Saturday, July 17, 2010

Nói chuyện tiếng Anh (3): Engrish!

Gần đây, trên mạng đang có một scandal mới về giáo dục. Liên quan đến đề thi tuyển sinh đại học môn tiếng Anh năm nay. Ai muốn biết về nó, xin đọc trên blog của GS Nguyễn Văn Tuấn, Việt kiều Úc.

Đại khái, scandal này liên quan đến vụ có ai đó đã lấy một bài đọc bằng tiếng Anh trên mạng để làm reading text cho một bài Reading Comprehension trong đề thi. Xui xẻo cho người này (và cho Bộ Giáo dục), bài viết ấy có một số vấn đề về ngôn ngữ và cả nội dung nữa. Cái này GS NVT đã nói nhiều trong những bài viết của ông rồi.

Còn tôi, tôi chẳng có thêm ý kiến gì đâu. Chỉ biết nói, đúng là ... xui xẻo. Giống trường hợp của GS NNT trước đây với cuốn giáo trình đạo dịch. Những sự cố này là "sản phẩm" đương nhiên của một thời đóng cửa, "tự sản tự tiêu" trên lãnh vực giáo dục đại học của VN.

Tự mở ngành tiến sĩ khi chưa có đủ người dạy cho đàng hoàng, tự mày mò đọc sách rồi dạy lại cho học trò, tự cho phép mình cấp bằng tiến sĩ, tự viết giáo trình, tự xuất bản, tự phong giáo sư, tự mở thêm trường, vv. Hô biến một cái, chỉ trong vòng 10 năm cả nước có một hệ thống đại học khá ấn tượng về số lượng với rất nhiều giáo sư, tiến sĩ. Thì nó phải thế thôi, phải sửa từ từ chứ biết sao giờ!

Vì scandal này liên quan đến tiếng Anh, tôi lại nhớ đến cái "sứ mạng" nói chuyện tiếng Anh của tôi. Thực sự tôi bận quá nên không có thì giờ viết nhiều về vấn đề này đâu, mà chỉ gợi ra để mong mọi người comment thôi.

Entry này cũng xin giới thiệu một trang blog khác về tiếng Anh, mà là tiếng Anh sai ấy. Trang ấy có cái tên rất thú vị là Engrish.

Vâng, Engrish đấy ạ, không phải English đâu. Engrish, vì người Hoa (và hình như cả Nhật nữa) hay nhầm lẫn giữa "l" thành "r". Như "fried rice" thì lại nói thành "fly lice"! (ăn cơm chiên thành ra ăn "rận bay" đấy, chết cười chưa!)

Link của trang ấy đây này: www.engrish.com. Nó có gì trong đó ư? Thì các bạn vào xem đi, sẽ rõ. Sẽ được cười chết thôi! Tấm hình minh họa trong entry này là tôi lấy từ trang Engrish đấy. Các bạn có cười không vậy? Flesh breakfast, điểm tâm bằng thịt người ở Nhật kìa! (Thật ra là nhầm giữa fresh - mới, tươi - và flesh - thịt người, mà là thịt sống nhé, kinh chưa?)

Sao đang nói về scandal đề thi mà tôi lại nhớ ra trang Engrish? Vì thế này: cái đoạn văn tiếng Anh có vấn đề ấy đã được GS NVT chỉ ra rằng nó đã được lấy từ một trang mạng của Trung Quốc! Thế mới nguy, vì tiếng Anh của TQ thì có nhiều vấn đề lắm. Sao ai đó lại có thể bất cẩn đến thế nhỉ?

Thôi, âu cũng là một bài học! Và cái moral lesson ở đây là: Ngành giáo dục VN - và cả những ngành khác nữa - hãy làm mọi việc một cách hết sức cẩn thận. Hãy coi trọng chuyên gia, và hãy học tập cách làm của thế giới. Chúng ta đâu phải siêu cường mà đòi làm mọi việc theo cách riêng của mình?

Tôi e rằng những scandals trong giáo dục, và trong tiếng Anh, theo kiểu như thế này vẫn sẽ còn dài dài, thực vậy. Thì biết làm sao được. Sai rồi thì thừa nhận đi, rồi sửa, chân thành, rồi sẽ khá lên thôi. Và đừng có chạy theo thành tích, mơ ước viễn vông, vĩ cuồng nữa. Giáo dục là việc của trăm năm, chúng ta chẳng vẫn nói hàng ngày đấy thôi!

