnamnet.vn/giaoduc/201007/Cap-bang-thac-si-chinh-sach-cong-khoa-dau-922520/)

    You can lead a boy to college but you can’t make him think.

    (Bạn có thể dẫn một bé trai vào đại học, nhưng không thể khiến nó biết suy nghĩ)

    Of course there’s a lot of knowledge in universities: the freshmen bring a little in; the seniors don’t take much away, so knowledge sort of accumulates….

    (Đại học dĩ nhiên là một nơi đầy kiến thức. Sinh viên mới mang vào một ít kiến thức, sinh viên cũ không lấy đi bao nhiêu, nên kho kiến thức có vẻ cứ đầy lên.)




    Colleges are like old-age homes, except for the fact that more people die in colleges.

    (Đại học cũng giống như nhà dưỡng lão - chỉ khác là nhiều người chết ở đại học hơn.)

    A college is a place where pebbles are polished and diamonds dimmed.

    (Đại học là nơi mà sỏi được mài giũa và đá quý bị mài mòn)


    SGK

    ReplyDelete
  2. Trích
    "tôi cũng đang theo dõi rất sát trên báo chí Trung Quốc và thấy rằng nước này cũng đang có những thay đổi theo hướng trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. "

    Tôi thầy việc trao quyền tự chủ trong tuyển sinh là một điều RẤT LÀ HỢP LÝ.

    Chỉ có truờng mới biết chắc chắn là cần tuyển sinh với tiêu chuẩn điểm ở những bộ môn nào và ra đề thi phù hợp với những bộ môn đó.

    Qua kỳ thi tuyển đại học ở VN vừa qua, tôi thấy có em thủ khoa thi vào đạt 29.5/30 ở kỳ thi. Khi xem điểm tôi mới thấy ngạc nhiên là em thi vào truờng Kinh Tế mà điểm thì là Tóan Lý Hóa đều hầu như tối đa cả 3 môn. Tóan thì có thể dùng trong kinh tế hôc nhưng Lý và Hóa thì hình như hơi bị thừa. Cái này có hợp lý không?

    Choi

    ReplyDelete
  3. SGK,
    Cám ơn em mấy cái quotes rất thú vị. Em giống cô nhỉ, cô cũng thích tìm mấy cái quotes và dịch ra như thế này lắm. Nó rất xúc tích, thú vị cả về ý tưởng lẫn ngôn từ. Rất ... giảm stress, học mà chơi, chơi mà học! :-)

    Bác Chơi,
    Rất hân hạnh đón bác (như thỉnh thoảng vẫn được đón) ở sân này, mặc dù nó không phải là sân chơi, mà là sân ... làm việc - sân phơi lúa, chẳng hạn. Em có 2 cái sân, sân bên kia (bloganhvu) mới là sân chơi bác ạ.

    Mà bác cũng theo dõi tình hình VN kỹ quá ha! Đúng là tấm lòng của người Việt xa xứ! Có lẽ là thế hệ của bác thôi, còn các thế hệ thứ 2, thứ 3 ở bên ấy chắc là nhạt bớt tâm tình với quê hương rồi phải không bác?

    Em đồng ý hoàn toàn với việc không cần thi Lý, Hóa để vào học Kinh tế. Đã thi tốt nghiệp THPT rồi, với đầy đủ (well, gần đủ) các môn rồi, thì còn thi lại trong kỳ thi đại học làm gì nữa? Chỉ cần kiểm tra những gì đặc thù cho ngành học thôi. Còn nếu không cần đặc thù thì có thể kiểm tra tổng quát về logic, ngôn ngữ (tiếng Anh, viết luận), và toán (nếu cần) là đủ phải không bác?