Thánh nhân còn có lúc lầm kia mà!

17 comments:

  1. Chào cô

    Đề lấy từ trang mạng TQ, nhưng chưa chắc là của TQ viết, vì những trang này cũng hay lấy lại từ nguồn khác cô ạ. Nếu khéo Google, cô có thể tìm ra cả bộ New Concept trên website lạ. :D Có cả footnote bằng tiếng Tàu hẳn hoi.

    Còn fresh breakfast với flesh breakfast, kể ra cũng còn thua câu chuyện sau đây, mà em đồ là còn hơn mấy ví dụ trên trang engrish.com một bậc.

    "Tôi cũng không ít lần từng cảm thấy “xấu hổ với bạn bè quốc tế” như suy nghĩ của bạn Thế Hà, khi chứng kiến cảnh một số “diễn giả” người Việt “múa rìu qua mắt thợ” - trước các quan khách quốc tế - bằng một thứ tiếng Anh “chẳng giống ai” mà không cần biết đến phản ứng của người nghe ra sao.

    Vài năm trước, tại hội nghị quốc tế các nhà tài trợ cho Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt, khi một quan chức Việt Nam bắt đầu thuyết trình đề tài “Chi tiêu công” (bằng tiếng Anh), thì trên màn hình cũng chiếu bản tóm tắt nội dung để minh họa (bản tài liệu in sẵn cũng đã được phát trước đó cho các đại biểu).

    Vừa nhìn thấy tên chủ đề xuất hiện trên màn hình, lập tức các vị khách quốc tế ngồi quanh tôi đều cố nhịn cười khi nhìn dòng chữ “Pubic Expenditure!!” (thay vì viết đúng là “Public Expenditure”). Lúc đó tôi chỉ muốn bật khóc vì xấu hổ cho dân mình, chứ không cười nổi như các quan khách quốc tế.

    Giờ giải lao, tôi vội tìm gặp vị quan chức và cầm theo bản tài liệu để chỉ cho ông thấy cái lỗi mà theo tôi là “chết người” này. Lạ thay, ông ta thản nhiên nói: “Lỗi kỹ thuật ấy mà, do đánh máy thiếu một chữ “l” thôi, chứ có gì to tát đâu?”. Tôi hỏi: “Thế anh có biết “pubic” trong tiếng Anh có nghĩa là gì?”. Ông ta lắc đầu. Phải chi ông chịu khó tra từ điển chắc sẽ không dửng dưng như thế và sẽ hiểu vì sao khách quốc tế họ phì cuời khi ông viết thiếu chữ “l” đó!” (Trong tiếng Anh, “public” nghĩa là “công cộng”, còn “pubic”- có nghĩa là “mu” - thuộc về “chỗ kín” trên cơ thể !!!)."

    http://www.thesaigontimes.vn/Home/vanhoa/sinhhoatvanhoa/33190



    SGK

    ReplyDelete
  2. Chà chà, cái sự nhầm lẫn này hơi nguy hiểm em nhỉ? Phải nhắc tất cả những nơi nào mà tên có từ Public (vd: chương trình đào tạo về chính sách công của Fulbright tại ĐHKT) phải nhớ không nhầm lẫn với Pubic nhé, không thì xấu hổ chết.

    Cô nhớ từ năm 1989, sang Mỹ, đã mua được một cuốn sách nhỏ tên là Dangerous English, ghi lại những nhầm lẫn như thế này. Chẳng hạn, trong khách sạn, cô hầu phòng nói với khách là đã put clean shits trên giướng (cô ấy muốn nói là clean sheets). Hoặc pooped corn, thay vì popped corn. Nhưng chưa thấy pubic administration hay pubic policy em ạ. Cái này chắc là đặc sản VN!!!!!

    ReplyDelete
  3. Không biết cô có hay trao đổi với bác Tuấn không ạ? Em thấy một số bài viết của bác này hơi bị nguy hiểm vì có bộc lộ sự thiếu hiểu biết mà lại không cho người đọc để lại comment.
    Đã là người thì ai cũng thiếu hiểu biết, và em thì tất nhiên hiểu biết quá bé nhỏ so với bác ấy. Nhưng mà em rất chán bác ý vì bác ý không chịu thừa nhận các thiếu sót hay sự phiến diện của mình trước công chúng.
    Bài nhận xét đề thi Tiếng Anh của bác ấy, với vốn kiến thức và kĩ năng hạn chế của em, em thấy bác này đọc hiểu có vấn đề, không rành về phân tích diễn ngôn, ngữ pháp và từ vựng. Vì em cũng chẳng được giỏi lắm nên em không dám khẳng định, muốn hỏi cô xem cô có thấy thế không ạ. Theo em thì: Đánh dấu phẩy sau "Nowadays" là không cần thiết. Việc dùng các chữ "and", "also" hay là "imbalance" em nghĩ mãi cũng không thấy có vấn đề gì. Liên từ "and" không sai về logic, cần thiết để hai ý đó trong cùng câu vì chúng liên quan chặt chẽ với nhau (quan sát và có một góc nhìn nghiêm túc) cũng như là vì "serious" đối lập với "funny". Từ "also" ở đây phải hiểu là "thêm vào đó", chứ không phải là "cũng" ("thêm vào đó" hay là bên cạnh các mục đích chức năng như hầu hết các cartoon của phương Tây). "Imbalance" phải hiểu theo nghĩa khái quát hóa cao hơn, chứ không phải gắn nó một cách máy móc vào "trend" (một từ không xuất hiện mà bác này tự khái quát hóa lên vì có transfer ... from ...to, nhưng theo em là sự khái quát hóa chưa tới mức). Cụm "transfer of culture" đâu có sai. Và "the element of surprise..." cũng là đúng ngữ pháp. Em sẽ tìm hiểu thêm. Em viết ra đây vì thấy bức xúc quá. Hic hic. Nếu cô thấy không phải thì xóa đi hộ em với.

    Em đọc một số entry của cô có những bài cô có để link đến entry của bác Tuấn và có kèm theo là "không hoàn toàn đồng ý". Những lần như thế cô có gửi thư đến cho bác ý để nói về những điểm không đồng ý không?

    ReplyDelete
  4. Em xin nói rõ thêm là về các ý chung của bác ấy khi nhận xét về đề thi như ngôn ngữ chưa chuẩn, bài đọc đó có thiên vị Trung Quốc, có sự đạo văn thì em không phản đối gì.Em đang muốn nói ở đây là việc bác Tuấn không cho người đọc để lại ý kiến trên trang của mình trong khi những nội dung bác ấy viết thì có những điểm sai và hạn chế. Những điểm sai và hạn chế đó "được" đem đi trích dẫn ở khá nhiều nơi và "được" tin theo.

    ReplyDelete
  5. Hi Hà Thanh,
    Cám ơn mấy ý kiến của em. Cô cũng đồng ý là bác Tuấn có những chỗ ... chưa chuẩn khi nhận xét về ngôn ngữ. Tất nhiên câu hỏi sẽ là: "lấy gì làm chuẩn bây giờ đây?"

    Mấy chi tiết em nêu rất đáng bàn thêm trên khía cạnh English linguistics. Cô đang bận quá, nhưng nếu em kiên nhẫn chờ thì cô sẽ viết nhé. Cô thuộc loại viết chậm, nếu đó là ý kiến chuyên môn. Viết chơi chơi, opinion khơi khơi thì viết nhanh được, nhưng nói cái mà theo em là sẽ được trích dẫn đi khắp nơi thì cũng cần phải thận trọng em nhỉ.

    PA

    ReplyDelete
  6. Chị Thanh,

    Theo em hiểu thì chỗ Nowadays, bác Tuấn muốn nhắc đến stylistic consistency.

    "Có khi tác giả quên bỏ dấu phẩy, hay bỏ dấu không nhất quán. Chẳng hạn như trong câu “Until recently, the transfer of knowledge …” tác giả bỏ dấu phẩy đúng chỗ (sau cụm từ mang tính thời gian until recently), nhưng đến câu “Nowadays cartoons are often used to make short”, tác giả … quên bỏ dấu phẩu sau chữ nowadays! Một lỗi lầm khó chấp nhận, nhất là đây là một đề thi mang tính làm gương."

    Cũng như viết báo, thì người ta có style guide để thống nhất một cách viết nào đó, nhằm tránh việc khi viết thế này, khi viết thế khác (có thể không sai, nhưng sự không thống nhất thể hiện người viết thiếu chuyên nghiệp).