    PA

    ReplyDelete
  4. Hồi em thi đại học thì vẫn còn thi theo trường (mỗi trường một đề khác nhau), và còn kèm theo chính sách xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp với những thí sinh có điểm tốt nghiệp loại xuất sắc. Em được hưởng lợi từ chính sách này vì em quyết tâm thi tốt nghiệp đạt loại xuất sắc để tiết kiệm công sức và đã thành công. Lớp em có khoảng 43/56 bạn được tuyển thẳng dựa trên điểm tốt nghiệp. Tuy nhiên, ai cũng vẫn cứ đi thi đại học, để "cho vui" hoặc để giành thành tích cao.
    Em quan sát những người xung quanh thì thấy rất chi là vấn đề. Có không ít những bạn điểm tốt nghiệp loại xuất sắc, học sinh giỏi toàn diện 3 năm cấp 3, được tuyển thẳng vào đại nhưng học hành ở trường đại học thì rất chật vật, điểm toàn 3 và 4, và nếu suy đoán là điểm PTTH của các bạn ấy là điểm giả thì chắc xác suất đúng rất cao. Và lẽ dĩ nhiên các bạn này có bố mẹ là người làm trong ngành giáo dục của các tỉnh. Có không ít những bạn thủ khoa, á khoa các trường, có bố mẹ dạy ở trong trường đó. Rồi là có chuyện lo lắng phải đi học thêm của thầy này ở trường X thì mới đỗ được trường X (GV trong trường thì không nhiều, hoàn toàn có thể khoanh vùng những người sẽ ra đề). Những bất cập trong việc cho các trường tự tổ chức tuyển sinh cũng như việc tuyển dựa trên điểm tốt nghiệp thời ấy đã dẫn đến việc Bộ GD đưa ra quyết định thi đại học chung và không còn xét tuyển thẳng dựa trên điểm tốt nghiệp nữa.
    Giờ em không biết tình hình lạm dụng quyền lực ở các trường và các tỉnh có còn phổ biến như xưa không, nhưng em chưa nhìn thấy có cơ sở rõ ràng nào để mà khá lên một cách bền vững.

    ReplyDelete
  5. Hà Thanh ạ,
    Ý kiến phản biện rất tốt. Nhưng cô muốn hỏi lại: có phải thời của em, thi TN THPT cũng vẫn do từng Sở tự tổ chức không?

    Nếu đúng thế, thì hồi ấy, không có chút tập trung hết, hoàn toàn dân chủ cơ sở: Sở GD tỉnh tự tổ chức thi TN THPT, rồi mỗi trường ĐH tự tổ chức thi.

    Nay, thì hoàn toàn ngược lại: Bộ nắm luôn cả 2 kỳ thi quốc gia, mà lại gần nhau!!! Và trước đây còn đòi thi đại học cũng phải bám sát chương trình THPT, vv, nên có vẻ 2 kỳ thi trùng lắp?????

    Nên nếu em đọc cô kỹ một chút, sẽ thấy cô đề nghị Bộ nắm kỳ thi TN THPT, còn trường thì cho quyền để chọn 1 trong 3 phương án mà cô đề ra ở trên.

    Em thấy như thế đã ổn chưa? Nếu vẫn chưa, thì xin tiếp tục góp ý nhé!

    ReplyDelete
  6. Chào cô

    Thời chị Thanh thi, nếu em nhớ không lầm thì đề Tú tài vẫn do Bộ ra. Sở chỉ phụ trách ra đề tốt nghiệp tiểu học và THCS. Tiếc là thời đó cách nay cũng khá lâu, nên trên mạng không còn lưu lại mấy thông tin, em search thử thì chỉ ra thông tin về thi ĐH năm 1999 thôi: http://www.binhthuan.gov.vn/khtt/giaoduc/cnts1999/NDM.htm

    Về chuyện chị Thanh nêu, thì em nghĩ mấu chốt nằm ở chuyện tiền kiểm - hậu kiểm. Ngày xưa Bộ không tiền kiểm (như bây giờ), nhưng hậu kiểm cũng thả nốt, nên thật ra accountability của các trường rất thấp. Em nghĩ bây giờ, nếu có cải cách, thì thả tiền kiểm, siết hậu kiểm (giao cho một tổ chức đánh giá độc lập, nếu có), có thể sẽ tốt hơn. Garbage in, garbage out, nên nếu đầu ra không chấp nhận garbage thì trường cũng không dám take in garbage, chuyện tuyển sinh em nghĩ sẽ bớt tiêu cực hơn ngày xưa (optimistically speaking, that is).

    SGK

    ReplyDelete