    Theo đó, nếu sau "Until recently" để dấu phẩy, thì sau Nowadays hay At present cũng cần để dấu phẩy để đảm bảo sự thống nhất trong văn phong. Còn nếu không để dấu phẩy thì cũng nên bỏ dấu phẩy sau "until recently", chẳng hạn:

    "Until recently the accepted treatment of choice for severe type-II fibular hemimelia has been Syme's or Boyd's amputation."
    web.jbjs.org.uk/cgi/reprint/80-B/5/772.pdf

    Tuy nhiên theo em thấy thì thường người ta vẫn chọn cách để dấu phẩy.

    SGK

    ReplyDelete
  7. Nói thêm, sự thiếu nhất quán này xảy ra khá thường xuyên, nhất là trong spelling. Em nghĩ, cùng một đề thi, người soạn đề không nên dùng hai hệ thống spelling khác nhau. Chẳng hạn đề Tú tài 2010, ở trên là apologised, ở dưới lại là Organization. (http://tailieu.vn/xem-tai-lieu/de-thi-tot-nghiep-thpt-mon-tieng-anh-nam-2010-ma-de-384.210374.html)
    Sự thống nhất về văn phong có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong báo chí, mà còn trong cách trình bày, biên soạn đề thi nữa.

    SGK

    ReplyDelete
  8. Quy định đặt ra là nếu mà một cụm trạng ngữ có trên 03 từ thì phải đánh dấu phẩy, còn nếu không thì là tùy chọn.
    (Có thể xem ở http://www.grammarbook.com/punctuation/commas.asp)
    Chị nghĩ việc tùy chọn là do người ta nhìn xem độ dài của cụm trạng ngữ đó có cần thiết phải để dấu phẩy để dễ đọc hơn không, chứ cũng không nhất thiết cứng nhắc phải theo một quy tắc kiểu như "đã đánh dấu phẩy với cụm trạng ngữ dưới 3 chữ thì cứ phải đánh mãi". Đấy là chị nghĩ thế. Cũng có thể em đúng.
    Chị không đồng ý với em về chuyện một đề thi buộc phải dùng một loại tiếng Anh cho thống nhất. Cái loại tiếng Anh dùng để làm lời chỉ dẫn thì sẽ cần phải theo một phong cách thống nhất. Tuy nhiên, tiếng Anh mà là input để làm thành các câu hỏi thì nên thể hiện nhiều dạng tiếng Anh khác nhau. Bây giờ người ta nói rất nhiều đến "Englishes". TOEFL hiện nay đang bị phê phán vì chỉ dùng thứ tiếng Anh Mỹ và các vấn đề liên quan đến nước Mỹ. Đấy là nói đến chuyện ra đề. Còn chuyện làm bài thi, hồi chị đi thi IELTS có một bạn hỏi một examiner được British Council mời đến để trả lời các thắc mắc là có cần phải thống nhất dùng Anh Anh hay Anh Mỹ trong cùng một bài viết hay không. Bác examiner nói rằng dùng lẫn lộn cũng chẳng làm sao cả.
    Đề thi tốt nghiệp hay đề thi đại học thì cần theo tiếng Anh của những người bản ngữ, nhưng nhân đây chị cũng muốn nói về vấn đề "ownership". Tiếng Anh bây giờ không còn là của riêng những người "bản ngữ" nữa mà đã trở thành một thứ tài sản chung của quốc tế. Người ta nói rất nhiều thứ tiếng Anh khác nhau và cần phải làm học sinh/sinh viên ý thức được điều này cũng như có khả năng xử lý nhiều loại tiếng Anh khác nhau. Trong khi đó Bộ Giáo Dục nhà mình thì vẫn cứ lạc hậu (chị cho rằng như vậy), mục tiêu đặt ra thì chỉ là nhắm vào ngôn ngữ và văn hóa của người bản ngữ (native speakers).

    ReplyDelete
  9. Hà Thanh và SGK,

    Cô nghĩ, có lẽ chúng ta không nên sa vào tranh cãi từng chi tiết tỉ mỉ như các em đang làm. Điều quan trọng nhất, như Hà Thanh đã nói trong một comment ở trên, là (1) bài đọc này lấy từ một nguồn không chuẩn lắm, như vậy là không nên; nếu có ai cho rằng thực ra trang mạng kia cũng chỉ là chép lại, còn nguồn gốc thực của nó là nghiêm chỉnh, thì nên đưa ra chứng cứ để phản bác; (2) bản thân các bài đọc nói trên cũng không phải là những bài viết tốt nhất, không gây tranh cãi ở điểm này điểm khác.

    Còn nếu Hà Thanh nói việc chọn các bài đã chọn là vì mục đích của các bài đó có thể là, ví dụ, test non-standard English, thì điều đó đã được nêu ra cho thí sinh và các giáo viên biết chưa? IELTS, ví dụ thế, nêu rõ điều này trong manual của nó, để mọi người biết mà chuẩn bị.

    Cô nghĩ những ý kiến phản biện Hà Thanh nêu ra, just for the sake of argument, thì tốt, nhưng một đề thi thì phải chuẩn mực, và minh bạch hơn thế này. Chứ không phải chỗ nào bị chê thì mới đưa ra lý lẽ để chống chế, Hà Thanh ạ!

    PA

    ReplyDelete
  10. Em đang nói chuyện là có những thứ kiến thức tuy là nhỏ nhặt nhưng một người trí thức cũng cần phải xem xét lại chứ không phải là cứ "phán như là đúng rồi". Thực chất là em đang nói đến phẩm chất của người trí thức, chứ không phải chuyện ra đề thi.
    Chuyện em nhắc đến non-standard English là vì nó có liên quan một cách gián tiếp, chứ em không hề có ý định bàn đến chuyện dùng non-standard English trong đề thi.

    ReplyDelete
  11. Hà Thanh,

    Thực chất là em đang nói đến phẩm chất của người trí thức, chứ không phải chuyện ra đề thi.

    Chà chà, việc có vẻ trầm trọng rồi đây. Cô chưa hiểu lắm. Em có thể nói rõ hơn cho cô được không?

    Có lẽ cô cũng cần làm rõ: Sở dĩ cô nói không nên sa vào chi tiết, là vì cô thấy ngơời nào ở đây nói cũng có lý. Mà ai cũng có lý, thì cuối cùng mọi việc thành ... huề, không phân xử được. Trong khi ta đang có một debate tranh cãi, ai đúng ai sai, do bác Tuấn nhà ta nêu lên.

    Thái độ của cô cho đến nay, mà cô hy vọng đã làm rõ trong bài viết gửi TN, đó là thừa nhận những gì chưa tốt về phía mình (mình = Việt Nam, trong đó có cả chúng ta, cả cô nữa) để cải thiện, và cám ơn bác Tuấn vì bác ấy đã chỉ ra. Chứ không phản ứng lại vì tự ái. Mặc dù có thể bác ấy có những chi tiết chưa hoàn toàn đúng.

    Về việc này, cô đã nói sẽ viết thêm, để chứng minh bác Tuấn cũng chưa chính xác. Nhưng để có thể phân định được ai đúng ai sai, thì sẽ cần nhiều hơn là chỉ nói "I think", "I believe", "I prefer", em có đồng ý không?

    Hình như người VN mình quá emotional trong các tranh luận em nhỉ? Cả bác Tuấn, cả cô, và cả em nữa, phải không?

    PA

    ReplyDelete
  12. Đúng như cô nói là cứ "I think", "I believe", "I prefer" thì không xác định đúng sai được. Em mới bắt đầu thảo luận thì em cũng chỉ dám thế thôi. "Em nghĩ" - đó là một cụm từ em dùng với ý nghĩa "hedging" (rào đón) nhằm giảm độ mạnh của khẳng định khi mình chưa có các bằng chứng đầy đủ, hoặc khi mình nghĩ rằng có những ý kiến khác có sức mạnh song song mà mình chưa đánh giá được, chứ không phải nhằm khẳng định cái tôi của mình và cho nó là chuẩn.
    Như em đã trình bày, ban đầu em comment vào entry này của cô là vì em khá bức xúc về các biểu hiện của bác Tuấn trên trang của bác ấy. Em hiểu là bác này có thiện chí tốt, mong muốn truyền bá tri thức, lôi kéo sự quan tâm của mọi người đến những vấn đề quan trọng của đất nước và giới trí thức. Tuy nhiên, cách bác ấy thể hiện làm em nghi ngờ về sự thiếu hụt một phẩm chất đặc biệt quan trọng của trí thức, đó là "intellectual humility".
    Một là bác Tuấn hay viết theo kiểu "God's voice", phán xét nhiều vấn đề với vẻ rất chắc chắn như là cách nghĩ của bác ấy là cách duy nhất đúng đắn.
    Hai là bác Tuấn không cho người đọc để lại comment, muốn nói nhưng tinh thần lắng nghe lại chưa tốt và chưa có nỗ lực tạo điều kiện cho người đọc có khả năng tiếp cận với các ý kiến trái chiều.
    Nếu viết theo kiểu "God's voice" và không để chế độ comment thì nội dung phải chọn lọc, cẩn trọng, phải là những cái có sự chắc chắn cao về tính đúng đắn. Tuy nhiên, bác Tuấn lại viết rất nhiều, về rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Với các nội dung mà em cho rằng đáng lẽ phải để ở dạng mở thì bác ấy lại phán quyết. Bài bác ấy nhận xét lỗi sai của đề thi đại học tiếng Anh vừa rồi với cái giọng điệu "prescriptive" rất "thánh tướng" (em tạm dịch "God's voice" ra tiếng Việt như vậy), em thấy thiếu khiêm tốn. Những điều bác ấy viết ra không phải là cái rõ ràng là đúng, nhưng bác ấy khẳng định rất mạnh mẽ, cứ như thể mình là người sáng tạo ra tiếng Anh.

    ReplyDelete
  13. Vừa rồi, bác Tuấn lại có thêm mấy bài viết về tiếng Anh nữa. Bài "Sử dụng 'we' trong 'văn chương khoa học'" có một đoạn thế này: "Thông thường cách viết với chủ từ “I” hay “We” trong khoa học tùy thuộc vào vị trí của tác giả trong khoa học. Nếu người viết là một người rất nổi tiếng viết “I think” thì chắc chẳng ai đặt vấn đề hay thấy khó chịu, nhưng nếu người viết là một nghiên cứu sinh mà viết như thế thì chắc chắn sẽ làm người đọc khó chịu. Tuy nhiên, làm sao biết mình nổi tiếng hay không, và lấy gì để đo lường cái gọi là “nổi tiếng”? Do đó, qui ước bất thành văn trong khoa học là dùng thể thụ đồng hay impersonal khi viết văn khoa học. "
    Em không có đủ sức để giải thích việc chọn chủ ngữ trong văn phong khoa học theo những người có kiến thức chuyên môn là dựa trên các yếu tố nào tại đây. (Theo kinh nghiệm cá nhân của em thì để hiểu nên chọn chủ ngữ như thế nào thì bạn đọc có thể google để đọc về đề-thuyết (theme-rheme) trong ngữ pháp chức năng và bài báo của Hylands về "Options of identity in academic writing"). Đoạn đấy "buồn cười" quá nên em mạo muội trích ra đây để có một ví dụ về sự lập luận ẩu của bác Tuấn thể hiện thành "God's voice". Bác ấy viết rất chắc chắn như một thứ kiến thức phổ thông, không hề có hedging expression là "I think" hay "Tôi suy đoán là". May mà đến cuối bác ấy có đề xuất mấy lời khuyên thì có tự nhận là của cá nhân đưa ra.

    Em tự thấy mình kiến thức về ngôn ngữ không phải là ở trình độ của chuyên gia và những điều em viết ra là với tư cách của một "small potato", nên chắc chắn em sẽ vẫn tiếp tục nói là "I think". Em chỉ đang "nói chuyện" thôi, em không dám "tranh luận".
    Em cho rằng những độc giả bình dân như em vẫn có thể tham gia vào theo sức và cách của mình, nên em vẫn chứ mạnh dạn bàn luận các vấn đề. Mong là blog của cô cho phép em được được "cá nhân" và được "chưa biết", chứ không thì em cũng không dám comment nữa.
    Trong thư trả lời em về việc tại sao bác ấy không để chế độ comment, bác Tuấn cho rằng comment của nhiều người bình thường chỉ như nhổ bãi bọt.

    ReplyDelete
  14. Hi Hà Thanh,

    Trong thư trả lời em về việc tại sao bác ấy không để chế độ comment, bác Tuấn cho rằng comment của nhiều người bình thường chỉ như nhổ bãi bọt.

    Chà chà, nếu quả thật bác ấy nói như thế thì gay quá Hà Thanh ạ! Nếu thế, cô bắt đầu hiểu sự "bức xúc" của em, và phản ứng của em về "nhân cách trí thức" (cô quên mất từ em đã dùng rồi, đại khái như thế).

    Em có theo dõi những tranh luận, phản hồi của Thầy Hạnh (ĐHQG Hà Nội) trên báo về đề thi năm nay không? Và em nghĩ gì? Cô thực sự muốn biết ý kiến của em đấy. Nếu em thấy ngại không nêu công khai được thì có thể gửi mail cho cô. vtpanh@gmail.com.

    Cô chờ phản hồi của em nhé, vì cô đang viết bài để nói thêm về vụ "scandal đề thi" này.

    PA

    ReplyDelete
  15. Chào cô PA và chị Thanh

    Nếu chị Thanh muốn comment về phát biểu của thầy Hạnh không biết có thể CC cho em không? :)

    Em có chút thắc mắc về ý của bác Tuấn. Không biết ý bác là comment của người bình thường không có giá trị (như bãi nước bọt) hay là nhiều người không có trách nhiệm khi comment (giống như nhổ bãi nước bọt bên đường rồi đi, nên không phải suy nghĩ nhiều, đôi khi chỉ chửi đổng)?

    Lí do là vì đọc thông tin chị Thanh đưa, em nhớ tới một câu trả lời phỏng vấn của thầy Trần Hữu Dũng:

    "Sao ông không cho đăng mục ý kiến ngắn như nhiều web làm?

    Tôi không thích những comment, giống như “người tức giận chạy xe qua quăng lựu đạn rồi chạy mất”. Ngay cả nhiều trang hải ngoại nghiêm túc để cho độc giả phê bình, tôi thấy như có người đi ngang qua chửi, cười hà hà, bất công với tác giả."

    http://www.viet-studies.info/THDung/NguyenThiNgocHai_THD.htm

    Em muốn hỏi lại cho rõ, vì hai cách hiểu sẽ dẫn đến hai cách nhìn nhận vấn đề tương đối khác nhau.

    SGK

    ReplyDelete
  16. Gửi cô Phương Anh và SGK: Thật ra em đã sai khi nói về thư trả lời riêng của bác Tuấn cho em mà không xin phép bác ý. Em cũng chẳng biết sửa sai thế nào. Em chỉ biết nhận thôi, và trích nguyên văn như thế này: "Tôi không để comment vì tôi nghĩ nhiều người comment như là người qua đường nhổ toẹt xuống đất rồi lại đi, và điều đó không công bằng với người viết. Vả lại, tôi cũng không có thì giờ trả lời mấy comments được."

    ReplyDelete
  17. Chào bạn Hà Thanh,
    Tôi chỉ là khách qua đường, lần đầu đến blog cô Phương Anh. Đọc bài này rồi những comments của bạn tôi thấy bạn không nên đem chuyện blog của thầy Tuấn vào đây. Ít nhiều gì bạn cũng đã tự thấy mình sai lầm trong việc này. Nên stop!
    Còn về việc 1 chủ nhân blog mở hay đóng comments thì có nhiều lý do. Mỗi người 1 kiểu, 1 hoàn cảnh, thời lượng dành chăm sóc cái blog cũng khác nhau... Từ đó họ có quyết định riêng. Bạn nên tôn trọng quyền của chủ nhà, không nên nhìn nhận việc khóa comment là 1 hành vi mang tính tiêu cực.
    Có thể do thói quen khi duyệt blog, bạn gặp vấn đề bức xúc trong bài viết chủ nhân bạn làm liền 1 cái comment. Vâng, tiện thật đấy. Khi đã thành thói quen rồi, giờ bảo bạn email, chờ vài hôm để được trả lời hoặc có khi chủ nhân bận quá không trả lời v.v... làm bạn cảm thấy bất tiện. Nên nhìn vấn đề đơn giản ở mức đó chứ đừng nâng lên cấp "tư cách trí thức", đao to búa lớn quá!
    Và thêm 1 hiệu ứng blog thường thấy nữa là, nhiều người thích comment vì comment là cách trưng bày ý kiến (thường là phản đối) của mình ra công chúng, chứ liên lạc với tác giả đố mà biết nó sẽ đi đâu, có ai mà đọc. Ý này tôi không nói bạn, nó chỉ là nhận xét của tôi thôi vì tôi có quan tâm đến vấn đề ảnh hưởng xã hội của internet.
    Vài góp ý.
    8cau

    ReplyDelete